Đại cương
Lọc màng bụng cấp cứu hay thẩm phân phúc mạc cấp cứu là biện pháp lọc máu cấp cứu nhờ sự trao đổi một số chất giữa máu và dịch lọc trong ổ bụng thông qua màng bán thấm là phúc mạc khi chức năng thận bị suy giảm đột ngột.
Chỉ định
Chỉ định lọc màng bụng cấp cứu khi có suy thận cấp do các nguyên nhân khác nhau. Chỉ định bắt buộc khi có thiểu niệu – vô niệu, kali máu > 6,5mmol/l, ure > 35 mmol/l. Trong một số trường hợp ngộ độc, có thể chỉ định lọc màng bụng cấp cứu nhằm mục đích loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt khi không có điều kiện lọc máu thận nhân tạo.
Chống chỉ định
Không tiến hành lọc màng bụng cấp cứu trong những trường hợp sau:
Viêm ruột thừa, viêm phúc mạc.
Tưới máu kém các tạng.
Tắc ruột, thủng ruột.
Rò ổ bụng, rò cơ hoành.
Viêm da.
Ghép động mạch chủ.
Chuẩn bị
Người thực hiện
02 bác sĩ, 01 điều dưỡng, kỹ thuật viên.
Phương tiện
Tên, số lượng của thiết bị, dụng cụ, vật tư tiêu hao (định hướng, ước lượng…):
01 bộ catheter thường dùng loại cứng đầu cong (Troca catheters) hoặc catheter Tenckhoff với 1 cuff Dacron.
01 nòng sắt dẫn đường.
01 bộ dây – túi dẫn lưu dịch vào – ra.
Dịch lọc các thành phần: 30 lít – 40 lít.
Lidocain hoặc xylocain 2% 10ml x 01 ống.
Bộ dụng cụ làm thủ thuật vô trùng: săng gạc, panh, kéo, bông băng,..
Betadin 10% 100ml x 01 lọ
Bộ quần áo vô trùng x 02 bộ
Người bệnh
Người bệnh và người nhà được giải thích về thủ thuật và ký cam kết đồng ý làm thủ thuật.
Người bệnh có đủ xét nghiệm sinh hóa, huyết học, đông máu cơ bản trước khi tiến hành; được khám lâm sàng, đo huyết áp, số lượng nước tiểu, cân nặng.
Hồ sơ bệnh án
Kẻ bảng theo dõi dịch vào – ra, cân bằng dịch,..
Các bước tiến hành
Kiểm tra hồ sơ đối chiếu người bệnh và chỉ định
Chuẩn bị người bệnh
Nhịn ăn
Vô trùng thành bụng.
Gây tê tại chỗ vị trí quanh rốn bằng lidocain hoặc xylocain.
Thực hiện kỹ thuật
Xác định vị trí chọc catheter tại đường trắng giữa, dưới rốn 2cm
Rạch da tại đường trắng giữa đủ cho trocat đưa qua
Dùng trocat dẫn đường đưa catheter qua phúc mạc vào ổ bụng.
Dùng kim nòng kim loại dẫn đường cho catheter đi sát dưới cơ thẳng trước bụng, hướng về phía túi cùng Douglas. Khi đầu catheter đưa vào túi cùng Douglas thì dừng lại (người bệnh có cảm giác tức vùng hạ vị), rút kim nòng kim loại ra khỏi lòng catheter.
Cố định catheter với thành bụng để tránh di lệch:
Khâu quanh chân ống catheter để tránh rò rỉ dịch trong quá trình lọc.
Cho 2 lít dịch lọc 1.5% chảy vào ổ bụng với thời gian 15 phút/chảy vào và 15 phút/chảy ra, rửa sạch ổ bụng.
Các túi dịch tiếp theo 2 lít/lần, lưu trong ổ bụng từ 30- 60 phút rồi xả dịch ra ngoài để tiếp tục lọc tiếp. Dịch lọc có thể pha 500 UI heparin/lit dịch lọc ở tất cả các túi để phòng ngừa tắc catheter. Tùy từng người bệnh cụ thể sẽ quyết định liều thuốc chống đông hợp lý.
Số lượng dịch: 30- 40 lít/ngày lọc hàng ngày cho đến khi chức năng thận phục hồi, hết tình trạng đe dọa để có thể tiến hành được các chỉ định khác cần thiết cho chẩn đoán và điều trị.
Theo dõi cân bằng dịch mỗi lần lọc và điều chỉnh loại dịch tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh. Lưu ý nguy cơ mất dịch, thừa dịch, rối loạn điện giải có thể xảy ra, cần được điều chỉnh sớm.
Theo dõi
Tình trạng lâm sàng nói chung: mạch, HA, nhiệt độ.
Tình trạng bụng, chảy máu thành bụng, thủng tạng rỗng; rò rỉ dịch, tắc dịch, tốc độ dịch chảy vào, chảy ra, biểu hiện viêm phúc mạc…
Tai biến và xử trí
Những tai biến có thể: thủng tạng rỗng khi đưa catheter vào ổ bụng, tắc catheter do mạc nối quấn xung quanh, chảy máu, đau bụng, sốt nhiễm trùng, tắc catheter do fibrin, catheter quặt lên trên… Xử trí tùy thuộc vào từng biến chứng cụ thể.
Tài liệu tham khảo
Abdel- Aal AK, Joshi AK et all (2009). Fluoroscopic and sonographic guidance to place peritoneal catheters: how we do it. Am J Roentgerol 192: 1085 – 1089.
Gabriel DP, Nascimento GV et al. (2007) High volume peritoneal dialysis for acute renal failure . Pert Dial Int 277 – 282.
Stevent Guest (2010) Handbook of Peritoneal Dialysis.