Khái niệm về y đức
Theo tiếng Hy Lạp Y đức học là một học thuyết về trách nhiệm. Theo cách giải thích hiện đại của y học Liên Xô cũ thì Y đức học là học thuyết về các nguyên tắc ứng xử của nhân viên y tế nhằm đạt được ích lợi tối đa cho người bệnh.
Chức năng của đạo đức là để chỉ đạo hành vi, thái độ của con người. Nó đưa ra các yêu cầu về thái độ của con người và nó đánh giá hành động của con người theo quan điểm lợi ích xã hội mà họ phải đảm nhiệm.
Nguyên lý chính yếu của Y đức học là chủ nghĩa nhân đạo, mà biểu hiện của nó trong thực tế hàng ngày là nhân phẩm của người cán bộ y tế và sự thực hiện nghĩa vụ của họ đối với con người, là điều kiện thiết yếu để điều trị thành công cho người bệnh.
Định nghĩa
Y đức là đạo đức của người cán bộ y tế. Đạo đức là một hình thái đặc biệt của ý thức xã hội. Đạo đức bắt nguồn từ những yêu cầu của sự tồn tại và phát triển xã hội, từ một tất yếu khách quan của đời sống xã hội, là điều chỉnh hành vi của con người trong mối quan hệ xã hội để kết hợp hài hoà ích lợi cá nhân với ích lợi tập thể.
Quy định 12 điều về y đức
(Tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế)
Y đức là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần làm trách nhiệm cao, tận tuỵ phục vụ, hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh, coi họ đau đớn như mình đau đớn, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “lương y phải như từ mẫu”. Phải thật thà đoàn kết, khắc phục khó khăn, học tập vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ, toàn tâm toàn ý xây dựng nền y học Việt Nam. Y đức phải thể hiện qua những tiêu chuẩn, nguyên tắc đạo đức được xã hội thừa nhận.
Chăm sóc sức khỏe cho mọi người là nghề cao quý. Khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ y tế phải nghiêm túc thực hiện lời dạy của Bác Hồ. Phải có lương tâm và trách nhiệm cao, hết lòng yêu nghề, luôn rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc. Không ngừng học tập và tích cực nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn. Sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tôn trọng pháp luật và thực hiện nghiêm túc các Quy chế chuyên môn không được sử dụng người bệnh làm thực nghiệm cho những phương pháp chuẩn đoán, điều trị, nghiên cứu khoa học khi chưa được phép của Bộ Y tế và sự chấp nhận của người bệnh.
Tôn trọng quyền được khám, chữa bệnh của nhân dân. Tôn trọng những bí mật riêng tư của người bệnh, khi thăm khám, chăm sóc cần đảm bảo kín đáo và lịch sự. Quan tâm đến những người bệnh trong diện chính sách ưu đãi xã hội, không được phân biệt đối xử người bệnh. Không được có thái độ ban ơn, lạm dụng nghề nghiệp và gây phiền hà cho người bệnh. Phải trung thực khi thanh toán các chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Khi tiếp xúc với người bệnh và gia đình họ, luôn có thái độ niềm nở, tận tình, trang phục phải chỉnh tề, sạch sẽ để tạo niềm tin cho người bệnh. Phải giải thích tình hình bệnh tật cho người bệnh và gia đình họ hiểu để cùng hợp tác điều trị phổ biến cho học về chế độ, chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của người bệnh, động viên an ủi, khuyến khích người bệnh điều trị, tập luyện để chống hồi phục. Trong trường hợp bệnh nặng hoặc tiên lượng xấu cũng phải hết lòng cứu chữa và chăm sóc đến cùng, đồng thời thông báo cho gia đình người bệnh biết.
Khi cấp cứu phải khẩn trương chẩn đoán, xử trí kịp thời, không được đùn đẩy người bệnh.
Kê đơn phải phù hợp với chẩn đoán và bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý an toàn, không vì lợi ích cá nhân mà giao cho người bệnh thuốc kém phẩm chất, thuốc không đúng với yêu cầu và mức độ bệnh.
Không được rời bỏ vị trí trong khi làm nhiệm vụ, theo dõi và xử trí kịp thời các diễn biến của người bệnh.
Khi người bệnh ra viện, phải dặn dò chu đáo, hướng dẫn họ tiếp tục điều trị, tự chăm sóc và giữ gìn sức khỏe.
Khi người bệnh tử vong, phải thông cảm sâu sắc, chia buồn và hướng dẫn, giúp đỡ gia đình học làm các thủ tục cần thiết.
Thật thà, đoàn kết, tôn trọng đồng nghiệp, kính trọng các bậc thầy, sẵn sàng truyền thụ kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau.
Khi bản thân có thiếu sót, phải tự giác nhận trách nhiệm về minh, không đổ lỗi cho đồng nghiệp, cho tuyến trước.
Hăng hái tham gia công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, cứu chữa người bị tai nạn, ốm đau tại cộng đồng, gương mẫu thực hiện nếp sống vệ sinh, giữ gìn môi trường trong sạch.
Để thực hiện tốt 12 tiêu chuẩn Y đức này, các đơn vị phải nghiêm túc khẩn trương tổ chức cho toàn thể CBCNV trong bệnh viện học tập để anh chị em hiểu, nhớ và thực hiện. Bài học đầu tiên của một người bước vào nghề phải là Y đức là nghĩa vụ, tình thương, trách nhiệm với bệnh nhân. Bệnh viện phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Y đức, nêu gương người tốt việc tốt, khen thưởng kịp thời và cũng phải nghiêm khắc với những hiện tượng hành vi sai trái với đạo đức y tế.
Mỗi CBNV Y tế thực hiện tốt 12 tiêu chuẩn này chắc chắn người bệnh và thân nhân họ sẽ hài lòng. Đảng và Nhà nước sẽ yên tâm khi giao trọng trách chăm sóc sức khỏe nhân dân cho ngành Y tế.
Yêu cầu các phẩm chất cá nhân của người điều dưỡng
Các phẩm chất cá nhân của người điều dưỡng bao gồm:
Đạo đức.
Mỹ học.
Trí tuệ.
Phẩm chất về đạo đức
Các phẩm chất về đạo đức của người điều dưỡng bao gồm:
Trách nhiệm cao.
Lòng trung thực vô hạn.
Sự ân cần và cảm thông sâu sắc.
Tính mềm mỏng và có nguyên tắc.
Tính khẩn trương và tự tin.
Lòng say mê nghề nghiệp.
ý thức trách nhiệm cao: trong xã hội ta, sức khỏe được coi là vốn qúy nhất. Đối tượng phục vụ của người điều dưỡng là người bệnh. Sự phục vụ của người điều dưỡng có quan hệ mật thiết tới cuộc sống và hạnh phúc của con người. Vì vậy trách nhiệm cao là một trong những phẩm chất cần thiết nhất của người điều dưỡng. Nghề điều dưỡng được phản ánh rất rõ trong câu nói “hàng trăm lần làm việc tốt cũng chưa đủ, chỉ một lần làm việc xấu cũng quá thừa”.
Lòng trung thực vô hạn: cần nhớ rằng không ai có thể kiểm tra toàn bộ các hoạt động của người điều dưỡng. Vì vậy trung thực tuyết đối phải là một trong những nét cơ bản của tính cách người điều dưỡng. Nó được gây dựng trên cơ sở lòng tin trong mối quan hệ giữa người điều dưỡng với người bệnh và đồng nghiệp.
Sự ân cần và cảm thông sâu sắc: sự ân cần bao hàm sự đồng cảm và khả năng cảm thụ nỗi đau của người bệnh. Nhưng sự ân cần và lòng tốt không được biến thành chủ nghĩa tình cảm làm trở ngại đến công việc của người điều dưỡng.
Tính mềm mỏng và có nguyên tắc: người điều dưỡng phải là nhà tâm lý học, biết xem xét và đánh giá đặc điểm cá nhân của người bệnh trong mỗi giai đoạn. Người điều dưỡng cần có tính cách dễ gần, chan hòa nhưng đồng thời biết yêu cầu cao và có nguyên tắc. Sự khô khan quá độ, sự thiếu cởi mở, tính cau có hoặc sự đùa cợt không đúng chỗ, hay tiếp xúc xuồng xã sẽ làm cho người điều dưỡng dễ bị mất uy tín trước người bệnh.
Tính khẩn trương và tự tin: điều dưỡng có nhiệm vụ đấu tranh cho sự sống của con người, nhiều khi khoảng cách giữa cái sống và cái chết của người bệnh rất gần. Vì vậy, trong nhiều trường hợp sự chậm trễ có thể đưa mất cơ hội cứu sống bệnh nhân. Vì vậy tính khẩn trương là một yêu cầu về phẩm chất nghề nghiệp của người điều dưỡng. Tuy nhiên sự khẩn trương được tỏ ra vội vàng, hấp tấp mà phải tự tin và bình tĩnh.
Lòng say mê nghề nghiệp: say mê là nguồn gốc của mọi sáng tạo. Là yếu tố thúc đẩy người điều dưỡng dễ dàng vượt qua được những khó khăn đễ làm tốt trách nhiệm của mình. Say mê nghề nghiệp là phẩm chất rất cần thiết của người điều dưỡng.
Phẩm chất mỹ học
Biểu hiện bên ngoài của người cán bộ y tế có ảnh hưởng lớn đến bầu không khí đạo đức trong cơ quan, người điều dưỡng có tác phong nghiêm chỉnh chững chạc trong chiếc áo trắng, mái tóc gọn gàng dưới chiếc mũ đẹp sẽ gây được lòng tin cho người bệnh. Ngược lại y phục xộc xệch, áo choàng nhầu nát và bẩn thỉu, tay bẩn, tóc rối bù, trang điểm sặc sỡ, móng tay boi sơn và để dài, đồ trang sức quá thừa sẽ gây tổn hại uy tín và gây cho người bệnh tâm lý thiếu tin tưởng. Quần áo sang trọng thái quá, cuộc trưng diện mỹ phẩm và đồ trang sức trước những người đang phải chịu những đau đớn sẽ gây ra ở họ cảm giác về sự thiệt thòi.
Người điều dưỡng không được để các mùi khó chịu kích thích người bệnh (mùi thuốc lá, mồ hôi, quần áo cũ, nước hoa quá hắc). Môi trường bệnh viện và các nhân viên phục vụ không được gây cho người bệnh cảm giác buồn chán hoặc kích thích, trái lại tất cả phải giúp đỡ cho sự ổn định tinh thần của họ và sự phục hồi.
Phẩm chất về trí tuệ
Có khả năng quan sát và đánh giá người bệnh.
Có kỹ năng thanh thạo.
Có khả năng nghiên cứu và cải tiến.
Khôn ngoan trong công tác.
Thời kỳ người điều dưỡng chỉ biết thực hiện máy móc các y lệnh của bác sĩ đã qua rồi. Trình độ đào tạo điều dưỡng đã được nâng cao. Việc họ làm quen với nguyên nhân, cơ chế sinh bệnh và các phương pháp điều trị đã cho phép người điều dưỡng tiếp cận với quá trình điều trị và theo dõi bệnh nhân một cách có kiến thức. Vì vậy nếu có gì chưa rõ trong y lệnh, người điều dưỡng phải nghiên cứu kỹ trước khi thực hiện. Điều này làm giảm bớt sự sai sót và làm cho công tác của người điều dưỡng trở nên thông minh, tốt đẹp.
Nghĩa vụ nghề nghiệp của người điều dưỡng
Người điều dưỡng có bốn trách nhiệm cơ bản. Nâng cao sức khỏe, phòng bệnh và tật, phục hồi sức khỏe và làm giảm bớt đau đớn cho người bệnh. Trách nhiệm về đạo đức nghề nghiệp của người điều dưỡng bao gồm
Điều dưỡng với người bệnh
Người điều dưỡng có trách nhiệm cơ bản đối với những người cần tới sự chăm sóc. Trong quá trình chăm sóc người điều dưỡng cần tạo ra một môi trường trong đó quyền của con người, các giá trị, tập quán và tín ngưỡng của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng để được tôn trọng.
Người điều dưỡng cần đảm bảo cho mọi cá thể nhận được thông tin cần thiết làm cơ sở để họ đồng ý chấp nhận các phương pháp điều trị.
Người điều dưỡng giữ kín các thông tin về đời tư của người mình chăm sóc, đồng thời phải xem xét một cách thận trọng khi chia sẻ các thông tin này với người khác.
Người điều dưỡng chia sẻ trách nhiệm cùng xã hội trong việc duy trì và bảo vệ môi trường không bị ô nhiễm, suy thoái và tàn phá.
Trách nhiệm nghề nghiệp của người điều dưỡng với người bệnh phải dựa trên các nguyên tắc cơ bản sau đây:
Không bao giờ được từ chối giúp đỡ bệnh nhân.
Cố gắng giúp đở bệnh nhân loại trừ đau đớn về thể chất.
Không bao giờ được bỏ mặc bệnh nhân.
Tôn trọng nhân cách và quyền của con người.
Hỗ trợ về tinh thần cho người bệnh.
Không bao giờ được từ chối giúp đỡ bệnh nhân: ý thức trách nhiệm trước cuộc sống của người bệnh đòi hỏi người điều dưỡng một sự quan tâm đặc biệt và một sự sẵn sàng quên mình để giúp đỡ bệnh nhân. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần nhớ rằng người bệnh đang gặp tai họa và đang cần sự giúp đỡ của người cán bộ y tế. Sự từ chối giúp đỡ người bệnh là vi phạm nghĩa vụ xã hội của mình, phải chịu sự lên án về mặt đạo đức và khi cần phải xử phạt về hành chính.
Giúp đỡ bệnh nhân loại trừ các đau đớn về thể chất: trước người bệnh đang bị đau đớn vì bệnh tật, người điều dưỡng phải luôn thể hiện một sự thông cảm và quan tâm đặc biệt, xem nỗi đau đớn của người bệnh như nỗi đau đớn của chính mình để mọi cách cứu giúp. Khi tiến hành các kỹ thuật chăm sóc và điều trị nhẹ nhàng để hạn chế tới mức thấp nhất sự đau đớn cho bệnh nhân.
Không bao giờ được bỏ mặc bệnh nhân: người điều dưỡng có nhiệm vụ đấu tranh cho sự sống của người bệnh đến cùng, luôn giành sự quan tâm tối đa cho người bệnh với tinh thần “còn nước còn tát”, không bao giờ xa rời vị trí để bệnh nhân một mình đối phó với bệnh tật.
Hỗ trợ về tinh thần cho người bệnh: trong khi nằm viện, tinh thần của bệnh nhân chịu ảnh hưởng của bản thân bệnh tật, sự cách ly người thân, môi trường bệnh viện và nhiều yếu tố khác. Vì vậy, tình trạng về tinh thần và thể chất của người bệnh thực tế khác với tình trạng của người khỏe. Khi tiếp xúc với người bệnh, người điều dưỡng phải gây được lòng tin của người bệnh vào hiệu quả điều trị. Đối với các bệnh nhân nặng ở giai đoạn cuối, thường diễn ra sự đánh giá về quá khứ, hiện tại và tương lai các giá trị, vật chất và tinh thần. Vì vậy, người điều dưỡng phải tỏ ra thông cảm và quan tâm đặc biệt tới họ.
Biểu tượng của nghề điều dưỡng là cây đèn đang cháy. Người điều dưỡng phải là ngọn lửa soi sáng và sưởi ấm những người đang bị bệnh tật hành hạ.
Tôn trọng nhân cách người bệnh: bản chất của y đức học được thể hiện trong câu phải đối xử với người bệnh như anh muốn người ta đối xử với anh. Khi tiếp xúc với người bệnh, người điều dưỡng phải tạo ra một môi trường trong đó mọi giá trị, mọi phong tục tập quán và tự do tín ngưỡng của mỗi cá nhân đều được tôn trọng. Khi tiếp xúc với người bệnh không được cáu gắt, quát mắng người bệnh.
Người điều dưỡng với nghề nghiệp
Người điều dưỡng luôn gắn liền trách nhiệm và nghĩa vụ cá nhân đối với việc thực hành và thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn của mình thông qua học tập liên tục.
Người điều dưỡng luôn rèn luyện sức khoẻ của mình để có khả năng làm tốt việc chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
Người điều dưỡng cần phải xem xét khả năng của cá nhân trong việc chấp nhận hoặc giao trách nhiệm.
Người điều dưỡng phải thường xuyên duy trì chuẩn mực về đạo đức cá nhân phù hợp với nghề nghiệp để củng cố niềm tin của cộng đồng.
Người điều dưỡng, trong khi sử dụng các kỹ thuật và khoa học hiện đại vào việc chăm sóc cần đảm bảo sự an toàn, nhân phẩm và quyền của con người.
Người điều dưỡng hành nghề theo đúng quy định của pháp luật.
Người điều dưỡng với phát triển nghề nghiệp
Người điều dưỡng phải đảm nhiệm những vai trò quan trọng trong việc xác định và thực hiện những chuẩn mực về thực hành chăm sóc lâm sàng, quản lý, nghiên cứu và đào tạo.
Nghề nghiệp dựa trên những căn cứ khoa học.
Người điều dưỡng thông qua các tổ chức nghề nghiệp để hoạt động nhằm tạo ra hoặc duy trì sự công bằng xã hội và điều dưỡng.
Điều dưỡng với đồng nghiệp
Cộng tác, giúp đỡ lẫn nhau: lao động y tế có đặc điểm là sự phát triển của chủ nghĩa tập thể, sự cộng tác thân ái và giúp đỡ lẫn nhau, điều này đặc biệt quan trọng, bởi vì nó tạo điều kiện để thiết lập bầu không khí hòa thuận trong một tập thể cùng giành giật sự sống cho người bệnh.
Sự tôn trọng lẫn nhau: sự tôn trọng, sự tế nhị có ý nghĩa quyết định trong việc thiết lập các mối quan hệ công tác trong tập thể. Người điều dưỡng không được phép cãi nhau hoặc xúc phạm lẫn nhau trước mặt bệnh nhân.
Sự phê bình có thiện chí: nguồn gốc của các mối quan hệ phức tạp trong tập thể là sự hiềm khích lẫn nhau. Do đó sự phê bình thiện chí là điều kiện để củng cố tập thể và giữ gìn đoàn kết.
Truyền thụ kinh nghiệm: cần phải giáo dục cho điều dưỡng không thấy hổ thẹn khi cần sự giúp đỡ chỉ bảo của người khác để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân khi mà tính mạng họ bị đe dọa bởi bất kỳ thành viên nào trong nhóm.
Kết luận
Thực hiện những phẩm chất đạo đức y học là nghĩa vụ nghề nghiệp của người điều dưỡng. Một khi chúng ta chấp nhận vai trò của người điều dưỡng thì đồng thời phải có bổn phận chấp hành và thực hiện các yêu cầu về phẩm chất, đạo đức của nghề nghiệp.
XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐIỀU DƯỠNG VIỆT NAM
Huớng đi mới của điều dưỡng quốc tế
Hiện nay nhu cầu điều dưỡng ở các nước phát triển đang có chiều hướng thiếu hụt để đáp ứng những nhu cầu phức tạp của người bệnh tại các cơ sở y tế và gia đình. Những yếu tố gây ra sự thiếu hụt là:
Có sự thay đổi về nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người bệnh.
Điều kiện kinh tế xã hội cũng ảnh hưởng đến chăm sóc y tế gây biến động nghề nghiệp.
Có sự thay đổi về nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người bệnh
Người bệnh bị bệnh cấp tính cần nằm viện, nhưng đòi hỏi nằm ngắn ngày trong bệnh viện tạo ra những nhu cầu mới cho dịch vụ chăm sóc do vậy đã tạo cơ hội mới cho ngành điều dưỡng phát triển để đáp ứng nhu cầu này. Đó là:
Giáo dục sức khoẻ cho ngươi bệnh biết cách làm thế nào để tự chăm sóc cho họ sau khi xuất viện. Công việc giáo dục bắt đầu vào viện và trong lúc nằm viện.
Coi trọng việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc người bệnh và gia đình tại các cơ sở y tế và gia đình là vấn đề không thể thiếu được. Điều quan trọng là việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc cần liên tục, việc chăm sóc này đòi hỏi người điều dưỡng cần có đủ kiến thức và kỹ năng thành thạo, ngoài ra họ cần có sự ân cần chu đáo khi chăm sóc người bệnh.
Sự thay đổi khác đó là việc gia tăng dân số người cao tuổi trong cộng đồng họ cần được chăm sóc kể cả việc duy trì và nâng cao sức khoẻ.
Đối tượng khác cần được quan tâm đó là những người có hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải cũng cần được chăm sóc đặc biệt.
Mở rộng kỹ thuật cao
Việc nâng cao kỹ thuật và gia tăng tính độc lập cũng ảnh hưởng đến thực hành điều dưỡng. Các cơ sở y tế hiện đại đều có các trang thiết bị với kỹ thuật cao. Từ quy trình khám bệnh, quy trình điều trị nội, ngoại trú, các đơn vị chăm sóc tích cực tất cả đều đòi hỏi người điều dưỡng có kiến thức tốt và trình độ kỹ thuật cao để đáp ứng với nhu cầu sử dụng này vào việc chăm sóc người bệnh như máy giúp thở, máy chạy thận nhân tạo, các kỹ thuật đưa dịch vào lòng mạch và nhiều loại máy móc khác hiện đại tân tiến hơn đòi hỏi người điều dưỡng cần đựơc huấn luyện để đáp ứng một cách thành thạo và an toàn. Người điều dưỡng cần phải liên tục cập nhật kiến thức và kỹ năng này để có thể xử dụng các kỹ thuật cao vào trong công việc chăm sóc một cách hiệu quả. Thêm vào đó việc ứng dụng tin học đã trở thành phổ biến trong công việc của điều dưỡng giúp vào việc theo dõi, ghi chép, lượng giá người bệnh được chính xác hơn.
Tăng cường tính tự chủ
Trong chăm sóc những chẩn đoán điều dưỡng, để người điều dưỡng có hướng can thiệp và hành động điều dưỡng nói lên tính độc lập tự chủ của điều dưỡng đó là nét đặc biệt của điều dưỡng, họ cần phải ý thức rằng trách nhiệm mình về những việc làm này. Ngay cả việc thực hiện y lệnh của thầy thuốc họ cũng phải cân nhắc suy nghĩ dựa vào kiến thức hiểu biết của mình để chắc chắn rằng việc làm đó có sự an toàn cho người bệnh.
Quan điểm chung của điều dưỡng các nứớc khu vực về dịch vụ điều dưỡng
Điều dưỡng là lực lượng tạo sự thay đổi tích cực trong hệ thống y tế, các nước trong khu vực đã lựa chọn điều dưỡng là công cụ chiến lược thực hiện các chính sách công bằng y tế và tăng cường sự tiếp cận người nghèo đối với dịch vụ y tế.
Dịch vụ chăm sóc điều dưỡng vừa mang tính phổ biến vừa mang tính thiết yếu. Các dịch vụ điều dưỡng diễn ra liên tục tại các cơ sở khám chữa bệnh 24 giờ/ngày tác động đến hiệu quả việc điều trị và phòng bệnh cho người dân.
Trong các hoạt động chuyên môn, công tác điều dưỡng thường diễn ra trong suốt quá trình điều trị. Do đó sự phát triển điều dưỡng cần song song sự phát triển của y học.
Những đặc điểm hiện tại của điều dưỡng việt nam
Những thuận lợi
Chính sách chăm sóc sức khoẻ
Đảng và Nhà nước đang có chính sách đầu tư cho sức khoẻ bằng cách nâng cao đời sống kinh tế xã hội cho người dân.
Sự đóng góp của điều dưỡng vào những thành tựu y tế
50% nguồn nhân lực y tế chăm sóc sức khoẻ cho dân là điều dưỡng.
Người điều dưỡng có mặt khắp mọi nơi về dịch vụ y tế từ bệnh viện đến cộng đồng.
Tại bệnh viện, người điều dưỡng luôn bên cạnh bệnh nhân 24/24 giờ.
Dịch vụ y tế trong cộng đồng, đặc biệt là chăm sóc bệnh nhân tại gia cũng đều cần có điều dưỡng.
Giới tính
Nghề điều dưỡng đa phần là nữ giới, do đó bản tính chịu thương, chịu khó, chịu cực khổ cũng rất thích hợp với nghề.
Điều dưỡng bắt đầu hòa nhập với quốc tế:
Một số tổ chức quốc tế đã bắt đầu giao lưu với điều dưỡng trong nước: tổ chức WHO (Tổ chức Y tế thế giới), HVO (Thầy thuốc Tình nguyện) của Mỹ,
Friendship của úc, Canada, Nhật và đã có sự giao lưu với nhau qua các hội nghị điều dưỡng quốc tế.
Những khó khăn
Nguồn nhân lực còn thiếu.
Vị thế xã hội của điều dỡng còn thấp, chưa được đánh giá đúng mức.
Các nhà lập kế hoạch và hoạch định chính sách về y tế ở các cấp tuy có chú ý về điều dưỡng nhưng chưa dành đủ sự ưu tiên về nguồn lực, nhân lực và tài chính để nhằm nâng cao và phát triển dịch vụ chăm sóc.
Những thành tựu
Hệ thống tổ chức quản lý điều dưỡng đã được thành lập ở 3 cấp:
Trung ương: Bộ Y tế.
Tỉnh: Sở Y tế, điều dưỡng trưởng sở.
Địa phương:
Bệnh viện: có phòng điều dưỡng trưởng.
Trung tâm y tế: điều dưỡng trưởng.
Dịch vụ chăm sóc được phát triển vững về số lượng cũng như chất lượng.
Sự phân công điều dưỡng toàn năng, điều dưỡng làm việc theo nhóm được thay thế cho phân công theo công việc để tiện việc chăm sóc bệnh nhân một cách toàn diện.
Chăm sóc toàn diện được thực hiện ở hầu hết các khoa phòng ở các bệnh viện.
Vai trò chủ động của điều dưỡng ngày càng được khẳng định.
Điều dưỡng được nhân rộng ở một số chuyên khoa: tim mạch can thiệp, thận nhân tạo, hậu môn nhân tạo.
Hội Điều dưỡng đã được thành lập.
Chức năng của điều dưỡng đã được mở rộng, dần dần đã khẳng định được vai trò và vị trí của mình trong xã hội, phát triển được ngành nghề.
Hội Điều dưỡng Việt Nam càng ngày càng phát triển chỉ sau Hội Y dược học.
Chất lượng điều dưỡng được nâng cao dần.
Các trường điều dưỡng được đầu tư nâng cấp: một số Trường Trung cấp Y tế đã chuyển thành Trường Cao đẳng Y tế, từ Cao đẳng Y tế đã được chuyển lên Đại học Y tế.
Bậc học của điều dưỡng cũng được nâng cao dần: sơ cấp – trung cấp – cao đẳng – đại học, và đã bắt đầu đào tạo thạc sĩ.
Chính sách về điều dưỡng có một số thay đổi dù rất nhỏ: có giấy phép hành nghề điều dưỡng tư nhân.
Những tồn tại và thách thức
Nhân lực:
Thiếu số lượng và yếu về chất lượng. Theo thống kê 2005:
Sơ học: |
23,93% |
Trung học- Cao đẳng: |
74,04% |
Đại học: |
2,02% |
Điều dưỡng bệnh viện: |
52,37% |
Cộng đồng: |
47,62% |
Hệ thống đào tạo điều dưỡng chưa được chuẩn hóa
Cơ sở đào tạo đại học điều dưỡng còn ít, đội ngũ giáo viên dạy điều dưỡng chủ yếu là bác sĩ, giáo viên điều dưỡng chưa có trình độ cao, chủ yếu là đa khoa, chưa có chuyên khoa sâu.
Chất lượng chăm sóc phục vụ người bệnh
Các kỹ thuật thực hành chăm sóc chưa được chuẩn hóa, chăm sóc toàn diện mới áp dụng bước đầu còn ở mức thấp, năng lực điều hành của hệ thống điều dưỡng trưởng còn nhiều hạn chế.
Chưa có hệ thống quy định về pháp lý của điều dưỡng
Danh hiệu thi đua: thầy thuốc Nhân dân. Chưa có hệ thống đăng ký hành nghề.
Chính sách tiền lương: đào tạo trình độ cao đẳng nhưng chưa có mức lương cho bậc cao đẳng.
Sáu bất cập đối với tương lai điều dưỡng
Thiếu đội ngũ giáo viên chuyên ngành (bác sĩ đào tạo điều dưỡng)
Nhiều cấp điều dưỡng, dẫn đến sử dụng kém hiệu quả
Mất cân đối nghiêm trọng về số lượng và cơ cấu nhân lực
Chất lượng điều dưỡng còn hạn chế
Hệ thống chính sách điều dưỡng thiếu đồng bộ và thiếu yếu tố kích thích nghề nghiệp
Thiếu điều kiện hội nhập điều dưỡng khu vực và điều dưỡng thế giới
Mục tiêu phát triển điều dưỡng đến năm 2010
Tăng cường sự tham gia của điều dưỡng trong việc xây dựng những chính sách về y tế.
Phát huy cơ chế dân chủ và cơ sở.
Tăng cường số lượng và phạm vi cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ của điều dưỡng.
Chuẩn hóa hệ thống đào tạo điều dưỡng về khung chính trị, giáo trình giảng dạy cho đội ngũ giáo viên,học sinh,sinh viên và cơ sở thực hành.
Các giải pháp
Thành lập hội đồng điều dưỡng quốc gia để xây dựng và ban hành tiêu chuẩn hành nghề điều dưỡng
Bộ Y tế nên cần có Vụ Điều dưỡng.
Bệnh viện có phòng điều dưỡng, trưởng phòng phải có trình độ đại học hoặc sau đại học, có phó giám đốc bệnh viện là kiêm trưởng phòng điều dưỡng.
Các Trung tâm y tế có phòng điều dưỡng trưởng của trung tâm, Phó Giám đốc trung tâm y tế phải là điều dưỡng.
Trạm y tế có 1 điều dưỡng quản lý về hành chính là phó trưởng trạm y tế.
Phát huy hệ thống thông tin đại chúng.
Các trường trung học, cao đẳng, đại học trưởng bộ môn điều dưỡng phải là điều dưỡng.
Nâng cao chất lượng phục vụ chăm sóc
Xây dựng các mô hình, các dự án tiêu biểu để làm chuẩn.
Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng như kỹ thuật chăm sóc theo chuẩn mực của các nước khu vực.
Xây dựng hệ thống dữ liệu, thống kê điều dưỡng.
Đầu tư các cơ sở vật chất y dụng cụ và điều kiện làm việc của điều dưỡng.
Tăng cường chất lượng công tác chăm sóc người bệnh trong bệnh viện: rút ngắn ngày điều trị.
Hội Điều dưỡng vận động nâng cao Y đức và đạo đức nghề nghiệp để hướng đến hoàn thiện kỹ năng điều dưỡng.
Tăng cường nghiên cứu trong các lĩnh vực quản lý, đào tạo cho ngành điều dưỡng và hộ sinh.
Tăng cường chất lượng đào tạo, đảm bảo học đi đôi với hành ư Thành lập Trường Đại học điều dưỡng, chuẩn hóa cơ sở thực hành.
Mở các lớp tập huấn cho giáo viên và người quản lý.
Nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo các bậc học có nội dung ngang bằng với các nước.
Soạn thảo các chương trình chuyển đổi thích hợp với các bậc học.
Phát triển nguồn nhân lực
Điều tra xác định nhu cầu về nhân lực trong các bệnh viện, cơ sở y tế, cộng đồng.
Chính sách tuyển dụng, ưu đãi, sử dụng nghề nghiệp, danh hiệu thi đua.
Đề xuất và triển khai thí điểm, mô hình sử dụng nhân lực tại bệnh viện và cộng đồng.
Phân công nhiệm vụ theo văn bằng và chính sách tuyển dụng chuyên khoa, qui định về chức danh nghề nghiệp và chức danh viên chức tương ứng với văn bằng đào tạo.
Kết luận
Với những thay đổi của xã hội trong thế kỷ XXI về dân số, về môi trường, những yếu tố nguy cơ về lối sống, kinh tế và chăm sóc sức khoẻ, luật pháp quy định về chăm sóc sức khoẻ v.v.
Những thay đổi của xã hội sẽ thay đổi việc thực hành điều dưỡng và giáo dục điều dưỡng.
Vai trò của người điều dưỡng sẽ khác, việc thực hành của điều dưỡng sẽ định hướng căn bản về cộng đồng.
Người điều dưỡng có thể làm sáng tỏ cho việc chăm sóc tốt hơn người bệnh và họ luôn tiếp tục sưởi ấm, nhân bản hóa việc chăm sóc trong môi trường của tiến bộ khoa học và kỹ thuật.
Thách thức lớn nhất của việc đào tạo điều dưỡng là đáp ứng được sự thay đổi nhanh chóng của xã hội bằng những chương trình đào tạo thích hợp, cung cấp một đội ngũ điều dưỡng có tay nghề vững vàng trong hoàn cảnh thiếu giáo viên giàu kinh nghiệm lớn tuổi, sự thay đổi nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, thiếu nhân lực và nguồn tài chính cho việc đào tạo cao hơn.