Nội dung

Châm cứu và đau : châm cứu có thực sự làm giảm đau ?

ACUPUNCTURE AND PAIN – DOES ACUPUNCTURE REALLY WORK FOR PAIN?

Phan Quan Chí Hiếu[1], Nguyễn Thị LiNa1

Tóm tắt

Đau cho đến hiện nay vẫn còn là một vấn đề sức khỏe lớn mang tính toàn cầu với hậu quả kinh tế và xã hội nghiêm trọng. Đau không chỉ gây hậu quả lâu dài trên sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh mà còn tác động tiêu cực đến kinh tế – xã hội. Dù có nhiều tiến bộ, điều trị đau hiện nay vẫn chỉ kiểm soát được khoảng 40% cũng như chi phí chăm sóc và điều trị rất tốn kém và gây nên những tác dụng phụ nghiêm trọng thậm chí tử vong. Cả thầy thuốc và người bệnh đều nhận biết điều này và tìm kiếm các điều trị đau khác từ y học cổ truyền (YHCT), y học bổ sung (CAM) nhiều hơn bất kỳ bệnh lý nào khác. Trong khi người bệnh có xu hướng sẵn sàng sử dụng mọi liệu pháp trị liệu bất kỳ vì “có bệnh vái tứ phương”, người thầy thuốc khi tìm kiếm những lựa chọn điều trị đau ở các nền y học khác, họ luôn tiến hành dựa trên bằng chứng. Trong giới hạn bài tổng quan này, hiện nay cho thấy có 2 trường phái tranh cãi về tác dụng giảm đau của châm cứu. Điều thú vị của những tranh cãi này (chủ trì chúng cũng là những nhà khoa học có uy tín) đều dựa trên chứng cứ của các nghiên cứu khoa học (đôi khi sử dụng những công bố của cùng 1 khảo sát) công bố trên những tạp chí chuyên ngành có uy tín. Dù còn tiếp tục tranh cãi, nhưng có một thực tế là việc sử dụng châm cứu để kiểm soát đau ngày càng phát triển sâu và rộng khắp trên thế giới. 

Từ khóa: châm cứu, đau

Abstract

Pain, at present time, still remains a major global health problem with serious social and economic consequences. Pain not only has long-lasting consequences on the physical and mental health of the patient, but also has a negative socio-economic impact. Despite great progress, current treatments for pain are only well managed at about 40% as well as costly  and cause serious including fatal side effects. Patients and physicians all know this and look for complementary therapies for pain more than any other health conditions. While patients are ready to use any kind of therapy, a mean to escape from despair, physicians always make the search based on evidence when seeking pain treatment options in TM-CAM. Within the scope of this review, it can be seen that there are two schools of controversy over the analgesic effects of acupuncture. Interestingly, these controversies (presiding over such debates are also prestigious scientists) are based on the evidence of scientific researches (sometimes using publications of the same survey) published in reputable professional journals. Although controversial, there is a fact that the use of acupuncture for pain is growing deeply and widely worldwide.

Keywords: acupuncture, pain  

Đau là vấn đề lớn 

Đau là vấn đề của toàn cầu

Năm 2006, báo cáo của Trung Tâm Thống Kê Y Tế của Hoa Kỳ đã công bố có hơn 1,5 tỷ người trên toàn thế giới bị đau mạn tính(1).

Những số liệu báo cáo thống kê của châu Âu cũng cho những kết quả tương tự. Công bố năm 2006 trên “European Journal of Pain” của Breivik H khi khảo sát tại 15 nước châu Âu và Israel trên 46.394 người, đã ghi nhận gần một phần nămcó đau mạn mức độ trung bình hoặc nặng. Và có đến hơn ½ người được khảo sát (59%) đã bị đau từ 2 đến 15 năm(2). 

Số liệu công bố năm 2010 tại Hoa Kỳ cho thấy gần một phần ba (1/3) người Mỹ trưởng thành đã có trải qua cơn đau mạn tính(3). Những dữ liệu công bố gần đây nhất (2018) của Mỹ cũng tiếp tục ghi nhận đau luôn là vấn đề, là thách thức lớn với y tế. Ước tính có 39,4 triệu người Mỹ trưởng thành bị đau dai dẳng, và Viện Y tế Quốc gia (National Institutes of Health) ghi nhận rằng đau ảnh hưởng đến nhiều người Mỹ hơn số bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường, bệnh tim, và ung thư kết hợp lại(4)

Đau gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực

Tất cả mọi trường hợp bệnh đều có ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, các bệnh có kèm đau dường như có tác động tiêu cực đến các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, chẳng hạn như hiệu suất làm việc, giấc ngủ và tâm trạng, lớn hơn so với các bệnh không kèm đau khác(5,6). 

Theo ghi nhận của nhóm nghiên cứu Narayana A: So với những bệnh không có đau, bệnh nhân mắc bệnh có kèm đau bị ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn. Cụ thể các tác giả ghi nhận sức khỏe thể chất kém hơn (điểm thành phần vật lý của SF-12: 29,9 ± 9,6 so với 35,1 ± 10,4;  p (điểm khuyết tật Sheehan: 15.1 ± 9,1 so với 10,6 ± 8,5); hiệu suất làm việc sút giảm (thể hiện qua số giờ vắng mặt: 12,4 ± 59,9 so với 7,7 ± 44,9 giờ; p )(5).

Gần hai phần ba số người bị đau mạn báo cáo có vấn đề về ngủ. Thiếu ngủ thường làm cho cơn đau tồi tệ hơn, do đó dẫn đến một chu kỳ đau rất khó chịu và mất ngủ. Cơn đau không thuyên giảm có thể dẫn đến thời gian nằm viện lâu hơn, tăng tái nhập viện, tăng thăm khám ngoại trú và giảm khả năng hoạt động, dẫn đến mất thu nhập và mất bảo hiểm. Ngoài gánh nặng tài chính đi kèm với nỗi đau kinh niên, chi phí tình cảm cho bệnh nhân và gia đình cũng có thể cao. Đau mạn tính tạo thành một chi phí rất lớn cho người sử dụng lao động trong chi phí chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng, và mất năng suất của người lao động. Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy đau đầu là nguyên nhân phổ biến nhất gây mất thời gian sản xuất tại nơi làm việc ở Hoa Kỳ(7).

Báo cáo của châu Âu cho thấy có 21% được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm vì đau, 61% không thể hoặc không thể làm việc bên ngoài nhà, 19% bị mất việc và 13% đã thay đổi công việc vì nỗi đau của họ. 60% đã đến gặp bác sĩ về nỗi đau của họ 2-9 lần trong sáu tháng qua(3).

Phần lớn (56%) người Úc sống với cơn đau mạn tính, cơn đau của họ làm hạn chế những hoạt động mà bình thường họ có thể dễ dàng thực hiện(8).

Chi phí điều trị đau lớn

Chi phí để điều trị đau hàng năm ở Hoa Kỳ trong năm 2010 là 560 – 635 tỷ USD. Đây là một ước tính thận trọng vì nó đã loại trừ chi phí mà người bệnh đã làm ảnh hưởng đến cơ quan làm việc của họ(9)

Báo cáo của Schuchat A năm 2017 đã ước tính có khoảng hai triệu người ở Hoa Kỳ nghiện thuốc phiện được kê theo toa, dẫn đến chi phí kinh tế là cho việc này là 78,5 tỷ USD mỗi năm(10).   

Tổng chi phí tài chính cho cơn đau mạn tính ở Úc năm 2018 ước tính là 73,2 tỷ đô la(11). bao gồm: 12,2 tỷ đô la chi phí hệ thống y tế, 48,3 tỷ USD thiệt hại về năng suất và 12,7 tỷ đô la chi phí tài chính khác, chẳng hạn như chăm sóc không chính thức, các hỗ trợ sửa đổi và tổn thất do gánh nặng tử vong. Chi phí cho cơn đau mạn dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng từ 139,3 tỷ đô la trong năm 2018 lên tới 215,6 tỷ đô la vào năm 2050. 

Đau còn khó kiểm soát – điều trị

Thuốc thường được kê đơn để đối phó với cơn đau của bệnh nhân như một phương pháp điều trị đầu tiên. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới(12) là một phương pháp điều trị đầu tiên thường được kê đơn để giảm đau.  

Những loại thuốc này được sử dụng dưới 2 hình thức: không cần kê đơn (OTC-over the counter) hoặc dùng theo đơn của thầy thuộc kê toa. Gần một nửa đã dùng thuốc giảm đau không kê đơn như NSAIDs (55%), paracetamol (43%), opioids yếu (13%). Hai phần ba đã dùng thuốc theo toa: NSAIDs (44%), opioids yếu (23%), paracetamol (18%), thuốc ức chế COX-2 (1-36%) và opioids mạnh (5%).

Tuy nhiên, phương pháp điều trị y tế truyền thống chỉ có hiệu quả vừa phải, và chúng thường gây ra tác dụng phụ bất lợi. Phần lớn những người bị đau ở Mỹ và Châu Âu đã báo cáo việc kiểm soát cơn đau không hoàn toàn tốt. Khảo sát tại châu Âu và Israel cho thấy có 40% không đuợc kiểm soát đau tốt và một phần ba (1/3) trong số họ có lo lắng về việc nghiện thuốc giảm đau(2,12). 

Với những trường hợp không đáp ứng tốt (60%) với những thuốc giảm đau thông thường, thầy thuốc và bệnh nhân phải tìm kiếm hiệu quả điều trị ở những thuốc có nguồn gốc opiates.

Tuy nhiên, theo một khảo sát năm 2006 của American Pain Foundation, chỉ có 23% bệnh nhân bị đau mạn tính thấy opiates có hiệu quả(13).

Và một đánh giá gần đây nằm 2016 của nhóm tác giả Abdel SC cho thấy opioid ở liều khuyến cáo điều trị không có hiệu quả đối với đau thắt lưng(14).  

Đặc biệt công bố của Krebs EE năm 2017, khi thực hiện thử nghiệm có phân bố ngẫu nhiên đầu tiên nhằm đánh giá hiệu quả lâu dài của opioid trong việc giảm đau, cho thấy những người dùng opioid thực sự lại bị đau nhiều hơn ở tháng thứ 12 so với những người dùng thuốc giảm đau không opioid(15).  

Phương pháp điều trị đau hiện nay còn gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng thậm chí tử vong

Đã từ rất lâu, cả thầy thuốc và bệnh nhân đều ghi nhận những tác dụng phụ của những thuốc giảm đau kháng viêm trên hệ tiêu hóa. Ở Anh, chi phí hàng năm để điều trị các tác hại đường tiêu hóa do NSAID gây ra là 166 – 367 triệu bảng mỗi năm vào năm 1999 và dù với những hiểu biết cũng như việc sử dụng ngày càng nhiều phương cách phòng chống loại tác dụng phụ này của NSAIDs, tỷ lệ bệnh nhân mắc các biến chứng tiêu hóa này vẫn giữ nguyên, khoảng 7,5% tổng dân số(16).

Gần đây, một nghiên cứu đoàn hệ của Bally M năm 2017 trên 446.763 cá nhân trong đó có 61.460 người bị nhồi máu cơ tim cấp tính đã được theo dõi và công bố. Theo báo cáo này, việc sử dụng bất kỳ liều NSAID nào trong một tuần, một tháng hoặc hơn một tháng cho thấy có liên quan đến việc tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, ngay cả ở những người khỏe mạnh. Tất cả các NSAID, bao gồm cả naproxen, đều có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim cấp tính, xảy ra cao nhất trong tháng đầu tiên sử dụng NSAID và với liều cao hơn(17).  

Ngoài những tác dụng phụ nêu trên, việc sự dụng opiates giảm đau cũng gây nên những tác hại rất lớn. Chúng ta đều biết những thuốc dẫn xuất opiates đều có khả năng gây lệ thuộc và gây nghiện. Việc lạm dụng opiods và trầm cảm đã trở nên phổ biến trong chương trình giảm đau. Và tại Hoa Kỳ việc kê đơn thuốc phiện dẫn đến tử vong do dùng quá liều nhiều hơn tử vong do dùng heroin(18). Những số liệu thống kê về những nguy hiểm và tác động có hại của những thuốc opioides được kê theo toa đã nhận được sự quan tâm ngày càng nhiều ở Hoa Kỳ. Và những dữ liệu mới cũng chỉ ra rằng đây là một vấn đề đang gia tăng trên toàn thế giới, với mức tiêu thụ đáng kể ở nhiều nước châu Âu cũng như Úc và New Zealand(19).

Với thực tế đã nêu ở trên, cũng không khó hiểu để nhận thấy tình hình sau:

Người bệnh là người cảm nhận và nhận biết điều này trước tiên và vì vậy họ chuyển sang tìm hiểu và sử dụng các liệu pháp của y học cổ truyền (traditional medicine-TM), y học bổ sung (complementary alternative medicine-CAM) cho đau nhiều hơn bất kỳ bệnh lý nào khác.

Là người thầy thuốc, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với những nhận định của các tác giả Barnes PM(20) khi cho rằng rằng các tùy chọn trị liệu của y học chính thống để kiểm soát đau mạn hiện vẫn chưa đáp ứng được mọi mong đợi và vô cùng cần thiết có nhiều hơn nữa các lựa chọn điều trị khác mà có thể tìm thấy ở các nền y học khác với y học chính thống. 

Tuy nhiên khác với người bệnh, với tâm lý “chết đuối vớ được cọc” (thành ngữ Việt nam) nghĩa là người bệnh sẽ sử dụng tất cả mọi liệu pháp trị liệu bất kỳ vì đang lúc nguy ngập lại có chỗ bám víu, giúp thoát khỏi tình trạng tuyệt vọng; người thầy thuốc, khi tìm kiếm những lựa chọn điều trị đau ở các nền y học khác, họ luôn thực hiện việc tìm kiếm ấy dựa trên bằng chứng. 

Vì thế, câu hỏi đặt ra là: các liệu pháp của y học cổ truyền (traditional medicine-TM), y học bổ sung (complementary alternative medicineCAM) cho đau mà hiện nay đang được sử dụng tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung là thực sụ (có bằng chứng thuyết phục) có tác dụng? Những liệu pháp cổ truyền và bổ sung này có chỉ là “phao” được người bệnh bám víu, sử dụng trong tình huống nguy ngập không?

Trong phạm vi của bài viết này, câu hỏi được gói gọn “Châm cứu (liệu pháp của y học cổ truyền) có thực sụ (có bằng chứng thuyết phục) có tác dụng giảm đau không? Châm cứu có chỉ là “phao” được người bệnh bám víu, sử dụng trong tình huống còn khó khăn không?

Châm cứu có làm giảm đau không? 

Cho đến nay, hơn 80 tổng quan (đánh giá có hệ thống) đã được thực hiện và công bố để đánh giá vai trò của châm cứu và các liệu pháp liên quan trong việc giảm đau. Tuy nhiên, kết quả của các đánh giá có hệ thống này là không hoàn toàn thống nhất.

Phần lớn các đánh giá báo cáo kết quả tích cực của châm cứu trong giảm đau cấp và đau mạn, trên nhiều loại đau như đau thắt lưng, đau đầu migraine và thoái hóa khớp bằng châm cứu(21-35). Có những phân tích tổng quan hệ thống gần đây đã kiểm tra hiệu quả của châm cứu trong việc giảm đau liên quan đến ung thư và cả hai đều báo cáo kết quả khả quan. Đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp của Lu W et al. cho rằng châm cứu rất hữu ích trong việc giảm đau sau phẫu thuật(36).  

Tuy nhiên, hiệu quả của châm cứu điều trị đau trong các tình trạng đau khác như đau thần kinh(37) hoặc đau cơ xơ hóa(38,39) vẫn chưa được kết luận. Ernst E đã tiến hành khảo sát các đánh giá(40) và kết luận rằng châm cứu không hiệu quả trong việc giảm đau.

Như vậy, có thể nhận thấy hiện nay có 2 trường phái vẫn tiếp tục tranh cãi về tác dụng giảm đau của châm cứu.

Châm cứu không có tác dụng giảm đau

Những nhận định, quan điểm không công nhận hiệu quả chống đau của châm cứu có thể không khó tìm thấy trên các bài báo được công bố. Những bài báo nói trên không chỉ đăng trên các tạp chí phổ thông mà còn trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín. Có thể liệt kê vài bài báo như: 

Hai báo cáo tổng quan năm 2007 (5 thử nghiệm, N=316)(38) và 2010 (7 thử nghiệm, N=385)(39) cho thấy châm cứu đã giúp giảm đau ngắn hạn ở bệnh nhân đau cơ xơ hóa, nhưng hiệu quả không được duy trì khi theo dõi. Những đánh giá này đã bị hạn chế bởi nguy cơ sai lệch cao, được ghi nhận trong các nghiên cứu. Các tác giả của cả hai đánh giá đều kết luận rằng châm cứu không thể được khuyến nghị để điều trị đau cơ xơ hóa.  

Báo cáo tổng quan của nhóm tác giả Madsen MV trên Tạp chí Y học Anh năm 2009 đã kết luận rằng có một tác dụng giảm đau nhỏ của châm cứu đã được tìm thấy, nhưng dường như thiếu sự liên quan lâm sàng và không thể phân biệt rõ ràng với sai lệch(41).

Đầu năm 2011, trên tạp chí Pain, các tác giả Ernst E đã công bố rằng chỉ có ít bằng chứng thực sự thuyết phục rằng châm cứu có hiệu quả trong việc giảm đau(41).  

Năm 2016, hướng dẫn của NICE về chứng đau thắt lưng, với khuyến nghị là không nên sử dụng(42). 

Ngoài ra còn những tác giả khác như Hall H với những bài báo thể hiện quan điểm không tin vào tác dụng giảm đau của châm cứu. Những tác giả phản biện cũng là những nhà khoa học có uy tín như Ernst E là Giáo sư về Y học Bổ sung tại Đại học Exeter (Anh). Đây cũng là vị trí học thuật đầu tiên trên thế giới. Tác giả Novella S là Phó Giáo Sư về thần kinh nhưng khá nổi tiếng trong lĩnh vực “Hoài nghi khoa học-Skepticism”. Năm 2010, ông đã được trao giải thưởng Robert P. Balles Prize for Critical Thinking vì những hoạt động tích cực trong lĩnh vực này.

Cuộc tranh luận về châm cứu đã tiến triển thành những diễn giải phân cực cao của cùng một bằng chứng, một bài tổng quan, một nghiên cứu khoa học. Và dẫn đến nhiều tranh luận không chỉ trên giấy báo mà cả tranh luận trực tiếp như cuộc tranh luận giữa bác sĩ Ernst E và một bác sĩ châm cứu, mà một nhà phê bình mô tả trên Tạp chí Y học Anh vào đầu năm 2018 là: “Càng thêm nhiều ngờ vực từ tiếng quang quác của vịt (từ thường được sử dụng trong ngành công nghiệp thuốc lá)(43).

Có thể tóm lược rằng, các tác giả của các bài báo công bố hoặc sử dụng kết quả của các các nghiên cứu đã kết luận rằng châm cứu không hiệu quả hơn bất kỳ biện pháp can thiệp giả nào, ví dụ châm cứu giả không chạm da (không thâm nhập) và châm cứu giả có thâm nhập trong việc giảm đau(21,38,39,40,41,44). Nhiều thử nghiệm lâm sàng không thể phát hiện ra sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về hiệu quả điều trị giữa các nhóm chứng và điều trị châm cứu của họ về bất kỳ phép đo kết quả nào”(21,44).

Châm cứu có tác dụng giảm đau

Châm cứu được biết đến rộng rãi vì hiệu quả trong điều trị đau. Theo tài liệu kinh điển Y học cổ truyền, trong 4 tác dụng điều trị của châm cứu thì chống đau là tác dụng hàng đầu. Vai trò độc đáo của nó trong việc giảm đau ở những bệnh lý có đau là một trong những lý do chính khiến nó trở nên phổ biến trên toàn thế giới. 

Có rất nhiều công bố trên nhiều tạp chí khoa học trên thế giới về tác dụng giảm đau của châm cứu(32-47). Những nghiên cứu khoa học về tác dụng trị đau trên lâm sàng của châm cứu bao phủ nhiều lĩnh vực từ cấp, bán cấp đến mạn; và trên nhiều loại bệnh lý khác nhau.

Đối với đau cấp tính, một tổng quan hệ thống của 13 thử nghiệm cho thấy châm cứu có hiệu quả hơn cả châm cứu giả dược và tiêm thuốc giảm đau(22). Có bằng chứng đáng kể cho việc châm cứu có hiệu quả trong điều trị đau cấp tính(23,24). 

Đau mạn tính nói chung: Một phân tích tổng hợp năm 2012 đã đánh giá hiệu quả của châm cứu trong điều trị 4 loại đau mạn tính: đau lưng hoặc cổ không đặc hiệu, đau đầu mạn tính, viêm xương khớp và đau vai. Phân tích này đã cố gắng kiểm soát sự thay đổi cao của chất lượng nghiên cứu trong tài liệu châm cứu bằng cách chỉ bao gồm các nghiên cứu có đặc điểm về phương pháp luận NCKH cao. Phân tích cuối cùng bao gồm 29 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng (N = 17.922). Các tác giả kết luận rằng châm cứu là vượt trội so với trị liệu không châm cứu và châm cứu (giả dược) cho tất cả các tình trạng đau trong nghiên cứu. Kích thước hiệu ứng trung bình là 0,5 độ lệch chuẩn trên thang điểm 10. Các tác giả cho rằng điều này có liên quan đến lâm sàng, mặc dù mức độ lợi ích rất khiêm tốn(25).

Một nghiên cứu khác đăng trên Tạp chí Current Opinion in Anesthesiology, trong bài báo có tựa đề “Châm cứu cho đau mạn tính: một cập nhật và tổng quan quan trọng” đã kết luận rằng có chứng cứ chắc chắn củng cố hiệu quả của châm cứu điều trị đau đầu, đau lưng, cổ, vai và đầu gối mạn tính(45).

Đối với đau mạn tính, trong nghiên cứu lớn nhất thuộc loại này cho đến nay, 454.920 bệnh nhân đã được điều trị bằng châm cứu cho đau đầu, đau thắt lưng và/hoặc viêm xương khớp trong một thử nghiệm thực tế mở. Hi u quả được đánh giá là tốt hoặc vừa trong 76% trường hợp bởi 8.727 bác sĩ điều trị(46).  

Một phân tích tổng hợp của 17.922 bệnh nhân từ các thử nghiệm lâm sàng có phân bố ngẫu nhiên đã kết luận “Châm cứu có hiệu quả trong điều trị đau mạn tính và do đó là một lựa chọn giới thiệu hợp lý. Sự khác biệt có ý nghĩa giữa châm cứu thật và giả chỉ ra rằng châm cứu còn hơn cả giả dược”(25).

Một nghiên cứu tiếp theo sau phân tích những dữ liệu này theo hướng hiệu quả giảm đau kéo dài của châm cứu cho thấy lợi ích của châm cứu kéo dài 12 tháng sau khi điều trị kết thúc(26).  

Đau đầu: Bằng chứng ủng hộ châm cứu trong kiểm soát đau đầu đã khá nhất quán trong thập kỷ qua. Một tổng quan cập nhật của Cochrane về việc ngăn ngừa chứng đau nửa đầu đã được công bố vào năm 2016(27). Châm cứu được so sánh với không điều trị trong 4 thử nghiệm (n = 2199). Các tác giả đã tìm thấy bằng chứng với mức độ trung bình rằng châm cứu làm giảm tần suất đau đầu (số cần điều trị = 4). Châm cứu đạt được ít nhất 50% giảm đau đầu trong 41% so với 17% trong các nhóm không được châm cứu. Khi so sánh với các nhóm châm cứu giả (10 thử nghiệm, n = 1534), châm cứu đã chứng minh có cải thiện nhỏ nhưng có ý nghĩa thống kê về giảm tần suất đau đầu. Ba thử nghiệm (n = 744) so sánh châm cứu với điều trị dự phòng bằng thuốc cho chứng đau nửa đầu và tìm thấy châm cứu có hiệu quả tương tự với ít tác dụng phụ hơn(27).  

Đau thắt lưng. Một tổng quan hệ thống năm 2017 của Chou R đã đánh giá 32 thử nghiệm (N = 5931) xem xét châm cứu điều trị đau thắt lưng mạn. Đánh giá này tìm thấy châm cứu có liên quan đến giảm cường độ đau và cải thiện chức năng trong thời gian ngắn khi so sánh với nhóm không điều trị. Và khi so sánh với châm giả (sham acupuncture) thì châm cứu có liên quan đến cường độ đau thấp hơn, nhưng không có sự khác biệt về cải thiện chức năng giữa 2 nhóm.

Lưu ý, có 3 trong số các thử nghiệm trên có so sánh châm cứu với thuốc chuẩn sử dụng trong điều trị đau thắt lưng và nhận thấy châm cứu vượt trội về cả giảm đau và cải thiện chức năng(28).

Ngoài việc giúp giảm đau lưng mạn tính, châm cứu cũng cho thấy sự hứa hẹn như một phương pháp điều trị đau cột sống cấp tính. Một tổng quan hệ thống năm 2013 (11 thử nghiệm, N=1139) cho thấy châm cứu có thể hiệu quả hơn thuốc chống viêm không steroid (NSAID) trong điều trị đau thắt lưng cấp tính và có thể gây ra ít tác dụng phụ hơn(29).

Hướng dẫn thực hành lâm sàng của Đại học Bác sĩ Hoa Kỳ 2017 (American College of

Physicians clinical practice guidelines) ủng hỗ sử dụng châm cứu để điều trị đau thắt lưng mạn tính(30).

Thoái hóa khớp. Hầu hết các nghiên cứu đã tập trung vào thoái hóa khớp gối, và cho đến nay, đã tạo ra những kết quả mâu thuẫn. 

Tuy nhiên, một phân tích tổng hợp gần đây hơn vào năm 2016 đã đánh giá 10 thử nghiệm (N=2007) nghiên cứu châm cứu trong điều trị đau trong thoái hóa khớp gối. Các tác giả nhận thấy châm cứu đã cải thiện cả đau và chức năng hoạt động khi so sánh với việc không điều trị hoặc châm cứu giả(31).

Đau cơ xơ hóa (Fibromyalgia). Có thể thấy những kết quả của 2 đánh giá hệ thống năm 2007(32) và 2010(33) kết luận rằng châm cứu không thể được khuyến nghị để điều trị đau cơ xơ hóa.

Những đánh giá gần đây hơn của Cochrane được công bố vào năm 2013 (9 thử nghiệm, N=395) đã đưa ra bằng chứng về mức độ lợi ích từ thấp đến trung bình so với việc không điều trị sau một tháng theo dõi. Lưu ý, cũng có bằng chứng về lợi ích trong cải thiện giấc ngủ và sức khỏe toàn thân, bên cạnh các chỉ số giảm đau và giảm cứng khớp trong tổng quan này. Tầm quan trọng chung của lợi ích là nhỏ, nhưng có ý nghĩa lâm sàng. Châm cứu cũng có bằng chứng về lợi ích trong điều trị các tình trạng thường thấy kết hợp với bệnh xơ cơ, bao gồm đau đầu và đau thắt lưng như mô tả trước đó). Và đặc bi t gần đây nhất nhóm tác giả Zhang XC đã tiến hành thống kê gộp 12 thử nghiệm lâm sàng (từ 744 thử nghiệm lâm sàng tiềm năng) có sử dụng châm cứu, châm cứu và thuốc y học chính thống đã kết luận rằng châm cứu là loại trị liệu hiệu quả và an toàn, cũng như là liệu pháp cần được khuyến sử dụng cho đau cơ xơ hóa(47).

Có thể thấy, ngày càng có nhiều hơn những đánh giá có hệ thống chất lượng cao đã cố gắng loại ra những nghiên cứu chất lượng thấp hơn và cung cấp được đại diện tốt hơn về bằng chứng khoa học. Như báo cáo tổng quan năm 2017 của Xiang A, đã tiến hành tìm kiếm cơ sở dữ liệu điện tử ban đầu trên 2586 nghiên cứu tiềm năng. Sau khi sàng lọc các trích dẫn này theo tiêu đề và tóm tắt của chúng, nhóm tác giả đã xem xét 102 bài viết có khả năng đủ điều kiện để đưa vào và truy xuất các bài báo đầy đủ tương ứng. Trong số 102 nghiên cứu, 89 trường hợp bị loại vì sử dụng các loại châm cứu khác làm đối chứng, định nghĩa không đúng về tác dụng tức thời, giao thức không chính xác hoặc phương pháp phân bổ ngẫu nhiên cho bệnh nhân cho từng nhóm, và đã chọn ra 13 thử nghiệm lâm sàng (RCT) đủ điều kiện(34).

Tất cả các thử nghiệm trong khảo sát này được coi là có rủi ro thấp về dữ liệu kết quả không đầy đủ (sai lệch tiêu hao) và báo cáo chọn lọc (báo cáo sai lệch) vì tất cả các bệnh nhân đã hoàn thành buổi điều trị đầu tiên cũng như đánh giá sau điều trị, và không có trường hợp bỏ dỡ.

Kết quả tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp của công bố trên đã cho thấy châm cứu có tác dụng giảm đau tức thời khi dùng trong điều trị đau mạn tính. Nói chung, thời gian khởi phát tác dụng của châm cứu là 15-30 phút. Thời gian giảm đau sau một lần châm cứu kéo dài khoảng 3 ngày, mặc dù thời gian này không nhất quán. 

Dựa trên kết quả của tổng quan hệ thống và nghiên cứu phân tích tổng hợp của nhóm tác giả của Xiang A này, chúng tôi thấy rằng điều trị châm cứu thực sự có tác dụng giảm đau tức thì lớn hơn đáng kể so với châm cứu giả không thâm nhập (SMD, −0,70; CI 95%, −1,21 đến -0,20), nhưng không khác so với sham có thâm nhập (SMD, −0,46; 95% CI, −1,11 đến 0,18). Thật thú vị, khi loại trừ nghiên cứu của Zhang H, các tác giả đã tìm thấy phương pháp châm thật có hiệu quả hơn so với châm cứu giả trong việc giảm đau ngay sau khi điều trị bằng châm cứu, điều này cho thấy một vài loại phương pháp châm cứu giả không phải không có tác dụng(35).

Kết quả so sánh với các liệu pháp giảm đau chính thống khác cho thấy châm cứu có liên quan đến việc giảm đau tức thì lớn hơn đáng kể so với tiêm thuốc giảm đau bằng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc gây tê cục bộ (SMD, −1,33; 95% CI, −1,94 đến -0,72). Châm cứu làm giảm đau tức thì lớn hơn có ý nghĩa thống kê so với không điều trị (SMD, −1,63; 95% CI, 2,77 đến -0,49).

Kết luận

Châm cứu nổi lên với vai trò chồng đau

Châm cứu, có lịch sử sử dụng trên 2000 năm, bao gồm châm kim tại nhiều điểm khác nhau, được gọi dưới tên huyệt vị châm cứu, trên khắp cơ thể để thúc đẩy quá trình chữa bệnh và cải thiện chức năng. Mặc dù châm cứu chỉ đại diện cho một phần của YHCT (là một hệ thống tổng thể bao gồm cả thảo dược, dinh dưỡng, dưỡng sinh thiền định và vận động), nó thường được xem như một liệu pháp độc lập. 

Về lịch sử châm cứu ở Việt Nam, thời vua Hùng (287-207 trước công nguyên), sử liệu trong “Lĩnh Nam Chích Quái” đã có ghi tên thầy châm cứu giỏi là An-Kỳ-Sinh, người làng Đông Triều, vào thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, đã dùng châm cứu trị cho 1 người tên là Thôi Văn Tứ ở Cao Lễ, Chí Linh. 

Dù việc tranh luận về hiệu quả giảm đau của châm cứu vẫn tiếp tục, nhưng không thể không ghi nhận thực tế việc sử dụng châm cứu ngày càng phát triển sâu và rộng khắp trên thế giới. Trong báo cáo về “Chiến lược y học cổ truyền của Tổ Chức Y tế Thế Giới-WHO 2014 – 2023 nhằm đáp ứng với nghị quyết của Hội đồng Y tế Thế giới về y học cổ truyền (WHA62.13) có ghi nhận như sau: “Một thực hành YHCT đã phát triển đáng kể là châm cứu. Mặc dù châm cứu ban đầu là một tính năng của y học cổ truyền, nhưng hiện nay nó được sử dụng trên toàn thế giới”. Theo báo cáo được cung cấp bởi 129 quốc gia, 80% trong số họ hiện có sử dụng châm cứu. Việc sử dụng châm cứu ở Hoa Kỳ tăng gấp ba lần từ năm 1997 đến 2007(48) 

Không chỉ gia tăng rộng rãi và ngày càng nhiều việc sử dụng châm cứu trong chăm sóc và điều trị người bệnh trong thực hành lâm sàng hàng ngày, nghiên cứu cơ sở của châm cứu cũng đang nhanh chóng mở rộng. Từ năm 1991 đến năm 2009, gần 4000 nghiên cứu châm cứu đã được công bố, với các nghiên cứu về đau chiếm 41% các nghiên cứu về châm cứu.

Tóm lại, tình hình thực tế hiện nay cho thấy Đau vẫn là một vấn đề toàn cầu với nhiều khó khăn, thách thức mà y học chính thống chưa giải quyết được. Việc tìm kiếm những phương pháp trị liệu đau từ những nền y học khác (y học cổ truyền, y học bổ sung) vẫn được các nhà chuyên môn tích cực tìm hiểu sâu để áp dụng hiệu quả. Trong những cố gắng, có thể khẳng định sử dụng châm cứu để phối hợp kiểm soát đau ngày càng trở nên phổ biến (trong nước và trên thế giới) và thuyết phục với việc ngày càng có nhiều nghiên cứu cơ bản về tác dụng giảm đau.

Tài liệu tham khảo 

National Center for Health Statistics (2006). Health, United States. URL: https://www.cdc.gov/nchs/data/hus/hus06.pdf.

Breivik H, Collett B, Ventafridda V, Cohen R, Gallacher D 2006(). Survey of chronic pain in Europe: prevalence, impact on daily life, and treatment. Eur J Pain, 13:287–333. 

Johannes CB, Le TK, Zhou X, Johnston JA & Dworkin RH (2010). The prevalence of chronic pain in United States adults: results of an Internet-based survey. Journal of Pain, 11(11):1230– 1239.

U.S. Department of Health and Human Services (2019). NIH Fact Sheet.Pain management. URL: https://www.report.nih.gov/nihfactsheets/ViewFactSheet.aspx?c sid=57. 

Narayana A, Katz N, Shillington AC, et al (2015). “National Breakthrough Pain Study: Prevalence, characteristics, and associations with health outcomes”. Pain, 156(2):252–259. 

Sivertsen B, Lallukka T, Petrie KJ, et al (2015). “Sleep and pain sensitivity in adults”. Pain, 156(8):1433–1439.

National Center for Complementary and Integrative Health (2015). NIH Analysis Shows Americans Are In Pain. URL:  https://nccih.nih.gov/newspress/08112015.

Fried NT, Elliott MB & Oshinsky ML (2017). The Role of Adenosine Signaling in Headache: A Review. Brain Sciences, 7(3):30. 

Institute of Medicine (US) Committee on Advancing Pain Research, Care, and Education, Institute of Medicine (2011). Relieving Pain in America: A Blueprint for Transforming Prevention, Care, Education, and Research, National Academies Press, Washington, D.C., USA. URL: DOI: 10.17226/13172.

Schuchat A, Houry D, Guy GP (2017). New Data on Opioid Use Prescribing in the United States. JAMA, 318(5):425–426. 

Deloitte Access Economics (2018). Analysis: The cost of pain in Australia         – A painful reality.URL:https://www2.deloitte.com/au/en/pages/economics/articles/costpain-australia.html. 

Motgahre VM, Bajait CS, Turankar A (2016). Prescription pattern and adverse drug reaction profile of drugs prescribed with focus on NSAIDs for orthopedic indications at a tertiary care hospital. Skin, http://doi.org/10.18231/2393-9087.2016.0007). 

The CHP Group (2014). The Cost of Chronic Pain: How Complementary and Alternative Medicine Can Provide Relief. (Online). URL:            http://www.chpgroup.com/wp- content/uploads/2014/12/CHP-WP_CAM-Chronic-Pain_    Sls_12.12.2014.pdf. 

Abdel SC, Maher CG, Williams KA, Day R, McLachlan, AJ (2016). Efficacy, Tolerability, and Dose-Dependent Effects of Opioid Analgesics for Low Back Pain: A Systematic Review and Meta-analysis. JAMA Internal Medicine, 176(7):958–968.

Krebs EE (2017). Effectiveness of opioid therapy vs. non-opioid medication therapy for chronic back & osteoarthritis pain over 12 months. In annual meeting, Society for General Internal Medicine, Washington DC.

Cai S, Garcia RLA, Masso-Gonzalez EL, Hernandez-Diaz S (2009). Uncomplicated peptic ulcer in the UK: trends from 1997 to 2005. Alimentary Pharmacology & Therapeutics, 30(10):1039– 1048. 

Bally M, Dendukuri N, Rich B, Nadeau L, et al (2017). Risk of acute myocardial infarction with NSAIDs in real world use: bayesian meta-analysis of individual patient data. BMJ, 357:j1909–13. 

Rudd RA, Seth P, David F, Scholl L (2016). Increases in Drug and Opioid-Involved Overdose Deaths — United States, 2010– 2015. MMWR, 65:1445–1452. 

Deyo RA, Korff VM, Duhrkoop D (2015). Opioids for low back pain. BMJ, 350:g6380.

Barnes PM, Bloom B, Nahin RL (2008). Complementary and alternative medicine use among adults and children: United States, 2007. Natl Health Stat Report, 12:1-23.

Suarez-Almazor ME, Looney C, Liu Y (2010). A randomized controlled trial of acupuncture for asteoarthritis of the knee: effects of patient-provider communication. Arthritis Care and Res (Hoboken), 62(9):1229–1236. 

Xiang A, Cheng K, Xu P, Liu S (2017). The immediate analgesic effect of acupuncture for pain: a systematic review and metaanalysis. Evid Based Complement Alternat Med, https://doi.org/10.1155/2017/3837194. 

Jones L, Othman M, Dowswell T, et al (2012). Pain management for women in labour: an overview of systematic reviews. Cochrane            Database      of        Systematic            Reviews, https://www.cochrane.org/CD009234/PREG_painmanagement-for-women-in-labour—an-overview. 

Smith CA, Zhu X, He L (2011). Acupuncture for primary dysmenorrhea. Cochrane Database of Systematic Review, 19(1):CD007854. 

Vickers AJ, Cronin AM, Maschino AC, et al (2012). Acupuncture for chronic pain: individual patient data meta-analysis. Arch Intern Med, 172:1444-1453. 

MacPherson H, Vertosick EA, Foster NE, Lewith G, Linde K, Sherman KJ, et al (2016). The persistence of the effects of acupuncture after a course of treatment. Pain, pp.1–22. 

Linde K, Allais G, Brinkhaus B, et al (2016). Acupuncture for the prevention of episodic migraine. Cochrane Database Syst Rev, 6:CD001218. 

Chou R, Deyo R, Friedly J, et al (2017). Nonpharmacologic therapies for low back pain: a systematic review for an American College of Physicians clinical practice guideline. Ann Intern Med, 166:493-505. 

Lee JH, Choi TY, Lee MS, et al (2013). Acupuncture for acute low back pain: a systematic review. Clin J Pain, 29:172-185. 

Qaseem A, Wilt TJ, McLean RM, et al (2017). The Clinical Guidelines Committee of the American College of Physicians. Noninvasive treatments for acute, subacute, and chronic low back pain: a clinical practice guideline from the American College of Physicians. Ann Intern Med, 166:514-530. 

Lin X, Huang K, Zhu G, et al (2016). The effects of acupuncture on chronic knee pain due to osteoarthritis: a meta-analysis. J Bone Joint Surg Am, 98:1578-1585. 

Mayhew E, Ernst E (2007). Acupuncture for fibromyalgia—a systematic review of randomized clinical trials. Rheumatology, 46:801-804. 

Langhorst J, Klose P, Musial F, et al (2010). Efficacy of acupuncture in fibromyalgia syndrome—a systematic review with a meta-analysis of controlled clinical trials. Rheumatology, 49:778-788. 

Xiang A, Cheng K, et al (2017). The Immediate Analgesic Effect of Acupuncture for Pain: A Systematic Review and MetaAnalysis, Article ID 3837194, 13 pages. Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine

Zhang H, Hu Y, Wu J, Zheng H (2015). Timeliness law on the immediate analgesia on acute migraine treated with electroacupuncture at shaoyang meridian points. Chinese Acupuncture & Moxibustion, 35(2):127–131. 

Lu W, Rosenthal DS, et al (2013). Acupuncture for Cancer Pain and Related Symptoms. Curr Pain Headache Rep, 17(3): 321.  

Ju ZY, Wang K, Cui HS, Yao Y, Liu SM, Zhou J, Chen TY, Xia J (2017). Acupuncture for neuropathic pain in adults (Review). Cochrane Database of Systematic Reviews, 12:CD012057.

Mayhew E, Ernst EN (2007). Acupuncture for fibromyalgia—a systematic review of randomized clinical trials. Rheumatology, 46:801-804.

Langhorst J, Klose P, Musial F, et al (2010). Efficacy of acupuncture in fibromyalgia syndrome—a systematic review with a meta-analysis of controlled clinical trials. Rheumatology, 49:778-788. 

Ernst E, Lee MS, Choi TY (2011). Acupuncture: Does it alleviate pain and are there serious risks? A review of reviews. Pain, 152(4):755–64.

Madsen MV, Gøtzsche PC, Hróbjartsson A (2009). Acupuncture treatment for pain: systematic review of randomised clinical trials with acupuncture, placebo acupuncture, and no acupuncture groups. British Medical Journal, 338(7690):330–333.

National Institute for Health and Care Excellence (2016). Low back pain and sciatica in over 16s: assessment and management. URL: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27929617/. 

Cummings M, Hróbjartsson A, Ernst E (2018). Should doctors recommend acupuncture for pain? BMJ, 360:k970. 

Cherkin DC, Sherman KJ, Avins AL, et al (2009). A randomized trial comparing acupuncture, simulated acupuncture, and usual care for chronic low back pain. Archives of Internal Medicine, 169(9):858–866. 

Yin C, Buchheit TE, Park JJ (2017).  Acupuncture for chronic pain: an update and critical overview. Current Opinion in Anaesthesiology, 30(5):583-592. 

Weidenhammer W, Streng A, Linde K, Hoppe A, Melchart D (2007). Acupuncture for chronic pain within the research program of 10 German Health Insurance Funds–basic results from an observational study. Complementary Therapies in Medicine, 15(4):238-46. 

Zhang XC, Chen H, Xu WT, et al (2019). Acupuncture therapy for fibromyalgia: a systematic review and meta-analysis of randomized controlled trials. Journal of Pain Research, 12:527–542. 

Nahin RL, Barnes PM, Stussman BJ, et al (2009). Costs of complementary and alternative medicine (CAM) and frequency of visits to CAM practitioners: United States. Natl Health Stat Report, 18:1-14

 

[1] Bộ môn Y học Cổ truyền, Khoa Y, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ