Định nghĩa
Là tình trạng sai khớp cắn mà ở tư thế cắn trung tâm, múi ngoài gần của răng hàm lớn vĩnh viễn thứ nhất hàm trên khớp với rãnh ngoài gần của răng hàm lớn vĩnh viễn thứ nhất hàm dưới, tương quan xương hai hàm bình thường, nhưng các răng phía trước lệch lạc ảnh hưởng tới thẩm mỹ và chức năng.
Nguyên nhân
Các rối loạn trong quá trình phát triển
Thiếu răng bẩm sinh.
Bất thường hình thể răng.
Thừa răng.
Răng mọc lạc chỗ.
Răng ngầm.
Di truyền
Biểu hiện là sự bất cân xứng giữa kích thước cung hàm và kích thước răng.
Chấn thương
Tổn thương mầm răng vĩnh viễn.
Mất răng sữa dẫn đến thay đổi vị trí mọc của răng vĩnh viễn.
Chấn thương ảnh hưởng trực tiếp lên răng vĩnh viễn.
Các thói quen xấu
Mút ngón tay.
Đẩy lưỡi.
Thở miệng…
Chẩn đoán
Chẩn đoán xác định
Lâm sàng
Ngoài mặt: Mặt cân đối, kiểu mặt thẳng hoặc lồi. Môi có thể bình thường hoặc không khép kín.
Trong miệng
Tương quan răng hàm lớn thứ nhất là loại I theo Angle
Tương quan răng nanh loại I hoặc II
Có thể có biểu hiện các dạng lệch lạc răng:
Răng mọc chen chúc, răng mọc ngoài cung, hoặc xoay, hoặc kẹt.
Khe thưa giữa các răng với các mức độ khác nhau tùy trường hợp: Có thể do bất cân xứng kích thước răng và cung hàm, hoặc có răng thừa hoặc thiếu răng, hoặc có phanh môi bám thấp.
Có thể có khớp cắn sâu.
Độ cắn trùm tăng.
Có thể đường cong spee sâu.
Có thể có cắn hở.
Có thể có cắn chéo.
Có thể có vẩu răng hai hàm.
Có thể thiếu răng trên cung hàm hoặc còn răng sữa quá tuổi thay.
Có thể có răng mọc lạc chỗ.
Cận lâm sàng
Mẫu hàm thạch cao
Tương quan răng hàm lớn thứ nhất loại I.
X quang
Trên phim sọ nghiêng (Cephalometrics)
Tương quan xương hai hàm loại I:
Số đo góc ANB: 0
Chỉ số Wits bình thường.
Trên phim toàn cảnh Panorama
Có thể thấy hình ảnh răng thừa, răng ngầm, lệch lạc răng, thiếu răng,
Odontoma…
Chẩn đoán phân biệt
Lệch lạc răng do sai khớp cắn loại II: phân biệt dựa vào tương quan răng hàm lớn thứ nhất hai hàm trên lâm sàng, X quang.
Lệch lạc răng do sai khớp cắn loại III: phân biệt dựa vào tương quan răng hàm lớn thứ nhất hai hàm trên lâm sàng, X quang.
Điều trị
Nguyên tắc
Tạo lập lại tương quan hai hàm lý tưởng với tương quan răng nanh loại I.
Cải thiện về thẩm mỹ.
Đảm bảo độ ổn định.
Điều trị cụ thể
Nhổ các răng có chỉ định nhổ
Các răng thừa.
Trường hợp thiếu khoảng do mất cân xứng kích thước răng và hàm.
Răng ngầm không có chỉ định nắn chỉnh.
Điều trị loại bỏ các nguyên nhân gây lệch lạc răng
Cắt bỏ phanh môi bám thấp
Cắt bỏ phanh lưỡi bám bất thường
Điều trị loại bỏ các thói quen xấu gây lệch lạc răng….
Điều trị lệch lạc răng và tạo lập tương quan hai hàm về mức tối ưu
Gắn mắc cài
Đi dây cung thích hợp
Sắp xếp và làm đều các răng theo chiều đứng và chiều ngang tùy từng trường hợp:
Trường hợp có răng chen chúc: Đóng khoảng sau khi nhổ răng và làm đều các răng.
Trường hợp có khe thưa: Đóng khe thưa hoặc tạo chỗ để làm phục hình răng nếu cần.
Trường hợp có cắn sâu: làm trồi các răng phía sau, lún các răng phía trước, làm phẳng đường cong Spee.
Trường hợp có cắn hở: Đóng khoảng hở liên hàm.
Trường hợp có cắn chéo: Giải phóng điểm cản trở gây dịch chuyển chức năng, hoặc nong rộng hàm.
Trường hợp vẩu hai hàm: Kéo lùi khối răng trước ra sau.
Trường hợp có răng ngầm: Loại bỏ yếu tố cản trở, bộc lộ răng ngầm, gắn khí cụ và đưa răng về vị trí mong muốn.
Trường hợp răng mọc lạc chỗ: Đưa răng về đúng vị trí hoặc đổi chỗ mà vẫn đảm bảo chức năng
Trường hợp thiếu răng: Đóng khoảng hoặc tạo khoảng để làm phục hình.
Hoàn thiện.
Duy trì kết quả điều trị.
Tiên lượng và biến chứng
Tiên lượng
Sai khớp cắn loại I gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ và chức năng. Nếu không được điều trị sớm còn có thể gây sang chấn các răng, sâu răng, viêm quanh răng… dẫn tới mất răng sớm.
Nếu điều trị đúng phác đồ nói trên thì tiên lượng tốt.
Biến chứng
Sang chấn các răng.
Đau khớp thái dương hàm.
Rối loạn khớp thái dương hàm.
Mất răng sớm.
Phòng bệnh
Cần khám định kỳ, phát hiện và điều trị sớm.
Chăm sóc răng miệng trẻ em để giữ được các răng sữa đến tuổi thay.