MỞ BỤNG THĂM DÕ, SINH THIẾT
Đại cương
Phẫu thuật thăm dò ổ bụng, sinh thiết được sử dụng để chẩn đoán bản chất mô học của các khối u trong ổ bụng mà không có biện pháp sinh thiết u trước mổ. Hiện nay, phẫu thuật thăm dò ổ bụng, sinh thiết thường được tiến hành qua nội soi ổ bụng.
Chỉ định
Các khối u trong ổ bụng không rõ bản chất mô học.
Chống chỉ định
Các khối u trong ổ bụng có thể sinh thiết qua nội soi ống tiêu hóa, dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính.
Chuẩn bị
Người thực hiện:
01 Phẫu thuật viên chuyên khoa tiêu hoá hoặc ngoại chung
02 phẫu thuật viên phụ
01 bác sỹ gây mê
Kíp dụng cụ viên, chạy ngoài, phụ mê: 03 điều dưỡng
Người bệnh:
Người bệnh và gia đình được giải thích rõ trước mổ về tình trạng bệnh và tình trạng chung, về những khả năng phẫu thuật sẽ thực hiện, về những tai biến, biến chứng, di chứng có thể gặp do bệnh, do phẫu thuật, do gây mê, tê, giảm đau, do cơ địa của người bệnh.
Nâng cao thể trạng, cân bằng những rối loạn do hậu quả của bệnh hoặc do cơ địa, bệnh mãn tính, tuổi
Điều trị ổn định các bệnh nội khoa như cao huyết áp, đái đường,… trước khi can thiệp phẫu thuật (trừ trường hợp mổ cấp cứu). Truyền máu nếu thiếu máu nhiều.
Nhịn ăn, thụt tháo, vệ sinh vùng phẫu thuật và toàn thân.
Kháng sinh dự phòng
Phương tiện:
Bộ dụng cụ đại phẫu, chỉ khâu, máy cắt nối…
Dự kiến thời gian phẫu thuật: 60 phút
Các bước tiến hành
Tư thế: Người bệnh nằm ngửa, kê gối đệm dưới lưng ngang đốt sống lưng 12 (D12).
Vô cảm: gây mê toàn thân có giãn cơ
Kỹ thuật:
Bước 1: Mở bụng đường trắng giữa trên dưới rốn, tìm và bộc lộ tạng có khối u.
Bước 2: Khâu cầm máu quanh vị trí dự định sinh thiết. Dùng dao nhọn khoét phần u bên trong chỗ khâu cầm máu (khoảng 1 cm), sâu vào nhu mô tạng có khối u. Gửi mẫu sinh thiết làm giải phẫu bệnh tức thì. Nếu kết quả chưa thấy tổ chức u thì làm lại sinh thiết sâu hơn vào khối u hoặc sinh thiết vị trí khác.
Bước 3: Khâu cầm máu vị trí đã sinh thiết, đóng bụng.
Theo dõi các tai biến, biến chứng và nguyên tắc xử trí
Chảy máu: thường trong 48h đầu hoặc những ngày tiếp theo. Chảy máu đỏ tươi, số lượng nhiều qua dẫn lưu, toàn trạng thay đổi (nhợt, lo âu, mạch nhanh, huyết áp hạ) cần mổ lại kiểm tra, cầm máu.
Theo dõi áp xe tồn dư, nhiễm trùng vết mổ để có chỉ định can thiệp kịp thờ
Theo dõi tình trạng chung: viêm phổi…
Truyền dịch: tính đủ năng lượng, lượng dịch vào cho từng người bệnh cụ thể.
Kháng sinh: sử dụng kháng sinh dự phòng hoặc sử dụng kháng sinh điều trị khi có chỉ định, tùy thuộc hoàn cảnh cụ thể.