Đại cương
Phẫu thuật tạo hình mi mắt là kỹ thuật nhằm phục hồi chức năng và giải phẫu của mi mắt sau khi cắt bỏ các khối u mi, khuyết mi bẩm sinh hoặc sau chấn thương.
Chỉ định
Khuyết mi mắt (một phần hay toàn bộ mi, khuyết một mi trên hay một mi dưới, khuyết cả hai mi mắt).
Biến dạng mi (lật mi, quặm mi…).
Chống chỉ định
Khi có tình trạng nhiễm khuẩn tại chỗ.
Khi chưa loại trừ hết tổn thương ác tính ở mi mắt.
Tình trạng toàn thân không cho phép phẫu thuật.
Chuẩn bị
Người thực hiện
Bác sĩ chuyên khoa Mắt.
Phương tiện
Bộ dụng cụ phẫu thuật tạo hình mi mắt.
Dao điện.
Người bệnh
Giải thích cho người bệnh và gia đình.
Làm vệ sinh tại chỗ và toàn thân (nhất là vùng dự định lây dan, niêm mạc).
Chụp ảnh tổn thương trước khi phẫu thuật (nếu có thể).
Hồ sơ bệnh án
Hồ sơ bệnh án theo quy định của Bộ Y tế.
Các bước tiến hành
Kiểm tra hồ sơ
Kiểm tra người bệnh
Thực hiện kỹ thuật
Vô cảm
Cho uống hay tiêm thuốc an thần, giảm đau.
Gây mê nếu phẫu thuật dự định kéo dài, người bệnh không hợp tác.
Gây tê tại chỗ.
Kỹ thuật
Phẫu thuật ghép.
* Ghép da.
Vùng lấy da: có 4 vị trí có thể lấy da.
+ Lấy da ngay tại vùng mặt (thường đặt đường rạch tại các vị trí có thể giấu sẹo như chân tóc, sát bờ lông mày).
+ Vùng sau tai.
+ Vùng thượng đòn.
+ Vùng mặt trong cánh tay.
Kỹ thuật lấy da:
+ Lấy da toàn bộ bề dày (dùng dao phẫu thuật hay kéo).
+ Lấy da có độ dày trung bình hay ghép thượng bì (phải sử dụng dao lấy da Wescott để có thể điều chỉnh được độ hở của lưỡi dao).
Cách thức ghép da:
+ Xác định kích thước vùng da cần lấy (kích thước thường lớn hơn vùng mất chất ít nhất 3mm), đánh dấu vùng lấy da ghép bằng xanh methylen.
+ Gây tê dưới da bằng thuốc tê có adrenalin.
+ Căng da.
+ Lấy da bằng dao phẫu thuật hay bằng dao lấy da Wescott tùy theo mục đích làm ghép (một phần hay cả bề dày).
+ Vùng lấy da để hở (ghép thượng bì) hoặc phải khâu kín (ghép cả bề dày).
+ Đặt mảnh da ghép và cố định.
+ Rạch thủng mảnh ghép (nếu mảnh ghép lớn) để chất dịch thoát ra.
+ Băng ép (sau khi đã đặt gạc chèn).
* Ghép sụn, niêm mạc.
Vùng lấy mảnh ghép: mi lành (ghép sụn niêm mạc), sụn vách mũi, sụn vành tai, niêm mạc môi, má.
Cách thức ghép sụn niêm mạc:
+ Bộc lộ và căng vùng lấy mảnh ghép bằng kẹp Desmarre.
+ Lấy mảnh ghép bằng dao phẫu thuật và kéo.
+ Khâu lại vùng lấy mảnh ghép.
+ Đặt mảnh ghép lên vùng mi mắt bị thiếu tổ chức và khâu cố định sao cho mảnh ghép áp chặt vào nền ghép.
+ Băng ép sau khi đã đặt gạc chèn.
Phẫu thuật tạo vạt.
* Tạo vạt da.
Vùng tạo vạt: phụ thuộc vào vị trí khuyết mi mắt mà chọn lựa (vùng thái dương, vùng trán, từ mi trên, mi dưới, rãnh mũi má .v.v…).
Kỹ thuật tạo vạt da: tùy thuộc loại tổn thương ở mi mắt mà có thể chọn lựa vạt trượt, vạt xoay, vạt chuyển, có hay không có tam giác bù trừ… theo nguyên tắc không được tạo nếp gấp ở cuống của vạt, không gây căng hay xoắn vặn vạt da.
Cách thức thực hiện: giống ghép da.
* Tạo vạt sụn kết mạc
Vị trí: mi trên hay mi dưới cùng bên.
Kỹ thuật: tùy thuộc theo phương pháp định thực hiện.
+ Phương pháp Mustardé: vạt được tạo từ mi dưới, được xoay phủ vùng khuyết ở mi trên.
+ Phương pháp Cuttler-Beard: vạt da sụn -kết mạc được tạo ở mi dưới luồn qua cầu bờ mi.
+ Phương pháp Hughes (cho khuyết mi dưới): chỉ sử dụng vạt sụn -kết mạc ở mi lành cùng bên phối hợp vạt da hay ghép da.
Cách thức tạo vạt sụn (cho cả 3 phương pháp):
+ Lật mi bằng kẹp Desmarre.
+ Gây tê tại chỗ.
+ Dùng dao phẫu thuật tạo vạt sụn kết mạc theo kích thước cần.
+ Kéo vạt phủ vùng bị khuyết mi mất tổ chức ở mi dưới và khâu cố định vạt.
+ Ghép da rời.
+ Băng ép.
+ Giải phóng khe mi sau 4 đến 6 tuần.
Theo dõi
Trong phẫu thuật
Chảy máu vết phẫu thuật (cần cầm máu cẩn thận).
Sau phẫu thuật
Chảy máu vết phẫu thuật, tụ máu dưới mảnh ghép, tuột chỉ khâu mảnh ghép và hoại tử mảnh ghép.
Tai biến và xử trí
Trong phẫu thuật
Cầm máu bằng kẹp hoặc dao điện.
Sau phẫu thuật
Cần băng ép trong 7 ngày.
Mảnh ghép tuột chỉ, hoại tử cần được dùng kháng sinh tại chỗ, toàn thân và khâu lại.