Đáng chú ý là các bệnh lý sau:
Polýp mũi: thường xảy ra sau nhiều đợt viêm mũi do vi khuẩn hoặc dị ứng, niêm mạc mũi phì đại nhô ra tạo thành một polýp có kích thước từ 3-4cm. Về mặt vi thể, polýp mũi là một tổn thương giả u, cấu tạo bởi một mô đệm phù nề, thấm nhập nhiều tế bào viêm như BCĐN trung tính hoặc ái toan, tương bào và lymphô bào. Bề mặt polýp được phủ bởi biểu mô hô hấp bình thường. (xem hình 2, bệnh lý U)
Carcinôm hầu mũi (nasopharyngeal carcinoma): còn gọi ung thư vòm hầu. Đây là loại ung thư thường gặp ở châu Phi, Trung hoa và các nước Đông Nam Á. Ung thư thường tiến triển âm thầm, khi được phát hiện thì đã xâm nhập vào sàn sọ hoặc di căn hạch cổ. Tổn thương ban đầu là một đám sùi trong vùng hầu mũi. Về mặt vi thể, carcinôm hầu mũi có 3 dạng: carcinôm tế bào gai sừng hoá, carcinôm không sừng hoá và carcinôm không biệt hoá. Trong loại thứ ba, tế bào ung thư có kích thước lớn, nhiều bào tương, nhân bầu dục sáng, có hạch nhân to; các tế bào ung thư hợp thành từng đám, được bao quanh bởi nhiều lymphô bào hoặc nằm xen kẽ với các lymphô bào. (xem hình 16, bệnh lý U)
Hình 26: Polýp dây thanh (A); carcinôm tế bào gai thanh quản (B).
Polýp thanh quản: thường xảy ra ở người nghiện thuốc là nặng hoặc có nghề nghiệp phải sử dụng dây thanh âm quá nhiều. Tổn thương nằm trên dây thanh âm, có dạng cục tròn, láng, kích thước vài mm, có hoặc không có cuống. Polýp được phủ bởi biểu mô lát tầng tăng sản, mô đệm tạo bởi mô liên kết thưa dạng niêm, chứa nhiều mạch máu dãn rộng. (Hình 26A)
U nhú thanh quản:
Ở người lớn, u nhú thường đơn độc, nằm trên dây thanh âm, kích thước
Đối với trẻ em, u nhú thanh quản thường gồm nhiều u nằm rải rác nên còn gọi là bệnh nhú (papillomatosis); nguyên nhân do nhiễm virus HPV (human papillomavirus). U hay tái phát sau cắt bỏ; những trường hợp bệnh kéo dài có thể dẫn đến ung thư.
Ung thư thanh quản: biểu mô lát tầng của dây thanh âm có thể bị nghịch sản do các tác nhân sinh ung (thuốc lá, HPV, asbestos) và chuyển thành carcinôm tế bào gai. Tổn thương trên đại thể là các đám sùi loét nằm trên dây thanh âm. Hình ảnh vi thể là các đám carcinôm tế bào gai (Hình 26B).