Nguồn: “ Phác đồ điều trị 2020”- Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch
Lây truyền bệnh lao:
Bệnh lao được lây truyền qua đường không khí, do người bệnh phát tán hạt mù chứa vi khuẩn lao trong quá trình ho khạc, hắt hơi hoặc nói.
Lây truyền bệnh lao có thể xảy ra giữa những người bệnh lao phổi với các bệnh nhân khác. Lây truyền từ bệnh nhân cho người nhà, cho khách thăm. Lây truyền bệnh lao có thể do nhân viên y tế không tuân thủ các biện pháp kiểm soát lây nhiễm trong các cơ sở y tế.
Biện pháp kiểm soát hành chính:
Biện pháp kiểm soát hành chính là các biện pháp đề phòng sự phát tán hạt khí dung chứa vi khuẩn lao từng người bệnh và các biện pháp làm giảm thiểu sự phơi nhiễm. Đây là biện pháp quan trọng nhất vì ngăn chặn nguy cơ từ gốc, từng nguồn phát sinh nguồn lây nhiễm nên rất hiệu quả.
Mặt khác, biện pháp kiểm soát hành chính không tốn kém về nguồn lực và có thể sẵn sàng áp dụng ngay với các nhà quản lý và nhân viên y tế. Các biện pháp kiểm soát hành chính nên được triển khai với ưu tiên hàng đầu vì các biện pháp này cho thấy giảm thiểu lây truyền bệnh lao trong các cơ sở y tế một cách đáng kể:
Xác định nhanh người có triệu chứng ho khạc.
Tách riêng các trường hợp người bệnh là nguồn lây.
Thực hiện và giám sát vệ sinh ho khạc.
Giảm thiểu thời gian người bệnh lao/nghi lao ở các cơ sở y tế.
Tư vấn và điều trị cho bệnh nhân ngay sau khi có chẩn đoán bệnh lao.
Thực hiện các biện pháp bảo vệ nhân viên y tế.
Biện pháp bảo vệ môi trường
Biện pháp kiểm soát môi trường được coi là ưu tiên thứ hai cần áp dụng sau biện pháp kiểm soát hành chính và ưu tiên trước khi áp dụng biện pháp bảo vệ hô hấp.
Các biện pháp kiểm soát môi trường nhằm thay đổi không khí và khử trùng không khí bị nhiễm khuẩn để thay thế bằng không khí sạch trong khu vực có nguy cơ có vi khuẩn lao bị phát tán ra không khí từ người bệnh lao.
Nguyên lý kiểm soát môi trường:
Kiểm soát nguồn lây bệnh.
Pha loãng hoặc làm sạch không khí bẩn (bị nhiễm trùng).
Sử dụng tốt đa thông khí tự nhiên.
Kiểm soát luồng thông khí từ khu vực sạch (không bị nhiễm trùng) đến khu vực bẩn (bị nhiễm trùng).
Thông khí:
Tại Việt Nam, thông khí tự nhiên và thông khí hỗn hợp được áp dụng cho phòng bệnh điều trị bệnh nhân lao; thông khí cơ học áp dụng cho các phòng xét nghiệm cần áp lực âm cho các kỹ thuật vi sinh thao tác với chủng vi khuẩn lao.
Đơn vị dùng để đánh giá sự thông khí là ACH (Air Change Hour), được tính là tổng thể tích không khí trong phòng được thay đổi với không khí sạch bên ngoài trong một giờ.Một đơn vị ACH có nghĩa là toàn bộ thể tích không khí trong phòng được thay đổi.
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo:
Tối thiểu 12 ACH cho phòng bệnh có tác nhân gây bệnh nhiễm trùng qua đường không khí.
ACH càng cao thì các hạt mù nhiễm trùng càng phân tán đi nhanh và nguy cơ nhiễm khuẩn qua đường không khí càng thấp.
Cách tính ach:
Các dụng cụ đo ACH
Thước dây
Dụng cụ đo gió
Tuýp tạo khói/hương
Máy tính
Sổ ghi chép
Các bước tính ACH
(1)Kiểm tra hướng luồng gió lưu thông bằng khói hoặc dải lụa
(2)Xác định các khoảng mở: cửa sổ, cửa ra vào, các ô thoáng, quạt hút/thải. Tính diện tích khoảng mở: chỉ tính diện tích ở đường gió vào hoặc gió ra (m2)
(3)Đo tốc độ luồng gió vào/hoặc ra: đo 4-6 vị trí rồi tính trung bình cộng (m/s)
(4)Tính thể tích phòng (m3)
(5)Lưu lượng luồng gió (m3/h) = diện tích khoảng mở x tốc độ luồng gió
(6)ACH = Lưu lượng luồng gió / thể tích phòng
Trường hợp có 2 khoảng mở: tính tổng diện tích 2 khoảng mở và tốc độ luồng gió trung bình đi qua 2 cửa.
Trường hợp buồng có quạt hút, buồng áp lực âm phải có dụng cụ đo tốc độ luồng khí qua quạt thải hoặc quạt hút.
SƠ ĐỒ PHÒNG KHÁM LAO
Yêu cầu: Đảm bảo thông khí tối thiểu ACH ≥ 12
Ghi chú: BS/ĐD: Bác sĩ/Điều dưỡng. NB: Người bệnh
Đèn cực tím:
Đèn cực tím có máng che và được treo cao được coi là biện pháp can thiệp hỗ trợ để kiểm soát môi trường, được khuyến cáo sử dụng tại những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao và điều kiện thông khí không đảm bảo. Dải song có tác dụng trong hệ thống đèn cực tím là 254 nm. Hệ thống đèn cực tím được lắp đặt trên cao có thể diệt vi khuẩn lao hoặc các sinh vật thí nghiệm thay thế trong một phòng thử nghiệm tương đương với 10 đến 20 ACH. Theo khuyến cáo, máng hắt phải lắp ở độ cao 2,1 mét tại phòng có độ cao đến trần là 2,5 mét.
Trong phòng sử dụng đèn cực tímphảiđảmbảokhông khí được đảo trộn đều để tất cả lượng khí đều được chiếu tia. Khử trùng không khí bằng tia cực tím giảm tới 80% nếu không hoàn toàn pha trộn không khí. Có thể dùng quạt trần để đảo trộn không khí, tuy nhiên cần phải đảm bảo không khí lây nhiễm phải đủ thời gian tiếp xúc với đèn tím. Vì lý do tia cực tím có thể gây nguy hiểm với mắt và da, nên phải thiết kế vị trí cố định và đúng với hướng dẫn cách sử dụng tia cực tím để dễ dàng sử dụng các biện pháp kiểm tra an toàn và hiệu quả. Nên ghi chép nhật ký sử dụng đèn cực tím: ngày bắt đầu, số giờ/ngày, lau vệ sinh đèn, đo bước sóng định kỳ,…
ĐÈN CỰC TÍM TRÊN CAO
Biện pháp bảo vệ hô hấp:
Ngoài việc triển khai các biện pháp kiểm soát hành chính và môi trường, việc sử dụng khẩu trang bảo vệ hô hấp được khuyến cáo sử dụng cho nhân viên y tế khi chăm sóc bệnh nhân lao đặc biệt bệnh nhân lao kháng thuốc.
Khẩu trang y tế không có tác dụng bảo vệ cho người đeo hít phải các hạt mù có kích thước nhỏ (Khẩu trang y tế được khuyến cáo cho người bệnh có triệu chứng ho khạc đeo vì có tác dụng giảm sự lan truyền các vi sinh vật từ người đeo do khẩu trang giữ lại các phần tử chất tiết có kích thước lớn.
Nhân viên y tế cần dùng khẩu trang hô hấp khi thực hiện các thủ thuật có nguy cơ phát sinh ra các hạt khí dung gây lây truyền bệnh lao cao, ví dụ: soi phế quản, đặt nội khí quản, hút các chất tiết hô hấp, mổ tử thi hoặc phẫu thuật phổi. Loại khẩu trang bảo vệ hô hấp phòng lây nhiễm bệnh lao phải đạt hoặc vượt tiêu chuẩn N95.
Khẩu trang hô hấp lý tưởng chỉ nên được dùng một lần rồi hủy, tuy nhiên nếu điều kiện nguồn lực hạn chế như ở Việt Nam, có thể sử dụng nhiều lần nếu được bảo quản tốt, trong vòng 01 tuần cho nhân viên khoa điều trị bệnh lao và 02 tuần cho nhân viên ở các khu vực khác. Chú ý cần hủy ngay khẩu trang hô hấp khi thấy bị bóp méo hoặc quá ẩm.
Khẩu trang hô hấp cần bảo quản ở nơi sạch và khô ráo tránh ẩm ướt và bị bóp méo. Không nên khử trùng khẩu trang hô hấp và không làm sạch vì sẽ làm biến dạng khẩu trang. Nên gói khẩu trang hô hấp bằng một khăn giấy hoặc đặt trong túi giấy, không dùng túi nilon vì sẽ bị giữ ẩm. Khi sử dụng lại cần phải kiểm tra khẩu trang có bị ẩm ướt hoặc bị bóp méo, thải bỏ ngay khi thấy chất lượng không đảm bảo. Khẩu trang phải được loại bỏ sau khi sử dụng như là rác y tế lây nhiễm.
Tùy mỗi đơn vị, có thể xem xét khử khuẩn khẩu trang hô hấp bằng tia cực tím hoặc tiệt khuẩn nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, cần đảm bảo đúng quy trình khử khuẩn và khẩu trang không bị biến dạng, phải đảm bảo độ khít khi đeo khẩu trang hô hấp.
Cần có nơi lưu giữ khẩu trang thuận tiện và có người phụ trách về việc cấp phát, thử độ khít của khẩu trang cũng như lưu hồ sơ kết quả kiểm tra.
Tài liệu tham khảo
Quyết định 1314/QĐ-BYT ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao.
Hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn lao – Bộ Y tế, 2016.
Thông tư 16/2018/TT-BYT ngày 20 tháng 7 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế Quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.