Nội dung

Nguyên tắc vô khuẩn trong dịch vụ khám chữa bệnh tại trạm y tế xã

NGUYÊN TẮC VÔ KHUẨN TRONG DỊCH VỤ KHÁM CHỮA BỆNH TẠI TRẠM Y TẾ XÃ

Tác nhân gây nhiễm khuẩn

Tác nhân có thể là các loại vi khuẩn, virus, kí sinh trùng, nấm.

Điều kiện thuận tiện cho nhiễm khuẩn.

Cơ sở vật chất: phòng khám, thủ thuật không đảm bảo tiêu chuẩn.

Thiếu dụng cụ, thiếu trang thiết bị thực hiện khống chế nhiễm khuẩn.

Quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn không được thực hiện đúng.

Người cung cấp dịch vụ: thiếu kiến thức, ý thức về kiểm soát nhiễm khuẩn.

Đường lây truyền

Từ môi trường.

Từ khách hàng (người sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh).

Từ người cung cấp dịch vụ (cán bộ y tế).

Từ dụng cụ, phương tiện không đảm bảo vô khuẩn.

Môi trường sạch trong các phòng thực hiện kỹ thuật

Vị trí: các phòng kỹ thuật phải được đặt ở nơi cao ráo, sạch sẽ, xa nơi dễ lây nhiễm như nhà bếp, nhà vệ sinh, đường đi, khu vực tiếp xúc bệnh nhân lây nhiễm.

Phòng kỹ thuật: nền, tường không thấm nước để có thể rửa bằng nước và xà phòng. Có hệ thống kín dẫn nước thải. Hệ thống thông khí có thể dùng quạt hoặc điều hòa nhiệt độ. Các cửa sổ phải có kính mờ cao hơn sàn nhà 1,5 m nếu không có kính phải có lưới che hoặc vải xô tránh ruồi, muỗi bay vào.

Khi không làm kỹ thuật phòng phải đóng kín tuyệt đối, không làm việc khác trong phòng kỹ thuật.

Sau mỗi thủ thuật phải thay tấm lót bàn thủ thuật, lau chùi sạch sẽ tấm trải bàn rồi mới tiếp tục sử dụng. Mọi đồ vật trong phòng phải luôn sạch sẽ, được vệ sinh thường xuyên.

Khách hàng

Trước khi làm thủ thuật, phẫu thuật

Trước khi làm thủ thuật, phẫu thuật khách hàng cần phải được tắm rửa, thay quần áo sạch.

Đi tiểu hoặc thông tiểu làm rỗng bàng quang khi cần.

Vùng sắp phẫu thuật hoặc làm thủ thuật phải được rửa sạch, bôi thuốc sát khuẩn da niêm mạc như dung dịch Betadine (Povidone-iodine 10%), là một loại dung dich iod hữu cơ.

Sau khi làm thủ thuật, phẫu thuật

Sau khi làm thủ thuật, phẫu thuật, khách hàng phải mặc quần áo sạch, giữ vùng thủ thuật khô, sạch.

Không cần thiết thay băng hàng ngày nếu vùng thủ thuật khô sạch. Tới ngày cắt chỉ: vừa cắt chỉ, vừa thay băng.

Người cung cấp dịch vụ

Giầy, dép của cán bộ y tế phải để ngoài phòng kỹ thuật (đi guốc dép riêng của phòng kỹ thuật). Mũ phải kín không để lộ tóc ra ngoài, khẩu trang phải che kín mũi. Cán bộ y tế đang bị các bệnh nhiễm khuẩn không được phục vụ trong phòng kỹ thuật.

Người làm thủ thuật, người phụ phải có bàn tay sạch, mặc áo choàng, đội mũ, đeo khẩu trang vô khuẩn. Thay áo mổ, găng, khẩu trang sau mỗi ca thủ thuật.

Rửa tay

Rửa tay là thao tác khống chế nhiễm khuẩn đơn giản nhất và quan trọng nhất. Nó loại bỏ nhiều vi sinh vật bám trên da, giúp ngăn ngừa lây nhiễm từ người này sang người khác.

Thời điểm rửa tay

Trước khi bắt đầu một ngày làm việc, khám cho người bệnh hay lấy máu, chuyển dụng cụ sạch đã tiệt khuẩn hoặc khử khuẩn để bảo quản, đi găng vô khuẩn, trước khi về nhà.

Sau bất kỳ tình huống nào mà tay có thể bị nhiễm khuẩn, khi dùng dụng cụ đã để chạm vào dịch tiết hay chất bài tiết của cơ thể, khi tháo găng, khi đi vệ sinh.

Các phương tiện cần thiết để rửa tay

Nước sạch và thùng nước có vòi.

Xà phòng chín hoặc xà phòng diệt khuẩn.

Bàn chải mềm, sạch đã được luộc hoặc ngâm trong dung dịch sát khuẩn.

Khăn khô sạch.

Kỹ thuật rửa tay

Quy trình rửa tay thường quy

Bước 1: tháo bỏ đồng hồ và đồ trang sức ở tay. Làm ướt và xoa xà phòng hoặc dung dịch rửa tay vào bàn tay, cẳng tay.

Bước 2: sát 2 lòng bàn tay với nhau (10 lần).

Bước 3: dùng lòng bàn tay này sát lên mu bàn tay kia (10 lần). Chú ý đến mặt ngoài của ngón tay cái và mô ngón cái.

Bước 4: dùng ngón và bàn của bàn tay này xoáy và cuốn quanh lần lượt từng ngón của bàn tay kia (10 lần).

Bước 5: dùng các đầu ngón tay của bàn tay này xoáy miết vào lòng bàn tay đã khum lại của bàn tay kia (10 lần).

Bước 6: rửa sạch tay dưới vòi nước chảy.

Bước 7: lau tay khô bằng khăn sạch.

Hình: Quy trình rửa tay thường quy.

Quy trình rửa tay khi làm thủ thuật, phẫu thuật

Bước 1: mặc áo choàng, đội mũ che kín tóc, tháo bỏ trang sức, cắt ngắn móng tay, đeo khẩu trang. Tiến hành rửa tay thường quy, không lau tay.

Bước 2: dùng bàn chải vô khuẩn và dung dịch rửa tay đánh cọ vào các đầu, kẽ và cạnh của ngón tay theo chiều dọc hoặc xoắn ốc.

Bước 3: đánh cọ lòng và mu bàn tay.

Bước 4: đánh cọ cẳng tay lên quá khuỷu 5cm.

Bước 5: rửa tay dưới vòi nước chảy (nước vô khuẩn).

Bước 6: lau khô tay bằng khăn vô khuẩn. Ngâm tay vào dung dịch sát khuẩn trong 5 phút.

Đeo găng tay

Mở rộng các ngón tay, cho bàn tay vào đúng vị trí các ngón tay (chú ý găng trái, phải). Để cổ găng trùm lên cổ tay áo, chú ý bàn tay chưa đi găng chỉ chạm vào mặt trong găng. Đi găng xong lau sạch phấn bên ngoài găng. Sau khi đeo găng hai tay luôn để phía trước ngực.

Nguyên tắc sử dụng găng tay

Ghi nhớ: hầu hết các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và các dịch vụ khám chữa bệnh khác đều cần sử dụng găng tay.

Găng vô khuẩn hiện nay hầu như chỉ dùng một lần. Việc sử dụng lại găng thường chỉ để lau rửa dụng cụ hoặc làm vệ sinh buồng bệnh hay người bệnh (các găng này cũng phải thực hiện các thao tác vô khuẩn như khử nhiễm, làm sạch, luộc hay hấp trước khi dùng lại).

Trước khi mang găng, bàn tay phải được rửa sạch (thường quy hay thủ thuật) và được lau khô bằng khăn sạch.

Khi mang găng vô khuẩn để làm thủ thuật, đỡ đẻ dù bàn tay đã được rửa sạch vẫn không được để các ngón tay chạm vào mặt ngoài (mặt sử dụng của găng), thực hiện nguyên tắc ”Tay chạm tay, găng chạm găng”

Các dụng cụ, phương tiện sử dụng trong thủ thuật, phẫu thuật

Các thiết bị như bàn khám phụ khoa, bàn đẻ…. phải được làm sạch sau mỗi lần làm phẫu thuật, thủ thuật bằng cách lau rửa sạch bằng khăn thấm dung dịch sát khuẩn như Chloramin B (pha bột Chloramin B 25% với nước để có dung dịch 0,5%) hoặc Presept (pha viên Presept 2,5g hay 5g với nước) hay nước Javel, cuối cùng lau lại bằng nước sạch. Hàng tuần theo lịch, các thiết bị trên phải được lau rửa bằng xà phòng với nước sạch. Bàn khám phụ khoa, bàn làm thuốc phải được làm sạch hàng ngày và thay khăn trải sau mỗi lần thủ thuật.

Các dụng cụ bằng kim loại, cao su, nhựa, vải, thủy tinh… phải được tiệt khuẩn theo quy trình vô khuẩn đối với từng loại dụng cụ.

Các phương tiện tránh thai như dụng cụ tử cung, thuốc, que cấy tránh thai được bảo quản trong bao bì vô khuẩn do nhà sản xuất thực hiện. Khi phát hiện bao bì rách, thủng thì không được sử dụng.

Bảng kiểm: Rửa tay thường quy

 

T.T

Nội dung

Không

1

Tháo bỏ đồng hồ và đồ trang sức ở tay. Làm ướt và xoa xà phòng hoặc dung dịch rửa tay vào bàn tay, cẳng tay.

 

 

2

Xát 2 lòng bàn tay với nhau 10 lần.

 

 

 

3

Dùng lòng bàn tay này xát lên mu bàn tay kia, các khe ngón tay cũng cọ sát bằng cách lồng vào nhau 10 lần. Chú ý cọ sát thêm phần ngón tay cái và mô ngón cái của mỗi bàn tay (vì các thao tác trên chưa làm sạch đến vùng này).

 

 

 

4

Dùng ngón và lòng bàn tay này xoáy và cuốn quanh lần lượt từng ngón của bàn tay kia 10 lần.

 

 

5

Dùng các đầu ngón tay của bàn tay này xoáy tròn, quay đi quay lại trong lòng bàn tay kia (đã uốn cho khum lại).

 

 

6

Rửa sạch tay dưới vòi nước chảy.

 

 

7

Lau khô tay bằng khăn sạch

 

 

 

Bảng kiểm: Rửa tay – đi găng trong thủ thuật, phẫu thuật

TT

Nội dung

Không

Ghi chú

1

Có sẵn xà phòng chín, bàn chải vô khuẩn, khăn khô vô khuẩn

 

 

 

2

Nước chín có vòi, đóng mở không dùng bàn tay

 

 

 

3

Tay không đeo đồ trang sức, móng tay cắt ngắn

 

 

 

 

4

Làm ướt cẳng tay và bàn tay, dốc bàn tay, cổ tay để nước chảy xuống và thực hiện các thao tác rửa tay thường quy không cần lau khô.

 

 

 

 

5

Dùng bàn chải, xà phòng chải kĩ đầu ngón tay, kẽ móng tay, bàn tay, cẳng tay, khuỷu tay. Bàn chải khi đã cọ lên cẳng tay, khuỷu tay thì không cọ trở lại bàn tay nữa.

 

 

 

6

Cọ rửa như vậy 2 lần với hai bàn chải khác nhau, mỗi lần 2-3 phút.

 

 

 

7

Không chạm tay vào bất kỳ vật gì khi đang rửa

 

 

 

8

Tráng bàn tay, cẳng tay bằng nước sạch, để ngược ngón tay. Để 2 bàn tay cao hơn khuỷu tay

 

 

 

9

Làm khô tay bằng khăn vô khuẩn rồi ngâm tay vào dung dịch sát khuẩn

 

 

 

10

Không sờ vào mặt ngoài găng, khi đeo chỉ cầm vào cổ găng đã lộn trái