Bệnh học chấn thương thận
Giải phẫu thận
Thận là một tạng đặc nằm sau phúc mạc, trong ổ thận kín, thận chứa đầy máu, mô thận bở và dễ vỡ. Phía sau thận là xương sườn số 11, 12 và thành bụng sau. Phía trên là cơ hoành, cực trên của 2 thận tiếp xúc với tuyến thượng thận, cực trên thận phải tiếp xúc với gan, cực trên của thận trái tiếp xúc với lá lách. Phía trước qua phúc mạc tiếp xúc với các tạng bên trong ổ bụng. Phía dưới thận là phúc mạc rất dễ bóc tách khỏi thành bụng nên máu tụ thường có thể tách ra phát triển và lan xuống hố chậu. Phía trong phúc mạc dính vào cột sống nên khối máu tụ không lan đến thận bên đối diện. Chung quanh thận có lớp mỡ Gérota, đây là lớp đệm có tác dụng bảo vệ thận ít di động và ít chấn thương.
Chấn thương thận kín
Định nghĩa
Là chấn thương thận nhưng không thủng qua thành bụng hay qua thành lưng.
Cơ chế sinh bệnh
Chấn thương trực tiếp: chấn thương vào vùng hông lưng do đụng giập làm cho thận đẩy mạnh vào cột sống và xương sườn số 11, 12, thường thì có gãy xương sườn và thận bị rạn nứt, trong trường hợp nặng có thể thận bị giập nát.
Chấn thương gián tiếp: người bệnh ngã từ trên cao bị sức nặng của chính bản thân thận, đó chính là áp lực máu và nước tiểu bên trong thận, làm cho thận bị tổn thương.
Giải phẫu bệnh
Thương tổn ở thận có 3 trường hợp: vỏ bọc thận còn nguyên vẹn, vỏ bọc thận bị nứt cùng chủ mô thận, thận bị tách khỏi cuống thận.
Khối máu tụ quanh thận: do đặc điểm giải phẫu nên sau chấn thương khối máu tụ có thể tự cầm máu nếu các mạch máu thận không bị đứt, khối máu tụ này có thể chứa đựng được trên dưới 1 lít máu.
Các tổn thương kèm theo: tổn thương gan, thận, lá lách, gãy xương sườn.
Sinh lý bệnh
Vết nứt thận: thận sẽ tự hàn gắn bằng mô sẹo hay mô liên kết, chủ mô thận còn lại tăng sinh để bù trừ vào chức năng của mô bị thương tổn, do đó chủ yếu là điều trị bảo tồn.
Khối máu tụ quanh thận có thể tự tan dần, biến thành mô xơ. Quá trình diễn tiến của khối máu tụ như sau: giai đoạn đầu khối máu tụ tổ chức còn lỏng lẻo nên sự cầm máu chưa được vững chắc. 7 – 15 ngày sau thì khối máu tụ được tổ chức hoá và vững chắc hơn và đến sau ngày thứ 15 khối máu tụ biến thành mô xơ bám chắc vào thận và các mô lân cận.
Khối máu tụ bị nhiễm trùng.
Triệu chứng lâm sàng
Thăm khám sẽ thấy:
Tiểu ra máu: máu đỏ đều 3 ly, trong trường hợp nặng có máu cục đọng trong bàng quang gây ra tiểu khó.
Đau: hố thắt lưng đầy và đau, đau lan dần ra xa chỗ chấn thương, đau là do sự hình thành của khối máu
tụ quanh thận. Phản ứng thành bụng ở nửa bụng bên bị chấn thương, bụng chướng hơi. Sau vài ngày bụng bớt chướng khi thăm khám có thể sờ thấy khối máu tụ mềm và đau.
Triệu chứng toàn thân: nếu mất máu nhiều người bệnh rơi vào những cơn choáng, mạch nhanh, huyết áp giảm, da niêm xanh tái. Bác sĩ khám để phát hiện các chấn thương khác kèm theo như vỡ gan, vỡ lá lách…
Vết thương thận
Nguyên nhân
Vết thương do đâm thường là vết thương thận đơn thuần.
Vết thương do hoả khí hay đạn thường có thương tổn phủ tạng.
Giải phẫu bệnh
Thương tổn phần mềm. Thương tổn ở thận.
Khối máu tụ quanh thận: nếu vật sát thương nhỏ, vết thương phần mềm có thể khép kín nên có thể hình thành được ổ máu tụ quanh thận giúp thận cầm máu có hiệu quả. Trong trường hợp vật sát thương lớn, máu tụ thông với bên ngoài sẽ gây ra chảy máu kéo dài. Khối máu tụ có thể bị nhiễm trùng do vật sát thương, do thông với bên ngoài nên có nguy cơ nhiễm trùng cao.
Lâm sàng
Triệu chứng toàn thân: thường người bệnh rơi vào những cơn choáng do mất máu.
Thăm khám: đặt thông tiểu xem nước tiểu đỏ nhiều hay ít. Khám xét vết thương cần đánh giá số lượng vết thương, lỗ vào và lỗ ra, nước tiểu có rỉ ra vết thương không. Khám bụng xem phản ứng thành bụng. Khám đáy phổi xem có tràn khí hay tràn máu màng phổi. Theo dõi khối lượng nước tiểu mỗi giờ để phát hiện tình trạng thận còn hoạt động hay không.
Quy trình chăm sóc người bệnh chấn thương thận
Nhận định tình trạng người bệnh chấn thương thận
Hỏi bệnh: hỏi về cơ chế chấn thương, thời gian, phương pháp xử trí ban đầu.
Chẩn đoán và can thiệp điều dưỡng
Điều trị bảo tồn
Chăm sóc trong trường hợp chấn thương nhẹ:
Người bệnh cần bất động để phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng chảy máu tiếp tục sau chấn thương, thời gian bất động là 10 ngày. Người bệnh nằm yên tại chỗ, vận động tay chân nhẹ nhàng tại giường, tránh mọi hoạt động gắng sức.
Trong thời gian này người bệnh có nguy cơ tắc mạch chi do bất động. Điều dưỡng cần theo dõi sát nhiệt độ và cảm giác chi, mạch chi, tình trạng phù nề của chi (nhất là chi dưới) và nhất là ở người bệnh già, người bệnh béo phì, người bệnh tiểu đường, người bệnh hút thuốc lá. Cần cho người bệnh tập gồng cơ nhẹ nhàng trên giường.
Ngoài ra, người bệnh có nguy cơ chảy máu tái phát, điều dưỡng cần theo dõi dấu hiệu bầm máu vùng hông lưng; nếu lan quá vùng rốn thì nên báo cáo ngay với bác sĩ. Duy trì đường truyền thông, sử dụng kim luồn, đường truyền gần tim. Theo dõi màu sắc nước tiểu, nếu nước tiểu nhạt dần là tốt. Theo dõi dấu chứng sinh tồn thường xuyên hay 3 lần/ngày. Theo dõi xét nghiệm về chức năng thận, Hct, hồng cầu. Luôn đánh giá tình trạng bụng có chướng không? Hướng lan của khối máu tụ hố thắt lưng, đau vùng bụng, vùng hông lưng.
Thực hiện thuốc giảm đau, giúp người bệnh nằm yên, tránh nguy cơ chảy máu do vật vã, bứt rứt. Thực hiện truyền máu theo y lệnh để giúp bù lại lượng máu đã mất.
Trong thời gian này người bệnh tránh gắng sức cho đến ngày thứ 8 – 9 sau chấn thương. Điều dưỡng cần cho người bệnh ăn thức ăn có tính chất nhuận tràng, uống nhiều nước để tránh táo bón. Nếu người bệnh có ho nên báo với bác sĩ và thực hiện thuốc giảm ho ngay. Trong thời gian nằm bất động cần hướng dẫn người bệnh cách thở, giữ ấm, tránh biến chứng ứ đọng đờm nhớt hay viêm phổi.
Người bệnh có nguy cơ nhiễm trùng do chấn thương thận
Thực hiện thuốc kháng sinh, tiêm thuốc đúng liều, đúng giờ, đúng đường tiêm, áp dụng kỹ thuật vô khuẩn trong chăm sóc người bệnh, theo dõi nhiệt độ mỗi ngày. Theo dõi đau vùng bụng, dấu hiệu khối máu tụ lan ở thành bụng. Cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc thực hiện vô khuẩn khi chăm sóc người bệnh, môi trường an toàn cho người bệnh.
Người bệnh lo lắng về vấn đề dinh dưỡng khi bất động
Người bệnh ăn uống bình thường, ăn thức ăn dễ tiêu, ăn nhiều lần, thức ăn nhuận tràng để tránh người bệnh rặn do táo bón có nguy cơ chảy máu. Khuyên người bệnh nhai kỹ, khuyến khích người bệnh uống nhiều nước. Ăn thức ăn nhiều chất dinh dưỡng, vitamin, protein. Trong thời gian nằm bất động nên cho người bệnh ăn ở tư thế nằm đầu cao, ăn ít, ăn nhiều lần trong ngày.
Chăm sóc người bệnh chấn thương nặng:
có 2 trường hợp
Người bệnh mổ cấp cứu do tình trạng chảy máu thận
Khi có tổn thương kèm theo các cơ quan khác, choáng nặng. Truyền 500ml máu mà huyết áp không lên, hay lên rồi xuống lại. Khối máu tụ quanh thận lớn dần lan đến đường ngang rốn. Điều dưỡng chuẩn bị cho người bệnh phẫu thuật cấp cứu. Thực hiện truyền máu, truyền dịch, xét nghiệm kiểm tra chức năng thận đối diện, chuẩn bị người bệnh thực hiện xét nghiệm UIV, siêu âm.
Di chuyển người bệnh nhẹ nhàng, theo dõi Hct, huyết áp, mạch, da niêm, áp lực tĩnh mạch trung ương, tri giác.
Phòng chống choáng tích cực: giữ ấm người bệnh, thực hiện công tác tư tưởng cho người bệnh an tâm.
Đặt ống thông tiểu liên tục: theo dõi sát màu sắc, số lượng nước tiểu và giúp đánh giá tình trạng nước xuất nhập, theo dõi chảy máu và giúp đánh giá chức năng hoạt động bài tiết nước tiểu của thận.
Theo dõi dấu hiệu xuất huyết qua hướng lan của khối máu tụ, phản ứng nửa bụng bên chấn thương. Nếu Hct nhỏ hơn 20%, điều dưỡng thực hiện y lệnh truyền máu cho người bệnh.
Người bệnh chuẩn bị mổ từ 7 – 14 ngày sau chấn thương khi ngưng chảy máu
Nếu người bệnh có khối máu tụ không lan quá đường ngang rốn, nước tiểu đỏ nhưng không có máu cục, truyền 500ml máu mà huyết áp không dao động thì tình trạng người bệnh ổn định.
Người bệnh được điều trị bảo tồn và sau thời gian 7 – 14 ngày thì chuẩn bị phẫu thuật cho người bệnh.
Điều dưỡng chuẩn bị người bệnh trước mổ như trong bài “Chăm sóc người bệnh trước mổ”.
Quy trình chăm sóc người bệnh sau mổ do chấn thương thận
Nhận định tình trạng người bệnh sau mổ
Dấu hiệu choáng: mạch nhanh, huyết áp giảm, tri giác giảm…
Tình trạng chảy máu: dẫn lưu có máu, máu tụ vùng bụng, nước tiểu đỏ, dấu chứng sinh tồn không ổn định, Hct giảm.
Tình trạng thông khí: thiếu oxy, khó thở, không dám thở do đau vết mổ.
Dấu hiệu tắc mạch chi do bất động, do đau.
Dinh dưỡng: cân nặng, số calor cung cấp trong ngày cho người bệnh. Tình trạng phù chi do bất động hay do tình trạng suy thận.
Nước tiểu: màu sắc, số lượng.
Xét nghiệm xem chức năng thận có hoạt động không.
Vết mổ vùng hông lưng, tình trạng thấm dịch, máu, đau vết mổ. Dẫn lưu hố thận: tình trạng chảy máu, nước tiểu thấm băng.
Tình trạng nước xuất nhập.
Chẩn đoán và can thiệp điều dưỡng
Người bệnh khó thở do đau, do tư thế sau mổ
Người bệnh mê cho nằm đầu bằng, mặt nghiêng một bên, nếu người bệnh tỉnh cho người bệnh nằm ở tư thế Fowler, nghiêng về phía dẫn lưu.
Đánh giá mức độ đau, tìm tư thế giảm đau cho người bệnh. Thực hiện thuốc giảm đau và hướng dẫn người bệnh cách thở.
Theo dõi tình trạng thiếu oxy, kiểu thở, dấu khó thở, liệu pháp oxy nếu cần. Phát hiện sớm tình trạng thiếu oxy của người bệnh.
Người bệnh có nguy cơ chảy máu sau mổ
Theo dõi sát dấu chứng sinh tồn trong 24 giờ đầu sau mổ. Cần lưu ý, mạch và huyết áp.
Theo dõi sát nước tiểu về số lượng, màu sắc qua dẫn lưu bàng quang ra da hay qua dẫn lưu niệu đạo phải được câu nối vô trùng. Nếu thấy nước tiểu màu đỏ với số lượng quá nhiều thì điều dưỡng nên báo lại cho bác sĩ.
Theo dõi tình trạng bụng người bệnh như chướng hơi, dấu máu tụ lan nhanh quá rốn, đau tăng hơn nên báo cho bác sĩ.
Theo dõi dẫn lưu về màu sắc, tính chất, số lượng dịch. Câu nối dẫn lưu xuống thấp khoảng 60cm, hút dẫn lưu ngắt quãng theo y lệnh.
Để tránh nguy cơ chảy máu sau mổ điều dưỡng cần di chuyển, xoay trở người bệnh nhẹ nhàng. Thực hiện thuốc giảm đau giúp người bệnh bớt vật vã. Theo dõi Hct, hồng cầu, mạch và huyết áp.
Nguy cơ hoạt động ống dẫn lưu không đạt hiệu quả sau mổ thận
Dẫn lưu hố thận
Chỉ ra ít máu nhưng không ra nước tiểu, thường rút sớm từ 24 – 48 giờ sau mổ (tuỳ phẫu thuật viên).
Điều dưỡng theo dõi màu sắc, số lượng dịch dẫn lưu. Bảo đảm hệ thống vô trùng.
Dẫn lưu bể thận
Nếu thấy máu cục hay máu tươi ra khoảng 200ml/ngày thì nên báo lại với bác sĩ. Theo dõi sát dấu chứng sinh tồn, da, niêm mạc, tri giác người bệnh. Thường dẫn lưu này sẽ ra nước tiểu. Chăm sóc mỗi ngày, thay băng vô trùng hệ thống dẫn lưu, theo dõi sát nước tiểu ở cả dẫn lưu niệu khác và dẫn lưu niệu đạo. Cho người bệnh uống nhiều nước. Dẫn lưu bể thận được rút tuỳ theo mục đích giải phẫu, tình trạng người bệnh.
Nếu chỉ để theo dõi khâu buộc mạch máu hay chảy máu thứ phát thì mục đích của dẫn lưu có tính chất phòng ngừa. Vì thế khi dẫn lưu ra nước tiểu tốt, không có máu thì thường rút sớm theo y lệnh bác sĩ. Nếu để dẫn lưu làm nòng thì dẫn lưu này phải để sau 3 tuần.
Dẫn lưu bàng quang
Chăm sóc mỗi ngày, theo dõi xì nước tiểu, chăm sóc da ngừa rôm lở. Nếu thấy máu cục hay máu đỏ tươi thì nên báo cho bác sĩ. Điều dưỡng không được cột ống dẫn lưu mà nên câu nối xuống thấp, nếu không thì nước tiểu sẽ xì lên trên bụng. Thường rút sớm sau 3 ngày nếu nước tiểu ra trong. Trước khi rút cần đặt thông tiểu để tránh nước tiểu tràn lên vết thương dẫn lưu đã rút.
Người bệnh suy kiệt sau mổ
Dinh dưỡng: cho ăn thức ăn dễ tiêu, uống nhiều nước, bảo đảm đủ dinh dưỡng, ăn nhiều lần tránh ăn quá no, chướng bụng làm người bệnh khó thở, khó chịu. Thức ăn phải nhuận tràng để tránh người bệnh rặn do táo bón có thể gây chảy máu. Thực hiện truyền dịch hỗ trợ nếu có y lệnh. Theo dõi cân nặng cho người bệnh. Người bệnh cần cân hằng ngày. Tránh ăn thức ăn quá mặn.
Người bệnh tổn thương da do vết mổ và lỗ dẫn lưu
Thay băng khi thấm ướt, chăm sóc dẫn lưu mỗi ngày. Nếu tình trạng người bệnh phù cần chăm sóc da tránh tổn thương da người bệnh phù. Chân dẫn lưu phải luôn khô sạch. Theo dõi xì dò sau khi rút dẫn lưu.
Nguy cơ chảy máu thứ phát do vận động nặng khi xuất viện
Giáo dục người bệnh tránh làm việc nặng trong 3 tháng đầu sau mổ. Theo dõi kiểm tra huyết áp thường xuyên, theo dõi tiểu ra máu không. Kiểm tra thận định kỳ qua siêu âm. Tái khám theo lời dặn của bác sĩ. Tránh để người bệnh bị táo bón.
Bệnh học chấn thương niệu đạo
Vỡ niệu đạo trước
Giải phẫu bệnh
Do chấn thương từ bên trong
Do đặt ống thông như thông beniqué, thông niệu đạo lạc đường, do ống thông cứng trong máy nội soi bàng quang, do sử dụng ống thông to hơn đường kính niệu đạo, do cố định niệu đạo không đúng nhất là ở nam giới, do đặt thông tiểu lâu ngày.
Do chấn thương từ bên ngoài
Do người bệnh ngã ngã ngồi trên vật cứng, hai chân xoạc ra. Trường hợp giập phần bên trong như do đặt ống thông lạc đường làm cho niêm mạc niệu đạo hay một phần vật xốp tổn thương thì người bệnh thấy có ra máu niệu đạo nhưng không có máu tụ ở tầng sinh môn. Nếu giập ở phần xốp mà niêm mạc còn nguyên vẹn thì sẽ thấy khối máu tụ nhưng không thấy máu ở niệu đạo. Trong trường hợp giập toàn bộ niệu đạo thì sẽ thấy máu chảy ra ở niệu đạo và mảng máu tụ ở tầng sinh môn.
Lâm sàng
Trong trường hợp người bệnh ngã ngồi trên vật cứng, người bệnh sẽ thấy đau chói ở tầng sinh môn đồng thời có máu ra ở lỗ sáo, bí tiểu, ở tầng sinh môn có mảng máu tụ hình cánh bướm. Nếu nặng hơn khối máu tụ lan đến bìu làm bìu sưng to và bầm tím.
Diễn tiến
Nếu không dẫn lưu bàng quang kịp thời, nước tiểu sẽ chảy xuống chỗ máu tụ gây ra nhiễm trùng rất nặng. Tất cả chấn thương niệu đạo đều đưa đến hẹp niệu đạo sau một thời gian.
Vỡ niệu đạo sau
Nguyên nhân sinh bệnh
Do chấn thương rất nặng và kèm theo vỡ xương chậu, gãy xương mu và tổn thương các cơ quan bên trong ổ bụng. Đây là một chấn thương rất dễ đưa đến choáng do mất máu nhiều và đau.
Giải phẫu bệnh
Trường hợp thông thường khi xương chậu bị gãy, có khối máu tụ vùng quanh xương gãy, dưới phúc mạc, quanh tiền liệt tuyến, đẩy bàng quang lên cao. Nếu nước tiểu không rỉ xuống thì đây chỉ là ổ gãy kín. Nếu nước tiểu rỉ xuống do không dẫn lưu nước tiểu kịp thời thì đây là biến chứng nhiễm trùng rất nặng cho người bệnh.
Trong trường hợp chấn thương niệu đạo kèm theo vỡ trực tràng thì đây là bệnh lý rất nặng do vỡ niệu đạo kết hợp với vỡ trực tràng. Thường xảy ra trong các trường hợp chấn thương kín, niệu đạo bị đứt, trực tràng bị rách, khi đó khối máu tụ lớn hoà lẫn với nước tiểu và phân.
Trên lâm sàng thì các triệu chứng thường nghèo nàn. Thường chỉ có biểu hiện của choáng như mạch nhanh, huyết áp giảm, do mất máu và đau đớn. Biểu hiện triệu chứng của gãy xương chậu. Các triệu chứng vỡ niệu đạo thường không điển hình, nếu có vỡ niệu đạo trước thì thấy vết máu đọng lại ở lỗ sáo. Thăm trực tràng thấy đau nhói và khi rút găng tay ra thấy có máu.
Nếu đứng trước người bệnh gãy khung trước của xương chậu sẽ thấy có 4 trường hợp xảy ra: Người bệnh bí tiểu do phản xạ nhưng không có tổn thương niệu đạo, vỡ niệu đạo không hoàn toàn và di lệch ít, vỡ niệu đạo hoàn toàn và di lệch nhiều, vỡ niệu đạo kèm theo vỡ trực tràng.
Quy trình chăm sóc người bệnh chấn thương niệu đạo trước
Nhận định tình trạng người bệnh
Do cơ chế chấn thương từ bên ngoài
Điều dưỡng hỏi người bệnh cơ chế chấn thương, thời gian và xử trí ban đầu. Do té ngã ngồi ở tư thế hai chân dạng ra, vùng tầng sinh môn đập lên vật cứng nên thường có dấu hiệu bầm máu hình cánh bướm ở tầng sinh môn và máu ra ở lỗ sáo nếu là nam giới.
Do chấn thương từ bên trong
Thường do thông tiểu bằng thông cứng và lạc đường, sỏi kẹt niệu đạo, tai biến khi gắp sỏi, do tai biến
đặt ống thông tiểu lâu ngày và cố định ống thông sai tư thế.
Thăm khám: người bệnh có bí tiểu không? Dấu hiệu bàng quang (+) khi người bệnh không tiểu được.
Thăm khám vùng khối máu tụ, tìm dấu hiệu máu tụ hình cánh bướm, máu chảy ở đầu dương vật. Dấu hiệu tổn thương các cơ quan khác do chấn thương.
Chẩn đoán và can thiệp điều dưỡng chấn thương niệu đạo trước
Người bệnh không tiểu được do chấn thương
Nguyên tắc xử trí:
Nếu người bệnh tiểu bình thường, điều dưỡng chuyển người bệnh đến khám chuyên khoa để có chỉ định điều trị thích hợp.
Nếu người bệnh không tiểu được, điều dưỡng khám người bệnh có cầu bàng quang không. Nếu người bệnh không có cầu bàng quang không nên đặt thông tiểu qua đường niệu đạo, nên chuyển lên tuyến trên đúng chuyên khoa để dẫn lưu bàng quang ra da. Nếu có cầu bàng quang không nên đặt thông tiểu mà nên chọc dò bàng quang lấy nước tiểu tạm thời, hay dẫn lưu bàng quang ra da tránh làm nước tiểu tràn xuống vùng chấn thương gây nhiễm trùng. Điều dưỡng cần thăm khám thường xuyên để phát hiện trường hợp căng bàng quang do ứ nước tiểu, nếu có nên báo cáo ngay và xem lại dẫn lưu nước tiểu có thông không trước khi di chuyển người bệnh.
Người bệnh lo lắng sau chấn thương
Điều dưỡng cần hướng dẫn và giải thích về tình trạng người bệnh và hướng điều trị, chăm sóc giúp người bệnh an tâm. Thường sau chấn thương người bệnh sẽ điều trị bảo tồn và sau 14 ngày thì người bệnh mới có chỉ định mổ. Nếu hẹp niệu đạo, điều dưỡng viên hướng dẫn người bệnh đến bệnh viện nong niệu đạo định kỳ.
Chăm sóc người bệnh sau mổ
Người bệnh tiểu qua ống thông niệu đạo do tái tạo niệu đạo sau mổ
Chăm sóc bộ phận sinh dục ngày 3 lần. Không rút dẫn lưu niệu đạo, sau 10 ngày điều dưỡng xả bóng và ống thông tự sút ra. Theo dõi dấu hiệu nhiễm trùng tiểu. Cho người bệnh uống nhiều nước. Chăm sóc hệ thống câu nối thông, vô trùng, câu nối thấp. Điều dưỡng không tự ý rút ống thông tiểu nếu chưa có chỉ định. Hướng dẫn người bệnh vệ sinh sạch sẽ vùng sinh dục.
Người bệnh có tổn thương da do dẫn lưu bàng quang ra da, do vết mổ
Chăm sóc dẫn lưu bàng quang ra da, dẫn lưu niệu đạo. Theo dõi thường xuyên số lượng, màu sắc, tính chất nước tiểu. Xử trí ngay nếu thấy hệ thống dẫn lưu bị nghẹt vì nước tiểu sẽ tràn qua vết mổ trên thành bụng gây nhiễm trùng vết mổ. Theo dõi nước tiểu qua dẫn lưu bàng quang ra da, qua ống thông tiểu, theo dõi phát hiện sớm dấu hiệu nhiễm trùng. Thay băng vết mổ nếu thấy thấm ướt băng, không để vết mổ ẩm ướt.
Người bệnh bị hẹp niệu đạo do sau mổ chấn thương niệu đạo
Khi xuất viện hướng dẫn người bệnh thực hiện chỉ dẫn của bác sĩ, nong niệu đạo định kỳ nếu người bệnh hẹp niệu đạo. Hướng dẫn người bệnh biết dấu hiệu hẹp niệu đạo như: tiểu phải rặn không thành tia, không tiểu được.
Quy trình chăm sóc người bệnh chấn thương niệu đạo sau
Nhận định tình trạng người bệnh
Hỏi người bệnh để tìm hiểu cơ chế chấn thương.
Nhận định tình trạng choáng và mức độ choáng. Khám phát hiện dấu hiệu choáng. Lượng giá tình trạng choáng của nạn nhân.
Đánh giá mức độ đau, đánh giá mức độ chảy máu, đánh giá gãy xương. Khám phát hiện chấn thương kèm theo. Đánh giá mức độ tổn thương kèm theo, tình trạng nhiễm trùng. Nhận định tình trạng tâm lý của người bệnh.
Nhận định dấu chứng sinh tồn (nhất là mạch và huyết áp). Nhận định tình trạng mất máu, mất nước của người bệnh.
Đánh giá tình trạng xương gãy và các biện pháp xử trí ban đầu trước khi người bệnh nhập viện.
Chẩn đoán và can thiệp điều dưỡng
Người bệnh choáng do chấn thương
Hồi sức chống choáng và phòng ngừa choáng tích cực cho người bệnh. Ở đây, điều dưỡng cần chú ý đến tình trạng đau, lo sợ, tình trạng mất máu. Phòng chống choáng điều dưỡng giảm đau, ủ ấm, theo dõi chảy máu, truyền dịch, trấn an người bệnh. Đánh giá số lượng máu mất, theo dõi Hct để kịp thời bù số lượng máu mất. Theo dõi sát dấu chứng sinh tồn.
Người bệnh gãy xương
Thường kết hợp cả 2 thương tổn là vỡ xương chậu và tổn thương niệu đạo sau. Nếu vỡ xương chậu điều dưỡng cho người bệnh nằm trên ván cứng, tránh xoay trở, cố định cho người bệnh, giảm đau, ủ ấm, thực hiện công tác tư tưởng giúp người bệnh an tâm. Nếu thương tổn niệu đạo sau điều dưỡng cần dẫn lưu nước tiểu ngay để tránh nhiễm trùng, nhưng không nên thông tiểu vì gây tổn thương thêm hay nhiễm trùng thêm. Khám người bệnh để xác định gãy xương chậu cần cố định khung chậu để tránh di lệch, tránh cho người bệnh đau, chảy máu nhiều hơn.
Xử trí: điều dưỡng đặt người bệnh lên ván cứng. Chăm sóc người bệnh gãy xương chậu bất động, giảm
đau. Người bệnh tổn thương da do vết mổ và dẫn lưu: chăm sóc dẫn lưu bàng quang ra da, chăm sóc vết mổ.
Giáo dục người bệnh
Khi xuất viện, người bệnh tái khám theo lời dặn của bác sĩ và nong niệu đạo định kỳ.
Chăm sóc người bệnh gãy xương chậu. Có thể sử dụng khung cố định ngoài và cho người bệnh về nà. Điều dưỡng hướng dẫn người bệnh về cách chăm sóc (xem bài Chăm sóc người bệnhh có khung cố định ngoài). Hướng dẫn người bệnh cách vệ sinh cá nhân. Hướng dẫn người bệnh cách ăn uống khi có gãy xương như ăn nhiều thức ăn có calci nhưng phải uống nhiều nước. Người bệnh chấn thương niệu đạo nên ảnh hưởng đến vấn đề tình dục. Điều dưỡng làm công tác tư tưởng cho người bệnh an tâm. Người bệnh thường hồi phục chậm do chấn thương nhiều vùng trên cơ thể nên vấn đề tâm lý thường rất nặng nề và thất vọng về bản thân. Trong vấn đề này người bệnh cần có chuyên gia tâm lý.
Lượng giá
Người bệnh tiểu không còn ra máu, người bệnh tự tiểu bình thường.
Tài liệu tham khảo
Melinda Hendersen. Knowledge base for Patient with Urinary Dysfunction, in Medical Surgical Nursing Foundations for Clinical Practice, 2nd ed., WB Saunders company, 1998, 1329 – 1369.
Patricia Bates, Sharon L. Lewis, Nursing role in Management Renal And Urologic Problem, in Medical Surgical Nursing, 4th ed., Lewis Collier Heitkemper/MOSBY, 1992, 1349 – 1363.
Donna Peter. Genitourinary system, in Mosby’s Manual of Clinlcal Nursing, 2nd ed., Mosby Company, 1986, 1086 – 1153.
Trần Văn Sáng, Chấn thương và vết thương thận – vỡ bàng quang – vỡ niệu đạo. Bài giảng bệnh học ngoại khoa, tập 4, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, 1988, 7.
Dương Quang Trí, Điều trị bướu lành tiền liệt tuyến, Bài giảng Bệnh học và điều trị học ngoại khoa lồng ngực – tim mạch – niệu, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, 1998, 291.
Trần Văn Sáng, Chấn thương và vết thương thận – vỡ bàng quang – vỡ niệu đạo, Bài giảng bệnh học niệu khoa, Nhà xuất bản Mũi Cà Mau, 1996, 7 – 60.
Chăm sóc ngoại khoa, tài liệu thí điểm giảng dạy Điều dưỡng trung học 03 – SIDA, Hà Nội, 1994, 99-102.