Đại cương
Bệnh phóng xạ mạn tính xẩy ra do cơ thể bị chiếu xạ suất liều thấp nhưng nhiều lần trong thời gian dài. Trên thực tế, bệnh cảnh không rõ ràng, các tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh khó xác định.
Nguyên nhân
Làm việc, tiếp xúc với nguồn phóng xạ nhưng không tuân thủ các quy tắc an toàn bức xạ,bị chiếu xạ liều thấp nhiều lần trong thời gian dài.
Làm việc trong khu vực bị nhiễm xạ, dùng thức ăn, nước uống có nhiễm xạ hoặc làm việc gần khu vực nhiễm xạ, gần khu vực có sự cố của lò phản ứng.
Chẩn đoán
Lâm sàng và cận lâm sàng
Chẩn đoán bệnh phóng xạ mạn tính nói chung rất khó vì lâm sàng và xét nghiệm đều không có dấu hiệu đặc trưng, có thể dựa vào các yếu tố sau đây:
Tiền sử tiếp xúc với phóng xạ:
Liều chiếu, tính chất công việc, thâm niên.
Khám lâm sàng:
Phát hiện các tổn thương da, niêm mạc, các dấu hiệu thiếu máu, xuất huyết.
Xét nghiệm máu:
Số lượng bạch cầu tăng hoặc giảm, công thức bạch cầu chuyển trái.
Số lượng hồng cầu tăng hoặc giảm bất thường, hồng cầu lưới tăng trong trường hợp nhiễm xạ trong.
Số lượng tiểu cầu giảm.
Rối loạn đông máu.
Rối loạn sinh tuỷ.
Xét nghiệm nhiễm sắc thể:
Hình ảnh nhiễm sắc thể hai tâm, vòng xuyến, đứt gẫy.
Phân giai đoạn bệnh
Bệnh phóng xạ mạn tính có thể diễn biến qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1:
Lâm sàng: một số triệu chứng không đặc hiệu như chán ăn, mệt mỏi, nhức đầu, giảm khả năng tập trung vào công việc.
Xét nghiệm máu: số lượng bạch cầu giảm, sau một thời gian ngắn có thể hồi phục. Số lượng bạch cầu dao động khi giảm khi trở về bình thường.
Ở giai đoạn này bệnh có thể khỏi hoàn toàn.
Giai đoạn 2 :
Lâm sàng: thể trạng chung giảm sút, suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh. Xuất hiện chảy máu chân răng, chảy máu mũi, chảy máu dưới da, có thể có chảy máu trong.
Xét nghiệm: số lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu giảm.
Giai đoạn 3:
Các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng nặng lên rõ rệt, không phục hồi được.
Điều trị
Nguyên tắc chung
Chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời các triệu chứng do bệnh phóng xạ gây ra.
Điều trị, khắc phục các di chứng của bệnh phóng xạ.
Điều trị cụ thể
Ngừng việc phải tiếp xúc với phóng xạ.
Nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng.
Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, giàu đạm, sinh tố.
Điều trị những tổn thương tại chỗ.
Điều trị các triệu chứng toàn thân nếu có.
Tiên lượng và biến chứng –
Tiên lượng:
Bệnh phóng xạ mạn tính nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời có thể hồi phục, khỏi hoàn toàn.
Biến chứng:
Các biến chứng nặng thường gặp trong bệnh phóng xạ là suy tủy, giảm tiểu cầu gây xuất huyết,thiếu hồng cầu gây thiếu máu, giảm bạch cầu dễ bị nhiễm khuẩn, viêm phổi.
Tổn thương da dai dẳng khó lành.
Hậu quả lâu dài thường gặp là tổn thương gây đột biến gen, sinh ung thư, quái thai, sảy thai, vô sinh, đục nhân mắt, giảm tuổi thọ.
Phòng bệnh
Tránh nhiễm xạ trong.
Tận giảm liều chiếu và phải dưới mức tối đa cho phép.
Tuân thủ nguyên tắc, quy định an toàn khi tiếp xúc với nguồn phóng xạ.
Khám sức khoẻ định kỳ cho người làm việc trong môi trường phóng xạ.
Tài liệu tham khảo
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh phóng xạ. Bộ Y tế 9-2011.
Mai Trọng Khoa. (2012). Y học hạt nhân. Sách dùng cho sau đại học. Nhà xuất bản Y học.
Generic procedures for medical response during a nuclear or radiological emergency. IAEA and WHO, April 2005.
Manual for first responders to a radiological Emergency. Jointly sponsored by CTIF, IAEA, PAHO, WHO, October 2006.
Diagnosis and treatment of radiation injuries. IAEA, Vienna. (1998).