Nguyên lý
Xạ hình tưới máu cơ tim dựa trên nguyên tắc sestamibi (MIBI) gắn với 99mTc sau khi tiêm tĩnh mạch sẽ được tập trung, phân bố vào cơ tim tương ứng với lưu lượng của từng nhánh động mạch vành. Những vùng cơ tim được tưới máu bình thường thể hiện trên xạ hình tưới máu cơ tim là những vùng có tập trung hoạt độ phóng xạ đồng đều. Trái lại, những vùng cơ tim được tưới máu kém hoặc không được tưới máu sẽ giảm hoặc mất hoạt độ phóng xạ do thuốc phóng xạ không đến được hoặc đến ít. Để đánh giá chính xác tình trạng tưới máu cơ tim, người ta thường tiến hành ghi hình ở hai trạng thái nghỉ và gắng sức thể lực hoặc bằng thuốc. Như vậy, ghi hình tưới máu cơ tim sẽ giúp ta đánh giá tình trạng tưới máu, tình trạng bắt giữ thuốc phóng xạ và khả năng sống của từng vùng cơ tim.
Chỉ định
Phát hiện và đánh giá bệnh động mạch vành
Đánh giá người bệnh nghi ngờ hoặc đã biết có bệnh động mạch vành
Đánh giá lựa chọn người bệnh phẫu thuật cầu nối chủ – vành hoặc can thiệp nong – đặt stent động mạch vành
Đánh giá sống còn của cơ tim (tình trạng cơ tim ngủ đông hoặc xơ hóa).
Đánh giá tiên lượng sau nhồi máu cơ tim
Đánh giá nguy cơ biến cố tim mạch trong tương lai.
Định hướng phương pháp tái thông động mạch nhờ đánh giá ý nghĩa huyết động học mạch vành.
Đánh giá hiệu quả thủ thuật tái tưới máu động mạch vành
Đánh giá trước các phẫu thuật không liên quan đến tim mạch trên người bệnh có nguy cơ bệnh mạch vành.
Đánh giá chức năng thất (sử dụng phương pháp gắn cổng điện tim)
Hạn chế và chống chỉ định
Người bệnh đang đau ngực hoặc nhồi máu cơ tim cấp 2 – 4 ngày.
Người bệnh tăng huyết áp không kiểm soát được, loạn nhip nặng, suy tim, tăng áp lực động mạch phổi, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim cấp, hẹp van động mạch chủ, van hai lá nặng, bệnh cơ tim tắc nghẽn, bệnh lý toàn thân nặng, tình trạng tâm – thần kinh không cho phép gắng sức.
Người bệnh có tiền sử, dị ứng với thuốc.
Đối với gắng sức bằng thuốc cần lưu ý các chống chỉ định của dipyridamol (persantin), adenosin như hen, co thắt phế quản (có thể thay thế bằng dobutamin), block nhĩ – thất độ II và III (trừ khi đã được đặt máy tạo nhịp), bock xoang – nhĩ hoặc nhịp chậm, tăng mẫn cảm với thuốc
Người bệnh nên ngừng các thuốc các thuốc nitroglycerin, ức chế beta, ức chế dòng canxi …đối với gắng sức thể lực (nếu có thể, theo chỉ định của bác sỹ tim mạch) và các chất kích thích, caffein, theophylin (đối với gắng sức bằng dipyridamol, adenosin) trước gắng sức 24 – 48 giờ.
Chuẩn bị
Người thực hiện
Bác sỹ chuyên khoa Y học hạt nhân
Bác sỹ tim mạch
Điều dưỡng Y học hạt nhân
Cán bộ hóa dược phóng xạ
Cán bộ an toàn bức xạ
Kỹ thuật viên Y học hạt nhân
Phương tiện, thuốc phóng xạ
Máy ghi đo: máy Gamma Camera trường nhìn lớn, chụp cắt lớp SPECT và gắn cổng điện tim. Sử dụng bao định hướng độ phân giải cao, năng lượng thấp (LEHR), cửa sổ năng lượng 20%.
Thuốc phóng xạ:
Hợp chất đánh dấu: MIBI
Đồng vị phóng xạ: 99mTc
Sau khi gắn 99mTc-MiBi đảm bảo chất lượng, đo sắc ký (chromatography) > 90%
Liều dùng: 15-20 mCi (555-740 MBq)
Tiêm tĩnh mạch khi đạt đỉnh gắng sức.
Chuẩn bị người bệnh
Nhịn ăn trước khi làm xạ hình 4 giờ
Giải thích cho người bệnh về quy trình xét nghiệm.
Đặt các điện cực điện tim, đặt đường tiêm, truyền tĩnh mạch
Các bước tiến hành
Tư thế người bệnh: nằm ngửa (có thể nằm sấp), để tay trái lên trên đầu. – Thời điểm ghi: 30 – 60 phút sau tiêm thuốc phóng xạ. Cho người bệnh ăn trứng, sữa sau tiêm thuốc phóng xạ 15 phút để tăng đào thải thuốc phóng xạ từ gan-mật xuống ruột non.
Gắng sức thể lực: thường thực hiện theo quy trình Bruce cải biên.
Nếu người bệnh không gắng sức thể lực được phải làm gắng sức bằng thuốc bằng dipridamol, persantin, dobutamin.
Tiêm thuốc phóng xạ tại đỉnh gắng sức hoặc theo quy trình gắng sức bằng thuốc.
Thông thường, chụp xạ hình với 99mTc-MIBI thực hiện quy trình 2 ngày hoặc 1 ngày có gắng sức và nghỉ.
Thu nhận theo quy trình chụp SPECT tim của gamma camera SPECT.
Đánh giá kết quả
Hình ảnh bình thường
Phân bố mật độ phóng xạ đồng đều các vùng cơ tim tương ứng với chi phối của các nhánh chính động mạch vành: động mạch liên thất trước, động mạch mũ, động mạch vành phải. Vận động và độ dày thành tim đồng đều, chức năng thất trái bình thường.
Hình ảnh bệnh lý
Đánh giá hình ảnh khuyết xạ (defect) có hồi phục (reversible) hoặc không hồi phục không thay đổi (cố định: fixed defect) giữa pha gắng sức và nghỉ, theo mức độ (nhẹ, vừa, nặng, theo độ rộng (hẹp, vừa, rộng) và theo vị trí (thành trước, mỏm, vách liên thất, thành bên và thành sau).
Kích thước buồng thất phải và thất trái giãn, rối loạn vận đồng thành, chức năng thất trái giảm …
Theo dõi và xử trí tai biến
Theo dõi và xử trí các tai biến trong khi gắng sức thể lực hoặc gắng sức bằng thuốc. Đây là kỹ thuật ghi hình có gắng sức, tai biến có thể xảy ra như nhồi máu cơ tim, cơn nhịp nhanh, rung thất… cần có hệ thống cấp cứu tim mạch và bác sỹ y học hạt nhân tim mạch hoặc bác sỹ chuyên khoa.
Theo dõi người bệnh qua monitor điện tim khi ghi hình.