NỘI SOI CẮT POLYP CỔ BÀNG QUANG
Đại cương
Định nghĩa: Polyp cổ bàng quang là tổ chức lành tính hình thành từ sự quá phát ở tổ chức niêm mạc đường bài xuất nước tiểu tính tại vị trí cổ bàng quang.
Chẩn đoán
Biểu hiện lâm sàng:
+ Đái máu: Đột ngột, không đau, tái phát;
+ Đái khó, đái tắc khi polyp chèn ép vùng cổ bàng quang;
+ Đái buốt, đái rắt, đau vùng tiểu khung, đau thắt lưng khi đi tiểu…
+ Khám hệ tiết niệu: Có cầu bàng quang do bí đái cấp, miệng sáo dương vật có máu.
Cận lâm sàng:
+ Siêu âm ổ bụng: Có khối tổ chức đặc, lồi vào lòng bàng quang, di động theo tư thế, có cuống. Thành bàng quang dày, có máu cục nếu có viêm nhiễm, đái máu kèm theo; Đây là phương pháp phổ biến để chẩn đoán sớm Polyp cổ bàng quang.
+ Chụp cắt lớp vi tính: Đánh giá chính xác hình ảnh polyp bàng quang: khối lồi vào lòng bàng quang, có cuống, không có hình ảnh xâm lấn thành bàng quang.
+ Nội soi BQ: Chẩn đoán chính xác đi kèm sinh thiết làm giải phẫu bệnh.
Giải phẫu bệnh: Là tiêu chuẩn vàng chẩn đoán bệnh.
Nước tiểu: Xét nghiệm có hồng cầu vi thể rất có ích cho chẩn đoán sàng lọc…
Chỉ định
Chẩn đoán nguyên nhân gây tiểu máu, xác định Polyp cổ bàng quang hay có u trong bàng quang.
Chẩn đoán phân biệt các bệnh lý: Bàng quang tăng hoạt do hoặc không do nguyên nhân thần kinh, tiểu không kiểm soát, viêm bàng quang kẽ, rò bàng quang âm đạo hoặc rò bàng quang ruột và trường hợp nghi ngờ bị lao niệu sinh dục.
Đánh giá các trường hợp bất thường về giải phẫu và cấu trúc của đường tiểu dưới: Hẹp cổ bàng quang, hẹp niệu đạo, túi thừa bàng quang, túi thừa niệu đạo, sỏi niệu đạo, sỏi bàng quang, dị vật trong lòng bàng quang.
Chống chỉ định
Viêm niệu đạo cấp.
Viêm tuyến tiền liệt cấp tính.
Viêm tinh hoàn, mào tinh hoàn cấp.
Sốt do nhiễm trùng đường tiết niệu.
Rối loạn đông máu.
Chuẩn bị
Người thực hiện quy trình kỹ thuật: Bác sỹ chuyên khoa Ngoại Tiết niệu.
Phương tiện:
Dàn máy nội soi bao gồm: Màn hình, Camera, Nguồn sáng, Dao điện sử dụng trong môi trường nước.
Bộ dụng cụ cắt đốt nội soi qua niệu đạo, lưỡi dao cắt và lưỡi đốt cầm máu.
Thông tiểu 3 nhánh, Dung dịch súc rửa huyết thanh mặn 9‰.
Người bệnh:
Người bệnh được khám xét toàn diện, giải thích rõ về phương pháp điều trị và các tai biến có thể xãy ra, tạo tâm lý an tâm cho người bệnh và thân nhân Vệ sinh toàn thân và bộ phận sinh dục ngoài.
Hồ sơ bệnh án: Phải đầy đủ các xét nghiệm cơ bản.
Các bước tiến hành
Kiểm tra hồ sơ: Kiểm tra lại tên người bệnh, các xét nghiệm cần thiết.
Kiểm tra người bệnh: Xác định đúng người bệnh cần phẫu thuật.
Thực hiện kỹ thuật:
Vô cảm: Tê tủy sống hoặc Gây mê Nội khí quản.
Người bệnh nằm tư thế sản khoa.
*Các bước tiến hành:
Dùng Gel Xylocain vô khuẩn cho vào bơm tiêm 10ml bơm vào niệu đạo
nhằm mục đích bôi trơn niệu đạo.
Đưa máy soi qua miệng sáo vào niệu đạo dưới hướng dẫn của Camera từ từ tiến vào bàng quang
Quan sát qua màn hình cổ bàng quang, vùng tam giác bàng quang, 2 lỗ niệu quản, 2 thành bên, mặt đáy và mặt trước bàng quang.
Đưa lưỡi dao cắt đến vị trí polyp, cắt hết chân Polyp lấy ra làm Giải phẫu bệnh
Đốt cầm máu diện cắt
Kiểm tra cầm máu kỹ, đảm bảo đã hết Polyp.
Rút máy soi.
Đặt ống thông 3 nhánh niệu đạo súc rửa Bàng quang liên tục
Theo dõi
Nhằm hạn chế các tai biến trong và sau phẫu thuật.
Theo dõi tình trạng tiến triển của bệnh: Siêu âm kiểm tra sau mỗi 3 tháng. VII. XỬ TRÍ TAI BIẾN
Nhiễm trùng:
Hiếm khi, soi bàng quang có thể đưa vi trùng vào đường tiểu, có thể gây nhiễm trùng; Có thể cho thuốc kháng sinh trước và sau khi soi bàng quang để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Chảy máu:
Soi bàng quang thường gây ra tổn thương niêm mạc niệu đạo và bàng quang gây chảy máu; Tùy theo mức độ để xử trí; Thông thường đặt ống thông niệu đạo và rửa bàng quang liên tục.
Đau:
Soi bàng quang có thể gây ra đau bụng và cảm giác nóng rát khi đi tiểu; Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng này nhẹ và dần dần giảm sau khi làm thủ thuật
Thủng Bàng quang ở vị trí thành bên do kích thích thần kinh bịt gây giật chân:
Thường gặp thủng ngoài phúc mạc, tùy theo tổn thương có thể điều trị bảo tồn nếu thủng không hoàn toàn hoặc phẫu thuật mở nếu thủng hoàn toàn.