Định nghĩa
Là một trong những phẫu thuật các tổn thương không sờ thấy ở vú, được xem như là sự phát triển của chiến dịch phát hiện sớm ung thư vú.
Những tổn thương không sờ thấy trên lâm sàng, được phát hiện qua chụp vú hoặc trên siêu âm. Đó là những tổn thương nghi ngờ, đám mờ co kéo hoặc những dạng tổn thương lắng đọng vi vôi hóa… Theo Le GAL, chia ra 5 typ vi vôi hóa mà độ ác tính tăng dần từ typ 1 đến typ 5.
Trong các trường hợp này, rất khó xác định được tổn thương trên lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ xác định vị trí này bằng cách định vị kim dây (dây kim loại có móc hình lưỡi câu ở đầu), vùng lắng đọng calci được đánh dấu bởi thước đo định vị, người ta sẽ tính toán và kiểm soát vị trí của đầu móc kim dây với vị trí của thương tổn bằng cách chụp phim thẳng cùng với chụp phim nghiêng.
Chỉ định
Tổn thương nghi ngờ trên chẩn đoán hình ảnh: film chụp vú hoặc siêu âm, không sờ thấy trên lâm sàng.
Chống chỉ định
Không có chống chỉ định tuyệt đối
Chuẩn bị
Người thực hiện
Một bác sĩ ngoại khoa chuyên khoa ung thư vú
Một bác sĩ phụ mổ
Một bác sĩ chẩn đoán hình ảnh
Một điều dưỡng dụng cụ
Phương tiện
Bộ dụng cụ tiểu phẫu chuyên khoa
Săng, toan vô trùng
Dụng cụ sát khuẩn
Thuốc sát khuẩn, thuốc tê
Găng tay, áo mổ, mũ, khẩu trang vô trùng
Đèn mổ, bàn mổ
Kim dây, máy chụp vú, thước đo
Được thực hiện tại phòng mổ có hệ thống cấp cứu tại chỗ
Người bệnh:
Như chuẩn bị cho người bệnh làm tiểu phẫu thuật
Ký giấy cam kết mổ, làm hồ sơ bệnh án, làm các xét nghiệm cơ bản đánh giá toàn trạng cũng như loại trừ các bệnh phối hợp.
Các bước tiến hành
Cho người bệnh nằm ngửa trên bàn mổ.
Sát khuẩn rộng vùng nghi ngờ tổn thương.
Rạch da thật nhỏ để luồn kim dây
Chụp film các tư thế thẳng nghiêng để đánh giá xem đầu kim đã vào vùng tổn thương nghi ngờ, định vị được tổn thương. Lưu ý có thể chụp nhiều film để xác định vị trí nghi ngờ đã được đánh dấu.
Rạch da như mổ lấy nhân xơ tuyến vú: chú ý vấn đề thẩm mĩ, lấy được hết tổn thương nghi ngờ
Khâu phục hồi tuyến vú, nếu vết mổ rộng, có thể đặt dẫn lưu -Chụp lại bệnh phẩm: xem đã lấy hết, lấy đúng tổn thương hay chưa -Gửi bệnh phẩm làm xét nghiệm giải phẫu bệnh.
Xử trí tai biến
Lo lắng hốt hoảng
Giải thích kĩ trước khi làm thủ thuật
Động viên, trấn an, nói chuyện…
Chảy máu sau mổ
Mở lại vết mổ và cầm máu lại
Băng ép sau khi kết thúc phẫu thuật
Đau, choáng do đau
Dùng giảm đau đường tiêm truyền perfalgan 1g x 2 lọ cho người bệnh. Nếu không hết đau, có thể dùng tiền mê bằng dolargan, thở oxy…
Sốc do thuốc tê:
Xử trí như sốc phản vệ