Nội dung

Chụp clvt động mạch vành

Đại cương 

Chụp cắt lớp vi tính động mạch vành là sử dụng máy chụp cắt lớp vi tính đa dãy có tiêm thuốc đối quang i-ốt để làm hiện hình hệ thống động mạch vành, cấu trúc buồng tim và van tim trên hình ảnh cắt lớp. Do động mạch vành có kích thước nhỏ và co bóp liên tục của tim, chuyển động của hô hấp vì vậy để đánh giá tốt hệ thống động mạch vành cần được chụp ở hệ thống máy có độ phân giải không gian và thời gian cao, hiện tại trên thế giới cũng như ở Việt Nam để chụp cắt lớp vi tính động mạch vành thường sử dụng hệ thống máy 64 dãy đầu dò ho c cao hơn (128, 256, 320 dãy,…)

Chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định

Đau ngực không điển hình.

Nghi ngờ có bệnh lý mạch vành khi đã có các kết qủa xét nghiệm khác như: thử nghiệm gắng sức, siêu âm..

Có các yếu tố nguy cơ bệnh lý tim mạch như tăng mỡ máu, đái tháo đường, hút thuốc lá, tăng huyết áp..

Sau phẫu thuật cầu nối xác định cầu nối.

Xác định các bất thường giải phẫu hệ mạch vành.

 

Xác định các trường hợp đau ngực không điển hình ở người bệnh có đặt stent hoặc làm cầu nối trước đó

Xác định một số bệnh lý cơ tim (như bệnh cơ tim phì đại..), van tim chủ yếu là van động mạch chủ và van hai lá.

Chống chỉ định

Không hợp tác

Dị ứng thuốc đối quang i-ốt, tiền sử hen phế quản.

Suy thận, phụ nữ có thai

Nhịp tim không đều, rung nhĩ

Vật liệu kim loại

Chuẩn bị 

Người thực hiện

Bác sỹ chuyên khoa          

Kỹ thuật viên điện quang

Điều dưỡng 

Phương tiện

Máy chụp CLVT đa dãy chuyên dụng (từ 64 dãy trở lên) 

Máy bơm điện chuyên dụng

Phim, cát – xét, hệ thống lưu trữ hình ảnh                    

Vật tư y tế 

Bơm tiêm 10; 20ml

Bơm tiêm dành cho máy bơm điện

Kim tiêm 18-20G

Thuốc đối quang I-ốt  tan trong nước 

Dung dịch sát khuẩn da, niêm mạc

Nước cất hoặc nước muối sinh lý 

Găng tay, mũ, khẩu trang phẫu thuật

Bộ khay quả đậu, kẹp phẫu thuật.

Bông, gạc phẫu thuật.

Hộp thuốc và dụng cụ cấp cứu tai biến thuốc đối quang.

Người bệnh

Người bệnh được giải thích kỹ về thủ thuật để phối hợp với thầy thuốc.

Tháo bỏ khuyên tai, vòng cổ, cặp tóc nếu có. 

Cần nhịn ăn, uống trước 4giờ. Có thể uống không quá 50ml nước. 

Khống chế tốt nhịp tim: nhịp tim tốt khi

Sử dụng thuốc giảm nhịp tim: beta blocker (oral atenolol, meprolol) 1-2 giờ trước chụp. Nếu có chống chỉ định beta blocker: sử dụng thuốc chẹn kênh calci

Khống chế các trường hợp có ngoại tâm thu, loạn nhịp tim.

Đặt đường truyền tĩnh mạch: đường truyền đủ lớn, kim 18G, đặt ở tĩnh mạch lớn tốt nhất ở tĩnh mạch cẳng tay. Lưu kim ít nhất 15 phút sau tiêm.

Phiếu xét nghiệm

Có phiếu chỉ định chụp CLVT

Hồ sơ bệnh án hoặc các giấy tờ chỉ định, xét nghiệm có liên quan đến bệnh lý

Các bước tiến hành

Tư thế người bệnh

Nằm ngửa

Đặt đường truyền tĩnh mạch đủ lớn (18G) và nối với bơm tiêm điện

Lắp cổng điện tâm đồ (ECG).

Kiểm tra nhịp tim trên màn hình tại máy chụp.

Chụp định vị

Chụp động mạch vành thông thường: chụp từ chạc ba khí phế quản tới hết đáy tim.

Chụp mạch vành với cầu nối (bypass graft): trường chụp từ đỉnh phổi tới hết đáy tim.

Chụp trước tiêm thuốc và tính điểm vôi hóa

Tiêm thuốc đối quang i-ốt sử dụng kỹ thuật “Test bolus” hoặc “bolus tracking” mục đích để xác định thời điểm thuốc đạt nồng độ cao nhất tại gốc ĐM chủ

Lượng thuốc đối quang i-ốt thường sử dụng từ 70-100 ml ( tùy thuộc vào loại thuốc đối quang i-ốt: hàm lượng iod và chỉ số BMI của người bệnh). Tốc độ tiêm: 4-5ml/giây. Phối hợp với dùng nước muối sinh lý để giảm bớt tổng liều thuốc, ngấm thuốc mạch máu tốt hơn và giảm bớt nhiễu ảnh từ tim phải. 

Độ dày lớp cắt tùy thuộc theo từng loại máy (16, 32, 64 dãy…) và từng hãng máy.

Tái tạo hình ảnh: thường tái tạo độ dày 0,75/0,4mm, có thể tái tạo 0,6/0,3mm tuy nhiên càng mỏng ảnh càng nhiễu. Thường tái tạo ở khoảng 65-70% của chu chuyển tim (khoảng R-R) đối với các trường hợp nhịp tim thấp. Xử lý hình ảnh tại trạm làm việc (trạm làm việc) trên các chương trình tái tạo đa bình diện (3D MPR), tái tạo theo tỉ trọng tối đa (MIP) và tái tạo theo thể tích (VRT)…

Nhận định kết quả

Hình ảnh hiển thị được rõ các cấu trúc giải phẫu trong vùng thăm khám

Phát hiện được tổn thương nếu có

Tai biến và xử trí  

Phản ứng phụ với thuốc hạ nhịp tim: có thể gây tụt huyết áp. Xử trí cần cho người bệnh nằm nghỉ ngơi tại chỗ, bù dịch. Nếu huyết áp vẫn không lên vận chuyển người bệnh sang chuyên khoa cấp cứu tiếp tục xử trí theo phác đồ.

Tai biến liên quang đến thuốc đối quang i-ốt: xem thêm quy trình Chẩn đoán và xử trí tai biến thuốc đối quang.