Đại cương
Lọc màng bụng liên tục ngoại trú (CAPD-Continuous Ambulatory Peritoneal Dialysis) là một trong những biện pháp điều trị thay thế cho người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối (hay bệnh thận mạn giai đoạn cuối) có hiệu quả, đơn giản và tiết kiệm nhân lực y tế đang được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới. Đây là phương pháp sử dụng màng bụng của chính người bệnh làm màng lọc như một màng bán thấm để đào thải một số sản phẩm chuyển hóa ra ngoài cơ thể. Một số chất như ure, creatinin và điện giải…
Trải qua nhiều thời kỳ kỹ thuật của phương pháp đã được nhiều nhà khoa học cải tiến liên tục nhằm ứng dụng rộng rãi trên lâm sàng và giảm biến chứng.
Năm 1963 Henry Tenckhoff cùng với nhóm Boen sử dụng catheter đưa vào ổ bụng nối với túi dịch để lọc liên tục cho người bệnh tại nhà và sống được 3 năm. Năm 1976 Popovich và Moncrief đã phát triển phương pháp lọc máu này thành lọc màng bụng liên tục để lọc máu cho người bệnh tại nhà (gọi là CAPD).
Chỉ định
Người bệnh mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn 5 (hay suy thận mạn giai đoạn cuối) khi mức lọc cầu thận
Chống chỉ định
Chống chỉ định đối với những người bệnh mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối sau đây:
Tình trạng viêm dính sau phẫu thuật ổ bụng.
Khiếm thính, khiếm thị, thiểu năng trí tuệ, rối loạn tâm thần hoặc hạn chế vận động mà không có người trợ giúp.
Đã có can thiệp ngoại khoa ổ bụng, nội soi ổ bụng, hiện viêm phúc mạc.
Hiện đang có nhiễm trùng ngoài da, hoặc nguy cơ nhiễm trùng ngoài da cao.
Thoát vị thành bụng, túi thừa ruột.
Rò hệ thống tiêu hóa, tử cung – phần phụ.
Chuẩn bị
Người thực hiện
Gồm 02 kíp
Nhóm ngoại khoa mổ đặt catheter vào ổ bụng
01 bác sĩ mổ chính, 01 bác sĩ phụ mổ, 01 điều dưỡng đưa dụng cụ (thuộc phần phẫu thuật đặt catheter ổ bụng để lọc màng bụng).
Nhóm nội khoa điều trị và theo dõi hướng dẫn người bệnh điều trị ngoại trú tại nhà
01 bác sĩ, 01 điều dưỡng chuyên khoa.
Phương tiện
Tên, số lượng của thiết bị, dụng cụ, vật tư tiêu hao (định hướng, ước lượng…):
01 bộ catheter Tenckhoff chuyên dùng cho lọc màng bụng loại 2 cuff, đầu thẳng hoặc đầu cong, hoặc cổ ngỗng (có nhiều loại với giá thành khác nhau và ưu – nhược điểm khác nhau) để đặt vào ổ bụng qua phẫu thuật ổ bụng bằng phương pháp mổ mở hoặc mổ nội soi.
01 bộ dây nối transfer set nối giữa catheter và hệ thống dây và dịch lọc.
01 đầu nối giữa catheter và transferset bằng chất liệu Titanium.
Hệ thống túi đôi chứa dịch lọc 2 lít x 4 túi/ngày x 30 ngày/tháng x hàng tháng.
Các loại dịch lọc: loại 1,5%, 2,5%, 4,25% x 1500 ml – 2000 ml/túi.
Người bệnh
Được tư vấn về biện pháp điều trị, theo dõi lâu dài tự nguyện viết đơn và cam kết trước khi tiến hành phẫu thuật.
Được thông qua mổ để đặt catheter vào ổ bụng.
Được bác sĩ và điều dưỡng huấn luyện trong 2 tuần để thực hiện thành thạo các thao tác thay dịch lọc và bơm thuốc tự điều trị hàng ngày.
Được huấn luyện theo dõi và tự phát hiện, xử trí ban đầu các biến chứng đơn giản có liên quan đến quá trình lọc màng bụng tại nhà.
Hồ sơ bệnh án
Lập bệnh án theo dõi hàng tháng ngoại trú lâu dài cho người bệnh.
Lập lịch khám và xét nghiệm định kỳ hàng tháng.
Lập lịch đánh giá chất lượng và hiệu quả lọc màng bụng 6 tháng/1 lần bao gồm: PET test, Kt/V.
Kê đơn thuốc bao gồm: dịch lọc màng bụng, thuốc chống đông, kháng sinh nếu cần thiết, thuốc điều trị biến chứng của suy thận mạn (Hạ huyết áp, điều trị thiếu máu (sắt, vitamin, EPO), dự phòng loãng xương do suy thận (tiền vitamin D3).
Chống suy dinh dưỡng (chế độ ăn uống…).
Các bước tiến hành
Khám lâm sàng người bệnh toàn diện: đánh giá tình trạng catheter, đường hầm dưới da, tình trạng ổ bụng, dinh dưỡng, nước tiểu tồn dư, cân bằng dịch vào – ra, huyết áp, thiếu máu…
Yêu cầu xét nghiệm cần thiết và các thăm dò cận lâm sàng cần thiết.
Y lệnh điều trị: số lượng dịch, loại dịch, thời gian lưu dịch trong ổ bụng, các thuốc phối hợp điều trị…
Giám sát người bệnh thực hiện các quy trình thay dịch, lấy dịch xét nghiệm, bơm thuốc vào dịch (nếu có).
Đánh giá tốc độ dịch chảy vào – ra ở bụng, tính chất dịch lọc, cân bằng dịch.
Theo dõi
Cân bằng dịch vào – ra.
Chất lượng dịch vào – ra.
Kết quả xét nghiệm sinh hóa, huyết học…
Diễn biến lâm sàng: sốt, đau bụng, dịch đục, tắc dịch, viêm tấy chân catheter.
Tai biến và xử trí
Dịch chảy vào – ra chậm.
Rò dịch vào khoang khác (màng phổi, sau phúc mạc..).
Thủng tạng rỗng.
Tắc catheter hoặc thay đổi vị trí catheter. Dịch đục, máu… Viêm phúc mạc.
Viêm chân catheter.
Viêm đường hầm catheter.
Xử trí biến chứng sẽ tùy thuộc vào từng biến chứng.
Tài liệu tham khảo
Stegmayr B, (2006) Advantages and disadvantages of surgical placement of PD catheters with regard to other methods. Int J Artif Organs; 29: 95-100.
NKF – KDOQI (2006) Clinical Practice Guidelines for Peritoneal dialysis Adequacy . Am J Kidney Dis ; 48 (suppl) S91- S158.
Stevent Guest (2010) Handbook of Peritoneal Dialysis.
Ram Gokal and Karl D. Nolph (1994) The Textbook of Peritoneal Dialysis.
Kluwer Academic Bublishers.