Định nghĩa
Ngủ là một trạng thái sinh lý bình thường của cơ thể có tính chất chu kì 24 giờ đêm, trong đó toàn bộ cơ thể được nghỉ ngơi, tạm ngừng hoạt động tri giác và ý thức, các cơ bắp giãn mềm, các hoạt động hô hấp tuần hoàn chậm lại. Giấc ngủ là khoảng thời gian trong đó các trạng thái ngủ diễn ra kế tiếp. Một giấc ngủ tốt là giấc ngủ đảm bảo đầy đủ về số lượng, chất lượng và thời gian ngủ, khi ngủ dậy người ta cảm thấy khoan khoái, dễ chịu về thể chất và tâm thần, giấc ngủ làm phục hồi lại chức năng của các cơ quan trong cơ thể.
Mất ngủ không thực tổn là một rối loạn giấc ngủ liên quan đến các nhân tố tâm sinh, trong đó bệnh nhân phàn nàn ưu thế là không đảm bảo về số lượng, chất lượng và thời gian ngủ cho một giấc ngủ bình thường.
Nguyên nhân
Có liên quan chủ yếu đến các nhân tố tâm lý-xã hội, trong đó nguyên nhân cảm xúc là đầu tiên và cơ bản.
Chẩn đoán
Chẩn đoán xác định
Lâm sàng: theo ICD-10
Bệnh nhân phàn nàn về việc khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ hoặc ngủ không ngon giấc.
Rối loạn giấc ngủ xảy ra ít nhất ba lần một tuần trong vòng ít nhất một tháng.
Rối lọan giấc ngủ gây ra sự suy sụp rõ nét hoặc làm rối loạn hoạt động chức năng cá nhân trong cuộc sống hàng ngày.
Không có nguyên nhân thực tổn như một bệnh lý thần kinh hoặc bệnh nội khoa, không có rối loạn sử dụng chất tác động tâm thần hoặc một loại thuốc.
Cận lâm sàng
Xét nghiệm máu: huyết học, sinh hoá, vi sinh (HIV, VGB, VGC)
Xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm tìm chất ma tuý, huyết thanh chẩn đoán giang mai…
Điện não đồ, lưu huyết não
Đa kí giấc ngủ
Trắc nghiệm tâm lý: nhóm trắc nghiệm tâm lý đánh giá rối loạn giấc ngủ (PSQI…), đánh giá trầm cảm (Beck, Hamilton trầm cảm…), đánh giá lo âu (Zung, Hamilton lo âu…), đánh giá nhân cách (MMPI, EPI…), …
Các xét nghiệm chuyên khoa khác xác định bệnh lý kết hợp hoặc loại trừ nguyên nhân thực thể:
Điện tâm đồ, XQ tim phổi, siêu âm ổ bụng
CT, MRI…
Chẩn đoán phân biệt
Chẩn đoán phân biệt với mất ngủ do nguyên nhân thực tổn như một bệnh lý thần kinh hoặc bệnh nội khoa, do rối loạn sử dụng chất tác động tâm thần hoặc một loại thuốc.
Điều trị
Nguyên tắc điều trị
Mất ngủ không thực tổn liên quan chủ yếu đến các nhân tố tâm sinh, đặc biệt rối loạn cảm xúc là nhân tố được coi là nguyên phát. Do vâỵ, trong điều trị có hai nhóm lớn: tâm lý (nhận thức-hành vi) và dược lý, hai nhóm này có thể kết hợp với nhau.
Nguyên tắc chọn thuốc:
Ưu tiên đơn trị liệu (chọn một trong những thuốc liệt kê ở dưới nếu chưa hiệu quả thì sử dụng đồng thời một thuốc chống trầm cảm và một thuốc an thần kinh được khuyến cáo nhiều hơn cả).
Khởi liều thấp và tăng liều từ từ cho đến khi có hiệu quả. Hạn chế lạm dụng nhóm giải lo âu gây nghiện.
Sơ đồ/phác đồ điều trị
Liệu pháp hóa dược + liệu pháp tâm lý
Điều trị cụ thể
Liệu pháp tâm lý: Các liệu pháp tâm lý chủ yếu là giáo dục người bệnh chú ý vệ sinh giấc ngủ tốt:
Chỉ đi ngủ khi buồn ngủ
Tập thức ngủ đúng giờ
Hàng sáng phải thức dậy vào một giờ nhất định, không phụ thuộc vào thời lượng đã ngủ đêm trước
Không dùng cà phê, thuốc lá đặc biệt vào buổi tối
Thiết lập chế độ tập luyện thể dục thể thao hằng ngày
Không uống rượu vì rượu phá vỡ nhịp thức ngủ
Sử dụng kĩ thuật thư giãn luyện tập
Liệu pháp hóa dược:
Sử dụng các thuốc gây ngủ, thuốc giải lo âu, thuốc chống trầm cảm trong điều trị mất ngủ, vì mất ngủ liên quan mật thiết với lo âu, trầm cảm.
Các thuốc chống trầm cảm: Nhóm SSRI, SNRI, 3 vòng, hoặc nhóm khác
Chọn một hoặc hai hoặc ba thuốc trong số các thuốc sau:
Imipramin, liều 25 – 300 mg/24 giờ
Amitriptylin, liều 25 – 300 mg/24 giờ
Paroxetin, liều 20 – 80 mg/24 giờ
Fluoxetin, liều10 – 80 mg/24 giờ
Fluvoxamin, liều 50 – 300 mg/24 giờ
Citalopram, liều 20 – 60 mg/24 giờ
Escitalopram, liều10 – 20mg/24 giờ
Sertralin, liều 50 – 200 mg/24 giờ
Venlafaxin, liều 37,5 – 375 mg/24 giờ
Mirtazapin, liều 15 – 60mg/24 giờ
Nhóm thuốc bình thần, giải lo âu nhóm benzodiazepins: diazepam, lorazepam, bromazepam, alprazolam,… non-benzodiazepins: etifoxine HCL, sedanxio, zopiclon…nhóm thuốc chẹn beta giao cảm: propanolol…
Các thuốc an thần kinh: olanzapin, quetiapin…
Một số thuốc khác điều trị rối loạn giấc ngủ: melatonin …
Nuôi dưỡng tế bào thần kinh: piracetam, ginkgo biloba, vinpocetin, choline alfoscerate, nicergoline, ….
Thuốc hỗ trợ chức năng gan, thuốc tăng cường nhận thức…
Dinh dưỡng: bổ sung dinh dưỡng, vitamine nhóm B và khoáng chất, chế độ ăn dễ tiêu hóa (mềm, nhiều xơ), đủ vitamin và khoáng chất (hoa quả, ….), tránh chất kích thích, uống đủ nước, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch…trong những trường hợp cần thiết.
Tiên lượng và biến chứng
Cần đề phòng và tránh các biến chứng do:
Phát hiện muộn, điều trị không kịp thời, có thể dẫn đến lo âu và trầm cảm. Biến chứng của việc lạm dụng thuốc giải lo âu
Phòng bệnh
Tránh các căng thẳng tâm lý mạnh trong cuộc sống
Chủ động giải quyết những sang chấn tâm lý cá nhân có khả năng gây ra rối loạn cảm xúc lo âu trầm cảm hoặc các rối loạn liên quan đến stress.
Phát hiện và điều trị sớm các rối loạn tâm sinh nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ
Cần thiết lập chế độ làm việc, nghỉ ngơi, luyện tập hợp lý, khoa học
Tránh làm việc quá mức và không dùng thuốc, các chất kích thích thần kinh trung ương