Viêm âm đạo (vaginitis):
Viêm âm đạo rất thường gặp, bệnh thường ngắn ngủi và không để lại hậu quả nghiêm trọng. Âm đạo có hệ vi khuẩn tự nhiên phong phú, gồm cả vi khuẩn ái khí và kị khí, trong đó chủ yếu là Lactobacillus. Lactobacillus là vi khuẩn gram dương, ái khí, có khả năng chuyển hoá glycogen trong bào tương các tế bào gai thành axit lactic, tạo ra môi trường pH axit trong âm đạo, ngăn cản sự sinh sôi của các vi sinh vật khác.
Viêm âm đạo có thể do nhiều loại vi sinh vật khác nhau gây ra như vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm mốc. Đáng chú ý là nhiều vi sinh vật trong số này vẫn sống thường trú trong âm đạo mà không gây triệu chứng, chẳng hạn như nấm candida albicans (được tìm thấy ở 5% phụ nữ bình thường) hoặc ký sinh trùng Trichomonas vaginalis (được thấy ở 10% phụ nữ), thì nay lại trở thành tác nhân gây bệnh do bệnh nhân đã bị nhiễm một chủng mới cùng loại (thường qua đường tình dục) nhưng có độc lực cao hơn nhiều; hoặc khi bệnh nhân có cơ địa thuận lợi cho tình trạng nhiễm khuẩn như bệnh tiểu đường, sử dụng kháng sinh dài ngày, teo mỏng niêm mạc do mãn kinh, chấn thương, v.v.
Liên hệ lâm sàng: viêm âm đạo gây ra huyết trắng với số lượng, màu sắc, mùi, độ đậm đặc thay đổi tuỳ tác nhân gây viêm; bệnh nhân có triệu chứng đau rát, đau khi giao hợp, niêm mạc âm đạo sung huyết, đỏ. Xác định tác nhân gây viêm bằng cách soi tươi huyết trắng và sử dụng kháng sinh thích hợp để điều trị.
U âm đạo
U âm đạo nói chung ít gặp, gồm có tổn thương dạng u như tăng sinh mô sợi dạng polýp (fibroepithelial polyp); vài loại u lành tính như u cơ trơn, u sợi thần kinh; và u ác tính.
U âm đạo ác tính chỉ chiếm 2% các u đường sinh dục nữ, trong đó 80% là do di căn từ một ung thư ở nới khác, thường gặp nhất là từ ung thư cổ tử cung, thân tử cung, buồng trứng, trực tràng và thận.
U âm đạo ác tính nguyên phát chủ yếu là carcinôm tế bào gai, chiếm hơn 90% các trường hợp. Các loại u ác tính khác rất hiếm gặp, bao gồm carcinôm tuyến, sarcôm cơ vân dạng chùm nho, v.v.
Carcinôm tế bào gai âm đạo:
Bệnh nhân thường lớn tuổi, từ 60 – 70 tuổi; u tiến triển từ một tổn thương tiền ung gọi là tân sinh trong biểu mô âm đạo (vaginal intraepithelial neoplasm – VAIN) và có liên quan với tình trạng nhiễm HPV như VIN. VAIN cũng được phân thành 3 mức độ:
VAIN1: tương ứng với nghịch sản nhẹ biểu mô âm đạo.
VAIN2: tương ứng nghịch sản vừa.
VAIN3: tương ứng nghịch sản nặng và carcinôm tại chỗ.
Hình thái tổn thương:
Đại thể: tổn thương ở giai đoạn VAIN thường chỉ là một mảng niêm mạc hơi dầy, không bắt mầu lugol, ở 1/3 trên âm đạo, thành trước nhiều hơn thành sau và thành bên. Khi đã tiến triển thành carcinôm tế bào gai xâm nhập, tổn thương có dạng chồi sùi, lở loét hoặc thâm nhiễm cứng thành âm đạo. Ung thư lan rộng ra thành chậu, xâm nhập vào bàng quang và trực tràng và cho di căn đến hạch bẹn và hạch chậu. (Hình 7)
Vi thể: tương tự carcinôm tế bào gai ở âm hộ.
Điều trị phẫu thuật cắt bỏ âm đạo và tử cung khi carcinôm tế bào gai còn khu trú ở âm đạo, tỉ lệ sống thêm 5 năm đạt khoảng 80 % ; nhưng khi ung thư đã lan rộng, tỉ lệ này giảm còn 20%.
Hình 7 : VAIN 3 không bắt mầu Lugol (A) ; Vi thể VAIN 3 (B) ; Carcinôm tế bào gai âm đạo xâm lấn
Carcinôm tuyến nguyên phát ở âm đạo:
Rất hiếm gặp, thường xảy ra ở phụ nữ trẻ có mẹ sử dụng thuốc diethylstilbestrol (DES) trong thời gian mang thai.
C.Sarcôm cơ vân dạng chùm nho (Botryoid sarcoma): ở các bé gái, sarcôm cơ vân dạng chùm nho là u đuờng sinh dục thường gặp nhất. Hầu hết các trường hợp đều nhỏ hơn 5 tuổi, trong đó 2/3 bệnh xảy ra trong 2 nằm đầu đời. U xuất phát từ lớp mô đệm sát biểu mô, có nguồn gốc từ trung mô không biệt hóa. U xâm nhập vào thành âm đạo và vào các cấu trúc vùng chậu. Đại thể u có dạng nhiều polyp hợp lại giống chùm nho, nhầy như thạch, sa khỏi âm đạo. Trên vi thể, u gồm các nguyên bào cơ vân (rhabdomyoblast) hình tròn hay hình thoi, bào tương ưa eosin, nằm trong mô đệm dạng niêm và thường tập trung thành 1 lớp dày đặc ngay sát dưới biểu mô. Trong bào tương của tế bào u có thể thấy vân cơ. U lan rộng nhanh, cho di căn hạch và di căn xa. Bệnh có tiên lượng xấu, tỉ lệ sống 5 năm là 10-35%. (hình 8)
Hình 8: Sarcôm dạng chùm nho, sa khỏi âm đạo (A) Tế bào hình tròn hoặc hình thoi, bào tương ái toan (B), cò thể thấy vân ngang trong bào tương (hình nhỏ)