Đại cương
Khám bệnh y học cổ truyền là dùng Tứ chẩn (vọng, văn, vấn, thiết) để khám cho người bệnh, từ đó đưa ra chẩn đoán (bát cương, tạng phủ, kinh lạc, nguyên nhân, bệnh danh) và đề ra pháp điều trị tương ứng.
Vọng chẩn là người thầy thuốc dùng mắt để quan sát thần, sắc, hình thái, mắt, mũi, môi, lưỡi, rêu lưỡi của người bệnh để biết tình hình bệnh tật bên trong của cơ thể phản ánh ra bên ngoài.
Văn chẩn là người thầy thuốc dùng tai để nghe tiếng nói, hơi thở, tiếng ho, tiếng nấc, … của người bệnh. Thầy thuốc dùng mũi để ngửi hơi thở, các chất thải, mùi cơ thể, … của người bệnh để giúp phân biệt tình trạng bệnh thuộc hư hay thực, bệnh thuộc hàn hay thuộc nhiệt của người bệnh để đề ra pháp điều trị phù hợp. Thầy thuốc có thể hỏi người bệnh để tiếp nhận các thông tin này.
Vấn chẩn là người thầy thuốc dùng những câu hỏi để tìm hiểu về quá trình phát sinh bệnh, diễn biến bệnh, thói quen sinh hoạt, ăn uống, và các đặc điểm triệu chứng của bệnh, … từ đó có thể đưa ra các chẩn đoán.
Thiết chẩn là người thầy thuốc sử dụng tay để bắt mạch (mạch chẩn), thăm khám tứ chi và các bộ phận của cơ thể (xúc chẩn).
Chỉ định
Người bệnh đến khám bệnh và chữa bệnh bằng phương pháp của y học cổ truyền tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Chống chỉ định
Không có chống chỉ định.
Chuẩn bị
Người thực hiện
Bác sĩ, y sĩ, lương y được đào tạo chuyên ngành y học cổ truyền và được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật khám bệnh, chữa bệnh.
Trang thiết bị
Bàn, ghế để thầy thuốc và người bệnh ngồi, giường để người bệnh nằm khi thầy thuốc thăm khám.
Phòng khám bệnh, buồng bệnh phải bảo đảm thông khí tốt, đủ ánh sáng.
Gối kê tay để bắt mạch, găng tay, dung dịch sát khuẩn tay nhanh hoặc xà phòng, bàn chải, khẩu trang, ống nghe, máy đo huyết áp, nhiệt kế, …
Hồ sơ, bệnh án, sổ khám bệnh.
Thầy thuốc, người bệnh
Tư thế người bệnh khi khám: ngồi hoặc nằm phù hợp với tình trạng bệnh lý.
Trường hợp người bệnh là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải có người giám hộ.
Các bước tiến hành
Vọng chẩn
Người thầy thuốc dùng mắt để quan sát thần, sắc, hình thái, mắt mũi, môi, lưỡi, da, bộ phận bị bệnh, … của người bệnh để biết được tình hình bệnh tật bên trong cơ thể được phản ánh ra bên ngoài.
Chú ý: Đối với trẻ em dưới 3 tuổi cần kết hợp xem chỉ tay.
Văn chẩn
Người thầy thuốc dùng tai để nghe tiếng nói, hơi thở, tiếng ho, tiếng nấc, … của người bệnh. Dùng mũi để ngửi hơi thở, chất thải, mùi cơ thể, … của người bệnh để giúp phân biệt tình trạng bệnh thuộc hư hay thực, bệnh thuộc hàn hay thuộc nhiệt của người bệnh để đưa ra pháp điều trị phù hợp. Thầy thuốc có thể hỏi để tiếp nhận các thông tin này.
Vấn chẩn
Lý do đi khám bệnh và hoàn cảnh xuất hiện bệnh.
Diễn biến bệnh.
Trong quá trình hỏi bệnh, tuỳ từng chứng bệnh cụ thể của người bệnh, thầy thuốc hỏi thêm các triệu chứng:
Hàn – nhiệt và mồ hôi.
Đầu, thân, ngực và bụng, tứ chi.
Ăn uống.
Đại tiện và tiểu tiện.
Giấc ngủ.
Tai, mắt, mũi.
Bệnh cũ.
Đối với phụ nữ cần hỏi thêm về kinh, đới, thai, sản.
Thiết chẩn
Mạch chẩn: xem mạch để biết tình trạng thịnh, suy của các tạng phủ, vị trí nông, sâu và tính chất hàn, nhiệt của bệnh.
Xúc chẩn: sờ nắn vùng bụng, tứ chi, da thịt (bì phu, cơ nhục), đường đi của kinh mạch và bộ phận bị bệnh để tìm các biểu hiện bất thường.