Nội dung

Các bệnh rối loạn tâm thần ở người cao tuổi

Khái niệm.

Một nhóm các bệnh và hội chứng khởi phát ở lứa tuổi trước tuổi già (50 – 65 tuổi), hoặc tuổi già (sau 65 tuổi), căn nguyên  và  cơ chế  bệnh sinh chưa rõ  hoàn toàn, việc phân định thành các đơn vị bệnh  lí  độc  lập  chưa thống nhất, tạm gọi là các bệnh tâm thần ở người cao tuổi (hoặc ở người có tuổi).

Năm 1980, Tổ chức Y tế Thế giới xem những người  từ  60  tuổi  trở  lên là những người cao  tuổi  và  người  già.  Ngày nay quan  điểm chung cho  những người  từ 65 tuổi trở lên là người già.

Các bệnh nhân tuổi già có nhiều rối loạn chức  năng  và  thực  thể  đa dạng  và  mãn tính. Tuy nhiên, không có vấn đề nào là không thể giúp đỡ và  can thiệp. Cần  thiết phải nhận biết đầy đủ các yếu tố  nội  ngoại  khoa,  tâm thần,  tâm lí  xã hội  và văn hoá phức tạp ở người già để có một chiến lược điều trị thích hợp.

Ngành Tâm thần học lão khoa (Psychogeriatry) có nhiệm vụ nghiên cứu bệnh nguyên, bệnh sinh, các biểu hiện lâm sàng của các  bệnh  tâm  thần  phát sinh  ở người cao tuổi để tìm ra các biện pháp dự phòng và điều trị.

Nguyên nhân.

Lão hoá sinh học:

Sự suy giảm của các cơ quan và toàn bộ cơ thể  do  quá  trình lão  hoá không  đồng đều ở tất cả các loài động vật. Người ta thấy ở côn trùng, cá có rất ít biến đổi hình thái khi già và chết. Ở các loài  động vật  bậc  cao như ở con người, có sự  suy giảm nhất định về hình thái và chức năng của các cơ quan trong cơ thể.

Việc cấp máu cho tổ chức não  người  bắt  đầu có  biến đổi ở lứa tuổi  45  – 59, thể hiện trên lưu huyết não đồ.

Các đặc trưng của lão hoá trên điện não đồ biểu hiện bằng: nhịp alpha  chậm, giảm biên độ và chỉ  số  nhịp alpha, điện não  đồ  có  hình dẹt. Phần lớn những ngư-ời trên 60 tuổi, tần số điện não giảm, tăng số lượng sóng chậm, tính phản ứng của điện não đồ  giảm mạnh. Đôi khi  ghi  được nhịp alpha tăng đồng bộ  có dạng hình thoi ở vùng đỉnh, chẩm.

Những biến đổi điện sinh lí trên có thể giải  thích  các  biến  đổi hình thái  và chức năng của hoạt động thần kinh  cao  cấp  trong  quá  trình  lão  hoá.  Giảm  độ năng động thần kinh, phản xạ kém nhạy bén,  giảm  khả  năng  tự  điều chỉnh  chức năng của các cơ quan,  giảm khả năng ghi  nhớ, giảm các  tần số  xung động hướng  tâm và li tâm ở tất cả  các  khâu  của  cung  phản  xạ  là đặc  điểm của quá trình lão hoá ở con người.

Về mặt hình thái học,  quá  trình lão  hoá biểu hiện rõ  nhất  ở  tổ  chức  gan  và não bằng việc lắng đọng chất lipofuscin trong  bào  tương.  Riêng  đối  với  tế  bào thần kinh, nhiều tác giả thấy có sự thoái hoá myelin của các  sợi trục, giảm số lượng các đuôi gai và giảm chức năng hoạt động của một số men ty lạp thể. Trọng lượng của não giảm, mật độ  các tế bào  não  giảm. Ứ đọng các gốc tự do  do  quá  trình oxy hoá trong tế bào làm biến đổi chức  năng  và  hình  thái  của  tế  bào  là nguồn gốc thúc đẩy nhanh chóng quá trình lão hoá.

Quá trình lão hoá sinh học, cho đến nay  được  hiểu  là  do  2  quá  trình  sau quyết định:

Một số gene qui định thời gian tồn tại của tế bào và cá thế loài. Ví  dụ: con người không thể  sống quá  200  năm;  đời  sống côn trùng tính bằng tháng; cuộc đời vi sinh vật tính bằng ngày, giờ. Một số tác giả cho rằng: một số bệnh như: bệnh đái đường, vữa xơ mạch não, thiếu máu ác tính… là do các gene di truyền quyết định.

Các yếu tố tác động của môi trường đa dạng như: điều kiện sống (nước, không khí, ánh sáng, độ  ẩm,  chất  dinh  dưỡng, các  vitamin,  các  nguyên tố  đa, vi  lượng). Ở người, môi trường tâm lí xã hội  đóng một  vai  trò  rất  đáng  kể.  Ngoài  ra còn phải kể đến các yếu tố khác  như  các  biến đổi nội  tiết, thay đổi điều kiện sống,  bệnh nhiễm khuẩn, bệnh mạn tính,…

thoái hoá não (thoái hoá thần kinh):

Thoái hoá não được  Binswauger  đề  cập tới  lần  đầu tiên năm  1878  và  sau đó là Gower (1908) và Kraepelin (1909). Các tác  giả cho  rằng  đó  là sự  thoái hoá  sinh học sớm của hệ thần kinh và gọi  đó là quá trình già sớm. Quá trình già trước tuổi có thể xảy ra ở  lứa  tuổi từ 40  – 60 tuổi. Quá trình này cũng như quá trình lão hoá sinh lí, được qui định bởi các yếu tố  nội  sinh và  ngoại  sinh thúc  đẩy.  Đặc  điểm của người bệnh bị  thoái  hoá não  là quá  trình nhận  thức  bị  suy giảm trước khi các biểu hiện lão hoá ngoại hình xuất hiện. Chỉ số trí tuệ giảm sút, nhiều chức năng tâm lí bị biến đổi, các dấu hiệu thần kinh,  rối  loạn hành vi, nhân cách… xuất hiện sớm và ngày càng nặng.

Các tổn thương thực thể não:

Chấn thương sọ não, u não, rối loạn  tuần  hoàn  não,  xuất huyết  não,  nghẽn mạch não, nhồi máu não rải rác, nhồi máu  não  dưới  vỏ,  vữa  xơ  mạch não, bệnh thủy thủng não do u, ĐK cũng là các nguyên nhân  của các  rối  loạn tâm  thần  ở người cao tuổi.

Các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc:

Viêm não người  lớn, viêm  não do HIV, giang mai não, ngộ độc carbon  monoxide, viêm tắc thành cục nhiều động mạch, ngộ độc rượu.

Các bệnh toàn thân và hệ thống ảnh hưởng đến não:

Cao huyết áp, vữa xơ mạch não, đái  đường;  các  bệnh  lí  tim  mạch  ở  người già: suy tim, bệnh động mạch vành, suy thận   mãn,  thiếu  vitamin  B12,  thiếu  vitamin PP (pellagra). Tăng canxi huyết, luput ban đỏ hệ thống; các  bệnh  nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân khác có ảnh hưởng đến não; cường giáp, nhược giáp.

Các yếu tố tâm lí xã hội:

Do việc tiếp thu kiến thức mới,  thông  tin  mới có nhiều khó  khăn,  người già chủ yếu dựa vào vốn kiến thức cũ,  kinh nghiệm  cũ, thói  quen cũ và  rất  khó  thay đổi. Vì vậy thường có xung đột giữa  các  thế  hệ  trong một  gia đình.  Đó  là một chấn thương tâm lí trường diễn.

Những chấn thương tâm lí  đủ  lớn như:  người  thân mất  đột ngột, con cháu bị  tai nạn, tù tội, thảm hoạ cũng vượt quá sức đề kháng tâm thần của người cao tuổi.

Phân loại.

Các bệnh loạn thần trước tuổi già:

Trầm cảm trước tuổi già.

Hoang tưởng trước tuổi già.

Bệnh loạn thần trước tuổi già ác tính (bệnh Kraepelin).

Bệnh Alzheimer.

Pick.

Creutzfeldt-Jacob.

Bệnh Huntington.

Bệnh Parkinson – mất trí.

Sa sút thể Lewy.

Các sa sút thùy trán không phải Pick.

Các sa sút dưới vỏ.

Liệt trên nhân tiến triển.

Các bệnh loạn tâm thần tuổi già:

Mất trí tuổi già (sa sút trí tuệ tuổi già).

Trầm cảm tuổi già.

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực.

Các rối loạn lo âu.

Các loại lạm dụng (hội chứng phụ thuộc): rượu, thuốc.

Rối loạn nhân cách.

Các rối loạn hoang tưởng và tâm thần phân liệt phát muộn.

Một số bệnh tâm thần ở người cao tuổi.

Trầm cảm tuổi già:

Khoảng 20% người già được ghi nhận là có ít nhất một triệu chứng của trầm  cảm. Tuy vậy chỉ có 2 – 3% là có đủ các triệu chứng của trầm cảm điển hình.

Các yếu tố nguy cơ  là:  nữ  giới,  tiền sử  có bị trầm cảm lo  âu hay nhân cách  ám ảnh, đau mãn tính, các dị tật về cơ thể, các stress gần đây hoặc  các  khó khăn trong các mối quan hệ xã hội hoặc điều kiện kinh tế.

Trầm cảm có thể bị thúc đẩy bởi một số bệnh cơ thể đặc biệt (ung thư, đột quị, các bệnh thoái hoá thần kinh) hoặc dùng một số thuốc.

Nguy cơ tự sát ở nhóm người  này  rất  cao,  đặc  biệt  là ở  những  người  sống độc thân.

Đặc điểm lâm sàng gồm các  biểu hiện thông thường của trầm cảm như  giảm  khí sắc kéo dài, mất quan tâm thích thú, lo âu hoặc kích động. Chậm chạp trong suy nghĩ và vận  động,  than  phiền là khó  tập trung và  giảm trí nhớ, bi  quan, chán  nản, không muốn tham gia các  hoạt  động xã hội, mệt  mỏi, mất  ngủ,  ăn  mất  ngon và sút cân. Các hoang tưởng nghi bệnh, bị mất cắp hay  tự  tội  cũng  thường  gặp. Hiếm gặp các ảo giác, thường là các tri giác nhầm.

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực:

Do rối loạn cảm xúc lưỡng cực điển hình thường xuất hiện ở lứa tuổi trẻ hoặc trung niên, do đó hầu hết các bệnh nhân hưng cảm tuổi già thường có  những  giai đoạn rối loạn cảm xúc trước đó. Tuy nhiên, hưng cảm có thể xuất hiện ở tuổi muộn, hoặc là dưới dạng một giai đoạn đơn thuần hoặc  là  một  phần  của  thể  tái  phát. Hưng cảm trong rối loạn lưỡng cực và hưng cảm đơn cực  xuất  hiện sau tuổi  50 được giả định là có nguồn gốc thực tổn cho  đến  khi  chứng  minh  được  là  có nguồn gốc khác.

Các bệnh nhân hưng cảm và hưng cảm nhẹ  biểu  hiện  điển hình  là:  tăng  quá mức hoạt động và tư duy  dồn  dập,  tư  duy  phi  tán, mất  ngủ,  giảm khả năng kiềm chế và kém điều chỉnh bản thân. Cảm xúc thường là dễ bị  loạn cảm hơn là khoái  cảm. Các hoang tưởng và ảo giác có thể gặp trong các trường hợp nặng.

Thường thì bệnh nhân cần phải nhập viện. Các thuốc  chống loạn thần  không  điển hình được chỉ định, nếu cần bổ sung  thêm  một  liều nhỏ  thuốc benzodiazepine.

Các thuốc ổn định khí sắc được dùng trong giai đoạn cấp diễn và còn để dự phòng. Valproate và carbamazepine thường là an toàn và dung nạp tốt.

Các rối loạn lo âu:

Hầu hết người già đã từng bị lo âu, các rối loạn lo âu xuất  hiện cấp diễn khi có các bệnh cơ thể, tang tóc, trộm cắp, các biến  động  trong  gia  đình.  Các  triệu chứng bao gồm mất ngủ, đau đầu, run,  tim  đập nhanh,  đau quặn  ruột, thở  nhanh. Các cơn hoảng sợ dễ bị chẩn đoán nhầm là cơn đau thắt  ngực  hoặc  nhồi  máu  cơ tim.

Các bệnh nhân lo âu đòi hỏi thời gian  và  sự  trấn  an.  Các  giai  đoạn  nhẹ  thường thoái triển một cách tự phát. Các bệnh  liên quan đến sự  né  tránh  lo  âu hoặc các cơn hoảng sợ thì đòi hỏi một sự can thiệp tích cực. Các  thuốc giải lo âu  nên tránh nếu có thể để đề phòng việc ngã  và  sự phụ thuộc. Các  chọn lựa tốt hơn bao gồm việc giải thích hợp lí,  tập  luyện  thư giãn. Khi  cần thiết có thể  sử dụng  một thuốc benzodiazepine.

Rối loạn hoang tưởng và tâm thần phân liệt:

Một số người già sống cô đơn thiếu lòng tin  luôn  tin  rằng  có  người  khác không thích mình và lợi dụng  mình.  Dạng  nhân  cách  này  gây  ra  nhiều  sự  tranh cãi với gia đình, bạn bè và hàng xóm, và sự cách biệt ngày càng tăng.  Trong các trường hợp nặng bệnh  nhân  sống trong một  tình trạng bẩn thỉu, ổ chuột và từ chối  sự giúp đỡ. Mô hình này có thể là biểu thị cho  giai  đoạn sớm nhất  của rối loạn hoang tưởng. Rối loạn này là không phổ biến, phát triển  trong  nhiều  tháng  hay nhiều năm. Các hoang tưởng thường tầm thường và không hệ thống.

Các ảo giác dai dẳng kết hợp với các  triệu  chứng  trên  làm  hướng  tới  chẩn đoán tâm thần phân liệt (TTPL).

TTPL hiếm khi xuất hiện lần đầu tiên ở lứa tuổi già.  Một  khi  đã xuất  hiện thì các căn nguyên thực tổn cần phải được xem xét. Mê  sảng,  sa sút  trí  tuệ  và  rối  loạn cảm xúc cũng cần phải chẩn đoán phân biệt.

Hầu hết người già TTPL có  khởi  phát  bệnh từ hàng  chục  năm  trước. Một  số vẫn còn các triệu chứng loạn thần hoạt hoá song thường là các triệu chứng âm tính chiếm ưu thế như bàng quan, cùn mòn cảm  xúc,  tư  duy  nghèo  nàn  và  khả  năng điều chỉnh kém. Tính phức tạp ở các bệnh nhân cao tuổi  là dễ  bị  các  triệu chứng phụ do các thuốc chống loạn thần gây ra, do việc sử dụng quá nhiều thứ thuốc.

Việc khám xét cơ thể và các  xét  nghiệm  cận lâm sàng thích hợp là cần thiết.  Các thuốc chống loạn thần mới hơn thường được  ưa chuộng. Các  thuốc có cường lực thấp như chlopromazine và thioridazine  thường gây ngủ,  hạ huyết  áp khi  thay đổi tư thế có thể dẫn đến ngã và gãy xương. Các thuốc có cường lực mạnh như trifluoperazine và haloperidole gây ra các triệu chứng  phụ  ngoại  tháp cũng có thể dẫn đến ngã. Risperidone, olanzapine và các thuốc mới tương tự thì an toàn hơn. Clozapine là thuốc được chọn  để  điều  trị  trường hợp kháng  thuốc, mặc  dù nguy cơ gây mất bạch cầu hạt tăng lên theo tuổi.  Các  thuốc  tác  dụng  chậm  được  sử dụng một cách hạn chế, song cần thiết để dùng cho những bệnh nhân  dai  dẳng  từ chối uống thuốc.

Lạm dụng chất::

Người già và đặc biệt là phụ nữ  thường hiếm khi  uống rượu quá  mức. Do vậy  các bác sĩ thường  bỏ  qua  không  phát  hiện  tình  trạng lạm dụng ở người  già. Một  số người thường xuyên dùng rượu nặng,  trong khi  một số người  khác  uống  rượu tăng dần ở tuổi già vì các lí do buồn chán,  cô  đơn, lo  âu  và  trầm cảm. Bác  sĩ  thường miễn cưỡng khi hỏi các câu hỏi về thói quen uống rượu của bệnh nhân.

Ngã hoặc sảng với các triệu chứng cai có thể gợi  báo  cho  bác  sĩ nhận biết bệnh  nhân có lạm dụng rượu.

Đối với người lạm dụng rượu lâu ngày vẫn có thể thuyết  phục  được để ngừng uống rượu một khi các tác dụng phụ, có  hại  xuất  hiện  một  cách  rõ  ràng. Sự cô đơn, lo âu, trầm cảm cần  được  giải  quyết  một cách trực tiếp bằng các giải  pháp  như tham dự vào một trung tâm  ban  ngày,  việc  tư  vấn  đối  với  những  người  có tang tóc, tổn thất hoặc dùng các thuốc chống trầm cảm khi có chỉ định. Lạm dụng chất trở nên nan  giải,  khó  chữa khi  đã dẫn đến rối loạn trí nhớ hoặc sa sút trí tuệ,  có thể đòi hỏi phải vào viện hoặc các cơ sở chăm chữa tập trung lâu dài.

Người già là những người sử dụng  benzodiazepine  nhiều  nhất,  thường  là  để gây ngủ. Mất ngủ thường là hậu  quả  của sự buồn chán cô  đơn, không hoạt  động, đau, lo âu hoặc trầm cảm. Tình  trạng  khó  ngủ  này  điều trị  bằng  các  loại  thuốc ngủ tác dụng nhanh và sớm được cắt bỏ.

Rối loạn nhân cách:

Thuật ngữ này thường gây ra một  sự  hiểu  lầm  và  chỉ  nên  sử  dụng  trong những trường hợp  đặc  biệt.  Các  hành  vi  hay cáu kỉnh,  thái  độ hay nghi  hoặc  hay lệ thuộc thường phổ biến  do  lo  âu,  trầm cảm hay sa sút tâm thần. Một số ít người già luôn luôn bảo thủ, sống ẩn dật,  thô  bạo  hoặc  chống đối xã hội. Các xu hướng  đó đã có từ lúc còn trẻ và gây ra sự rối loạn các  mối  quan  hệ  công việc, các rối loạn cảm xúc, các hành vi có tính bệnh lí, bất thường, kém sự điều chỉnh.

Phải chăng các nét nhân cách “khó tính” đã  bị  làm trầm trọng thêm do  trầm cảm, rối loạn hoang tưởng hay sa sút tâm thần.

Tránh dùng các thuốc giải lo âu bởi vì có thể dẫn đến việc lạm dụng. Nếu có thể, cần có một kế hoạch chăm sóc chi tiết với sự hợp tác của bệnh nhân.

Bệnh pick:

Bệnh Pick là một bệnh mất trí  tiến triển do thoái  hoá  vỏ  não.  Sự thoái hoá  xảy ra chọn lọc ở vùng trán, thái dương và  một  phần  thùy đỉnh với  đặc tính rõ rệt qua quan sát đại thể: phần não thoái  hoá  trở  nên  nhăn  nhúm,  xẹp lại; không tìm thấy các mảng tuổi già và biến đổi tổ chức sợi như trong bệnh Alzheimer (AD).

Đặc trưng lâm sàng là sa sút kèm theo  các  tổn thương  đặc  trưng  của  thùy trán: vô cảm, trơ như  đá hoặc  trái  lại  đùa tếu (euphoria). Người  bệnh trở  nên tan rã rất nhanh chóng về lối sống tha hoá: rượu chè, ăn trộm, trai gái… Các  dấu hiệu  loạn thần rõ rệt như ảo giác, hoang tưởng rất ít gặp.

Tình trạng sa sút, tiến triển nhanh, dẫn đến mất định hướng,  mất  nghe,  không tiếp xúc với môi trường xung quanh.

Theo ICD-10, chẩn đoán bệnh Pick dựa  vào  các tiêu chuẩn  sau:

a/ Mất trí tiến triển khởi đầu 50 – 60 tuổi, tiến triển chậm.

b/ Các nét ưu thế tổn thương thùy  trán:  khoái  cảm, cùn mòn, thô  lỗ, giải  toả bản năng, vô cảm, bồn chồn.

c/ Các biến đổi về tác phong thường đi trước các rối loạn rõ rệt về trí nhớ.

Bệnh creutzfeld-jacob:

Bệnh do Creutzfeldt H.G. mô tả năm 1920  và  Jakob A.  mô tả năm 1921.  Bệnh còn được gọi là bệnh thoái hoá vỏ não, thể vân và tủy (Corticostriato- spinal) với các mảng xơ cứng giả. Biểu hiện đa dạng  của tổn thương thoái  hoá gặp  ở  vỏ não, các nhân xám nền,  vỏ  tiểu não,  đồi  thị  và  các  tế  bào  hình  sao  ở  tuỷ sống. Vi thể biểu hiện  thoái  hoá  hạt,  nhiễm  xơ  và  nhiễm mỡ phân bố  rộng ở các  vùng kể trên.

Hình ảnh giải phẫu bệnh lí  rất  giống hình ảnh  não  của bò  điên ở  Anh  nên có tác giả cho rằng do virut chậm gây ra.

Tiền triệu biểu hiện hội chứng suy nhược, mệt mỏi, vô cảm, khó  nhớ  với  những hành vi bất thường: đi loạng choạng, khó nói, yếu chi.  Sau  đó  các  triệu  chứng thần kinh biểu hiện càng rõ: nói ngọng, thất điều, tay chân cứng, đi lại khó khăn. Tiếp đó tình trạng sa sút xảy  ra nhanh.  Người  bệnh  trở  nên thờ  ơ,  không  chú ý, không tiếp thu nổi các thông tin mới, không tiếp xúc với môi trường xung quanh. Các biểu hiện tổn thương tiểu  não  và  ngoại  tháp  như  run,  cử  động  giật cục, cứng đờ cũng thường gặp. Có thể gặp  trường  hợp  bịa  chuyện,  một  số  rối loạn tâm thần như hoang tưởng, ảo thính.

Giai đoạn cuối ngoài tình  trạng  sa sút còn biểu hiện ngôn ngữ mơ hồ, liệt chi, rối loạn cơ vòng.

Đặc điểm lâm sàng hoàn toàn phụ thuộc vào và biểu hiện vùng  thần  kinh  bị  thoái hoá.

Chẩn đoán bệnh bệnh Creutzfeld-Jacob dựa vào các tiêu chuẩn sau:

Mất trí tiến triển nhanh từ vài tháng đến vài năm.

Có nhiều triệu chứng thần kinh thực thể phong phú: liệt cứng tiến triển, run, múa giật, múa vờn, thất điều (rối loạn tháp và ngoại tháp).

ĐNĐ đặc hiệu (có dạng 3 pha).

Mất trí do nguyên nhân mạch máu:

Trước đây gọi là mất trí do vữa  xơ  động mạch,  mất trí do nhồi máu não  rải rác. Khởi bệnh có thể là một đợt tai  biến mạch não  cấp diễn, đột quị. Hoặc trong tiền sử có những đợt thiếu máu cục bộ  với  rối loạn ý thức ngắn,  liệt nhẹ  thoáng  qua hoặc mất khả năng thị giác tạm thời..

Rối loạn trí nhớ và tư duy xuất  hiện từ từ sau đợt thiếu máu cục bộ hoặc xuất  hiện nhanh hơn sau cơn đột quị.

Chẩn đoán mất trí căn nguyên mạch máu  dựa  vào  các điểm sau:

a/ Có biểu hiện mất trí.

b/ Có các biểu hiện thần kinh khu trú.

c/ Khởi phát bệnh có thời điểm và tiển triển phụ thuộc vào tiến triển của bệnh mạch máu.

d/ Hình ảnh tổn thương não trên CT hoặc MRI.

Mất trí trong bệnh huntington:

Bệnh thường khởi phát ở lứa tuổi 30 – 40, nam  nữ  ngang  nhau.  Bệnh  di truyền do một gen trội duy nhất tự thân.

Biểu hiện lâm sàng  sớm  là các  triệu chứng lo âu, trầm cảm, hoang tưởng và ảo giác. Về sau có các biểu hiện rối loạn hành vi,  nhân  cách ngày  càng  rõ  nét.  Bệnh tiến triển chậm và kéo dài.

Chẩn đoán bệnh Huntington dựa vào các điểm sau:

a/ Có biểu hiện mất trí kèm theo các rối loạn vận động.  b/ Tiền sử gia đình có bệnh Huntington.

c/ Các biểu hiện múa giật  không  tự  chủ,  điển hình xuất hiện ở mặt, tay và  ở  vai. Dáng đi kiểu cứng đờ hoặc  run khi  vận  động chủ ý xuất  hiện sớm trước  khi xuất hiện sa sút rõ rệt.

Mất trí trong bệnh parkinson:

Không phải trường hợp bệnh Parkinson nào cũng dẫn đến mất trí. Một số trường hợp có mất trí kèm theo quá trình hình thành và phát  triển bệnh Parkinson (đặc biệt là các thể bệnh nặng).

Việc phân định ranh giới giữa mất  trí  do  Parkinson  hay  kết  hợp  với  AD hoặc mất trí mạch máu cũng gặp nhiều khó khăn trên lâm sàng.

Để chẩn đoán mất trí do bệnh Parkinson cần phải chú ý những điểm sau:

Mất trí tiến triển không hồi phục.

Hội chứng Parkinson (liệt run) biểu hiện mức độ trung bình hoặc nặng.

Loại trừ AD, bệnh mạch máu, các bệnh thực thể khác  gây mất trí (nhồi máu  não, tăng huyết áp, u não, thủy thũng não, giang mai thần kinh …).

Mất trí trong bệnh các tiểu thể lewy:

Bệnh lí thể Lewy đã từng được coi là bệnh lí đặc trưng của bệnh Parkinson. Ngày nay, bệnh này bao gồm nhiều  hình  thái  khác  nhau và  chiếm tới  25% số  ca mổ tử thi có mất trí. Gần đây, người  ta tìm thấy trong não  các bệnh nhân này các  tiểu thể Lewy và gọi  là bệnh mất  trí  với  tiểu thể Lewy.  Tiểu thể  Lewy là các  đĩa ái toan nằm trong tế bào thần  kinh  với  vòng  sáng nhạt  bao  quanh.Theo  nhiều tác giả, thể Lewy tìm thấy khoảng trên 20% ở tất cả các trường hợp mất trí.

Một số tác giả đã đặt ra các tiêu chuẩn nhận dạng sau:

Suy giảm nhận thức tiến triển (giảm khả năng chú ý, thị giác, trí nhớ  và các chức năng thực hiện của thùy trán).

Dao động nhận thức: ảo thị tái diễn; hội chứng Parkinson (cả hai là có  khả năng, chỉ một là có thể).

Các yếu tố phù trợ: ngã, ngất, mất ý thức tạm thời, mẫn cảm với các  thuốc chống loạn thần, hoang tưởng, ảo giác.

Loại trừ đột quị, bệnh thực thể khác hoặc rối loạn não.

Bệnh phổ biến ở nam giới, thường khởi phát  trước  tuổi  già, thời  gian dẫn tới mất trí trung bình là 6 năm.

Mất trí trong bệnh alzheimer:

Bệnh Alzheimer là một bệnh não thoái hoá nguyên phát  căn nguyên  chưa rõ, biểu hiện lâm sàng bằng trạng thái mất trí tiến triển, không phục hồi.

Nguyên tắc chỉ đạo chẩn đoán AD theo ICD – 10:

a/ Có biểu hiện mất trí.

b/ Khởi phát từ từ, suy thoái chậm.

c/ Không có bằng cứ về lâm sàng và các  xét  nghiệm  đặc hiệu cho thấy tình trạng tâm thần là do một bệnh não hoặc một bệnh lí hệ thống gây nên.

d/ Không bắt đầu đột ngột, không  có  đột  quị,  không  có  dấu  hiệu thần  kinh khu trú, xuất hiện sớm trong quá trình bệnh.

Tiêu chuẩn chẩn đoán theo DSM – IV-TR-2000:

A. Hình thành nhiều khiếm khuyết nhận thức được biểu hiện bằng cả 2 triệu chứng:

Suy giảm trí nhớ (khả năng nắm bắt thông tin mới  hoặc  nhắc  lại  các thông  tin cũ bị suy giảm).

Có một (hoặc nhiều hơn) các rối loạn nhận thức  sau đây:

a/ Mất ngôn ngữ (rối loạn ngôn ngữ).

b/ Mất dùng động tác (tổn thương khả năng thực  hiện các hoạt động vận động mặc dù chức năng vận động không bị tổn thương).

c/ Mất nhận thức (không thể nhận ra hay  phân  biệt  các  vật  thể mặc  dù chức năng cảm giác còn nguyên vẹn.

d/ Rối loạn các chức năng  quản  trị  (ví  dụ: lên kế hoạch, tổ chức, sắp đặt trình tự, suy nghĩ trừu tượng).

B. Các khiếm khuyết nhận thức trong các tiêu chuẩn A1 và  A2,  mỗi  thứ gây nên suy giảm đáng kể việc thực hiện các chức năng xã hội  và  nghề  nghiệp và  đại diện cho sự suy giảm đáng kể mức độ thực hiện các chức năng trước đây.

C. Quá trình được đặc trưng bởi khởi phát chậm và  suy  giảm nhận thức  dần dần.

D. Các khiếm khuyết nhận thức trong các tiêu chuẩn A1  và  A2  không do  bất  kỳ nguyên nhân nào dưới đây:

Các bệnh lí khác của hệ thống thần kinh trung ương gây  nên khiếm khuyết  tiến triển về trí nhớ và nhận thức.

Các bệnh lí hệ thống được cho là nguyên  nhân  sa sút trí tuệ.

Bệnh lí do các chất độc.

E. Các khiếm khuyết không xảy ra khi bệnh nhân mê sảng.

F. Rối loạn không được xem là tốt hơn với các rối loạn nhóm 1 (ví dụ: rối loạn trầm cảm, tâm thần phân liệt).