Nội dung

Bài giảng sử dụng vitamin, khoáng chất, thuốc chữa bệnh đường hô hấp và thuốc chữa bệnh ngoài da

Nguồn: TÀI LIỆU ĐÀO TẠO LIÊN TỤC NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO CÁN BỘ DƯỢC LÀM VIỆC TẠI TRẠM Y TẾ XÃ HOẠT ĐỘNG THEO NGUYÊN LÝ Y HỌC GIA ĐÌNH– Bộ Y tế -2019

Thuốc chữa bệnh đường hô hấp

Thuốc long đờm

Chia 2 loại:

Thuốc làm lỏng dịch tiết

Là thuốc làm tăng bài tiết chất nhày, bảo vệ niêm mạc chống lại các tác nhân kích thích và khi làm tan được những tác nhân đó sẽ cho phép loại trừ chúng ra được dễ dàng.

Natri benzoat: uống 1-4g/ngày.

Amoni acetat: 0,5-1,0g/ngày

Thuốc làm tiêu chất nhày

Thuốc có tác dụng làm lỏng dịch tiết của niêm mạc do có tác dụng cắt các cầu nối disulfit – S – S của các sợi mucopolysaccharid, vì vậy các nút nhày có thể di chuyển và tống ra được khỏi đường hô hấp.

N-acetylcystein

Carbocystein

Bromhexin 40mg, người lớn uống 1-2 viên/lần X 3 lần/ngày, trẻ em uống 0,5mg/kg/ngày chia 3 lần.

Thuốc giảm ho

Thuốc giảm ho ngoại biên

Các thuốc này có tác dụng gây tê các ngọn dây thần kinh phản xạ ho.

Benzonatat viên nang 50, 100mg, uống 3 -6 viên/ngày, chia 3 lần. Bạc hà (menthol).

Thuốc giảm ho trung ương

Codein: chỉ định điều trị các chứng ho khan, ho do phản xạ, thuốc còn có tác dụng giảm đau, gây nghiện. Chống chỉ định dùng thuốc cho trẻ em, bệnh nhân suy thận, bệnh nhân hen phế quản.

Thuốc giảm ho không gây nghiện

Dextromethophan hydroclorid: tác dụng giảm ho giống codein, không gây nghiện, dùng được cho trẻ em, là thuốc không cần kê đơn. Uống 15 – 30mg/lần X 3 – 4 lần/ngày

Thuốc điều trị hen phế quản

Thuốc giãn phế quản

Loại cường β2 adrenergic

Phân loại: có 2 nhóm nhỏ

Các chất chủ vận β2-adrenergic có tác động ngắn 

Thường được sử dụng là salbutamol (hay albuterol), terbutalin, pirbuterol ở các dạng khác nhau tuỳ theo trường hợp chỉ định điều trị: cấp hay mãn tính, mức độ nhẹ hay nặng của bệnh như dạng hít, dạng tiêm, dạng uống…

Các chất chủ vận β2-adrenergic dùng bằng đường hít tác động ngắn là loại thuốc chọn lọc trong điều trị cơn co thắt khí quản cấp tính và trong dự phòng co thắt khí quản do luyện tập gắng sức. Sau khi hít, thuốc tác dụng nhanh trong vài phút và hiệu lực kéo dài từ 4 – 6  giờ. Dạng thuốc uống phải dùng liều cao, hấp thu chậm, hay gặp tác dụng phụ. Khi điều chế dưới dạng phóng thích chậm, dạng uống cũng có tác dụng như loại chủ vận beta-2 dài, dùng phòng ngừa cơn hen về đêm. 

Thời gian khởi phát tác động sau uống 30 – 60 phút, hít và tiêm sau 5 phút có tác dụng kiểm soát nhanh triệu chứng bệnh.

Terbutalin

Chế phẩm: Terbutalin sulfat (Brethaire, Brethine, Bricanyl)

Khí dung tác dụng giữ được 3 – 6 tiếng

Uống tác dụng sau 1 – 2 giờ nhưng kéo dài 4 – 8 giờ.

Không dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi

Tiêm dưới da 0,25mg, nếu không đỡ sau 15 – 30 phút tiêm lại. Liều không quá 0,5 mg trong 4 giờ.

Uống 5mg x 3 lần/ ngày

Khí dung 2 xịt cách 4 -6 tiếng (0,2 mg/ xịt).

Albuterol (Salbutamol – Ventolin)

Chế phẩm: Proventin, ventolin

Uống tác dụng sau 1 – 2 giờ nhưng kéo dài 4 – 8 giờ.

Khí dung giữ được 3 – 4 giờ.

Viên 2-4 mg x 3-4 lần/ ngày. (Volmax: viên giải phóng chậm. viên 4-8 mg)

Phun sương: 90 µg/ lần phun. Mỗi 4 – 6 giờ không quá 2 lần phun. Ống tiêm 1mL = 0,5 mg, tiêm dưới da 1 ống/lần. Nhắc lại sau 4 giờ.

Các chất chủ vận β2-adrenergic có tác động kéo dài: 

Salmeterol (SEREVENT) và formoterol (FORADIL) là loại cường giao cảm β2-adrenergic có tác động kéo dài (đến 12 giờ) được dùng để kiểm soát cơn hen vào ban đêm và có thể kết hợp với một corticoid đường hít để điều trị duy trì. Tuy nhiên, salmeterol không được sử dụng trong hen cấp tính (có thể gây tử vong).

Khí dung định liều 21 µg/lần xịt x 2 lần/ ngày.

Tác dụng không mong muốn

Làm tim đập nhanh: do vẫn còn tác dụng kích thích β1 của tim hoặc do phản xạ giãn mạch vì cường β2.

Run cơ: do cơ vân có nhiều receptor β2

Tăng glucose, lactate, acid béo tự do. Giảm kali máu.

Dùng lâu gây quen thuốc do hiện tượng giảm số lượng receptor β2 ở màng tế bào. Bệnh nhân có xu hướng tăng liều khi cơn hen nặng dần.

Thuốc huỷ phó giao cảm: IPRATROPIUM (ATROVENT)

Là chất kháng cholin bán tổng hợp, có tác động ức chế muscarin. Với liều lượng 40µg có hiệu lực giãn khí quản tương đương hiệu lực của 2mg atropin.

Tác động bắt đầu: 5 – 20 phút

Hiệu lực tối đa đạt được khoảng 90 phút và kéo dài 3 – 6 giờ.

Hiệu quả lâm sàng của ipratropium: có thể xem tương đương hoặc yếu hơn so với các chất phủ vận β2-adrenergic khi dùng đường hô hấp. Với các trường hợp bị hen phế quản thực sự, chất phủ vận β2-adrenergic có tác dụng tốt hơn ipratropium phần nào nhưng với các bệnh nhân bị viêm phế quản mãn tính ipratropium có tác động tốt hơn trong 20 – 40 % trường hợp. Là thuốc điều trị chọn lọc cho COPD.

Có thể dùng phối hợp ipratropium với salbutamol đường hít khi bệnh nhân không đáp ứng tốt với salbutamol.

Do đặc tính kém hấp thu tại chỗ (đường hít) cũng như ở đường tiêu hoá, ipratropium có khoảng an toàn rộng. Được thải trừ chủ yếu qua gan.

Triệu chứng khô miệng được ghi nhận ở khoảng 25% bệnh nhân nhưng ipratropium không làm xáo trộn sự thanh lọc ở biểu mô nhày khí quản, không gây nhịp tim nhanh cũng như hiện tượng miễn dịch nhanh.

Atroven (ipratropium bromide): thuốc phun định liều, lọ 10 Ml (200 liều) và 15 Ml (300 liều). Mỗi nhát bóp (liều) có 20 µg hoạt chất, mỗi lần phun 1 -2 nhát bóp, cách 4 giờ/ lần.

Berodual (ipratropium bromide + fenoterol, thuốc cường β2): Lọ khí dung định liều 10 Ml ≈ 200 liều. Mỗi nhát bóp có 20 µg ipratropium và 50 µg fenoterol. Liều thông thường là 1-2 nhát bóp/ lần x 3 lần/ ngày.

Theophylin và các dẫn xuất

Có tác dụng giãn cơ trơn trực tiếp, đồng thời có tác dụng kích thích trung tâm hô hấp. Theophylin được dùng dưới dạng uống, đặt hậu môn, và tiêm tĩnh mạch. – Viên 50mg x 3 – 8 viên/ ngày.

Viên đạn 350 mg x 1 -2 viên/ ngày.

Ống tiêm 4 mL = 240 mg, tiêm tĩnh mạch chậm trong 3 – 4 phút để cắt cơn.

Trong trường hợp hen cấp tính: có thể dùng dạng tiêm (tiêm truyền, có dùng liều bổ sung ban đầu, hay uống hấp thu nhanh).

Để điều trị hen mãn tính: theophyllin thường dùng đường uống, ở dạng phóng thích kéo dài (nhất là dự phòng hen phế quản về đêm). Đối với người trưởng thành: 10mg/kg/ngày chia 2 lần; trẻ em trên 30 tháng đến 8 tuổi: 13-16mg/kg/ngày chia 2 lần.

Dù được sử dụng với mục đích điều trị cấp tính hay điều trị duy trì, nồng độ thuốc trong máu phải ở trong giới hạn 10 – 15µg/ml (tránh ngộ độc).

Cần có sự hiệu chỉnh liều trong các trường hợp trẻ em, người già, suy thận, nghiện thuốc lá, béo phì…

Tác dụng phụ

Có thể gây buồn nôn, nôn mửa, đau đầu, mất ngủ, tim nhanh, loạn nhịp.

Co giật là dấu hiệu xác định trạng thái quá liều (Cp > 275 mcmol/L). Với trẻ em, theophylin có thể gây cơn co giật liên tục tới tử vong.

Các thuốc chống viêm

Glucocorticoid

Các loại thuốc corticoid sử dụng trong điều trị hen phế quản được chia thành hai nhóm: các chất dùng qua đường toàn thân (uống hay tiêm) và các chất dùng qua đường hít, chủ yếu cho tác động tại chỗ. Dưới đây chỉ đề cập về tác động dược lý của các thuốc corticoid trên khía cạnh điều trị hen phế quản.

Cách sử dụng Glucocorticoid trong điều trị hen phế quản

Corticoid cho tác dụng toàn thân

Người ta chọn các chất corticoid có tác dụng kháng viêm tốt nhưng hoạt tính mineralocorticoid yếu và có thời gian bán thải ngắn. Các chất thường được sử dụng là hydrocortison, prednison, prednisolon và methylprednisolon.

Hen cấp tính nặng: methylprednisolon liều 120mg/6 giờ trong 24 giờ thường có hiệu quả tốt.

Hen tiến triển nặng dần: khi hen phế quản có triệu chứng nặng thêm dù có biện pháp trị liệu khác thì các corticoid có thể dùng để ổn định lại tình trạng bệnh. Dùng đường uống corticoid 1 liều buổi sáng, có hai cách được khuyến cáo:

Prednison: 0,5 – 1 mg/kg/ngày trong 7 ngày

Prednisolon; 0,5 – 1mg/kg/ngày trong 7 ngày, từ ngày 7 – 10 giảm 5 mg/ngày đến khi ngừng thuốc.

Điều trị duy trì

Ở một số bệnh nhân, việc kiểm soát được cơn hen phế quản lệ thuộc các corticoid, dù vẫn có phương pháp trị liệu bằng các thuốc kinh điển không steroid khác. Trong các trường hợp này, chủ yếu phải dùng liều tối thiểu corticoid và phải chọn loại có ít tác dụng phụ nhất.

Lưu ý: trong trường hợp sử dụng corticoid toàn thân kéo dài, cần phải giảm dần trong nhiều tuần trước khi muốn ngưng thuốc (để tránh hen tái phát).

Corticoid tác dụng tại chỗ

Đó là các chất dẫn của betamethason. Đặc tính của chất này là có tác động kháng viêm tại chỗ cao hơn tác động kháng viêm toàn thân.

Các chất chính được sử dụng là

Belcomethason (Belcofort)

Budesonid         (Pulmicort)

Flunisolid          (Bronalid) 

Fluticason          (Flovent)

Triamcinolon     (Azmacort, K cort)

Các thuốc này thường dùng ở dạng khí dung hay bột để hít. Khí dung định liều (belcomethason, acetonid và flunisolid): liều dùng tuỳ thuộc từng bệnh nhân: hen nhẹ tới trung bình dùng 300 – 400 µg/ ngày, với hen nặng dùng 2000 µg/ngày.

Ngoài chỉ định trong điều trị hen, các thuốc trên còn được sử dụng với mục đích thay thế giúp bệnh nhân ngừng sử dụng dạng corticoid tác dụng toàn thân hay ít ra là giảm liều các chất này.

Tác dụng phụ, độc tính

Corticoid cho tác dụng toàn thân 

Các tác dụng phụ giống như các tác dụng phụ khi điều trị bằng corticoid nói chung như tăng trọng lượng cơ thể, tăng đường huyết, phù nề, tăng huyết áp, xốp xương, lâu lành sẹo, dễ nhiễm trùng, suy thượng thận…

Corticoid tác dụng tại chỗ.

Kích ứng đường hô hấp trên

Đau họng, khản tiếng

Nhiễm nấm ở họng, thanh quản

Ức chế hoạt động của trục dưới đôìi, tuyến yên, vỏ thượng thận khi dùng liều cao trên 1000µg/ ngày ở người lớn và trên 400 µg ở trẻ em.

Tác dụng phụ của corticoid tác dụng tại chỗ ít hơn nhiều so với tác dụng phụ của corticoid dùng toàn thân..

Vitamin và khoáng chất

Vitamin a

Vitamin A có 3 dạng là: retinol, retinal, và acid retinoic. 

Vai trò của vitamin A:

Trên thị giác: Vitamin A chủ yếu là retinol và retinal đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của thị giác. Thiếu vitamin A sẽ gây ra bệnh quáng gà, khô mắt, loét giác mạc. Acid retinoic không có tác dụng trên thị giác.

Trên biểu mô và tổ chức da

Acid retinoic kích thích biệt hóa tế bào biểu mô, sinh tiết nhày, ức chế sự sừng hóa tế bào biểu mô.

Trên hệ miễn dịch: Vitamin A làm tăng sức đề kháng của cơ thể với sự nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng và virus.

Vitamin b1

Vitamin B1 đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra năng lượng cần thiết cho các hoạt động chức năng của con người.

Đồng hoá đường: vitamin B1 cần thiết cho việc tạo ra một loại enzym  quan trọng tham gia vào quá trình chuyển hoá đường và quá trình phát triển của cơ thể. Khi thiếu vitamin B1, axit pyruvic sẽ tích lũy trong cơ thể gây độc cho hệ thống thần kinh. Vì thế nhu cầu vitamin B1 đối với cơ thể tỉ lệ thuận với nhu cầu năng lượng.

Nhân tố ngon miệng: kích thích sự tạo thành một loại enzyme tham gia vào quá trình đồng hoá thức ăn, kích thích cảm giác thèm ăn.

Sự cân bằng về thần kinh: Vitamin B1 tham gia điều hòa quá trình dẫn truyền các xung tác thần kinh, kích thích hoạt động trí óc và trí nhớ.

Vitamin b2

Vitamin B2 là thành phần của nhiều hệ thống men tham gia chuyển hóa trung gian như FMN (Favin-Mono-Nucleotid), FAD (Favin-Adein- Dinucleotid) là các enzym quan trọng trong sự hô hấp của tế bào và mô như chất vận chuyển hydrogen.

Vitamin B2 cần cho chuyển hóa protid, khi thiếu, một phần các acid amin của thức ăn không được sử dụng và ra theo nước tiểu. Ngược lại khi thiếu protid quá trình tạo men flavoprotid bị rối loạn. Vì vậy khi thiếu protid thường xuất hiện triệu chứng  thiếu vitamin B2.

Ngoài ra vitamin B2 có ảnh hưởng tới khả năng cảm thụ ánh sáng của mắt nhất là đối với sự nhìn màu. Khi thiếu vitamin B2 sẽ có sự tổn thương ở giác mạc và nhân mắt.

Vitamin b3 (pp)

Vitamin B3 tối cần thiết cho sự chuyển hóa protid, glucid và phản ứng oxy hóa khử trong chuỗi hô hấp tế bào.

Vitamin B3 làm hạ lipoprotein máu do ức chế phân hủy lipid, giảm cung cấp acid béo cho gan, giảm tổng hợp triglycerid, giảm VLDL và LDL cholesterol.

Vitamin b6

Vitamin B6 cần thiết cho sự chuyển hóa acid amin như: transaminase, decarboxylase, desaminase. 

Giúp chuyển tryptophan thành serotonin. 

Tham gia tổng hợp GABA và chuyển hóa acid oxalic. 

Tham gia sự tạo máu: tham gia chuyển hóa vitamin B12, acid folic.

Vitamin c

Vitamin C có vai trò:

Chuyển dopamin thành noradrenalin.

Tổng hợp serotonin từ tryptophan.

Tổng hợp hormon thượng thận.

Tổng hợp collagen, proteoglycan và các thành phần hữu cơ khác ở răng, xương và nội mô mao mạch.

Giúp chuyển Fe3+ thành Fe2+, làm tăng sự hấp thu sắt ở ruột.

Vitamin d

Tăng hấp thu calci ở ruột và tái hấp thu ở ống thận. Phối hợp hormon cận giáp điều hòa nồng độ calci trong máu.

Tăng tích tụ calci trong xương.

Giảm bài tiết phosphat và giúp chuyển phosphat hữu cơ thành phosphat vô cơ.

Oxy hóa citrat giúp cho sự hòa tan phức hợp calci và điều hòa nồng độ calci.

Vitamin k

Vitamin K đóng vai trò là cofactor cần thiết cho enzzym gan xúc tác cho quá trình tổng hợp các yếu tố đông máu như yếu tố II, VII, IX, X.

Sắt

Sắt có vai trò rất cần thiết đối với mọi cơ thể sống, ngoại trừ một số vi khuẩn. 

Phần rất lớn chất sắt trong cơ thể được phân tán trong máu, đặc biệt ở sắc tố hemoglobin của hồng cầu, chiếm khoảng 70% tổng số chất sắt của cơ thể. Ngoài ra khoảng 3-5% chất sắt phân tán ở loại hemoglobin khác ở cơ bắp gọi là myoglobin.

Hemoglobin có trong tế bào hồng cầu (làm hồng cầu có màu đỏ,  đóng vai trò quan trọng trong sự hô hấp, chuyển đổi khí oxy và cacbonic.

Myoglobin chỉ có ở cơ vân, có tác dụng như là nơi dự trữ oxy, chúng kết hợp với các chất dinh dưỡng để giải phóng năng lượng cho hoạt động cơ bắp.

Khoảng 5-10% (0,5gram) tổng số chất sắt trong cơ thể được tìm thấy trong những cấu chất liên quan đến hoạt động hô hấp như các enzyme trực tiếp hay gián tiếp tác dụng trong những phản ứng trong sự hô hấp và sự sống của động vật như là enzyme cytochrome oxidase hay chất cytochrome liên hệ trong các phản ứng phóng thích năng lượng từ chất đường bột, acid béo xảy ra trong thể mitochodrion trong tế bào chất.

Chức năng hô hấp:. Sắt tham gia vào quá trình tổng hợp hồng cầu và là thành phần của huyết cầu tố, Hb có trong tế bào hồng cầu (làm hồng cầu có màu đỏ, giúp chuyên chở dưỡng khí đi nuôi các tế bào và giúp loại bỏ thán khí ra khỏi cơ thể).

Nó tham dự vào quá trình tạo thành Myoglobin, sắc tố hô hấp của cơ cũng như tạo thành đặc tính dự trữ oxy của cơ. Myoglobin chỉ có ở cơ vân, có tác dụng như là nơi dự trữ oxy, chúng kết hợp với các chất dinh dưỡng để giải phóng năng lượng cho hoạt động cơ bắp.Sắt bị oxy hóa và khử dễ dàng, nó tham gia vào cấu tạo của nhiều enzyme, đặc biệt trong chuỗi hô hấp sắt đóng vai trò vận chuyển điện tích.

Sắt còn giúp chuyển hóa beta-carotene thành sinh tố A, tạo thành chất collagene để liên kết các tế bào với nhau. Ngoài ra, sắt còn tham gia vào thành phần một số enzyme oxy hóa khử như catalase, peroxydase và các cytochrome (những chất xúc tác sinh học quan trọng trong cơ thể). Nó đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất ra năng lượng oxy hóa, vân chuyển oxy, hô hấp của ti lạp thể và bất hoạt các gốc oxy có hại.

Sắt còn dự trữ oxy cho cơ bắp, vô hiệu hóa một số thành phần lạ xâm nhập vào cơ thể, tham gia tổng hợp các hooc-môn tuyến tiền liệt. 

Kẽm

Kẽm là nguyên tố cần thiết để duy trì sự sống của con người và động vật. Toàn bộ cơ thể người chứa độ 2-3 g kẽm, xấp xỉ lượng sắt và gấp 10 lượng đồng. Kẽm được hấp thu ở ruột non, tích lũy trong gan và từ gan, kẽm được “xuất kho” vào máu và tùy theo sự cần thiết. Kẽm được bài tiết 90% từ tụy ra phân, còn 10% theo nước tiểu. Từ mẹ, kẽm qua nhau thai để vào thai, nhưng khi đứa trẻ ra đời còn tích lũy kẽm.

Hàng trăm năm trước đây người ta đã phát hiện kẽm có trong cơ thể thực vật, động vật, người và khẳng định rằng nó cần thiết để cho cây cỏ trưởng thành. Bốn chục năm gần đây người ta thấy kẽm có vai trò quan trọng ở động vật và ở người, cụ thể nó giúp quá trình tạo máu, sinh trưởng và phát triển của cơ thể, nó cũng đẩy mạnh sự chuyển hóa các chất, sự oxy hóa khử và sự trao đổi năng lượng trong cơ thể.

Kẽm cũng có vai trò quan trọng trong sự hoạt động của tuyến yên, tuyến tụy, tuyến sinh dục nam. Chẳng hạn, khi thêm muối kẽm vào chất “hướng sinh dục” (do tuyến yên tiết ra) sẽ làm chất này hoạt động mạnh gấp 25 lần, kẽm cũng có mặt trong chất insulin (với tỉ lệ 0.36%) do tuyến tụy tiết ra, các protein chứa kẽm và các enzyme như superoxit dismutas. Kẽm cũng có mặt trong dịch hoàn, buồng trứng, tinh trùng…, làm tăng sự hoạt động của chúng. Ngoài ra, kẽm có tác dụng kích  thích tạo hồng cầu và hemoglobin.

Vai trò kẽm trong các enzyme được nghiên cứu chi tiết hơn các kim loại khác, vì kẽm tham gia vào các hoạt động của trên 300 enzyme trong các phản ứng sinh học quan trọng, nó có mặt trong nhiều enzyme chuyển hóa, enzyme hô hấp, và các enzyme tiêu hóa. Đặc biệt các enzyme cần thiết cho sự tổng hợp protein, acid nucleic cũng như sự tổng hợp, bài tiết và hoạt động của nhiều hormone tăng trưởng quan trọng như GH, IGF-1, testosteron, insulin, thymutin.

Do đó, kẽm cần thiết cho sự phiên mã gen, sinh sản, tái tạo và nhân đôi tế bào, cần cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường của các chức năng về miễn dịch, tiêu hóa, não, nội tiết, xương, cơ, sự trưởng thành giới tính cũng như chống oxy hóa.

Theo một số nguồn thì việc sử dụng các loại thuốc chứa kẽm có thể đem lại sự miễn dịch đối với cảm lạnh hay cúm, mặc dù điều này còn gây tranh cãi.

Calci

Calci có vai trò:

Tạo xương, răng dưới dạng calci phosphat.

Co cơ, dẫn truyền thần kinh, bài xuất của các tuyến tiết.

Đông máu

Tính thấm của màng tế bào

Thuốc chữa bệnh ngoài da

Thuốc chống nấm 

Ketoconazole, Clotrimazol

Ketoconazol là thuốc chống nấm có phổ rộng, tác dụng trên nhiều loại nấm gây bệnh như Candida spp, Blastomyces dermatitidis, Coccidioides immitis, Epidermophyton floccosum, Histoplasma capsulatum, ……

Clotrimazol là thuốc chống nấm phổ rộng được dùng điều trị các trường hợp bệnh ngoài da do nhiễm các loài nấm gây bệnh khác nhau và cũng có tác dụng trên Trichomonas, Staphylococcus và Bacteroides. Dùng đơn độc hoặc phối hợp với một số thuốc khác như: betamethason (Lotriderm, Lotrisone), hydrocortison (Canesten HC). Clotrimazol được chỉ định để điều trị tại chỗ các bệnh nấm như: Bệnh nấm Candida ở miệng, họng; bệnh nấm da, bệnh nấm Candida ngoài da, nấm kẽ ngón tay, kẽ chân, cũng như bệnh nấm  Candida ở âm hộ, âm đạo, lang ben do Malassezia furfur, viêm móng và quanh móng. Không dùng clotrimazol cho điều trị nhiễm nấm toàn thân. Không dùng clotrimazol đường miệng cho trẻ dưới 3 tuổi

Chỉ đinh: Nhiễm nấm ở thân, nhiễm nấm ở bẹn, nhiễm nấm ở bàn tay, bàn chân, nhiễm vi nấm Candida ở da và lang ben. 

Cách dùng:  

Bôi thuốc ngày 1 lần tại các vùng bị nhiễm nấm Trị liệu nên được tiếp tục đủ thời gian, ít nhất là một vài ngày sau khi tất cả các triệu chứng biến mất. 

Thời gian điều trị thông thường: Lang ben: 2-3 tuần.

Nhiễm nấm ở bẹn: 2-4 tuần.

Nhiễm nấm ở thân: 3-4 tuần.

Nhiễm nấm ở bàn chân: 4-6 tuần.

Cồn A.S.A (Thành phần: Acid acetylsalicylic, Natri salicylat, Ethanol 96%); B.S.I (Thành phần: Benzoic acid, Salicylic acid, Iodide)

Chỉ định: Điều trị nấm, hắc lào, lang ben, nấm kẽ.

Cách dùng: 

Vệ sinh sạch vùng da bị bệnh.

Bôi thuốc lên vùng da bị bệnh, ngày 2 lần sáng và tối.

Tác dụng không mong muốn: đau, rát tại chỗ bôi thuốc, bong da do đó thuốc hiện nay ít được sử dụng.

Corticoid bôi ngoài da

Chỉ định: Các bệnh được chỉ định corticoid bôi ngoài là viêm da do các nguồn gốc khác nhau như eczema tiếp xúc, viêm da dị ứng, lichen (lở da)…Cũng có thể dùng để bôi vào các vết côn trùng cắn.

Tác dụng không mong muốn

Khi bôi thuốc trên diện rộng, kéo dài hoặc băng ép sau khi bôi thì khả năng thấm thuốc vào vòng tuần hoàn là rất lớn, gây tác dụng toàn thân; điều này cần đặc biệt lưu ý khi dùng thuốc cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để tránh tác dụng kiểu cường thượng thận (Cushing), gây chậm lớn. Cũng có thể gặp suy thượng thận cấp sau khi ngừng bôi thuốc nhưng rất hiếm.

Tác dụng phụ tại chỗ bao gồm:

Teo da: thường gặp nhất khi bôi ở mặt và vùng quanh miệng.

Da ửng đỏ hoặc có nhiều vết lằn, thường gặp ở thanh niên khi bôi thuốc ở vùng khuỷu tay, khuyủ chân.

Mất sắc tố da từng phần, ban đỏ thứ phát sau teo da cũng gặp nhưng không phổ biến.

Chậm liền sẹo: trường hợp này hay gặp với các vết thương do nằm lâu hoặc vùng da cọ xát nhiều (khuỷu tay…).

Trên mắt: gặp khi dùng các dạng thuốc nhỏ mắt có corticoid, gây đục thuỷ tinh thể, glaucom.

Chống chỉ định

Viêm da do virus, nấm. Những trường hợp viêm da có nhiễm khuẩn thì phải phối hợp kháng sinh.

Tổn thương có loét.

Viêm da mặt có rối loạn vận mạch hoặc viêm nang lông (trứng cá). Phân loại

Loại rất mạnh và mạnh chỉ nên dùng trong thời gian ngắn và bôi ở diện hẹp với một số bệnh như sẹo lồi, vảy nến, lupus, lichen.

Loại trung bình và yếu thích hợp với trẻ em cho các vùng da mặt hoặc cho người lớn trên những tổn thương rộng.

Dạng bào chế

Các dạng thuốc bôi ngoài thường dùng là:

Thuốc mỡ (Ointment) là dạng thuốc có thể chất mềm; thành phần cấu tạo có nhiều tá dược thân dầu như vaselin, lanolin, mỡ, sáp…thích hợp với các loại da khô, sần sùi, sừng hoá.

Dạng kem (cream) cũng có thể chất mềm, mịn với tá dược là các chất nhũ tương chứa một lượng chất lỏng đáng kể, thuận lợi với các tổn thương có dịch rỉ hoặc dùng để bôi vào các hốc sâu như âm đạo.

Dạng gel có tá dược là các polymer thiên nhiên hoặc tổng hợp. Dạng này và các dạng lỏng khác như lotio, spray (thuốc xịt) thích hợp với các tổn thương ở vùng có nhiều lông như da dầu hoặc nếp gấp (nách, bẹn).

Thành phần của tá dược ảnh hưởng nhiều đến sinh khả dụng của thuốc do ảnh hưởng đến tốc độ giải phóng và mức độ hấp thu thuốc qua da.

Cách dùng

Bôi 1 – 2 lần/ ngày, xoa nhẹ đến khi thuốc thấm hết và nếu cần có thể băng ép.

Việc băng kín sau khi bôi có ích với những tổn thương ở lòng bàn chân, tay với diện hẹp và cũng chỉ nên băng trong thời gian ngắn.

Nếu điều trị kéo dài >8 ngày thì khi ngừng thuốc cũng phải giảm dần độ mạnh và nới rộng khoảng cách đưa thuốc để tránh phản ứng dội ngược làm bệnh bột phát nặng thêm.

Cần căn dặn bệnh nhân không tự ý dùng lặp lại nếu không có ý kiến của bác sĩ điều trị.

Bảng phân loại corticoid theo độ mạnh (bảng 3) là cơ sở cho lựa chọn thuốc.

Thuốc trị ghẻ

Cách dùng: Bôi thuốc lên vùng da bị ghẻ ngứa ngày từ 2 đến 3 lần, có thể bôi vào ban đêm trước khi đi ngủ, để nhanh đạt hiệu quả nên vệ sinh vùng da sạch sẽ và lau khô trước khi bôi thuốc. 

Lưu ý: Tuyệt đối không để thuốc dinh vào mắt hoặc bôi thuốc vào bộ phận sinh dục.

Câu hỏi thảo luận

Tình huống 1: Ông Nguyễn Văn A., 60 tuổi, được chỉ định đơn thuốc điều trị viêm họng cấp:

Zinnat (Cefuroxim) 250 mg x 20 viên, uống ngày 4 viên lúc 8h, 14h.

Anphachymotripsin 4,2 mg x 20 viên, uống ngày 4 viên chia 2 lần.

Acemuc (N-acetyl cystein) 200mg x 20 gói, ngày uống 2 gói chia 2 lần. Dung dịch Natriclorid 0,9 % x 500 ml, súc miệng họng 3 – 4 lần/ ngày.

Câu hỏi:

Giải thích tác dụng của các thuốc trong đơn?

Khi sử dụng N-acetyl cystein cần lưu ý vấn đề gì? (thời gian sử dụng, cách dùng, tác dụng không mong muốn)

Tình huống 2: Ông Nguyễn Văn L., 61 tuổi, với đơn thuốc:

Piracetam 1g x 2 ống Tiêm TMC 8h, 14h

Amlor 5 mg x 1 viên uống 8h Neuro 3B    x 2 viên uống 8h, 14h

Câu hỏi: 

Vai trò của vitamin với người bệnh trong tình huống là gì?

Khi sử dụng vitamin đó cần lưu ý vấn đề gì? (thời gian sử dụng, cách dùng)