Nội dung

Bài giảng đại cương dịch tễ học

PGS.TS. Đinh Hồng Dương

Định nghĩa dịch tễ học

Từ trước đến nay, cùng với sự phát triển của dịch tễ học, đã có nhiều định nghĩa về môn học này, mỗi định nghĩa đánh dấu một bước phát triển ở thời kỳ đó. Định nghĩa dịch tễ học gần đây được chú ý nhất là của Last, 1995:

 “Dịch tễ học là một môn khoa học nghiên cứu về tần số và sự phân bố tần số mắc bệnh và tử vong của bệnh trạng cùng với các yếu tố quy định sự phân bố đó ở những quần thể xác định, ứng dụng các nghiên cứu này trong việc kiểm soát những vấn đề sức khỏe”. 

 Về mặt thuật ngữ: Dịch tễ học “Epidemiology” được hình thành từ 3 gốc từ Hy lạp:

epi                 nghĩa là                    trên, trong số, thuộc về 

demos            “                              con người, quần thể người       

logos              “                   học thuyết, môn học

Có nghĩa là: Dịch tễ học được hiểu là một ngành khoa học về tất cả những gì xảy ra trong quần thể người.  

Những khái niệm đầu tiên về dịch tễ học đã được hình thành rất sớm, ngay từ thời cổ Hy Lạp, Hyppocrate (460 – 372 TCN) trên cơ sở quan sát thấy ở những nhóm người khác nhau, trên những khu vực và trong những khoảng thời gian khác nhau thì tần số mắc một bệnh nào đó cũng khác nhau và ông đã đi tới khẳng định rằng: Sở dĩ người ta mắc bệnh là vì sống ở những môi trường không trong lành! Yếu tố môi trường có ảnh hưởng lớn đến sự xuất hiện và tồn tại của bệnh tật.

Từ trước đến nay: Dịch tễ học phát triển với một quan niệm bao trùm cơ bản là: Mọi bệnh trạng của con người không phải xảy ra một cách ngẫu nhiên vô cớ (do trời sinh ra ?), mà bất kỳ một bệnh hay hiện tượng sức khoẻ nào cũng đều có một hoặc nhiều nguyên nhân phát sinh nhất định. Những nguyên nhân này có thể tác động đơn độc hoặc phối hợp với nhau; có thể dễ dàng nhận thấy hoặc không rõ; có thể sớm hoặc muộn mới biểu hiện ra kết quả (thành bệnh)… Khi bệnh tật hay hiện tượng sức khoẻ đã xảy ra, nguyên nhân gây ra chúng có thể còn hay đã kết thúc. Mặt khác, quá trình tiến triển của bất cứ bệnh nào cũng chịu sự tác động của nhiều yếu tố (chủ quan hoặc khách quan, chủ động hoặc thụ động) làm cho bệnh có thể phát triển tăng lên hoặc giảm đi, để rồi cuối cùng kết thúc bằng sự hồi phục (hoàn toàn hoặc không hoàn toàn) hoặc tử vong. Dịch tễ học cho rằng: Mọi nguyên nhân hoặc những yếu tố tác động như vậy có thể được tìm ra hoặc được đánh giá bằng các thiết kế nghiên cứu đúng đắn, khoa học.

Những nguyên nhân, yếu tố đó bao gồm 2 loại: Nguyên nhân cần và nguyên nhân góp phần. Nguyên nhân cần là nguyên nhân không thể thiếu trong các bệnh truyền nhiễm: Mầm bệnh. Để một người mắc bệnh lao thì thông thể thiếu nguyên nhân nhiễm vi khuẩn lao. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai nhiễm vi khuẩn lao đều phát triển thành bệnh lao mà còn cần những nguyên nhân phối hợp, bổ trợ nhất định. Những nguyên nhân này được gọi chung là nguyên nhân góp phần: Hút thuốc lá, uống rượu (làm giảm sức đề kháng niêm mạc đường hô hấp), suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng, điều kiện sống chật chội, chen chúc… góp phần để 1 người nhiễm vi khuẩn lao phát triển thành bệnh lao.

Ở định nghĩa này cần chú ý hai thành phần liên quan chặt chẽ với nhau: “tần số và sự phân bố tần số” “các yếu tố quy định sự phân bố tần số đó”. Có nghĩa là Dịch tễ học không chỉ nghiên cứu sự phân bố tần số mắc bệnh và tử vong của 1 bệnh nào đó, mà còn nghiên cứu, tìm tòi các yếu tố quy định sự phân bố đó:

Nghiên cứu “sự phân bố” tần số mắc bệnh và tử vong đối với một bệnh trạng nhất định bao giờ cũng được nhìn dưới ba góc độ của dịch tễ học: con người – không gian – thời gian. Nghĩa là bệnh mắc nhiều hay ít, cho những ai (tuổi nào, giới tính nào, nghề nghiệp nào, dân tộc nào…), ở đâu (vùng địa lý nào, khu vực nào, quốc gia nào…), vào thời gian nào (trước kia, hiện nay, vào những năm nào, tháng nào…).

Nghiên cứu “các yếu tố quy định sự phân bố” của bệnh trạng bao gồm mọi yếu tố nội sinh (tuổi, giới, di truyền, nhóm máu…) và ngoại sinh (môi trường tự nhiên, xã hội: Đất, nước, không khí, khí hậu, khu vực địa lý, tình trạng kinh tế, xã hội, dân trí, phong tục tập quán…) có ảnh hưởng đến sự mất cân bằng sinh học đối với một cơ thể, khiến cơ thể đó không duy trì được tình trạng sức khỏe bình thường và dẫn tới mắc bệnh. Nghiên cứu các yếu tố quy định sự phân bố tần số bệnh trạng đó, xem tại sao lại có sự phân bố như vậy, mới lý giải được các yếu tố nguyên nhân hoặc các yếu tố phòng ngừa đối với từng bệnh trạng nhất định.

Ở cả 2 thành phần của định nghĩa này đều có liên quan chặt chẽ đến tần số mắc và tần số chết, nói khác đi là phải định lượng các hiện tượng sức khỏe đó dưới các dạng tuyệt đối, đo đếm chính xác, và dưới các dạng tỷ số để có thể đem so sánh được.

Ngày nay, Dịch tễ học hiện đại không chỉ quan tâm đến các bệnh truyền nhiễm mà còn quan tâm nghiên cứu đến cả các bệnh không truyền nhiễm: Các bệnh mãn tính về tim mạch, xương khớp, gan, thận, ung thư… và các trạng thái sức khoẻ chưa phải là bệnh: Suy dinh dưỡng, béo phì, stress, tự tử, tai nạn, bạo lực…

Mục tiêu của dịch tễ học

Xác định sự phân bố bệnh trạng, sự phân bố các yếu tố nội, ngoại sinh trong quần thể theo 3 góc độ con người – không gian – thời gian, nhằm định hướng cho sự phát triển các chương trình và các dịch vụ sức khỏe.

Làm bộc các nguy cơ và các yếu tố căn nguyên của tình hình bệnh trạng đó, nhằm phục vụ cho các kế hoạch chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, kiểm soát hoặc thanh toán bệnh trạng.

Cung cấp những phương pháp đánh giá hiệu lực của các biện pháp đã áp dụng trong các dịch vụ y tế, giúp cho việc chọn lựa, hoàn thiện các biện pháp phòng chống các bệnh trạng, cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Ba mục tiêu trên tuy độc lập với nhau song có quan hệ chặt chẽ và là tiền đề cho nhau. Ví dụ: để đạt được mục tiêu xác định các yếu tố nguyên nhân (mục tiêu thứ hai) người ta phải sử dụng các kết quả thu được khi thực hiện mục tiêu mô tả sự phân bố tần số bệnh tật trong cộng đồng (mục tiêu thứ nhất). Để đề xuất được các biện pháp can thiệp phòng chống dịch thì phải có kết quả qua thực hiện mục tiêu thứ nhất và thứ hai.

Đối tượng của dịch tễ học

Quần thể

Quần thể người là đối tượng thứ nhất trong Dịch tễ học và được xác định là các cộng đồng người có trong các khu vực địa lý, sinh cảnh hoặc hành chính khác nhau. Tùy theo độ lớn và yêu cầu quan sát dịch tễ mà người ta có thể chia ra: 

Quần thể toàn bộ (dân cư của một tỉnh, huyện, vùng…).

Quần thể có nguy cơ mắc bệnh, hoặc nguy cơ cao (tân binh mới vào vùng sốt rét, công nhân mỏ than làm trong hầm lò…).

Quần thể bệnh, tàn tật, có di chứng sau bệnh hoặc chết do bệnh. 

Những quần thể được chọn ra làm đối tượng chính cho các nghiên cứu Dịch tễ học được gọi là quần thể quan sát hay quần thể định danh. 

Những quần thể đối tượng trên lại có thể được phân ra các nhóm theo đặc trưng tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, mức sống… và được xem xét về các chỉ số về sức khoẻ và bệnh tật trong các điều kiện tĩnh tại hoặc biến động theo thời gian và không gian. 

Bệnh

Là đối tượng thứ hai của Dịch tễ học, được xác định là mọi loại bệnh tật xảy ra với mức độ khác nhau trong quần thể người, bao gồm:

Trước hết là toàn bộ các bệnh tật đã được định nghĩa rõ ràng, tuy nhiên nhiều đặc điểm dịch tễ và các yếu tố nguyên nhân luôn cần được làm rõ thêm.

Hầu hết các bệnh truyền nhiễm, bệnh nội khoa, ngoại khoa, các bệnh mạn tính, các thể ung thư, các chấn thương và tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp… được xếp vào nhóm đối tượng này.

Ngoài bệnh tật (đã được hiểu biết tương đối đầy đủ và có định nghĩa, tên gọi rõ ràng) dịch tễ học còn quan tâm tới cả các trạng thái không bình thường về sức khoẻ mà không phải là bệnh: Suy dinh dưỡng hoặc béo phì, stress, tự tử, tai nạn, bạo lực…

Cách đề cập dịch tễ học

Chỉ tiêu

Y học lâm sàng

Dịch tễ học

Đối tượng

1 người bệnh

1 căn bệnh trong cộng đồng

Nội dung

Xác định 1 cơ thể mắc bệnh với các quá trình sinh bệnh lý xảy ra trên người bệnh.

Xác định 1 bệnh trạng trong cộng đồng với các nguyên nhân nội sinh và ngoại sinh làm xuất hiện, lan truyền bệnh

Mục đích

Tìm 1 phác đồ điều trị tối ưu cho bệnh nhân (khỏi, không biến chứng, không tử vong.

Xây dựng một chương trình y tế can thiệp  để nâng cao sức khoẻ cộng đồng.

Theo dõi

Sự thay đổi của các dấu hiệu lâm sàng, cận lâm sàng của người bệnh đó.

Sự thay đổi của các chỉ số mắc bệnh và tử vong trong cộng đồng đó

Đánh giá

Sự suy giảm các dấu hiệu lâm sàng, cận lâm sàng, và sự phục hồi các chức năng của cơ thể

Sự suy giảm các chỉ số mắc bệnh và tử vong trong và sau can thiệp so với trước can thiệp.

Nhiệm vụ, nội dung và phương pháp nghiên cứu của dịch tễ học

Nhiệm vụ

Xác định nguyên nhân gây bệnh: Chỉ một số ít bệnh có 1 nguyên nhân duy nhất là gene, còn hầu hết các bệnh khác là kết quả của sự tương tác giữa yếu tố gen và môi trường. Nhiệm vụ của dịch tễ học là phải tìm ra mối tương tác đó.

Nghiên cứu quá trình tự nhiên của bệnh: Là diễn biến tự nhiên của bệnh khi không có sự can thiệp của con người. Nghiên cứu quá trình tự nhiên của bệnh có giá trị trong việc tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh và tìm các biện pháp phòng ngừa thích hợp.

Mô tả thực trạng sức khỏe cộng đồng: Thực trạng sức khỏe cộng đồng được đánh giả bằng chỉ số mắc bệnh và tử vong, làm cơ sở cho việc lập kế hoạch chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Đánh giá hiệu quả của các biện pháp can thiệp bằng cách so sánh tỷ lệ mắc bệnh trước, trong và sau quá trình can thiệp.

Nội dung – dth mô tả (môt tả trường hợp bệnh/chùm bệnh; mô tả tương quan; mô tả cắt ngang):

Mô tả bệnh trạng với sự phân bố tần số của chúng dưới các góc độ con người – không gian – thời gian. Mô tả các yếu tố nguy cơ có liên quan đến hiện tượng sức khoẻ đó để hình thành giả thuyết nhân quả giữa các yếu tố nguy cơ với bệnh cần nghiên cứu, làm tiền đề cho các nghiên cứu phân tích tiếp theo.

DTH phân tích (nghiên cứu Bệnh chứng và thuần tập): Phân tích các dữ kiện thu thập được từ dịch tễ học mô tả nhằm kiểm định những giả thuyết được hình thành từ dịch tễ học mô tả, trên cơ sở đó, đè xuất các biện pháp phòng chống dịch bệnh sát hợp và có hiệu quả.

DTH thực nghiệm đề cập tới các thử nghiệm lập lại mô hình quá trình dịch bệnh hoặc các biện pháp, can thiệp với quy mô toàn bộ hay ở một số khâu của quá trình dịch, trong phạm vi phòng thí nghiệm hay ở thực địa, cộng đồng, nhằm mục đích tìm hiểu sâu về các quy luật phát sinh và lan tràn bệnh tật, nhằm khẳng định thêm các mối quan hệ nhân – quả, hoặc góp phần đánh giá hiệu lực, hiệu quả các giải pháp, biện pháp can thiệp phòng chống dịch ở cộng đồng.

Xây dựng mô hình lý thuyết khái quát đề cập tới các mô hình của các bệnh tật trong quần thể nghiên cứu dựa trên kết quả của các nội dung Dịch tễ học mô tả, phân tích và thực nghiệm. Tùy theo kỹ thuật khái quát mà người ta có mô hình lý thuyết, hoặc mô hình toán học của dịch bệnh. Người ta tiến hành đánh giá sự đúng đắn của mô hình trước khi đưa ra áp dụng vào việc khảo sát và tiên đoán dịch bệnh nghiên cứu trên một quần thể khác có các yếu tố phù hợp cho từng mô hình.

Chu trình nghiên cứu của dịch tễ học

Mọi hoạt động điều tra, nghiên cứu của Dịch tễ học suy cho cùng nhằm trả lời hai câu hỏi: Nguyên nhân của bệnh tật trong cộng đồng là gì và phòng, chống bệnh dịch như thế nào. Bởi mục đích cuối cùng của Dịch tễ học là phòng và chống dịch bệnh. Vì vậy, để phòng và chống dịch thực sự hiệu quả, không thể không tìm hiểu về nguyên nhân gây bệnh.

Quá trình nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh để rồi từ những hiểu biết đó, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch hiệu quả được thực hiện theo một chu trình, gọi là chu trình dịch tễ học.

Khi nghiên cứu bất kỳ bệnh nào trong cộng đồng, bao giờ Dịch tễ học cũng bắt đầu bằng nghiên cứu mô tả sự phân bố bệnh tật cùng các yếu tố nguy cơ trong cộng đồng theo các đặc trưng của con người, không gian và thời gian. Ngoài mục đích cung cấp cơ sở cho việc lập kế hoạch chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nghiên cứu mô tả còn hình thành giả thuyết về quan hệ nhân quả giữa các yếu tố nguy cơ với bệnh. Vì nghiên cứu mô tả chỉ rõ các nhóm người có tỷ lệ mắc cao hoặc thấp với bệnh đó và đặt câu hỏi tại sao lại có sự khác nhau đó. 

Từ những giả thuyết của nghiên cứu mô tả, nghiên cứu phân tích dịch tễ học sẽ kiểm định giả thuyết đó là đúng hay sai. Tuy nhiên các nghiên cứu phân tích dịch tễ học không chỉ làm nhiệm vụ xác nhận hoặc loại bỏ giả thuyết đã nêu, mà còn tạo tiền đề cho những nghiên cứu mô tả mới để dẫn tới những giả thuyết nhân quả mới, ở mức cao hơn, chi tiết hơn. Rồi những giả thuyết mới này lại được tiếp tục kiểm định bằng những nghiên cứu phân tích mới. Cứ như vậy, quá trình này được tiếp tục thành vòng tròn cho đến khi kết hợp nhân – quả (tức quan hệ giữa nguyên nhân – bệnh tật) được xác lập gần nhất với chân lý.

Sau khi các giả thuyết về mối quan hệ nhân quả được kiểm định là đúng bằng các nghiên cứu phân tích dịch tễ học, các nghiên cứu can thiệp tất nhiên sẽ được đặt ra, nhằm làm giảm ở mức thấp nhất bệnh tật và tử vong trong cộng đồng. Tất nhiên, nếu các biện pháp can thiệp không hoàn toàn vô hại thì trước khi triển khai ở cộng đồng, người ta cần tiến hành nghiên cứu thực nghiệm để đánh giá mức độ an toàn của biện pháp đó (ví dụ đánh giá tính an toàn của một vắc xin mới hoặc một thuốc mới trước khi sử dụng trong cộng đồng). Nếu các nghiên cứu phân tích dịch tễ học chỉ ra được những nguyên nhân mới của bệnh, chính xác hơn, gần với chân lý hơn thì các biện pháp can thiệp phòng và chống dịch cũng được điều chỉnh cho phù hợp với nhận thức mới. Đồng thời, nghiên cứu can thiệp không chỉ có nhiệm vụ làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, mà còn thông qua các biện pháp can thiệp, góp phần chứng minh vai trò của các yếu tố nguy cơ trong cộng đồng. Bởi vì, nếu sau khi biện pháp can thiệp loại bỏ hoặc giảm bớt một yếu tố nguy cơ nào đó trong cộng đồng (đã được nghiên cứu phân tích chỉ ra) mà tỷ lệ mới mắc giảm chứng tỏ yếu tố nguy cơ đó là nguyên nhân gây bệnh; nếu tỷ lệ mới mắc không thay đổi chứng tỏ yếu tố đó không có liên quan đến bệnh và nếu tỷ lệ mới mắc tăng lên chứng tỏ yếu tố đó không những không phải là nguyên nhân gây bệnh mà còn là yếu tố bảo vệ.

Và để xem xét các biện pháp can thiệp có thực sự hiệu quả hay không, người ta cần tiến hành các cuộc điều tra đánh giá. Những điều tra, đánh giá này sử dụng phương pháp nghiên cứu mô tả để xác định sự thay đổi tỷ lệ mắc bệnh và tử vong trước, trong và sau quá trình can thiệp. Nếu tỷ lệ mới mắc bệnh và tử vong trong và sau quá trình can thiệp giảm đi so với trước can thiệp, chứng tỏ các biện pháp đó đã có hiệu quả. 

Bằng các bước nghiên cứu như vậy, nếu chân lý được tiếp cận, cuối cùng người ta có thể xây dựng được mô hình dịch tễ học cho việc phòng và chống các bệnh trạng đã nghiên cứu.

Quá trình tự nhiên của bệnh – các cấp độ dự phòng

 Bất kỳ bệnh nào, nếu không có sự can thiệp của con người (can thiệp phòng và điều trị) cũng có thời gian tiến triển nhất định, từ trạng thái khỏe mạnh đến khi mắc bệnh rồi sau đó khỏi bệnh (hoàn toàn hoặc không hoàn toàn) hoặc chết. Trong mỗi bệnh cụ thể, ở những bệnh nhân khác nhau có thể có sự khác biệt về chi tiết. Tuy nhiên, quá trình diễn biến bệnh thường theo một quy luật chung và xảy ra trong một khoảng thời gian nhất định. Người ta gọi đó là quá trình tự nhiên của bệnh hoặc lịch sử tự nhiên của bệnh. Nghiên cứu quá trình tự nhiên của bệnh không chỉ có giá trị trong việc tìm hiểu các yếu tố nguy cơ gây bệnh mà còn là cơ sở cho việc phòng ngừa (đặt ra các cấp độ dự phòng) và kiểm soát bệnh dịch.

Quá trình tự nhiên của bất kỳ bệnh nào cũng được chia làm 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn có thể dài ngắn khác nhau tùy từng bệnh cụ thể.

Quá trình tự nhiên của bệnh

Giai đoạn cảm nhiễm

Là giai đoạn cơ thể chưa mắc bệnh nhưng bắt đầu phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới mắc bệnh tương ứng. Ví dụ: Hút thuốc lá, uống rượu, ăn nhiều mỡ… có thể dẫn tới bệnh mạch vành.

Ở giai đoạn này, có những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được như tuổi, giới, chủng tộc, dân tộc, di truyền, lịch sử gia đình… nhưng cũng có nhiều yếu tố nguy cơ có thể thay đổi để làm giảm khả năng phát triển thành bệnh như thôi hút thuốc lá, thôi uống rượu, ăn giảm mỡ…

Cần nhấn mạnh rằng: Không phải bất cứ cá thể nào phơi nhiễm với yếu tố nguy cơ cũng mắc bệnh và cũng không thể đảm bảo rằng những người không phơi nhiễm với yếu tố nguy cơ thì sẽ không mắc bệnh. Bởi vì mỗi loại bệnh đều có lưới nguyên nhân (gồm cả nội sinh – ngoại sinh) riêng mà chúng ta không thể hiểu hết được. Tuy nhiên, việc làm giảm yếu tố nguy cơ chắc chắn sẽ làm giảm khả năng phát triển thành bệnh.

Giai đoạn tiền lâm sàng

Là giai đoạn cơ thể vẫn chưa có biểu hiện triệu chứng nào có thể phát hiện được bằng lâm sàng, nhưng bắt đầu đã có biểu hiện bệnh lý do hậu quả của sự tác động qua lại giữa yếu tố nguy cơ với cơ thể.

 Ví dụ: Người ta đã thấy có dấu hiệu xơ cứng mạch máu trước khi xuất hiện bệnh mạch vành; sự tổn thương ở mức vi thể trong các tế bào gan ở những người có HbsAg(+) và sau đó phát triển thành viêm gan mãn.

Giai đoạn lâm sàng

Đến giai đoạn này, cơ thể đã có thay đổi về thực thể và chức năng đủ lớn để biểu hiện thành các triệu chứng lâm sàng và hoàn toàn có thể chẩn đoán được bệnh bằng phương pháp lâm sàng.

Trong nhiều trường hợp, nhất là với những bệnh không truyền nhiễm, người ta thường chia nhỏ giai đoạn này để tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều trị và tạo cơ sở cho những nghiên cứu dịch tễ học. Sự phân chia này có thể dựa trên các căn cứ:

Tổn thương thực thể: Vị trí, kích thước khối u, loại tế bào ung thư, di căn đến cơ quan khác hay chưa…

Tổn thương chức năng: Hạn chế vận động thể lực, tổn thương tinh thần, tình cảm…

Dựa trên dữ kiện điều trị: Ăn kiêng, giảm vận động hoặc bất động…

Giai đoạn hậu lâm sàng

Sau giai đoạn lâm sàng, quá trình bệnh bước vào thời kỳ kết thúc bệnh với 1 trong 2 khả năng: Khỏi (hoàn toàn, không hoàn toàn) hoặc tử vong. Nhiều bệnh tiến tới khỏi hoàn toàn, không để lại bất kỳ di chứng nào. Một số bệnh khác có thể để lại những di chứng hay khuyết tật nhất định, thậm chí tử vong. Khuyết tật được hiểu là bất kỳ hạn chế nào về chức năng, thực thể dẫn tới sự suy giảm hoạt động của con người nhất thời hoặc lâu dài.

Thực ra cho đến nay, người ta vẫn chưa có hiểu biết đầy đủ về quá trình tự nhiên của bệnh (với tất cả các bệnh) đối với con người, cũng như chưa hiểu đầy đủ tại sao có một số người có tiếp xúc với một số yếu tố nguy cơ nhưng lại không mắc bệnh. Chính vì vậy, gần đây có những nghiên cứu trên những nhóm rất đông người và trong thời gian dài để dần dần giải đáp những câu hỏi đó.

Các cấp độ dự phòng

Dự phòng cấp 1

Phòng cho người khoẻ không mắc bệnh, bao gồm 2 biện pháp chủ yếu là nâng cao sức khoẻ không đặc hiệu (tạo điều kiện tốt về ăn, ở, mặc, thể dục thể thao…) và các biện pháp bảo vệ đặc hiệu (gây miễn dịch đặc hiệu bằng vắc xin hoặc kháng huyết thanh).

Dự phòng cấp 2

Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, để có thể chữa khỏi hẳn ngay từ đầu, hoặc làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Dự phòng cấp 2 được thực hiện bằng các cuộc điều tra, giám sát dịch tễ học hoặc bằng các cuộc sàng tuyển phát hiện hàng loạt. Với những bệnh truyền nhiễm, việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời để nhanh chóng cắt đứt nguồn truyền nhiễm là biện pháp dự phòng cấp 2 cho người bệnh, đồng thời cũng là biện pháp dự phòng cấp 1 cho những người xung quanh hoặc những người sẽ tiếp xúc với họ.

Dự phòng cấp 3

Điều trị tích cực, triệt để với hiệu quả tối đa cho những người đã mắc bệnh nhằm hạn chế tử vong, tàn tật và phục hồi các chức năng một cách tốt nhất có thể được.

Lý thuyết đa nguyên nhân trong dịch tễ học

Mô hình mạng

Bất kỳ bệnh dịch nào trong cộng đồng cũng là hậu quả của một số yếu tố nguyên nhân nhất định gọi là lưới nguyên nhân. Đồng thời, 1 yếu tố nguyên nhân nào đó có thể gây ra nhiều bệnh dịch khác nhau gọi là lưới hậu quả. Và khi một yếu tố nguyên nhân sinh ra 1 bệnh để rồi bệnh này lại là nguyên nhân của bệnh khác được gọi là chuỗi nhân quả.

Hình: Sơ đồ lưới nguyên nhân

 

Hình: Sơ đồ lưới hậu quả

Hình: Sơ đồ chuỗi nhân – quả

Như vậy, mô hình mạng phân tích nguyên nhân của một bệnh nào đó trong cộng đồng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Các yếu tố này đan xen và tác động lẫn nhau tạo thành mạng lưới. Chính vì vậy được gọi là mô hình mạng.

Mô hình tam giác

Là mô hình được sử dụng rộng rãi từ lâu để phân tích nguyên nhân của các bệnh truyền nhiễm và hiện nay vẫn còn thấy trong các tài liệu dịch tễ học.

Tam giác dịch tễ học gồm: Tác nhân, vật chủ, môi trường. Mô hình này cho rằng khi nghiên cứu bất kỳ bệnh nào cũng phải phân tích đầy đủ ba thành phần này, trong đó bất kỳ thành phần nào thay đổi đều có thể kéo theo sự gia tăng hay giảm đi của bệnh.

Vật chủ: là cơ thể con người với các đặc trưng của riêng nó như chế độ ăn, tình trạng miễn dịch, hệ gen di truyền…

Môi trường: là tập hợp các yếu tố của môi trường nói chung như kinh tế, văn hóa, phong tục, dân trí…

Tác nhân: là các yếu tố lý, hóa, sinh học…

Sự tương tác (dù ít, dù nhiều) của yếu tố môi trường với bệnh tật là rõ ràng cả với bệnh truyền nhiễm và không truyền nhiễm. Tuy nhiên, yếu tố tác nhân chỉ thực sự rõ ràng với các bệnh truyền nhiễm: đó chính là yếu tố sinh học, cụ thể là mầm bệnh (vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm…). Còn với hầu hết các bệnh không truyền nhiễm, yếu tố tác nhân lại chưa rõ ràng như bệnh ung thư, tâm thần, bệnh mạch vành, viêm khớp dạng thấp… 

Mô hình bánh xe

Là mô hình phân tích mối quan hệ của người với môi trường, trong đó: 

Con người là vòng tròn ở giữa với hệ thông tin di truyền của mình (G – gene). Xung quanh là ba mảnh (a, b, c) biểu thị cho ba loại môi trường bao quanh con người.

(a) là môi trường sinh học, bao gồm các yếu tố như tác nhân gây bệnh (vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm…), quần thể động, thực vật, các loại côn trùng trung gian truyền bệnh…

(b) là môi trường xã hội như dân số, mật độ dân số, tổ chức xã hội; dân tộc, trình độ văn hóa, phong tục, tình trạng kinh tế – xã hội, dân trí… 

(c) là môi trường lý, hóa học như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, không khí… Ngày nay do công nghiệp không ngừng phát triển, các yếu tố lý, hóa học ở đây còn bao hàm cả các yếu tố ô nhiễm môi trường do hoạt động sinh sống và sản xuất kinh doanh của con người tạo ra.

 Độ lớn của các thành phần trong bánh xe phụ thuộc vào từng bệnh cụ thể. Ví dụ với bệnh đái tháo đường, ngày nay người ta đã chứng minh là do gen di truyền nên phần G (di truyền) chiếm vai trò chủ yếu. Ngoài ra phần (b) (môi trường xã hội) cũng đóng vai trò nhất định vì thói quen ăn nhiều đường sẽ tạo cơ hội cho bệnh phát triển. Ngược lại, bệnh sốt rét phần (a) môi trường sinh học lại đóng vai trò quyết định, phần (b) và (c) (môi trường xã hội và lý, hóa học) cũng đóng vai trò nhất định và phần G (gene) đóng vai trò thấp nhất.  Giống như mô hình mạng, mô hình này đòi hỏi phải xác định nhiều yếu tố căn nguyên nhưng không nhất thiết phải nhấn mạnh đến tác nhân gây bệnh (vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm…). Ví dụ với bệnh sốt rét, mô hình này không nhất thiết nhấn mạnh đến ký sinh trùng sốt rét mà chỉ quan tâm đến muỗi Anopheles có chứa ký sinh trùng sốt rét; bệnh dại không nhất thiết nhấn mạnh đến vi rút dại mà chỉ quan tâm đến các động vật mắc bệnh dại có khả năng cắn người…

Các loại nguyên nhân

Nguyên nhân nội sinh và ngoại sinh

Nếu căn cứ vào vị trí xuất phát trong cơ chế gây bệnh dịch ở cộng đồng, ta sẽ có nguyên nhân nội sinh và ngoại sinh: 

Nguyên nhân nội sinh: Là tất cả các yếu tố sinh học của mỗi cá thể như: Tuổi, giới, di truyền, nhóm máu, miễn dịch (cả miễn dịch thu được sau tiêm vắc xin hoặc sau nhiễm trùng tự nhiên)… Các yếu tố nội sinh có vai trò rất quan trọng, nhiều khi là quyết định tới sự hình thành bệnh dịch ở cộng đồng. 

Nguyên nhân ngoại sinh: Là nhóm các nguyên nhân vô cùng phong phú và đa dạng, bao gồm các yếu tố của môi trường tự nhiên: Khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng, sinh địa cảnh, quần thể động – thực vật, côn trùng, vi sinh vật… và môi trường xã hội: Dân tộc, chủng tộc, phong tục tập quán, thói quen, dân trí, nghề nghiệp, tình trạng kinh tế xã hội… Hầu hết các nguyên nhân gây bệnh thường có căn nguyên từ yếu tố ngoại sinh.

Nguyên nhân cần và nguyên nhân đủ

Nếu căn cứ vào vai trò và mức độ quan trọng của từng yếu tố nguy cơ, ta có nguyên nhân cần và nguyên nhân đủ.

Nguyên nhân cần: Là nguyên nhân không thể thiếu trong cơ chế bệnh sinh, vì vậy còn được gọi là yếu tố căn nguyên. Nguyên nhân cần đặc biệt thấy rõ trong các bệnh truyền nhiễm. Ví dụ: Nếu không có vi khuẩn lao thì người ta sẽ không thể mắc lao. 

Tuy nhiên, chỉ có nguyên nhân cần không thôi, chưa chắc đã đủ, chưa chắc đã mắc bệnh lao. Bằng chứng là có nhiều người nhiễm vi khuẩn lao (có phản ứng Mantoux (+)) mà không phát triển thành bệnh lao. Vì vậy còn cần những nguyên nhân phối hợp, bổ trợ nhất định: Hút thuốc lá, uống rượu, suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng, điều kiện sống chật chội, chen chúc, nhiễm lạnh… Những nguyên nhân này được gọi là nguyên nhân góp phần. 

Nguyên nhân đủ: Là tập hợp nguyên nhân cần và nguyên nhân góp phần để tạo nên 1 bệnh dịch nào đó trong cộng đồng.

Các yếu tố nguyên nhân cần và nguyên nhân đủ còn được gọi bằng tên khác là các yếu tố nguy cơ của bệnh.

Nhiệm vụ của dịch tễ học là phải tìm ra yếu tố nguyên nhân cần và nguyên nhân góp phần của 1 bệnh nào đó. Tuy nhiên, việc tìm được hết các yếu tố nguy cơ của một bệnh nào đó là vấn đề khó và chỉ có giá trị lý thuyết. Trong thực hành phòng chống dịch, người ta thường chỉ can thiệp vào 1 hoặc vài yếu tố nguy cơ khả thi nhất và có tác dụng nhất chứ không nhất thiết phải can thiệp vào tất cả các yếu tố nguy cơ. Ví dụ: Sử dụng vắc xin để phòng bệnh bại liệt…

Vai trò và phạm vi nghiên cứu của dịch tễ học hiện nay

Vai trò

Góp phần xây dựng các chính sách, chiến lược y tế cho các cấp, đặc biệt là cấp quốc gia; xác định các ưu tiên về đầu tư trong chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.

Đặt cơ sở cho việc đề xuất kế hoạch, chương trình chăm sóc sức khoẻ cộng đồng 1 cách khoa học và hiệu quả.

Trang bị các phương pháp nghiên cứu dịch tễ học để đánh giá hiệu quả của các kế hoạch, chương trình chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.

Trang bị cơ sở 1ý thuyết và thực tế để xây dựng các mô hình, các thường quy giám sát, góp phần phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng.

Phạm vi nghiên cứu

Dịch tễ học các bệnh nhiễm trùng – truyền nhiễm;

Dịch tễ học các bệnh không truyền nhiễm: Các bệnh về tim mạch, xương khớp, gan thận, ung thư…;

Dịch tễ học các bệnh do môi trường và lao động;

Dịch tễ học tai nạn và thảm hoạ;

Dịch tễ học lâm sàng: Giúp các nhà lâm sàng chẩn đoán sớm, tiên lượng và đánh giá hiệu quả điều trị.

Dịch tễ học quân sự: Là một chuyên ngành riêng của Y học quân sự của mọi quân đội. Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ và bệnh tật của cộng đồng quân nhân trong điều kiện thời bình và thời chiến.