Đại cương
Phẫu thuật cắt bỏ từng búi riêng rẽ, điều trị bệnh trĩ ở mức độ nặng hoặc đã dùng các phương pháp nội khoa, điều trị thủ thuật thất bại. Phẫu thuật cắt trĩ cần giữ lại các cầu da niêm mạc vừa đủ để tránh hẹp hậu môn, đại tiện mất tự chủ sau mổ.
Chỉ định
Trĩ độ 3, độ 4, sa trĩ tắc mạch.
Trĩ đã được điều trị bằng các phương pháp khác thất bại còn sa và chảy máu.
Trĩ kèm các bệnh cần phẫu thuật khác ở hậu môn: nứt kẽ, rò,…
Chống chỉ định
(xem bài nguyên tắc chung phẫu thuật vùng hậu môn – trực tràng)
Chuẩn bị
(xem bài nguyên tắc chung phẫu thuật vùng hậu môn – trực tràng)
Các bước tiến hành
Tư thế
(xem bài nguyên tắc chung phẫu thuật vùng hậu môn – trực tràng)
Vô cảm
(xem bài nguyên tắc chung phẫu thuật vùng hậu môn – trực tràng)
Kỹ thuật
Nong hậu môn, bộc lộ các búi trĩ. Đặt 9 panh tại 3 vị trí: 3h, 8h, 11h; theo hàng: ở mép hậu môn, trên đường lược và gốc búi trĩ tạo nên tam giác trình bày. 3.2. Phẫu tích cắt từng búi trĩ: thường bắt đầu ở búi 3h. Tiêm thấm dung dịch Xylocain có adrenalin pha loãng để dễ phẫu tích bóc tách. Sau khi cắt da ở mép hậu môn, phẫu tích bóc tách búi trĩ từ da tới niêm mạc hậu môn trực tràng khỏi lớp cơ tròn trong tới gốc búi trĩ (cắt dây chằng Parks). Khâu thắt gốc búi trĩ bằng chỉ chậm tiêu 2.0. Đặt miếng gạc nhỏ dưới gốc búi trĩ, kéo nhẹ ra phía ngoài có tác dụng cầm máu tạm các mạch nhỏ.
Thực hiện tương tự với các búi trĩ ở các vị trí còn lại (8h và 11 giờ).
Sau khi thắt gốc 3 búi trĩ chính, kiểm tra lại vết mổ, cầm máu bằng đốt điện. Cắt các búi trĩ, để mỏm cụt dài khoảng 5mm.
Lấy các búi trĩ phụ dưới các cầu niêm mạc.
Sửa lại các cầu da niêm mạc cho cân đối, đều đặn. Nếu các cầu cầu da niêm mạc quá dài (để lại di tích da thừa sau này), có thể cắt ngắn cho vừa vặn và khâu lại bằng chỉ chậm tiêu 5.0, mũi rời.
Kiểm tra lại vết mổ: cầm máu tốt, ống hậu môn không bị hẹp (đút lọt dễ dàng ngón trỏ). Có thể đặt một miếng băng có tác dụng cầm máu như loại surgicel hay spongel ép nhẹ lên vết mổ. Băng mỡ với betadine.
Theo dõi
(xem bài nguyên tắc chung phẫu thuật vùng hậu môn – trực tràng)
Thường cho kháng sinh, thuốc giảm đau 3 ngày – 5 ngày loại metronidazol, paracetamol. Ngày đầu dùng đường tiêm, từ ngày thứ 2 dùng đường uống. Uống thêm thuốc nhuận tràng, tránh táo bón đọng phân trong trực tràng gây kích thích đại tiện, gây đau kéo dài. Bắt đầu ăn trở lại sau mổ 12 giờ.
Săn sóc tại chỗ: thường đặt viên đạn trĩ vào hậu môn 1 viên/ngày. Ngâm rửa hậu môn vào chậu nước ấm pha thuốc tím hoặc dung dịch sát trùng nhẹ 2 – 3 lần/ngày.
Xử trí biến chứng
Chảy máu:
Thường do vết thương để mở, nên người bệnh đại tiện có dính ít máu.
Nếu mức độ chảy máu nhiều, không tự cầm cần kiểm tra lại vết mổ để cầm máu bằng đốt điện hay khâu.
Đau nhiều:
Dùng thuốc giảm đau kết hợp ngâm hậu môn nước ấm.
Bí đái:
Thường gặp sau gây tê tủy sống, hoặc do người bệnh đau nhiều cũng gây khó tiểu tiện. Nếu cần thiết phải đặt ống thông bàng quang.
Hẹp hậu môn:
Sau mổ cần đặt thuốc hàng ngày, đưa sâu ngón tay vào trong lòng trực tràng, tránh các mép cầu da niêm mạc dính sớm gây hẹp hậu môn.
Trong khi mổ, cần phẫu tích tỉ mỉ, đúng lớp, tránh gây chảy máu nhiều phải khâu cầm máu và đốt điện nhiều làm hoại tử cầu da niêm mạc. Đây là nguyên nhân gây hẹp hậu môn.
Mất tự chủ hậu môn thường tồn tại trong vòng 30 ngày sau mổ.
Nguyên nhân do lớp niêm mạc hậu môn bị cắt bỏ, chưa tái tạo và phục hồi chức năng nhận cảm thành phần phân chứa trong lòng trực tràng.
Do phẫu thuật ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống cơ thắt hậu môn.
Do người bệnh sợ đi ngoài làm ứ đọng phân trong lòng trực tràng, gây kích thích đại tiện (người bệnh chỉ rặn được một ít phân, cảm giác đi không hết phân và đi ngoài nhiều lần trong ngày).
Vì vậy cần động viên người bệnh đi ngoài sớm, dùng nhuận tràng. Trong tường hợp cần thiết phải thụt tháo, lấy phân ứ đọng trong trực tràng.