Nội dung

Kinh phế, kinh đại trường, kinh tỳ, kinh vị

Kinh thủ thái âm phế (lu).

Đường đi:

Từ huyệt trung phủ (khoang liên sườn II cắt rãnh đen ta ngực), xuống mặt trước ngoài cánh tay, khuỷu tay, cẳng tay, qua cổ tay và ô mô cái gan tay, tận cùng ở góc ngoài chân móng ngón tay cái.

Liên quan:

Tương quan biểu lý với đại trường, liên quan đến mũi- họng.

Đại trường và phế cùng liên quan tiết đoạn C6. → C7 cùng mé đầu ngón tay

Chỉ định điều trị :

Đau thần kinh liên sườn, đau các khớp cổ tay, khớp khuỷu, khớp vai, đau thần kinh quay, đau đám rối thần kinh cánh tay…

Ho tắc ngạt mũi, ho hen khó thở, viêm mũi dị ứng, cảm mạo có sốt, đầy trướng bụng, rối loạn tiểu tiện.

Các huyệt thường dùng:

Xích trạch (LU5):

Vị trí: nằm trên lằn chỉ khuỷu tay, sát bờ ngoài gân cơ nhị đầu.

Huyệt vừa có tác dụng tại chỗ, vừa có tác dụng toàn thân (như tác dụng của kinh phế).

Liệt khuyết (LU 7):

Hình 3.1:Kinh thủ thái âm phế

1.Trung phủ 2. Vân môn

3.Xích trạch 4. Liệt khuyết

5.Thái uyên 6. Ngư tế

7.Thiếu thương

Vị trí: trên lằn chỉ cổ tay 1,5 thốn,  huyệt ở bờ ngoài gân cơ ngửa dài.

Ngoài tác dụng tại chỗ và toàn thân, huyệt còn được dùng nhiều trong châm tê phẫu thuật, nhất là trong phẫu thuật mổ tuyến ức và bướu cổ.

Thái uyên (LU9):

Vị trí: nằm trên lằn chỉ cổ tay, nơi tiếp giáp giữa đầu dưới xương trụ và xương thuyền.

Huyệt có tác dụng tại chỗ vừa có tác dụng toàn thân.

Thiếu thương (LU11):

Vị trí: cách góc ngoài nền móng tay ngón cái 2 ly.

Ngoài tác dụng chung huyệt còn có tác dụng chữa sốt cao, choáng, truỵ mạch (cảm gió), say nắng, say nóng.

Kinh thủ dương minh đại trường (li)

Đường đi:

Từ góc ngoài chân móng ngón tay trỏ, qua khe giữa xương bàn tay 1 – 2, vào hố lào, rồi lên dọc phía sau ngoài cẳng tay, khuỷu tay, cánh tay, lên trước mỏm cùng vai, tới gáy hội với các kinh dương tại huyệt đại chùy, rồi vòng ra trước hõm vai, tới cổ – mặt, vòng môi trên. Hai kinh phải trái bắt chéo ở huyệt nhân trung và tận cùng ở cạnh cánh mũi bên đối diện. 

Liên quan:

Liên quan biểu lý với kinh phế, cùng tiết đoạn C6. 

Là kinh đa khí, đa huyết, hai đường kinh giao chéo nhau ở huyệt nhân trung (đốc mạch) nên các huyệt trên kinh vị được sử dụng để chữa các bệnh bên đối diện.

Chỉ định điều trị. 

Tại chỗ: đau khớp cổ tay, bàn tay, khuỷu, vai, thần kinh quay; liệt chi trên và các chứng đau thuộc mũi, răng, hàm, miệng.

Toàn thân: hạ sốt, mắt mờ, thị lực giảm.

Huyệt vị thường dùng:

Thương dương (l i2):

Vị trí: nằm cách góc ngoài nền móng tay ngón trỏ 2 ly.

Tác dụng: điều trị tại chỗ theo kinh; tác dụng toàn thân hạ sốt, trúng gió, hôn mê, cấm khẩu.

Hợp cốc (l i4):

Vị trí: nằm giữa hai xương bàn tay 1 và 2, ngang chỗ tiếp nối giữa đầu và thân xương bàn tay ngón 2. 

Tác dụng tại chỗ: là tác dụng theo kinh.

Tác dụng toàn thân: trúng gió, sốt cao không ra mồ hôi, đau đầu, bế kinh. Hợp cốc thường được phối hợp với liệt khuyết trong châm tê phẫu thuật; phối hợp với đại truỳ, khúc trì trong điều trị hạ sốt cao, dị ứng mề đay.

Dương khê (LI5):

Vị trí: nằm trên hố lào giữa hai gân cơ duỗi ngắn và dạng ngón cái.

Tác dụng điều trị: hạ sốt cao, đau răng, đau mắt đỏ, tai ù, tai điếc, khó thở, đầy tức ngực, đau đầu. 

Thủ tam lý (LI 10):

Vị trí: dưới huyệt khúc trì 2 thốn trên đường từ khúc trì đến dương khê

Điều trị tại chỗ theo kinh: liệt vận động cảm giác của thần kinh quay, liệt chi trên; tác dụng toàn thân: hạ sốt, hội chứng cổ- vai- cánh tay, đầy trướng bụng, buồn nôn. 

Khúc trì (LI11):

Vị trí: nằm tận cùng phía ngoài lằn chỉ khuỷu tay (khi cẳng tay vuông góc với cánh tay).

Hình 3.2: Kinh thủ dương minh Đại trường

1.Thương dương

2.Hợp cốc

3.Dương khê

4.Khúc trì

5.Kiên ngung

6.Nghinh hương

Tác dụng điều trị: liệt chi trên, đau nhức khớp khuỷu, viêm họng; sốt cao, nổi mề đay, dị ứng, mụn nhọt, eczema. Chữa dị ứng thường kết hợp với huyệt thái xung, huyết hải.

Kiên ngung (LI15):

Vị trí: chính giữa cơ đenta- giáp mỏm cùng vai và mấu động lớn trên xương cánh tay.

Chữa đau khớp vai, viêm quanh khớp vai, liệt thần kinh mũ; phối hợp huyệt kiên tỉnh phục hồi động tác giang và giơ cánh tay lên cao. 

Nghênh hương (LI20):

Vị trí: ở giao điểm giữa đường ngang qua chân cánh mũi và rãnh mũi miệng.

Điều trị liệt thần kinh VII ngoại vi, viêm mũi dị ứng, đau thần kinh V.

Kinh túc dương minh vị ( ST).

Đường đi:

Từ huyệt thừa khấp ở bờ dưới ổ mắt, xuống cạnh mép, vòng quanh môi dưới và giao với mạch nhâm, rồi đi tới trước góc hàm dưới, tại đây chia 2 nhánh.

Nhánh 1: từ góc hàm lên trước tai và góc trán tận cùng ở huyệt đầu duy.

Nhánh 2: từ góc hàm,   xuống cổ, hố thượng đòn, qua núm vú, xuống dọc bụng cách mạch nhâm 2 thốn, xuống bẹn, đùi, dọc theo cơ thẳng trước đùi, xuống cẳng chân dọc phía ngoài xương chày, xuống cổ chân, dọc mu bàn chân, tận cùng ở góc ngoài chân móng ngón chân 2.

Liên quan:

Ở mặt liên quan thần kinh V, VII; cổ liên quan  tiết đoạn C4; ngực bụng liên quan D1 – D12; đùi liên quan  tiết đoạn L1 – L3;  cẳng chân, mu chân liên quan đến L5. 

Quan hệ biểu lý với kinh tỳ, luôn luôn liên quan đến tiêu hóa. 

Chỉ định điều trị:

Tại chỗ: liệt thần kinh VII, đau thần kinh V, thần kinh liên sườn, thần kinh đùi, thần kinh hông to, đau các khớp thái dương- hàm, khớp háng, khớp đầu gối, cổ chân, bàn chân, chắp lẹo mắt, viêm màng tiếp hợp, viêm tuyến vú, viêm cơ đáy chậu, chảy máu cam, chảy máu răng.

Toàn thân: hạ sốt, các bệnh về tiêu hóa, bổ dưỡng kiện tỳ nâng cao sức đề kháng.

Huyệt vị thường dùng:

Thừa khấp (ST1):Huyệt thừa khấp là huyệt hội của kinh dương minh ở chân với mạch dương kiểu và mạch nhâm.

Vị trí: điểm gặp nhau ở bờ dưới của hố mắt và đường thẳng từ con ngươi xuống (dưới con ngươi 0,7 thốn).

Điều trị các bệnh về mắt: đau mắt đỏ, sưng mắt, chảy nước mắt, quáng gà, liệt mặt, giật mi mắt. 

Cách châm (không cứu): dùng một ngón tay đặt lên mi dưới, đẩy nhãn cầu lên trên, châm mũi kim chếch xuống dưới dựa theo bờ dưới mắt, châm sâu 0,2 – 0,3 thốn, không vê kim. 

Chú ý: tránh châm vào nhãn cầu hoặc vào mạch máu khu mi dưới vì dễ gây tụ máu dưới da.

Tứ bạch (ST2): 

Vị trí: thẳng từ đồng tử xuống 1 thốn, tại chỗ lõm của xương gò má.

Điều trị: đau mắt đỏ, máy mắt, hoa mắt, liệt mặt. 

Cách châm: châm sâu 0,2 – 0,3 thốn. Không nên cứu, khi cần có thể cứu 5 – 10 phút tránh gây bỏng. 

Địa thương (ST4): Huyệt địa thương là huyệt hội của kinh dương minh ở chân, tay, mạch dương kiểu.

Vị trí: cách mép 0,4 thốn ở điểm gặp nhau của rãnh mũi mép và đường ngang qua hai mép.

Điều trị liệt mặt, chảy rớt dãi, môi run; đau thần kinh sinh ba, viêm lợi, chốc mép.

Cách châm cứu: chữa liệt mặt thì châm luồn kim dưới da hướng mũi kim về phía huyệt giáp xa, châm sâu 0,7 thốn. Chữa bệnh khác thì châm thẳng, sâu 0,2 – 0,3 thốn; cứu 10 – 20 phút (tránh gây bỏng).

Giáp xa (ST6):

Vị trí: cách trước góc hàm dưới khoảng chiều ngang 1 ngón tay.

Điều trị: liệt mặt, cứng hàm, đau răng, quai bị. 

Cách châm: chữa liệt mặt, châm luồn kim dưới da, mũi kim hướng về phía huyệt địa thương. Chữa đau răng, mũi kim hướng về phía răng đau. Chữa bệnh khác: châm thẳng sâu 0,3 – 0,4 thốn. Cứu 10 – 20 phút. Ôn châm cùng với huyệt địa thương và tình minh bên bệnh để chữa liệt mặt ngoại biên.

Hạ quan (ST7): Huyệt hạ quan là huyệt hội của kinh dương minh và thiếu dương ở chân.

Vị trí: Huyệt nằm ở trước bình tai chiều ngang một ngón tay, chỗ lõm giữa bờ dưới xương gò má và bờ trước lồi cầu xương hàm dưới.

Điều trị: ù tai, viêm tai giữa, miệng méo, mắt lệch, đau răng, viêm lợi, trật khớp hàm, đau cứng khớp hàm. 

Cách châm cứu: châm thẳng 0,2 – 0,3 thốn. Cứu 5 – 10 phút.

Nhũ căn (ST18):

Vị trí: bờ trên xương sườn VI, thẳng đầu núm vú xuống (đẩy vú lên để lấy huyệt).

Điều trị: vú căng đau tức ngực, thiếu sữa, tắc tia sữa, ho, hen suyễn.

Cách châm cứu: châm sâu 0,2 – 0,3 thốn (không châm sâu vì có thể vào tim và phổi gây tai biến nguy hiểm);  cứu 5 – 10 phút.

Thiên khu (ST25): Huyệt thiên khu là huyệt mộ của đại tràng.

Vị trí: từ rốn ngang ra 2 thốn.

Điều trị: đau bụng quanh rốn, sôi bụng, đầy bụng, ăn không tiêu, nôn, táo bón, ỉa chảy, lỵ. 

Cách châm cứu: châm sâu 0,7 – 1 thốn (có thai nhiều tháng không châm sâu). Cứu 5 – 10 phút.

Túc tam lý (ST36): Huyệt túc tam lý là huyệt hợp thuộc thổ.

Vị trí: ở bờ dưới xương bánh chè đo xuống 3 thốn, cách mào chày chiều ngang 1 ngón tay.

Điều trị:

Đau khớp gối, sưng khớp gối, co duỗi khớp gối khó, liệt chân do di chứng trúng phong hay di chứng bại liệt.

Đau dạ dày, ăn không tiêu, táo bón, sôi bụng, ỉa chảy. Tắc tia sữa, viêm tuyến vú, đau mắt, sốt.

Túc tam lý là huyệt phòng bệnh và nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Kết hợp với trung quản, nội quan, thái xung chữa viêm loét dạ dày. Kết hợp với hợp cốc, thiên khu, quan nguyên chữa tiêu hóa không tốt.

Cách châm cứu: châm sâu 0,5 – 1 thốn. Cứu 5  – 10 phút. 

Giải khê (ST41): Giải khê là huyệt kinh thuộc hỏa.

Vị trí: giữa nếp gấp cổ chân, giữa gân cơ cẳng chân trước và gân cơ duỗi dài ngón cái.

Điều trị: đau cổ chân, teo cơ cẳng chân, đầy bụng, đau đầu, đau mắt, mặt sưng nề, đau răng, tắc tia sữa, viêm tuyến vú, đại tiện khó, điên cuồng. 

Cách châm cứu: châm sâu 0,5 – 0,8 thốn; cứu 5 – 10 phút.

Xung dương (ST42): Xung dương là huyệt nguyên.

Vị trí: nối hai huyệt giải khê và nội đình; huyệt ở chỗ xương nổi cao nhất ở mu chân, sờ thấy mạch đập, trước huyệt giải khê 1,5 thốn

Điều trị: bàn chân sưng đau, đau bụng, đau răng, liệt mặt,  điên cuồng

Cách châm cứu: châm sâu 0,2 – 0,3 thốn (tránh châm vào động mạch mu chân – Y học dân tộc gọi là mạch xung dương); cứu 5  – 10 phút.

Nội đình (ST44): Nội đình là huyệt huỳnh thuộc thủy.

Vị trí: kẽ ngón chân 2 và 3 phía mu chân ngang chỗ nối thân xương và đầu sau xương đốt 1 ngón chân.

Điều trị: đau bụng, đau sưng hàm trên, đau họng, liệt mặt, đau sưng bàn chân, chảy máu cam. Lỵ, ỉa chảy, sốt không có mồ hôi; không muốn ăn, bí trung tiện (kết hợp với túc tam lý).

Cách châm cứu: châm sâu 0,3 – 0,5 thốn; cứu 5 – 10 phút.

Lệ đoài (ST45):  Lệ đoài là huyệt tỉnh thuộc kim.

Vị trí: ở phía ngoài góc móng chân ngón 2 (cách gốc móng 0,2 thốn), trên đường tiếp giáp da gan chân và mu chân)

Điều trị:

Đầy bụng, đau bụng, đau răng, chảy máu cam, liệt mặt, chân lạnh.

Không muốn ăn, mộng mị, sốt không có mồ hôi, điên cuồng.

Cách châm cứu: châm sâu 0,1 thốn; cứu 5 – 6 phút.