Khái niệm
Đặt catheter tĩnh mạch trung tâm là đặt catheter ở các tĩnh mạch lớn như tĩnh mạch dưới đòn, tĩnh mạch cảnh, tĩnh mạch bẹn nhằm để đưa vào cơ thể một khối lượng dịch thể tương đối lớn, trong một khoảng thời gian nhất định để điều trị sốc bỏng. Đặt catheter tĩnh mạch dưới đòn còn cho phép đo áp lực tĩnh mạch trung tâm để đánh giá huyết động của người bệnh trong sốc bỏng.
Chỉ định
Người bệnh bỏng nặng: bỏng diện tích lớn, bỏng sâu diện rộng, bỏng hô hấp có sốc hoặc đe dọa sốc mà bằng đường tĩnh mạch ngoại vi không bảo đảm hoặc khó bảo đảm bù một khối lượng lớn dịch thể trong một khoảng thời gian nào đó.
Người bệnh sốc bỏng hoặc đe dọa sốc mà không thể truyền được bằng các đường tĩnh mạch ngoại vi hoặc các vị trí truyền ngoại vi đã bị bỏng hết.
Người bệnh bỏng nặng, có sốc bỏng, cần đo áp lực tĩnh mạch trung tâm
Chống chỉ định
Bỏng nhẹ, có thể bù dịch thỏa đáng bằng đường truyền các tĩnh mạch ngoại vi.
Nhân viên y tế không có kinh nghiệm.
Chuẩn bị
Người thực hiện
Bác sỹ được đào tạo. Điều dưỡng viên phụ giúp
Người bệnh
Được giải thích về mục đích và tính chất của kỹ thuật
Dụng cụ
Catheter các cỡ to, nhỏ tuỳ theo người bệnh.
Bộ dây truyền dịch và dịch truyền đã xuống dịch sẵn.
Găng vô khuẩn.
Xăng lỗ vô khuẩn.
Bông, gạc, cồn 700, cồn iod, băng dính.
Kim khâu da, chỉ lanh, kìm mang kim.
Thuốc gây tê: Novocain, lidocain, thuốc khác: atropin, nước cất, giảm đau…
Bơm tiêm 3 cái, nỉa có mấu: 01 cái.
Đèn gù
Bóng bóp ambu, máy sốc tim.
Các bước tiến hành
Tư thế người bệnh: đầu thấp ưỡn cổ nếu dùng tĩnh mạch dưới đòn hoặc cảnh trong; kê mông, dạng đùi, đầu gối thẳng nếu dùng tĩnh mạch đùi.
Sát trùng rộng da vùng tiến hành kỹ thuật.
Gây tê tại chỗ.
Tĩnh mạch đùi:
Tìm động mạch đùi ở tam giác Scarpa, phía dưới cung đùi 2cm. Khi thấy mạch đập, lấy hai hoặc ba ngón tay giữ động mạch và chọc kim ở đầu ngón tay phía trong trong động mạch 5mm. Vừa đẩy kim vừa hút bơm tiêm cho đến khi thấy máu tĩnh mạch phụt ra, tháo bơm tiêm, đưa catheter vào tĩnh mạch, rút kim hoặc vỏ kim, khâu cố định bằng mối túi quanh chân catheter.
Tĩnh mạch dưới đòn:
Chọc kim ở điểm sát bờ dới xương đòn ở 1/3 trong, đẩy kim từ từ theo hướng chếch lên trên và sang bên đối diện tạo một góc 450 với trục nằm ngang qua điểm giữa xương đòn. Vừa đẩy kim vừa hút bơm tiêm cho đến khi thấy máu tĩnh mạch phụt ra, tháo bơm tiêm, đưa catheter vào tĩnh mạch, rút kim hoặc vỏ kim, khâu cố định bằng mối túi quanh chân catheter.
Tĩnh mạch cảnh trong: có 3 kỹ thuật
Kỹ thuật Mostert J,W: Đầu người bệnh quay sang một bên, tìm vị trí của động mạch cảnh bằng cách bắt mạch, lấy hai ngón tay tách động mạch cảnh và bờ trong của cơ ức đồn chũm. Chọc kim vào giữa hai ngón tay ở vị trí 5cm trên xương đòn (thường lấy sụn phễu làm điểm chuẩn) trêm một mặt phẳng dọc, hướng đầu kim về phía điểm nối 1/3 trong và 2/3 ngoài của xương đòn, và tạo thành một góc 300 với mặt phẳng của người bệnh.
Kỹ thuật Jernigan W. R.: Đầu người bệnh quay sang một bên, chọc kim ở vị trí 2 khoát ngón tay trên xương đòn, thẳng góc với cơ ức đòn chũm, trên bờ ngoài của cơ, phải dùng catheter mềm hoặc dùng dây dẫn vì kim chọc thẳng góc với tĩnh mạch.
Kỹ thuật O.Daily: Điểm chọc là đỉnh tam giác Sedillot hợp thành bởi 2 bó cơ ức đòn chũm và xương đòn. Chọc kim trên một mặt phẳng dọc, hướng mũi kim từ đỉnh xuống đáy tam giác (xương đòn) làm một góc 300 với mặt phẳng của người bệnh.
Các tai biến, biến chứng và xử trí
Người bệnh ngừng tim, ngừng thở do phản xạ: ngừng thủ thuật, tiến hành hồi sức tổng hợp (sốc tim, bóp bóng hỗ trợ hô hấp, thở máy…)
Chọc kim vào khí quản, màng phổi, đỉnh phổi gây tràn khí dưới da (đặt catheter tĩnh mạch dưới đòn): Rút kim, ngừng thủ thuật. Nếu tràn khí màng phổi làm ảnh hưởng tới hô hấp cần dẫn lưu khí màng phổi vô trùng; nếu tràn khí dưới da hầu hết sẽ tự hấp thu
Chọc kim vào động mạch: rút kim, ấn chặt vùng chọc kim 3-5 phút.
Nhiễm khuẩn: thao tác phải bảo đảm vô khuẩn, không sử dụng lại các catheter đã dùng rồi.
Đưa khí vào lòng mạch: hay gặp khi người bệnh trong trạng thái shock nặng, áp lực tĩnh mạch trung tâm âm tính. Cần tuân thủ đúng các quy trình đặt catheter.