Đại cương
Là một biện pháp lọc máu mà huyết tương sau khi được tách ra qua màng lọc thứ nhất được đi qua màng lọc thứ hai với kích cỡ lỗ nhỏ, các protein có trọng lượng phân tử cao sẽ bị giữ lại, các chất có trọng lượng phân tử thấp bao gồm cả albumin sẽ đi qua và quay trở về người bệnh, trong một vài trường hợp có thể bù lại một phần nhỏ albumin bị mất trong quá trình lọc.
Lọc huyết tương theo phương pháp này có chọn lọc, tùy thuộc vào từng bệnh lý và mục đích điều trị mà lựa chọn quả lọc có kích cỡ lỗ màng tương ứng.
Chỉ định
Được dùng để loại bỏ các chất có hại trong huyết tương như các phức hợp miễn dịch trong hội chứng Guillain-Barré, nhược cơ, các bệnh hệ thống như lupus ban đỏ hệ thống…
Loại bỏ các chất có trọng lượng phân tử cao như LDL-Cholesterol trong huyết tương ở các bệnh rối loạn lipid máu …
Suy gan cấp.
Trong các bệnh bất đồng nhóm máu mẹ con, tắc mạch do xơ cứng động mạch, trước và sau ghép thận…
Chống chỉ định
Rối loạn đông máu nặng.
Chuẩn bị
Người thực hiện
Bác sĩ chuyên khoa: 01
Điều dưỡng chuyên khoa: 01
Kỹ thuật viên chuyên khoa: 01
Phương tiện
Hệ thống máy lọc – thay huyết tương: 01
Catheter 2 nòng để lọc máu: 01 cái
Quả lọc huyết tương (màng lọc) 1: 01
Quả lọc huyết tương (màng lọc ) 2: 01
Bộ dây lọc máu tương thích với máy và 2 quả lọc: 01 bộ
Phin lọc khí: 04 cái
Bơm kim tiêm 10ml: 02 cái
Bơm kim tiêm 20ml: 02 cái
Găng vô trùng: 04 đôi
Albumin 20%: tùy theo mức độ thiếu hụt của người bệnh.
Nước muối sinh lý (%o) 1000ml: 03 chai
Thuốc chống đông heparin 25000 UI: 01 lọ
Gạc vô trùng: 02 gói
Túi nhựa thải huyết tương: 02 túi
Người bệnh
Người bệnh và người nhà người bệnh được giải thích rõ về phương pháp điều trị.
Ký cam kết trước làm thủ thuật
Hồ sơ bệnh án
Hồ sơ bệnh án đầy đủ thủ tục hành chính.
Đủ xét nghiệm cần thiết trước khi tiến hành: công thức máu, chức năng gan thận, điện giải đồ Na, K, Cl, Ca, đông máu cơ bản, các xét nghiệm miễn dịch tùy theo yêu cầu của bệnh.
Các bước tiến hành
Kiểm tra hồ sơ
Đủ các nội dung theo yêu cầu.
Kiểm tra người bệnh
Khám lâm sàng chung, mạch, HA, nhịp thở, nhiệt độ, số lượng nước tiểu.
Thực hiện kỹ thuật
Đặt catheter lọc máu vào TM bẹn hoặc cảnh (có thể đặt trước).
Chuẩn bị máy- test.
Lắp bộ lọc và rửa hệ thống dây quả bằng dung dịch NaCl 9% có pha Heparin dự phòng tắc quả lọc.
Chuẩn bị albumin 20 % để bổ sung. Số lượng tùy thuộc vào cân nặng từng người bệnh, trung bình 2000ml.
Tiến hành lọc huyết tương theo lập trình trên máy. Đặt chế độ lọc.
Theo dõi
Theo dõi tình trạng chung của người bệnh, mạch, HA, nhiệt độ, nhịp thở, tình trạng chảy máu…
Theo dõi số lượng, màu sắc huyết tương được lọc ra.
Tai biến và xử trí
Tai biến có thể gặp: dị ứng màng lọc, tắc màng lọc, rách màng lọc, chảy máu, nhiễm trùng, tắc mạch…
Xử trí tùy vào từng trường hợp cụ thể có biện pháp xử trí phù hợp.
Tài liệu tham khảo
Liu et al. (2011) Successful treatment of patients with systemic lupus erythematosus complicated with autoimmune thyroid disease using double- filtration plasmaphersis: a retrospective study. . J clin Aphen. 26: 174 – 80,
Klingel et al. (2004) Lipidfiltration- safe and effective methodology to perform lipid – apheresis. Transfusion and Apheresis science, 30: 245 – 254,
Higgins R. et al. (2010) Double filtration plasmapheresis in antibody- incompatible kidney transplantation . Ther Apher Dial Aug 1, 14 (4)392-399