ĐẠI CƯƠNG
Là phương pháp để đo áp lực và dung tích bàng quang, đồng thời qua đó các thông số khác cũng được quan sát gồm hoạt động của cơ chóp bàng quang, cảm giác của bàng quang, dung tích và độ chun giãn của bàng quang.
Kỹ thuật đo áp lực bàng quang tùy thuộc vào từng loại máy với phần mềm chuyên biệt, loại ống thông… Tuy nhiên nguyên tắc và các thao tác thường giống nhau.
Trong nội dung bài này chúng tôi giới thiệu kỹ thuật đo áp lực bàng quang kèm đo áp lực ổ bụng, áp lực cơ chóp bàng quang.
Chỉ định
Tình trạng bàng quang kích thích chưa rõ nguyên nhân.
Tiểu không tự chủ.
Bệnh lý bàng quang thần kinh.
Chống chỉ định
Nhiễm trùng đường tiểu chưa được điều trị ổn định.
Chuẩn bị
Người thực hiện
Bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên.
Phương tiện
01 máy đo niệu động học.
01 bàn để người bệnh nằm.
01 ống thông niệu đạo bàng quang thông thường (Foley, nelaton…).
01 ống thông để đo áp lực bàng quang loại 8Fr (dành cho người lớn) hoặc 6Fr cho trẻ em.
01 dây bơm nước bàng quang.
01 ống thông đặt hậu môn để đo áp lực ổ bụng.
01 chai nước muối sinh lý loại 1000ml.
02 dây truyền dịch nối với máy.
Dụng cụ sát khuẩn, găng vô khuẩn, bơm tiêm vô khuẩn loại 10 hoặc 20cc…
Người bệnh
Khám kỹ người bệnh để có chỉ định đúng.
Điều trị tình trạng nhiễm trùng đường niệu trước nếu có.
Kháng sinh dự phòng nên được cho trước và kéo dài trong 48 giờ sau thủ thuật
Giải thích kỹ cho người bệnh về thủ thuật (các bước thực hiện, những khó chịu có thể gặp như đặt thông niệu đạo bàng quang…).
Cho người bệnh đi tiểu trước khi thực hiện thủ thuật.
Hồ sơ bệnh án
Hoàn tất hồ sơ người bệnh.
Chẩn đoán và chỉ định đo áp lực bàng quang.
Các bước tiến hành
Kiểm tra hồ sơ
Kiểm tra, đối chiếu người bệnh với hồ sơ.
Kiểm tra người bệnh
Đối chiếu người bệnh với hồ sơ.
Thực hiện kỹ thuật
Khởi động máy đo niệu động học. Khởi động phần đo áp lực bàng quang.
Chuẩn bị các ống thông niệu đạo bàng quang.
Chuẩn bị ống thông đo áp lực ổ bụng đặt vào trực tràng: bơm đầy nước vào bóng cao su, đuổi hết khí trong bóng.
Đuổi hết khí trong hệ thống máy bằng cách sử dụng bơm tiêm vô khuẩn.
Tư thế người bệnh: có thể nằm hoặc ngồi.
Sát trùng bộ phận sinh dục ngoài.
Đặt thông niệu đạo bàng quang, lấy hết nước tiểu để đo thể tích nước tiểu tồn lưu, đồng thời làm các xét nghiệm cần thiết (10 thông số nước tiểu hoặc cấy và kháng sinh đồ nếu cần).
Đặt thông đo áp lực bàng quang.
Đặt thông đo áp lực ổ bụng vào trực tràng.
Cân bằng zero hệ thống.
Nối hệ thống với thông niệu đạo bàng quang và thông đặt trực tràng.
Kiểm tra xem các ống thông đã đúng vị trí bằng cách cho người bệnh ho và quan sát áp lực trong bàng quang và ổ bụng.
Bắt đầu bơm, nên thực hiện ở mức độ vừa khoảng 30-40ml/phút.
Quan sát người bệnh và ghi nhận thời điểm người bệnh bắt đầu cảm giác buồn tiểu đầu tiên, lúc có cảm giác muốn đi tiểu, lúc đòi hỏi đi tiểu.
Khi người bệnh không thể nhịn tiểu được, ngừng bơm và cho người bệnh đi tiểu để đánh giá.
Ghi nhận kết quả, in kết quả.
Tháo bỏ các thông, cho người bệnh mặc quần áo lại.
Theo dõi
Theo dõi người bệnh đặc biệt là nhiễm trùng đường tiểu sau thủ thuật.
Tai biến và xử trí
Thường ít có các tai biến và biến chứng.
Hình 1. Áp lực đồ bàng quang bình thường
Tài liệu tham khảo
Nguyễn Văn Ân. (2003), Đại cương về các phép đo niệu động học. Y học TP HCM, Tập 7* Số 2 * 2003: 68-72
Hosker G. , Rosier P. , Gajewski J. , Sand P. , Szabo L. , Capewell A. (2009),
Dynamic Testing, in “INCONTINENCE” (Paul Abrams, Editor ) 4th International Consultation on Incontinence, © Health Publication Ltd : 417-522
Schafer, W., et al., (2002). Good urodynamic practices: uroflowmetry, filling cystometry, and pressure-flow studies. Neurourol Urodyn, . 21(3): p. 261-74.
Hosker, G., (2004). Urodynamics, in “The Yearbook of Obstetrics and Gynaecology”, ( Hillard T., Purdie, D., Editor.) , RCOG Press: London. p. 233-254.