Nội dung

Chăm sóc người bệnh bỏng – ghép da

Bệnh học

Phân loại bỏng

Theo độ sâu

Độ 1: thương tổn chỉ ở lớp sừng như cháy nắng.

Độ 2: thương tổn hết lớp thượng bì cho đến màng đáy, chia làm 2 mức độ:

Bỏng bề mặt da, có những đặc điểm: mụn nước (nông), dấu hiệu ấn da đổi màu mất (+), vết thương ẩm, lông còn chắc, đau đớn nhiều, châm kim chảy máu nhiều.

Bỏng da sâu, có những đặc điểm: mụn nước sâu hơn, lớp trung bì màu trắng, dấu hiệu ấn mất (+), mất tính đàn hồi, lông còn dính, cảm giác đau giảm nhiều, châm kim sâu tới lớp trung bì mới biết.

Độ 3: thương tổn đến phần nông của lớp bì, chia làm 2 mức độ:

Bỏng độ 3a: bỏng toàn bộ lớp da, mụn bỏng, dấu hiệu ấn mất (–), tổn thương khô, lông – tóc – móng rụng, mất cảm giác đau, đâm kim sâu tới hết lớp da mới rỉ máu.

Bỏng độ 3b sâu: da bị phá huỷ khô, ở đáy vết thương dấu hiệu ấn mất (–), vùng tổn thương đã cháy đen, có thể thấy những tĩnh mạch bị tắc ở dưới, lông –tóc – móng rụng, cảm giác đau mất.

Độ 4: hoại tử lớp da và các cơ quan bên dưới, cháy lớp cân cơ xương.

Theo diện tích bỏng: độ rộng trên cơ thể người bệnh là hình ảnh dễ nhận biết. Trên diện tích bị bỏng: cơ thể đã mở cửa thông thương cho vi khuẩn xâm nhập, cho dịch mất đi và mất nhiệt. Đánh giá chính xác diện tích bỏng rất có ý nghĩa trong giai đoạn choáng bỏng.

Theo vị trí bỏng

Vị trí bỏng có ý nghĩa quan trọng trong thẩm mỹ, trong cuộc sống như vùng cổ, ngực thì ảnh hưởng đến hô hấp; các lỗ tự nhiên như mắt, tai, mũi, miệng không chỉ ảnh hưởng đến hình dáng, thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến giác quan; bộ phận sinh dục ảnh hưởng đến khả năng tình dục, tiết niệu; vùng khớp ảnh hưởng đến chức năng vận động, sinh hoạt.

Yếu tố nguy cơ

Tuổi người bệnh càng lớn sự hồi phục càng chậm. Người bệnh có kèm theo bệnh khác về hô hấp, tim mạch, thận, tiểu đường thì càng làm chậm khả năng hồi phục. Người bệnh tiểu đường có nguy cơ hoại tử vết thương. Người bệnh nghiện rượu, suy dinh dưỡng, chấn thương kèm theo làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, chậm lành vết thương.

Cấp cứu và quản lý người bệnh bỏng

Bỏng do nhiệt

Nhận định điều dưỡng: thở nhanh, nông, giọng khàn, ho ra khói màu đen, xám. Cháy xém lông mũi, mặt, thở khói đen. Kích ứng, rát đường hô hấp trên, đau cổ họng và ngực, khó thở, nét mặt hoảng sợ, lo lắng.

Nguyên nhân: nước sôi, lửa, vật nóng…

Nhận định điều dưỡng: bề mặt trên của vùng da bỏng thấy đỏ, nóng, đau, sưng nề, phù, ấn da có màu trắng. Bề sâu của bỏng sẽ thấy vết bỏng ướt, vằn trắng hồng dần chuyển sang đỏ, tăng cảm giác, đau từ trung bình đến nặng, tái nhợt khi ấn trên vết bỏng.

Bỏng sâu, toàn bộ: choáng, da khô tróc vảy, nâu sậm, thoái hoá. Giảm cảm giác khi sờ, mùi bỏng.

Không đau vùng bỏng nhưng mô xung quanh đau, mất màu trắng khi ấn.

Bảng 5.1. quy trình cấp cứu bỏng do nhiệt

Can thiệp cấp cứu:

Đưa nạn nhân ra khỏi vùng gây bỏng.

Duy trì thông khí: lấy hết dị vật ở mũi, miệng.

Kiểm tra tổn thương mặt, mũi, cổ. Nếu phát hiện người bệnh có chấn thương ở cổ thì nên bất động vùng cổ. Nếu thấy giọng khàn, đàm đen, thở khò khè, nên đặt nội    khí quản    ngay, đưa nạn nhân ra vùng thoáng khí.

Thở oxy ẩm 100%, theo dõi độ bão hoà oxy.

Theo dõi dấu chứng sinh tồn, tri giác liên tục.

Cắt bỏ quần áo, đồ trang sức.

Khám nạn nhân để phát hiện và xử trí những tổn thương liên quan.

Lập 1 đường truyền với kim lớn, cố định tốt. Thực hiện dịch truyền, thuốc giảm đau, phòngngừa phong đòn gánh theo đúng y lệnh

Đắp gạc mát lên vùng bỏng, ngâm trong nước mát với những tổn thương bỏng nhỏ.

Xác định diện tích, độ sâu của bỏng.

Băng vết bỏng với gạc khô, vô khuẩn sau khi làm sạch vết bỏng.

Di chuyển người bệnh tới trung tâm bỏng.

Bỏng do hoá chất

Nguyên nhân: acid, kiềm phosphate, vôi,…

Can thiệp cấp cứu:

Di chuyển người bệnh rời xa hoá chất.

Loại bỏ hoá chất bằng cách tưới rửa lên vết thương và xung quanh vết thương với nước sạch hay dung dịch muối đẳng trương. Tưới rửa nhẹ nhàng nhưng không chà xát. Lấy những chất vôi hay những thứ bột khác ra khỏi vùng bỏng, đặc biệt không dùng dung dịch trung hoà tưới lên vết bỏng.

Đắp khăn sạch lên vết thương, nơi da khô giúp giảm nhiệt, giúp người bệnh dễ chịu.

Duy trì thông khí, kiểm tra tổn thương mặt, mũi, cổ. Nếu người bệnh có bỏng vùng mặt, mũi nên hỗ trợ bác sĩ đặt nội khí quản.

Thở oxy ẩm 100%, theo dõi độ bão hoà oxy.

Theo dõi dấu chứng sinh tồn, tri giác thường xuyên cho đến khi người bệnh được chuyển đến chuyên khoa.

Điều dưỡng cần hỏi cơ chế bị bỏng, thăm khám, xử trí những tổn thương liên quan.

Người bệnh cần được cung cấp nước nên việc lập một đường truyền với kim lớn, cố định tốt là rất cần thiết. Nên sử dụng kim luồn và 3 chia. Thực hiện đủ dịch truyền, thuốc giảm đau, phòng ngừa phong đòn gánh cho người bệnh theo y lệnh.

Cần cắt bỏ quần áo, đồ trang sức để dễ dàng quan sát, xác định loại bỏng, chăm sóc vùng bỏng được tốt. Lưu ý chăm sóc nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương vết bỏng.

Nhận định tình trạng người bệnh: đau tại vết bỏng chỗ mô thoái hoá, da bị mất màu, phù nề mô xung quanh. Suy hô hấp nếu bỏng đường thở. Liệt, giảm sức cơ phối hợp.

Bảng 5.2. quy trình cấp cứu bỏng do hoá chất

Bỏng do khói và tổn thương do hít khí độc

Nguyên nhân: sức nóng, lửa, khói của lửa, hoá chất, CO, tổn thương trên và dưới thanh môn.

Nhận định điều dưỡng: thở nhanh, nông, giọng khàn, ho, ho ra khói màu đen, xám. Cháy xém lông mũi, mặt, thở khói đen. Kích ứng, rát đường hô hấp trên, đau cổ họng và ngực, khó thở, nét mặt hoảng sợ, lo lắng.

Bảng 5.3. quy trình cấp cứu bỏng do khói và tổn thương do hít khí độc

Can thiệp cấp cứu:

Di chuyển người bệnh khỏi vùng ngộ độc tới vùng thoáng khí, hạn chế người vây quanh bên người bệnh.

Thiết lập và duy trì đường thở. Cần thông đường thở, tuần hoàn, đặt nội khí quản nếu người bệnh suy hô hấp. Thở 100% oxy ẩm, theo dõi độ bão hoà oxy.

Nới rộng quần áo, lấy sạch dị vật, khói bụi ở mũi, miệng.

Ủ ấm người bệnh, luôn có người ở bên, không để nạn nhân hoảng sợ.

Không nên cho người bệnh uống nước nếu nạn nhân đang khó thở, để tránh nguy cơ sặc nước.

Thiết lập đường truyền, nên sử dụng kim luồn, 3 chia, tiêm ở những mạch lớn gần tim là tốt hơn. Việc bù nước và điện giải được thực hiện theo y lệnh.

Theo dõi dấu chứng sinh tồn, tri giác thường xuyên cho người bệnh. Với bỏng đường hô hấp thường người bệnh nằm ở tư thế Fowler, vì như thế người bệnh dễ thở hơn, với tư thế này sẽ giúp gia tăng thể tích của lồng ngực hơn.

Thường bỏng ngạt xảy ra ở những cơn hoả hoạn nên việc thăm khám tìm những dấu hiệu tổn thương khác là cần thiết nhằm xử trí kịp thời.

Bỏng do điện

Nguyên nhân: do tiếp xúc với dòng điện.

Nhận định tình trạng người bệnh: vết bỏng đổi màu da, da giảm cảm giác, đau ít hay không đau. Vết thương sâu, thấy đường vào và ra. Nạn nhân bỏng điện luôn có triệu chứng rối loạn nhịp tim. Quy trình cấp cứu bỏng do điện như trên bảng 5.4).

Chăm sóc người bệnh theo các giai đoạn của bỏng

Giai đoạn cấp cứu:

là thời kỳ đòi hỏi phải tái giải quyết ngay sau giai đoạn sơ cứu. Giai đoạn này bắt

đầu mất dịch, phù nề và tiếp tục cho đến khi điều trị phục hồi lượng dịch và người bệnh có nước tiểu.

Rối loạn nước và điện giải: người bệnh bỏng dễ dàng mất nước qua nốt bỏng, qua mất nhiệt, qua sốt, qua thành mạch gồm: nước, sodium, protein. Vì thế người bệnh có nguy cơ choáng do giảm thể tích dịch.

Vết thương và tình trạng viêm: bỏng tạo ra những vết thương trên cơ thể, tạo cửa ngõ cho vi khuẩn xâm nhập nên có nguy cơ nhiễm trùng cao cho vết thương và toàn thân.

Can thiệp cấp cứu:

Ngắt dòng điện trước khi di chuyển người bệnh ra khỏi dòng điện. Trong thời gian này nạn nhân cần tránh tiếp xúc cùng dòng điện trong suốt thời kỳ cấp cứu.

Nạn nhân luôn được đánh giá về đường thở, hơi thở, dấu hiệu thiếu oxy. Thiết lập và duy trì đường thở 100% oxy ẩm.

Người bệnh điện giật cần thiết nhất là kiểm tra mạch, nhịp tim, tần số, tri giác và được theo dõi liên tục trong suốt thời kỳ cấp cứu cho đến khi đến bệnh viện. Tại bệnh viện người bệnh cũng cần được theo dõi liên tục qua monitor có cài chế độ báo động cho đến khi người bệnh ổn định.

Phục hồi tuần hoàn theo y lệnh cũng được tiến hành.

Người bị điện giật thường có kèm chấn thương khác do nạn nhân thường bị té khi tắt nguồn điện, vì thế khi sơ cứu cần cẩn thận khi di chuyển, cần thận trọng khi xoay trở nạn nhân nếu có nghi ngờ chấn thương cột sống cổ. Luôn luôn nhớ rằng cần cố định cổ nạn nhân trong suốt quá trình di chuyển. Kiểm tra những tổn thương khác như gãy xương… do té. Nếu có gãy xương nên cố định gãy xương, giảm đau cho nạn nhân trước khi di chuyển.

Cởi bỏ quần áo, lượng giá vùng bỏng. Phủ lên vết bỏng bằng gạc vô khuẩn.

Ủ ấm nạn nhân, công tác tư tưởng cho nạn nhân không hoảng sợ.

Bảng 5.4. quy trình cấp cứu bỏng do điện

Suy giảm miễn dịch: bỏng dẫn đến stress, giảm sức đề kháng của cơ thể, người bệnh bỏng thường choáng do đau, do mất nước. Điều dưỡng cần chú ý đến tình trạng số lượng nước tiểu, nếu nước tiểu ít thường biểu hiện mất nước, sẽ có nguy cơ tổn thương thận. Ngoài ra, dấu hiệu liệt ruột cơ năng cũng thường xảy ra cho người bệnh bỏng, có thể do tình trạng rối loạn điện giải hay do choáng. Điều dưỡng thường xuyên theo dõi tình trạng bụng trướng, đau, nghe nhu động ruột mỗi giờ nếu người bệnh bỏng chưa có nhu động ruột trở lại.

Biến chứng

Thận: rối loạn chức năng thận, thận là cơ quan có thể ảnh hưởng nặng nề trong bỏng. Trong những trường hợp bỏng nặng, người bệnh có rất nhiều nguy cơ rơi vào suy thận không hồi phục. Ngày đầu tiên của bỏng là ngày nguy hiểm nhất đối với thận do tình trạng giảm khối lượng tuần hoàn, lưu lượng máu qua thận ít đi. Mặt khác, những tế bào bị huỷ hoại do bỏng sẽ có cơ hội phát tán ra những sản phẩm dị hoá, quá trình này gây tác hại về mặt cơ học hay hoá học ở ống thận.

Tim mạch: rối loạn nhịp tim, choáng do thiếu dịch, choáng nhiễm trùng do vết thương hoại tử…

Hô hấp: biến chứng ở phổi và phù nề, tắc đường hô hấp do bỏng đường hô hấp trên và do bỏng hít, ngạt, giảm đau, an thần.

Chăm sóc vết thương

Chăm sóc vết thương sau khi người bệnh đã ổn định. Mục đích thay băng vết thương là làm sạch, lấy mô hoại tử, giảm số lượng vi trùng hiện diện, tránh tổn thương da thêm, giúp người bệnh thoải mái.

Bỏng nông

Rửa sạch vết thương, băng bằng gạc thấm ướt mỡ. Điều dưỡng phá vỡ những nốt bỏng vì nơi đây vi trùng có sẵn ở chân lông, tuyến chất nhờn có nhiều chất dinh dưỡng nhất sẽ thuận lợi phát triển vi trùng. Đắp thuốc mỡ hay băng ẩm có chất kháng khuẩn, băng thêm gạc khô dày giúp hút dịch, băng ép nhẹ. Thay băng vào ngày thứ 5, điều dưỡng cần theo dõi vết thương nếu không đau nhiều, không thấm dịch, không mùi, không sốt thì rửa sạch vết thương rồi băng lại bằng băng ẩm. Thay băng lần 2 vào ngày thứ 10; điều dưỡng rửa sạch, băng ẩm, nhưng băng mỏng hơn và tiếp tục theo dõi. Ngày thứ 15 cho người bệnh tắm bỏng, các lớp băng bong ra dễ dàng, vùng bỏng sẽ lên da non đỏ hồng. Trong giai đoạn này, điều dưỡng cần theo dõi vết thương thường xuyên để tránh nguy cơ nhiễm trùng làm cho tình trạng vết thương tiến triển sâu hơn.

Bỏng sâu độ 3

Loại này có thể tự lành nhưng thường để lại sẹo lớn, do đó thầy thuốc thường dùng phương pháp mổ hớt dần từng lớp. Thường được tiến hành vào ngày thứ 3 sau tai nạn vì lúc này độ sâu vết bỏng đã ổn định, sự phù nề được tái hấp thu một lượng lớn. Để chuẩn bị trước, mổ điều dưỡng rửa sạch vết thương, lấy hết chất mỡ và dịch ứ đọng, chuẩn bị vùng da thật sạch và băng kín vô trùng. Chăm sóc sau mổ, điều dưỡng thay băng vào ngày thứ 5 sau mổ. Theo dõi dấu hiệu nhiễm trùng, băng bằng thuốc mỡ kháng khuẩn.

Bỏng sâu độ 4

Thường thầy thuốc áp dụng mổ hớt dần từng lớp, cắt lọc sâu, ghép da cuống. Điều dưỡng theo dõi, chăm sóc và đảm bảo vô trùng tuyệt đối khi chăm sóc vết thương. Phương pháp tắm bỏng trong giai đoạn này giúp lấy mô hoại tử, chất tiết, kích thích mô hạt mọc, giúp người bệnh sạch sẽ, giúp người bệnh thoải mái, giảm đau, nhưng tắm không quá 20 phút vì sẽ làm người bệnh mất dịch và điện giải, lạnh, nguy cơ nhiễm trùng. Tiêu chuẩn nước để tắm: sạch, nhiệt độ 400C.

Băng vết bỏng

Khi chăm sóc vết bỏng, điều dưỡng cần lưu ý rửa tay, mang găng vô khuẩn khi thay băng. Sau khi rửa vết thương, điều dưỡng đắp gạc, băng cho người bệnh. Nhiệt độ phòng 29,40C. Có 2 loại băng:

Băng kín: băng kín vết thương bằng gạc kháng sinh mỡ.

Băng hở: vết thương được phủ bằng mỡ kháng sinh nhưng không băng kín, người bệnh được nằm ở vùng vô khuẩn.

Quản lý thuốc

Tiêm ngừa phong đòn gánh cho tất cả người bệnh bỏng, thực hiện thuốc giảm đau bằng đường tĩnh mạch, thuốc che chở niêm mạc dạ dày, thuốc kháng sinh, bù dịch nước và điện giải theo y lệnh.

Dinh dưỡng

Người bệnh bỏng thường bị mất nhiệt lượng nhiều do bốc hơi qua vết bỏng, nhiễm trùng. Vì thế cần làm giảm quá trình chuyển hoá của người bệnh như giữ nhiệt độ và độ ẩm cao trong không khí (nhiệt độ phòng từ 23 đến 320C, độ ẩm từ 25 đến 50%), làm giảm đau đớn cho người bệnh.

Người lớn: 25 cal/kg + 40 cal cho mỗi phần trăm diện tích bị bỏng.

Trẻ em: 40–60 cal/kg cân nặng + 40 cal cho mỗi phần trăm diện tích bỏng. Trong trường hợp người bệnh sút cân cần báo cáo lại và thực hiện nâng cao thể trạng người bệnh. Khi nhu động ruột người bệnh giảm hay liệt ruột thì nâng đỡ thể trạng bằng dịch truyền theo y lệnh. Người bệnh có nhu động ruột có thể cho ăn qua ống Levine, thức ăn loãng nhưng cung cấp nhiều protein, vitamin A, B, C, khoáng chất, sắt, folate. Năng lượng 5.000 kcal/ngày. Nếu người bệnh khá hơn thì có thể cho người bệnh ăn qua đường miệng bình thường.

Giai đoạn cấp tính:

là giai đoạn vết thương ổn định.

Thay đổi chức năng sinh lý: biến dạng cơ thể, đau, vết thương hoại tử, ghép da và tái tạo chỉnh hình. Biểu hiện lâm sàng là vết thương khô và mô thoái hoá trắng thành nâu sậm, mất cảm giác, phần dày sâu tiết dịch, nốt phồng đau và nhiễm trùng. Xét nghiệm Ion đồ phát hiện các dấu hiệu lâm sàng do rối loạn điện giải.

Biến chứng: Trong giai đoạn cấp tính người bệnh có rất nhiều biến chứng như nhiễm trùng vết bỏng, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trùng hô hấp…

Tình trạng hô hấp và tim mạch cũng bị ảnh hưởng như khó thở, viêm phổi, rối loạn vận mạch. Thần kinh người bệnh thấy ác mộng, lo sợ, khủng hoảng tinh thần và có thể có tổn thương não. Trong giai đoạn này vấn đề xương khớp cũng biểu hiện như co rút cơ, mất tư thế cơ năng, hạn chế hoạt động, teo cơ đơ khớp. Chức năng tiêu hoá cũng có nguy cơ cao là loét dạ dày hay chảy máu dạ dày. Tiểu đường làm chậm lành vết thương và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Trị liệu: Thầy thuốc thường cho y lệnh cung cấp dịch thay thế, cung cấp dinh dưỡng, thuốc giảm đau, kháng sinh, kháng viêm. Việc chăm sóc vết thương và băng theo tư thế cơ năng cũng rất quan trọng đối với người bệnh để khi người bệnh phục hồi có thể trả họ về với đời sống bình thường. Vai trò vật lý trị liệu rất cần thực hiện trong giai đoạn này. Tình trạng hoại tử vết thương cũng có nguy cơ cao trong nhiễm trùng vết thương nên việc cắt lọc mô hoại tử, ngăn ngừa nhiễm trùng, kích thích mô hạt mọc tốt và chuẩn bị cho ghép da, giúp rút ngắn thời gian lành vết thương, tái tạo chỉnh hình.

Quản lý điều dưỡng: lượng giá và chăm sóc người bệnh đau, chăm sóc vết thương, nâng đỡ tinh thần.

Giai đoạn phục hồi

Mục đích giai đoạn này là giúp người bệnh trở lại cuộc sống, thiết lập lại chức năng cơ thể, tái tạo chỉnh hình vết thương, ghép da. Biểu hiện lâm sàng là hạn chế vận động, đau khi vận động, sẹo xấu. Do người bệnh đau nên không tập luyện, người bệnh có nguy cơ co rút cơ, cứng khớp, sẹo co rút, sẹo xấu, biến dạng cơ thể, sẹo phì đại. Trị liệu và quản lý điều dưỡng là vật lý trị liệu, tái tạo chỉnh hình. Trong giai đoạn này gia đình và người bệnh là người tự điều trị chính cho người bệnh với sự trợ giúp của nhóm tâm lý, vật lý trị liệu, điều dưỡng tại nhà, nhóm dinh dưỡng. Vấn đề cung cấp dinh dưỡng đủ các chất cho người bệnh rất quan trọng. Điều dưỡng hướng dẫn thức ăn cho người bệnh và không cử ăn.

Quy trình chăm sóc người bệnh bỏng

Nhận định tình trạng người bệnh

Vết thương: mức độ và nguyên nhân bỏng (nhiệt, hoá chất, điện…)

Sự thay đổi dịch và choáng: mạch tăng, huyết áp giảm, tiểu ít, theo dõi áp lực tĩnh mạch trung tâm, potassium tăng.

Đường thở: phù nề đường thở, cháy xém lông mũi, miệng hay mũi đầy bụi khói, đàm sẫm màu, ho, tím tái, khó thở.

Ngộ độc CO: nôn ói, đau ngực, thở nhanh, bối rối, kích động, phản xạ?

Thần kinh: thay đổi tri giác, chấn thương sọ não, cột sống cổ.

Tim mạch: rối loạn nhịp, thay đổi thể tích dịch, tưới máu mô kém.

Hô hấp: thở nhanh, nông, thiếu oxy.

Xương khớp: gãy xương, giảm vận động, biến dạng, nhô xương, cơ.

Tăng chuyển hoá và mất nhiệt: cơ thể người bệnh dễ bị lạnh, giảm cân.

Máu: Hct giảm, tiểu hemoglobine.

Tiêu hoá: tổn thương miệng, nôn ói, chảy máu dạ dày, loét dạ dày, liệt ruột.

Thận: choáng, thiểu niệu, tiểu huyết sắt tố, tiểu myoglobin.

Đau: đánh giá mức độ đau.

Tâm lý: mức độ lo lắng về hình dạng cơ thể.

Nhiễm trùng: vết bỏng tiết dịch, mùi, sốt.

Chẩn đoán và can thiệp điều dưỡng

Tổn thương da do vết bỏng

Lượng giá mức độ và độ sâu vết thương giúp điều dưỡng chuẩn bị dụng cụ và chọn dung dịch thích hợp cho từng loại vết thương. Khi tháo băng cần nhẹ nhàng, tránh tạo vết thương mới, tránh đau cho người bệnh. Đối với người bệnh có vết bỏng quá rộng tốt nhất phải làm ẩm băng trước khi tháo băng cho người bệnh. Khi tiến hành rửa vết thương cần hết sức nhẹ nhàng, sử dụng dung dịch thích hợp hay theo y lệnh của bác sĩ. Thực hiện cách ly vết thương tránh nhiễm trùng, lây chéo giữa các vết thương. Áp dụng kỹ thuật vô trùng khi chăm sóc vết thương. Tuỳ vào tình trạng vết thương, điều dưỡng quyết định băng hở hay băng kín.

Mất nước và điện giải do thoát dịch qua vết thương

Người bệnh bỏng thường bị mất nước qua vết bỏng, xuất tiết dịch qua vết thương, ăn uống kém, rối loạn điện giải. Điều dưỡng theo dõi nước xuất nhập, dấu mất nước và điện giải trên lâm sàng, qua xét nghiệm Ion đồ… Theo dõi dấu chứng sinh tồn, chỉ số CVP, tổng nước tiểu thường xuyên trong ngày. Duy trì dịch truyền theo y lệnh. Thực hiện bù đủ dịch và điện giải căn cứ vào lượng nước tiểu (bình thường 50ml/giờ).

Suy giảm khả năng vận động

Do đau vì vết bỏng, do sẹo co rút nên người bệnh rất sợ cử động. Người bệnh không cử động sẽ dẫn đến nguy cơ teo cơ – cứng khớp. Tập vận động chủ động và thụ động ngăn ngừa co rút cơ và teo cơ. Khuyến khích người bệnh tập vật lý trị liệu và người bệnh tập là chính. Điều dưỡng cũng cần cố định chi đúng tư thế khi băng vết thương, hướng dẫn người bệnh tự xoay trở, vận động.

Người bệnh kém dinh dưỡng

Bỏng làm người bệnh mất nhiều năng lượng. Điều dưỡng theo dõi và nghe nhu động ruột, tình trạng bụng của người bệnh giúp đánh giá tình trạng tiêu hoá và cho người bệnh ăn sớm nhất. Lượng giá cân nặng và tình trạng dinh dưỡng người bệnh. Chọn phương pháp cung cấp thức ăn cho người bệnh như qua đường miệng, ống thông dạ dày, lỗ mở dạ dày. Cung cấp protein 2–4g/kg/ngày, vitamin C, A, D,… Năng lượng: 3.500–5.000 kcal/ngày.

Táo bón

Người bệnh không ăn cho đến khi có nhu động ruột lại, tình trạng nằm lâu trên giường cũng đưa người bệnh đến tình trạng táo bón. Điều dưỡng cần cung cấp thức ăn nhiều xơ, nước trái cây, đủ nước giúp người bệnh đi cầu dễ dàng. Cho người bệnh vận động, tập bụng. Thực hiện thuốc nhuận tràng nếu người bệnh đi cầu phân quá cứng. Vấn đề táo bón có thể là nguyên nhân làm cho người bệnh lo lắng. Điều dưỡng cần giải thích và hướng dẫn người bệnh cụ thể, giúp người bệnh an tâm.

Mất nhiệt

Da người bệnh bị bỏng thường không thực hiện được nhiệm vụ quan trọng của da là duy trì nhiệt độ cho cơ thể. Chính vì thế, người bệnh thường lạnh do mất nhiệt. Kiểm soát nhiệt độ môi trường và giữ ấm người bệnh là nhiệm vụ của điều dưỡng. Ngoài ra, cần duy trì đủ calorie trong ngày cũng giúp người bệnh có năng lượng giữ ấm cơ thể. Lưu ý, khi thay băng tránh phơi bày cơ thể quá lâu. Tắm bỏng ở nhiệt độ 370C, không tắm quá lâu.

Đau

Lượng giá cơn đau của người bệnh. Thực hiện thuốc giảm đau theo y lệnh khi thay băng, khi tập vận động. Tư thế thoải mái, tắm bệnh, kỹ thuật thư giãn.

Tâm lý thất vọng, mặc cảm do biến dạng cơ thể

Khuyến khích người bệnh nói lên cảm giác của mình về hình dáng hiện tại của họ. Theo dõi dấu hiệu chán nản và lãnh đạm. Giúp người bệnh lấy lại niềm tin và phục hồi lại vận động.

Giáo dục người bệnh

Giáo dục người bệnh trong chăm sóc vết thương, nhận biết dấu hiệu nhiễm trùng. Hướng dẫn người bệnh về dinh dưỡng. Vật lý trị liệu tích cực giúp phục hồi teo cơ, cứng khớp. Cho người bệnh thông tin về phẫu thuật tái tạo chỉnh hình, giúp người bệnh tham gia vào cộng đồng.

Lượng giá

Vết bỏng lành, dinh dưỡng đầy đủ.

Người bệnh vận động trở lại.

Người bệnh không biến chứng nhiễm trùng, mất cân, co rút, sẹo xấu.