Nội dung

Liệu pháp tâm lí

Một số vấn đề chung.

Khái niệm:

Liệu pháp tâm lí là những biện pháp tác động lên tâm lí người bệnh một cách có kế hoạch, có tổ chức nhằm mục đích chữa bệnh. Cùng với các liệu pháp sinh học (liệu pháp hóa dược và các liệu pháp chuyên biệt, ví dụ như sốc điện), liệu pháp tâm lí đang góp phần không nhỏ vào lĩnh vực điều trị tâm thần.

Mặc dù việc tác động lên tâm lí của người bệnh nhằm mục đích chữa bệnh đã có từ rất sớm song mãi đế cuối thế kỉ XIX, liệu pháp tâm lí mới trở thành một lĩnh vực khoa học thực sự. Lúc ban đầu, liệu pháp tâm lí chỉ phát triển trong Tâm thần học. Về sau, cùng với sự phát triển của các trường phái tâm lí học, một loạt các dạng liệu pháp tâm lí xuất hiện như là kết quả của việc ứng dụng những lí thuyết tâm lí học khác nhau vào lĩnh vực lâm sàng tâm thần.

Từ những năm 1970, đặc biệt là khoảng 2 thập kỉ gần đây, liệu pháp tâm lí đã có những thay đổi rất đáng kể. Về mục đích, liệu pháp tâm lí mở rộng từ mục đích điều trị sang cải thiện tình trạng sức khỏe (cả về tâm lí và thể chất), nâng  cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Về phạm vi ứng dụng, liệu pháp tâm lí đã vượt ra ngoài lâm sàng tâm thần và đi vào tất cả các chuyên khoa khác và những lĩnh vực chăm sóc sức khỏe con người nói chung. Liệu pháp tâm lí còn vượt ra ngoài khuôn khổ của các cơ sở điều trị nội trú. Ở nhiều nước, người ta đã thành lập các cơ sở liệu pháp tâm lí dành cho bệnh nhân điều trị ngoại trú hoặc sử dụng liệu pháp tâm lí trong hoạt động tư vấn tâm lí – xã hội khác nhau như tư vấn về hôn nhân, gia đình, giáo dục con cái, chăm sóc người cao tuổi…Chính vì thế, thuật ngữ can thiệp tâm lí (Psychological Intervention) đang dần thay cho liệu pháp tâm lí (Psychotherapy).

Mặc dù vậy, lâm sàng tâm thần và trước hết là những rối loạn tâm căn vẫn là đối tượng chính của liệu pháp tâm lí. Đối với từng bệnh và trong từng trường hợp, liệu pháp tâm lí có thể được sử dụng như một phương pháp chủ đạo hoặc củng cố.

Phân loại:

Có rất nhiều dạng liệu pháp tâm lí khác nhau. Theo Kazdin (1994), cho đến nay đã có khoảng 400 dạng liệu pháp tâm lí dành cho người lớn và khoảng 200 dạng dành cho trẻ em. Cũng có rất nhiều cách phân loại khác nhau. Dựa vào số lượng bệnh nhân tham gia trong một buổi, người ta chia thành liệu pháp tâm lí cá nhân và liệu pháp tâm lí nhóm. Dựa theo cơ sở lí luận của phương pháp, có các nhóm: phân tâm, liệu pháp tâm lí hiện sinh, liệu pháp hành vi… Trong lâm sàng tâm thần, phân loại được nhiều tài liệu sử dụng là chia liệu pháp tâm lí thành hai loại: các liệu pháp tâm lí chuyên biệt và các liệu pháp tâm lí – xã hội.

Liệu pháp tâm lí cá nhân.

Các liệu pháp phân tích tâm lí:

Phân tâm chính là phương pháp do Freud sáng tạo ra sau khi Ông thấy rằng bằng thôi miên không giải quyết được hết các vấn đề rối loạn tâm lí của rối loạn phân li như: mù phân li, điếc phân li, liệt phân li (trước đây gọi là hysteria).

Các kĩ thuật chính của phân tâm là: liên tưởng tự do, phân tích các giấc mơ và chuyển di. Bằng các kĩ thuật này, nhà phân tâm đi sâu làm sáng tỏ những xung đột tâm lí – nguyên nhân của các rối loạn tâm thần. Cũng theo Freud, hầu hết các xung đột tâm lí gây nên rối loạn tâm thần đều mang màu sắc tính dục và khởi nguồn từ thời thơ ấu.

Freud cũng đã có những thành công nhất định đối với phân tâm. Tuy nhiên những học trò của Ông lại không tán thành quan điểm duy tính dục. Họ cho rằng các yếu tố, các mối quan hệ bên ngoài cũng đóng vai trò lớn trong xung đột tâm lí. Mặt khác, liệu pháp phân tâm cổ điển của Freud là quá lâu, có thể phải hàng trăm buổi và kéo dài vài năm trời.

Hiện nay có khá nhiều phân nhánh của phân tâm với các tên gọi khác nhau: liệu pháp tâm lí chiều sâu, phân tích cái tôi, liệu pháp động thái rút gọn…Những liệu pháp này nhấn mạnh đến vai trò của môi trường bên ngoài, tập trung nhiều đến những vấn đề hiện thời và nâng cao tính tích cực của nhà trị liệu. Những phân nhánh này tiếp nhận một số tư tưởng chủ đạo của Freud về vô thức, xung đột nội tâm. Do vậy các liệu pháp này vẫn được gọi chung là các liệu pháp phân tích tâm lí hoặc các liệu pháp tâm lí – động thái.

Liệu pháp hành vi:

Liệu pháp hành vi cổ điển:

Vào những năm 1920, trên cơ sở tiếp thu những thành quả của học thuyết phản xạ có điều kiện của Pavlov, Watson là người đi đầu trong việc xây dựng Tâm lí học Hành vi. Nguyên lí chung của Tâm lí học Hành vi có thể được biểu thị qua sơ đồ:

Sơ đồ 1: Nguyên lí của hành vi.

Bất kì một hành vi nào của con người cũng đều do một kích thích nào đó. Do vậy để cần có được những hành vi mong muốn, ví dụ trong công tác giáo dục, thì cần phải có những kích thích phù hợp.

Sơ đồ 2: Cơ chế can thiệp trị liệu hành vi.

Trong lâm sàng, những hành vi dị thường và cơ chế tác động của liệu pháp hành vi có thể được thể hiện qua sơ đồ 2…

Theo Watson, những hành vi dị thường chẳng qua là do có kích thích không hợp lí. Ví dụ: cậu bé Albert bị ám ảnh sợ màu trắng là do khi đưa cho cậu bé con thỏ bông trắng, người ta đồng thời cho cậu nghe một âm thanh rất to, chói tai, khiến cậu hoảng sợ. Do vậy, để có được hành vi phù hợp, cần phải có các kích thích phù hợp.

Liệu pháp hành vi của skinner:

Skinner, một nhà tâm lí học hành vi khác cho rằng phần lớn các hành vi của con người (cũng như của động vật) không được củng cố theo cách mà Watson đã đưa ra (củng cố xuất hiện cùng kích thích). Theo Skinner, hành vi được củng cố chủ yếu bởi hậu quả của nó. Nếu một hành vi nào đưa đến kết quả có lợi thì hành vi đó có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với hành vi khác. Ví dụ: nếu như khóc mà được quà thì lần sau, trong tình huống tương tự, đứa trẻ sẽ khóc để được quà. Chính vì vậy, Skinner cho rằng cần phải sử dụng kết quả để củng cố những hành vi phù hợp.

Giải cảm ứng:

Liệu pháp giải cảm ứng gắn liền với J.Wolpe một trong những người đi đầu của liệu pháp hành vi. Có 2 cơ sở chính để Wolpe xây dựng liệu pháp sau cảm ứng của mình.

Những kỹ thuật mà M. Jones (1928) sử dụng nhằm khắc phục chứng sợ thỏ ở một cậu bé.

Những qui trình của E. Jacobson (1929): theo Jacobson, những trạng thái cảm xúc bền vững của con người, ví dụ lo âu, có thể bị ức chế đáng kể nếu chủ thể ở trong trạng thái thư giãn sâu.

Nhiều bệnh nhân của Wolpe có trạng thái sợ không phải là một vật gì cụ thể mà là một hiện tượng như sợ bị chỉ trích, phê phán trong công việc, sợ bị thất bại trong cuộc sống.

Kĩ thuật của Wolpe được thực hiện qua từng bước sau:

Đưa người bệnh vào trạng thái thư giãn sâu.

Yêu cầu người bệnh tưởng tượng dần từng tình huống gây ra sợ hãi. Buổi đầu là những tình huống gây ít sợ nhất.

Dừng lại quá trình tưởng tượng ngay khi bắt đầu xuất hiện hiện tượng sợ.

Các buổi sau vẫn được tiến hành theo qui trình trên, với tưởng tượng tình huống gây sợ tăng dần. Nếu cảm giác sợ do tưởng tượng tái tạo lại quá mạnh, ức chế thư giãn thì người bệnh được yêu cầu tưởng tượng ở mức độ nhẹ hơn.

Có một số tác giả (Homes, 2000) gọi đây là kĩ thuật bộc lộ/ tiếp xúc từ từ, có kiểm soát.

Liệu pháp cảm xúc hợp lí của ellis:

Nếu chúng ta cứ thầm nhắc đi nhắc lại một từ nào đó nhiều lần thì sẽ xuất hiện hiện tượng mà tâm lí học gọi là lạ nghĩa từ. Theo Ellis, nếu thầm nhắc đi nhắc lại một câu thì có thể gây ra phản ứng cảm xúc nhất định. Cũng theo nguyên lí đó mà những niềm tin không hợp lí dẫn đến các phản ứng  cảm xúc không hợp lí.  Ví dụ, quá dằn vặt về những hạn chế của mình hoặc những tham vọng quá lớn.

Nhiệm vụ chính của nhà liệu pháp là phải vô hiệu hoá những ý nghĩ, niềm tin bất hợp lí bằng cách thăm khám, kiểm tra một cách logic.

Sau khi nắm được vấn đề của người bệnh, Thầy thuốc trao đổi với người bệnh về những nét cơ bản của liệu pháp cảm xúc hợp lí sao cho người bệnh hiểu và chấp nhận. Tiếp đó thầy thuốc dẫn dắt người bệnh đi dần vào từng khía cạnh của vấn đề phức tạp, chỉ ra những điều không có cơ sở, không hợp lí.

Sau khi chỉ ra những yếu tố không hợp lí đó thầy thuốc chuyển qua việc hướng dẫn người bệnh thay đổi các suy nghĩ không hợp lí bằng những đối thoại nội tâm giúp cho thanh thản hơn. Thậm chí Ellis còn tranh luận, dỗ dành, đùa vui với người bệnh.

Liệu pháp nhận thức beck:

Liệu pháp nhận thức của Beck dựa trên lí thuyết của ông về trầm cảm (Beck, 1967, 1985, 1987). Có thể tóm tắt lí thuyết đó dưới dạng sơ đồ:

Sơ đồ 3: Mô hình hình thành trầm cảm của Beck.

Theo Beck: những người bị trầm cảm là do ngay từ thuở nhỏ hoặc tuổi thiếu niên họ đã có những kinh nghiệm âm tính về sự mất mát (người thân, ví dụ như cha mẹ), về tai hoạ, sự phản đối của bạn bè cùng tuổi, phê bình của thầy, cô giáo hoặc thái độ trầm nhược, yếu đuối của cha mẹ.

Mọi người đều có thể có những kinh nghiệm như vậy song ở người trầm cảm, những kinh nghiệm này luôn xuất hiện và thúc đẩy các hoạt động của họ trong bất kì tình huống nào. Mặt khác những kinh nghiệm âm tính này lại luôn được củng cố mỗi khi gặp những cản trở về nhận thức. Thay vì việc khắc phục những cản trở này, người bệnh lại chuyển sang tiếp nhận một cách sai lệch hơn thực tiễn.

Nhiệm vụ trọng tâm của liệu pháp tâm lí nhận thức, theo Beck, chính là cung cấp cho người bệnh những kinh nghiệm, hiểu biết, giúp họ điều chỉnh những sai lệch về nhận thức, theo hướng phù hợp. Động viên, cổ vũ những người quá bi quan với thất bại, rằng những điều này là đáng tiếc song không phải vì thế mà đi đến kết luận là trong tương lai, thất bại sẽ lặp lại.

Liệu pháp nhân văn và hiện sinh:

Liệu pháp thân chủ là trung tâm của carl rogers:

Rogers được coi là người đi đầu trong việc xây dựng chuyên ngành tham vấn tâm lí từ liệu pháp tâm lí. Chính Ông cũng là người đề xuất sự thay đổi cách gọi: thân chủ (Client), thay cho từ bệnh nhân (Patient) và dùng từ tham vấn tâm lí thay cho liệu pháp tâm lí.

Những luận điểm chính của Rogers là:

Chỉ có thể hiểu con người khi đặt mình vào vị trí của người đó, cảm nhận và trải nghiệm từ thế giới hiện tượng của họ. Cần phải hiểu cách mà cá nhân trải nghiệm sự kiện chứ không phải là bản thân sự kiện. Đối với mỗi con người đều có một thế giới riêng, qui định hành vi và tạo nên tính riêng biệt của họ.

Những người khoẻ mạnh ý thức được hành vi của mình.

Ngay từ ban đầu, người khoẻ mạnh đã là người tốt và hoạt động có hiệu quả.

Họ trở lên kém hiệu quả là do những tác động sai lầm.

Người khoẻ mạnh luôn hoạt động có mục đích. Họ không phản ứng thụ động đối với môi trường xung quanh hoặc đối với những động cơ xa lạ. Họ là những người tự điều chỉnh.

Thầy thuốc không được mổ xẻ những sự kiện của cá nhân. Họ phải sáng tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc khách hàng tự đưa ra quyết định. Khi con người không bị bận tâm bởi những đánh giá, yêu cầu của người khác, họ sẽ sống theo xu hướng tự thể hiện.

Cũng theo Rogers (1951), người thầy thuốc cần phải có 3 phẩm chất cơ bản: sự chân thành, sự quan tâm tích cực không gượng ép và sự thông cảm. Những phẩm chất này là cơ sở để đảm bảo cho sự thành công của liệu pháp.

Liệu pháp hiện sinh:

Dòng phái Tâm lí học Hiện sinh xuất hiện vào những năm 50 của thế kỷ XX.

Tâm lí học Nhân văn và Tâm lí học Hiện sinh có nhiều điểm giống nhau. Tuy vậy nếu Tâm lí học Nhân văn như của Rogers phát triển mạnh ở Mĩ thì Tâm lí học Hiện sinh lại xuất phát từ châu Âu và bắt đầu từ các nhà triết học như Sartre, Kierkegaard và Heidegger, hoặc từ các nhà tâm thần học như: Binswanger và Boss ở Thuỵ Sĩ, V. Frankl ở Áo.

Giống như Tâm lí học Nhân văn, các quan điểm của Tâm lí học Hiện sinh cũng nhấn mạnh đến sự phát triển cá nhân. Tuy nhiên nếu Tâm lí học Nhân văn nhấn mạnh đến bản chất tốt đẹp của con người thì Tâm lí học Hiện sinh lại cho rằng ở mỗi con người đều có sự lo âu, bất an trong cuộc sống, nghề nghiệp xã hội. Tất cả điều này lại ảnh hưởng đến sự tồn tại hiện sinh của cá nhân.

Cá nhân, Theo Tâm lí học Hiện sinh, là tổng của các sự lựa chọn của chính con người đó. Chỉ có thể hiểu được những khó khăn trong sự lựa chọn bằng cách thăm dò kinh nghiệm. Nhiệm vụ của người thầy thuốc là phải cổ vũ, giúp đỡ cho người bệnh để họ tự khám phá về hành vi, cảm giác về những mối quan hệ và về những gì có ý nghĩa trong cuộc sống. Thầy thuốc cũng giúp cho người bệnh xác định được rõ những lựa chọn trong quá khứ và hiện tại, tuy nhiên những lựa chọn hiện tại được xem như là quan trọng nhất.

Một mục đích khác nữa của liệu pháp hiện sinh là nhằm giúp cho người bệnh tạo dựng mối quan hệ chân thành, tin cậy, tự nhiên đồng thời cũng xác định riêng về cơ bản con người là độc lập (cô đơn). Con người phải tự mình sáng tạo sự tồn tại/hiện sinh của chính mình trong thế giới này.

Liệu pháp tâm lí nhóm.

Liệu pháp tâm lí nhóm là loại hình liệu pháp tâm lí trong đó bác sĩ không chỉ sử dụng và phát huy tác dụng của mình trong mối quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân mà còn sử dụng cả tác động của mối quan hệ giữa bệnh nhân – bệnh nhân nhằm mục đích điều trị. Phần lớn các kĩ thuật của liệu pháp tâm lí cá nhân cũng được dùng trong liệu pháp tâm lí nhóm.

Nhóm phân tâm:

Mặc dù nhiều nhà phân tâm học đều cho rằng: phương pháp phân tâm chỉ có thể thực hiện dưới dạng liệu pháp cá nhân, song ngay từ những năm 20 của thế kỉ XX, nhóm phân tâm đã xuất hiện (T.L. Burrow; L. Wender; P. Childer…). Đến những năm 30, nhóm phân tâm phát triển mạnh sau đó nó lại bước vào thời kì thoái triển cho đến những năm 70.

Về cơ bản, phân tâm trong nhóm cũng giống như trong liệu pháp tâm lí cá nhân. Mỗi nhóm có từ 2-7 người trao đổi với thầy thuốc và với nhau. Thầy thuốc chỉ là người phân tích liên tưởng, nội dung các giấc mơ, cách cư xử và những xung đột, hiện tượng “chuyển di” và “phản kháng”… của người bệnh.

Liệu pháp tâm lí phân tâm nhóm có thể được thực hiện 2 – 5 lần/ tuần. Cả đợt điều trị kéo dài từ 1 đến 2 năm (hoặc lâu hơn). Việc lựa chọn nhóm cũng không đòi hỏi nghiêm ngặt.

Sau khi xuất hiện dòng phái phân tâm mới (Neo-psychoanalysis), những lí luận của các đại diện tiêu biểu như K. Horney, H.S. Sullivan, E. Fromm… đã được ứng dụng ngay vào trong thực tiễn liệu pháp tâm lí. Trong liệu pháp tâm lí nhóm phân tâm mới người ta chú trọng nhiều hơn đến các yếu tố văn hoá và xã hội.

Phân tích nhóm hiện sinh:

Dạng liệu pháp tâm lí nhóm này được ứng dụng ở Mĩ nhiều hơn. Nội dung chính trong các buổi thảo luận nhóm là những vấn đề về “thế giới bên trong” của người bệnh, những khía cạnh giá trị hiện sinh, về tôn giáo, về thiên đường. Mục đích chính của dạng liệu pháp tâm lí này là xác lập sự “thông tuệ”, “tiếp xúc hiện sinh”

Kịch tâm lí:

Năm 1929, T.J. Moreno đã đề xuất phương pháp trị liệu tâm lí này. Trong kịch tâm lí cổ điển có 5 thành tố chính: người bệnh – diễn viên, những người bệnh khác – diễn viên phụ, dàn đồng ca, bác sĩ- đạo chủ và khán giả. Kịch tâm lí có thể được thực hiện theo một kịch bản chuẩn bị sẵn hoặc do người bệnh phóng tác. Việc lí giải cơ chế của kịch tâm lí cũng có nhiều cách khác nhau. Một số tác giả cho rằng đây là cơ chế “giải toả” (phân tâm). Những người ủng hộ thuyết “vai trò” thì cho rằng người bệnh đã được thể hiện “vai trò” mong muốn của mình một cách vô thức.

Liệu pháp tâm lí gia đình:

Gia đình là một dạng nhóm đặc biệt bởi lẽ các quan hệ trong gia đình có liên quan rất mật thiết đến nguyên nhân, diễn biến và kết quả điều trị các rối loạn tâm thần của bệnh nhân.

Theo quan điểm hệ thống, trong mỗi gia đình đều có 2 loại thành tố chính: các cá nhân và mối quan hệ giữa các cá nhân – thành viên đó. Mỗi nhân cách mặc dù là một chủ thể của các hoạt động cá nhân – nhưng giữa các cá nhân đều có sự ảnh hưởng, tác động qua lại. Mỗi con người trong gia đình phải đồng thời thể hiện một số vai trò khác nhau như vừa là cha nhưng lại vừa là con,… cùng với những đặc điểm tâm lí cá nhân riêng của mình, không phải tất cả các thành viên đều thực hiện được một cách hài hoà các vai trò đó.

Mặt khác bản thân các mối quan hệ trong gia đình cũng luôn nằm trong trạng thái vận động theo thời gian và chịu những tác động của các yếu tố khác từ bên ngoài. Tất cả những tác động đó, nếu không được giải quyết một cách hài hoà (mà nói chung khó có thể thường xuyên làm được điều đó), dễ tạo ra stress, thậm chí những trạng thái bệnh lí cho một hoặc một số thành viên trong gia đình.

Do vậy cũng dễ hiểu khi trong quá trình điều trị, người thầy thuốc tâm thần (và thầy thuốc nói chung) luôn luôn cần được sự hỗ trợ của các thành viên trong gia đình và trong nhiều trường hợp, không chỉ “người bệnh” cần được điều trị mà là cả một gia đình cần được sự giúp đỡ về mặt tâm lí.

Các bước thực hiện liệu pháp tâm lí gia đình:

Liệu pháp tâm lí gia đình thông thường được tiến hành theo một số bước   như sau:

Bước 1: chẩn đoán.

Chẩn đoán tâm lí gia đình cũng cần có ở 2 mức độ:

Chẩn đoán hiện trạng nhằm xác định trạng thái hiện tại của các mối quan hệ gia đình, là những biểu hiện bệnh lí hiện tại ở người bệnh và trong các mối quan hệ gia đình có liên quan tới người bệnh.

Chẩn đoán về bệnh sinh là những nguyên nhân dẫn đến bệnh. Các cứ liệu cần thiết có thể được thu thập qua những buổi phỏng vấn, trò chuyện với từng thành viên trong gia đình.

Bước 2: trò chuyện trao đổi đồng thời với tất cả các thành viên trong gia đình.

Bước này hết sức quan trọng là ở chỗ nó sẽ giúp cho người thầy thuốc lựa chọn, chỉ định kĩ thuật cụ thể cho thành viên cụ thể hoặc hoạch định kế hoạch điều trị tổng thể.

Bước 3: triển khai kĩ thuật điều trị.

Trên cơ sở kế hoạch đã được xác lập và thống nhất chung với gia đình, thầy thuốc tiến hành những kĩ thuật chuyên biệt, giao “bài tập về nhà” cho các thành viên, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch hoặc có những điều chỉnh cần thiết.

Điều quan trọng nhất trong liệu pháp tâm lí gia đình là ở chỗ thầy thuốc chỉ là người hỗ trợ, giúp cho gia đình có đủ khả năng đối phó, giải quyết những vấn đề của họ chứ không phải là người làm thay. Cũng cần lưu ý là: thông thường các thành viên trong gia đình đều có kì vọng cao vào thầy thuốc, mong muốn lôi kéo bác sĩ về phía mình để khẳng định các quan điểm của họ là đúng. Người thầy thuốc không phải là người trung gian hoà giải mà là người sử dụng các kiến thức chuyên môn của mình, giúp cho từng thành viên xây dựng lại hệ thống thái độ của mỗi thành viên trong gia đình của mình.

Các liệu pháp tâm lí – xã hội.

Các liệu pháp tâm lí – hội đóng vai trò rất đáng kể trong hệ thống điều trị tâm thần. Thông thường ngay sau giai đoạn cấp tính, bệnh nhân tâm thần cần được tăng cường tham gia vào các hoạt động liệu pháp tâm lí – xã hội. Chính các liệu pháp tâm lí – xã hội góp phần làm giảm liều thuốc củng cố, phát huy hiệu quả của các liệu pháp sinh học, trước hết là liệu pháp hóa dược, kéo dài thời gian ổn định, hạn chế tái phát đối với nhiều bệnh loạn thần nặng, ví dụ: TTPL.

Liệu pháp môi trường:

Các cơ sở điều trị nói chung, điều trị tâm thần nói riêng, cần phải được xây dựng nhằm tạo ra một môi trường tác động tích cực lên tâm lí người bệnh.

Xu hướng chung hiện nay trên thế giới là không xây dựng nhiều những bệnh viện tâm thần lớn mà thường là tổ chức các khoa tâm thần tại bệnh viện đa khoa. Điều này không chỉ nhằm khai thác những phương tiện kĩ thuật cao, sự hỗ trợ của các chuyên gia nội, ngoại khoa cho bệnh nhân tâm thần. Tác dụng điều trị đối với bệnh nhân tâm thần còn ở chỗ họ được đối xử bình đẳng như những bệnh nhân khác. Hơn thế nữa, nó còn góp phần xóa bỏ thái độ kì thị của xã hội đối với bệnh nhân tâm thần.

Trong trường hợp xây dựng bệnh viện chuyên khoa tâm thần thì không nên thiết kế các tòa nhà một cách thô kệch, không nên xây dựng xa khu dân cư, tránh để người bệnh (và không chỉ người bệnh) liên tưởng đến nhà tù, đến sự cách li xã hội. Môi trường bên trong cơ sở điều trị cần phải thoáng và đẹp, song cũng lưu ý đến việc đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và nhân viên.

Trong bệnh viện tâm thần cũng cần phải có các phòng dành cho những hoạt động liệu pháp tâm lí – xã hội: phòng đọc sách báo, xem ti vi, phòng liệu  pháp âm nhạc, hội họa, các phòng liệu pháp lao động, các phòng luyện tập thể dục thể thao…

Các liệu pháp lao động:

Cơ chế tác dụng:

Bất kì một hoạt động nào của con người cũng đều có 2 thành tố chính: thành tố tâm lí bên trong và các thao tác bên ngoài. Lao động liệu pháp nhằm làm thay đổi, điều chỉnh cái tâm lí bên trong thông qua việc tổ chức thực hiện các thao tác bên ngoài.

Nguyên tắc tổ chức:

Phải có sự chỉ định của bác sĩ về hình thức và thời gian lao động đối với từng người bệnh. Hiện nay ở nhiều nước trên thế giới, việc chỉ định liệu pháp lao động có sự kết hợp của cả bác sĩ và nhà tâm lí.

Phải có người hướng dẫn kĩ thuật đồng thời theo dõi diễn biến cũng như nhận xét về sự tiến bộ mà bệnh nhân đạt được. Những nhận xét này cần được thông báo đều đặn cho bác sĩ để bác sĩ nắm được tình hình, có những điều chỉnh về chỉ định cho hợp lí.

Lao động phải được tiến hành từng bước, từ dễ đến khó, phải động viên bệnh nhân thực hiện, không nên gò ép họ.

Người bệnh phải được hưởng thành quả của lao động. Điều này không chỉ mang ý nghĩa nhân đạo mà còn có tác dụng củng cố tích cực đối với hoạt động lao động.

Các hình thức:

Có rất nhiều dạng lao động có thể được sử dụng làm liệu pháp. Thường đó là những dạng lao động thủ công, không đòi hỏi có kĩ thuật cao: dệt chiếu, khâu nón, làm đồ chơi… Hiện nay nhiều cơ sở điều trị tâm thần không chỉ triển khai các lao động liệu pháp mà còn tổ chức thu hút sự hỗ trợ của xã hội thông qua đặt hàng gia công, tiêu thụ sản phẩm lao động của bệnh nhân tâm thần dưới nhiều hình thức khác nhau.

Các liệu pháp nghệ thuật:

Như đã biết, các sản phẩm và bản thân hoạt động nghệ thuật có tác động rất lớn đến tâm lí con người, trước hết là lĩnh vực cảm xúc. Do vậy các hoạt động nghệ thuật, bao gồm cả hoạt động sáng tạo cũng như thưởng thức, tiếp thu đều có thể được thiết kế thành dạng trị liệu.

Liệu pháp âm nhạc:

Liệu pháp âm nhạc được sử dụng từ lâu trong lâm sàng nói chung và lâm sàng tâm thần nói riêng. Có 2 dạng liệu pháp âm nhạc chính là âm nhạc tiếp thu và âm nhạc chủ động.

Liệu pháp âm nhạc tiếp thu: người bệnh được thưởng thức các tác phẩm âm nhạc. Hình thức có thể rất đa dạng: qua các phương tiện nghe nhìn như nghe qua băng ghi âm, xem băng, đĩa hoặc được nghe nhạc sống, xem nghệ sĩ biểu diễn.

Liệu pháp âm nhạc chủ động: bệnh nhân được dạy tập hát. Có thể đó là bài hát mới hoặc bài hát quen thuộc nhưng bệnh nhân chỉ nhớ một phần giai điệu mà không thuộc lời.

Một hình thức khác hiện nay đang được nhiều cơ sở điều trị tâm thần sử dụng: hát karaoke. Bệnh nhân vừa được thưởng thức lại cũng có thể tự mình thể hiện các tác phẩm âm nhạc.

Liệu pháp âm nhạc có thể được ứng dụng theo các mức độ khác nhau. Đó có thể là một liệu pháp chung cho các bệnh nhân, nhằm tác động tới lĩnh vực cảm xúc và trạng thái tâm lí nói chung. Ở nhiều nước trên thế giới, liệu pháp âm nhạc còn được sử dụng với góc độ là một liệu pháp chuyên biệt: có chỉ định chặt chẽ cho từng loại bệnh, có chương trình cụ thể cho từng buổi với thời lượng và nội dung tác phẩm âm nhạc đã được xác định (chủ yếu là nhạc thính phòng), và có theo dõi, ghi chép cụ thể như những liệu pháp khác.

Liệu pháp nghệ thuật tạo hình:

Tại cơ sở điều trị tâm thần, người ta có thể xây dựng phòng dành cho bệnh nhân thực hiện các nghệ thuật tạo hình. Trong phòng điều trị này đã có sẵn các chất liệu cho bệnh nhân sáng tạo. Chất liệu thường dùng nhất là thạch cao. Đối với liệu pháp nghệ thuật tạo hình, việc chỉ định có giới hạn nhất định: hoặc là những bệnh nhân đã từng hoạt động trong lĩnh vực này, hoặc là người có năng khiếu về tạo hình. Nhà trị liệu (bác sĩ tâm thần hoặc tâm lí lâm sàng) cũng phải là người am hiểu về nghệ thuật tạo hình.

Liệu pháp hội hoạ:

Tương tự như nghệ thuật tạo hình, hội hoạ cũng có thể được sử dụng làm liệu pháp. Trong hệ thống các buồng liệu pháp tâm lí – xã hội có một buồng dùng cho liệu pháp hội hoạ. Tại đây cũng có sẵn các chất liệu cho bệnh nhân vẽ tranh: giấy, bút màu, sáp màu, sơn dầu…Ưu điểm của liệu pháp hội hoạ là có phạm vi chỉ định được rộng rãi hơn.

Ngoài hình thức hoạt động sáng tạo được đề cập ở trên, nghệ thuật tạo hình, hội hoạ còn được sử dụng làm liệu pháp từ hình thức tiếp thu. Người bệnh có thể được cho xem và phân tích, bình luận các tác phẩm hội hoạ cũng như các bức tượng, phù điêu…thông qua xem tranh, ảnh, phim hoặc thăm quan các viện bảo tàng nghệ thuật.

Các liệu pháp phục hồi, tăng cường kĩ năng xã hội:

Các kĩ năng xã hội của con người rất phong phú. Dưới đây chúng tôi chỉ giới thiệu một số dạng liệu pháp trong số những liệu pháp phục hồi, tăng cường kĩ năng xã hội.

Phục hồi kĩ năng giao tiếp:

Dưới ảnh hưởng của nhiều yếu tố, các kĩ năng giao tiếp của bệnh nhân tâm thần ít nhiều có bị giảm sút. Hiện nay trong các cơ sở chăm sóc bệnh nhân tâm thần của nhiều nước trên thế giới người ta xây dựng chương trình phục hồi, tăng cường kĩ năng giao tiếp. Thông thường những chương trình này được xây dựng theo dạng các bài tập tình huống và bệnh nhân được chơ trò chơi phân vai:

Tình huống giao tiếp tại cộng đồng.

Tình huống giao tiếp trong gia đình.

Tình huống giao tiếp tại công sở…

Các bài tập tình huống này còn được thực hiện dưới góc độ là liệu pháp nhóm: sau mỗi tình huống, bệnh nhân thảo luận nhận xét, đánh giá, phân tích tình huống nói chung, kĩ năng giao tiếp của từng nhân vật nói chung. Các tình huống giao tiếp được thiết kế thường là những tình huống đã quen thuộc với bệnh nhân song cần được thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện cụ thể. Thông qua thảo luận và tự bệnh nhân thể hiện, nhà trị liệu điều chỉnh những lệch lạc và củng cố những kĩ năng giao tiếp cho bệnh nhân.

Các kĩ năng cuộc sống:

Nhìn chung hoạt động phục hồi, tăng cường các kĩ năng cuộc sống cho bệnh nhân tâm thần được thực hiện theo các chương trình khung. Tùy theo từng nơi, theo các quan niệm khác nhau mà khung này có thể được thiết kế khác nhau. Hiện nay, nhiều chương trình phục hồi kĩ năng cuộc sống được thiết kế dựa theo lí thuyết của Hành vi nhận thức. Trong những chương trình như vậy có các bài nhằm tăng cường kiến thức, nhằm làm thay đổi, điều chỉnh thái độ và từ đó đưa những hành vi cần thiết vào thử nghiệm.