PHẪU THUẬT KẾT HỢP XƯƠNG GÃY TRẬT KHỚP CỔ CHÂN Ở TRẺ EM
Đại cương
Ở trẻ em hệ thống dây chằng, bao khớp vững chắc hơn hệ thống xương.
Chấn thương gây gãy xương, trật khớp vùng cổ chân là thương tổn phổ biến nhất trong các tổn thương xương khớp ở trẻ em.
Điều trị cần nắn chỉnh tốt giải phẫu và cố định vững chắc diện gãy tránh các di chứng về sau.
Chỉ định
Gãy trật khớp cổ chân có di lệch diện khớp (Salter Harris III, IV).
Gãy trật khớp cổ chân kèm theo tổn thương mạch máu, thần kinh chính vùng cổ chân.
Gãy trật hở khớp cổ chân có di lệch xương khớp.
Gãy trật khớp cổ chân có di lệch đã nắn chỉnh và điều trị bảo tồn thất bại.
Chống chỉ định
– Gãy trật khớp cổ chân không di lệch diện khớp (Salter Harris I, II).
Chuẩn bị
Người thực hiện:
Phẫu thuật viện chuyên khoa chấn thương chỉnh hình đã được đào tạo về phẫu thuật nhi.
Người bệnh và gia đình:
Chuẩn bị tâm lý, cần được giải thích trước mổ về quá trình phẫu thuật, hậu phẫu và tập phục hồi chức năng sau mổ. Chuẩn bị hồ sơ bệnh án đầy đủ thủ tục hành chính và các xét nghiệm cần thiết.
Chuẩn bị người bệnh trước mổ Nhịn ăn, thụt tháo, vệ sinh vùng mổ, kháng sinh dự phòng.
Phương tiện, trang thiết bị:
Bộ dụng cụ mổ chấn thương nhi.
Thực hiện tại các cơ sở chuyên khoa chấn thương chỉnh hình.
Dự kiến thời gian phẫu thuật: 40 phút
Các bước tiến hành
Tư thế: Người bệnh nằm ngửa.
Vô cảm: Vô cảm người bệnh bằng gây tê tủy sống hoặc gây mê.
Kỹ thuật:
Bước 1: Sát khuẩn vùng mổ bằng dung dịch Betadine.
Bước 2: Dùng garo hơi trong mổ với áp lực bằng hai lần áp lực động mạch tối đa. Bước 3: Rạch da đường đường mổ phía trong, ngoài hoặc phía trước khớp cổ chân tùy theo thương tổn cần nắn chỉnh.
Bước 4: Rạch cân và bao khớp để vào bộc lộ vùng mặt khớp gãy di lệch.
Bước 5: Nắn chỉnh đặt lại khớp, cố định bằng các đinh kirschner diện khớp.
Bước 6: Cầm máu, làm sạch khớp và đặt dẫn lưu.
Bước 7: Đóng cân và dây chằng theo các lớp giải phẫu.
Bước 8: Đóng da hai lớp (dưới da và khâu da).
Bước 9: Cố định bột tùy theo thương tổn (nẹp bột hoặc bột cẳng bàn chân rạch dọc).
Theo dõi và xử lý tai biến
Theo dõi
Theo dõi tình trạng toàn thân: Mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở, tri giác.
Theo dõi tình trạng thiếu máu: Da niêm mạc nhợt.
Theo dõi tình trạng chi thể: Màu sắc da, vận động, cảm giác đầu chi, mạch đầu chi.
Kháng sinh đường tiêm dùng 3-5 ngày sau mổ.
Giảm đau sau mổ đường tiêm, đặt hậu môn hoặc uống.
Gác chân cao, chườm lạnh trong 24h đầu.
Hướng dẫn tập phục hồi chức năng sau mổ cho bố mẹ.
Tai biến và xử trí
Chảy máu vết mổ: Băng chun ép cầm máu, có thể phải mở vết mổ cầm máu nếu cần.
Nhiễm trùng vết mổ: Tách chỉ vết mổ, thay băng làm sạch vết mổ hàng ngày, dùng thuốc theo kháng sinh đồ.