Khái niệm.
Stress là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi hàng ngày cũng như trong các phương tiện truyền thông. Stress đôi khi được dùng để chỉ một nguyên nhân, một tác nhân kích thích làm cơ thể khó chịu, ngoài ra stress còn được dùng để chỉ hậu quả của tác nhân công kích này.
Theo Hans Selye: stress được coi là mối tương tác giữa kích thích và phản ứng của cơ thể. Trong điều kiện bình thường, phản ứng stress thiết lập một cân bằng mới, trong điều kiện bệnh lí, stress gây nên rối loạn tâm thần và các rối loạn cơ thể.
Phản ứng stress trở thành bệnh lí khi tình huống gây stress hoặc bất ngờ, quá dữ dội hoặc ngược lại, quen thuộc nhưng lặp lại vượt quá khả năng dàn xếp việc thích ứng của chủ thể.
Phản ứng với stress và các rối loạn sự thích ứng là những rối loạn hoạt động tâm thần và chức năng tâm lí do các chấn thương tâm lí khác nhau gây ra.
Phản ứng với stress gặp ở mọi lứa tuổi, tỉ lệ rối loạn stress cấp trong nhân dân phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và ngưỡng chịu đựng của người bệnh với chấn thương tâm lí.
Theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới năm 1992, phản ứng với stress trầm trọng và rối loạn thích ứng (F43) gồm:
Phản ứng stress cấp (F43.0).
Rối loạn stress sau sang chấn (F43.1).
Rối loạn sự thích ứng (F43.2).
Các phản ứng với stress trầm trọng khác (F43.8).
Phản ứng với stress trầm trọng không biệt định (F43.9).
Phản ứng stress cấp.
Định nghĩa:
Phản ứng stress cấp là một trạng thái cấp tính của stress được đặc trưng bởi một rối loạn tâm thần nhất thời, rất trầm trọng, phát triển ở một cá nhân đáp ứng lại stress với một thể chất căng thẳng hoặc một trạng thái tâm thần đặc biệt và mất đi trong vòng vài giờ hoặc vài ngày.
Nguyên nhân và các yếu tố phụ trợ:
Stress cấp diễn và đủ lớn:
Người thân chết.
Thảm hoạ: động đất, núi lửa,…
Hoàn cảnh làm đảo lộn tình cảm sâu sắc.
Tính mạng bản thân bị đe doạ.
Sinh mạng chính trị bị đe doạ.
Stress kéo dài:
Ít gặp, có thể gặp stress kéo dài, nhưng khi có các yếu tố tác động sau:
Mâu thuẫn kéo dài.
Căng thẳng trong công việc.
Bị cầm tù, bị bao vây trong chiến tranh,…
Các yếu tố phụ trợ:
Hệ thần kinh bị suy yếu sẵn trước khi bị stress.
Khủng hoảng thời kì dậy thì và tiền mãn kinh.
Nhân cách dễ phản ứng.
Sức đề kháng về tâm thần yếu.
Cơ thể bị suy nhược.
Lâm sàng:
Xuất hiện ngay sau sốc tâm thần, có thể thay đổi từ kích động sang bất động trong một thời gian ngắn, bao giờ cũng kèm theo tình trạng rối loạn thần kinh thực vật… Thời gian từ vài phút đến vài ngày.
Thể bất động:
Giữ nguyên tư thế, không thể cử động, không nói mặc dù nguy hiểm đến gần.
Mất khả năng phản ứng cảm xúc, mất khả năng đáp ứng với ngoại cảnh, ý thức thu hẹp, rối loạn chú ý và định hướng,…
Tình trạng trên có thể kéo dài vài giờ đến 2 – 3 ngày, sau đó là giai đoạn hồi phục, suy nhược và mất trí nhớ.
Thể kích động:
Hưng phấn vận động và ngôn ngữ: đột ngột la hét bỏ chạy, có nhiều hành động vô nghĩa…
Ý thức thu hẹp, rối loạn định hướng và chú ý.
Cơn xảy ra rất nhanh, vài phút đến 20 phút.
Sau cơn là tình trạng quên và suy sụp.
Rối loạn thần kinh thực vật:
Bao giờ cũng có, luôn đi kèm với trạng thái kích động hoặc bất động: vã mồ hôi, mạch nhanh, co cứng cơ, đái dầm,…
Chẩn đoán:
Căn cứ vào các đặc điểm sau:
Bệnh xuất hiện ngay hay một thời gian ngắn sau stress.
Có yếu tố stress mạnh, đột ngột, vượt quá sức chịu đựng của bệnh nhân hay một stress kéo dài, bệnh nhân không chống đỡ nổi.
Nội dung các triệu chứng loạn thần có liên quan trực tiếp và phản ánh sâu sắc nội dung của stress.
Trước đã có lần phản ứng nhẹ với stress hay có yếu tố thuận lợi thúc đẩy bệnh phát sinh. Ví dụ: cơ thể suy yếu, tuổi già,…
Khi điều trị đúng, bệnh khỏi nhanh và hoàn toàn.
Điều trị:
Cách li khỏi môi trường gây stress.
Động viên, hỗ trợ tâm lí cho bệnh nhân.
Loại trừ những nhân tố thúc đẩy rối loạn stress, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Có thể sử dụng thuốc bình thần trong thời gian ngắn.
Rối loạn stress sau sang chấn.
Định nghĩa:
Rối loạn stress sau sang chấn là các rối loạn phát sinh như một đáp ứng trì hoãn sau chấn thương tâm lí có tính chất đe doạ hoặc thảm hoạ đặc biệt, và có thể gây đau khổ lan tràn cho hầu hết bất cứ ai, xuất hiện từ vài tuần đến vài tháng, tối đa là dưới 6 tháng sau stress. Có thể tiến triển thuận lợi (khỏi bệnh) hoặc dao động (tái phát tăng hoặc giảm bệnh). Một số ít có thể kéo dài và để lại biến đổi nhân cách.
Trong các yếu tố phù trợ đáng chú ý là đặc điểm nhân cách, có vai trò lớn trong phát sinh và tiến triển của bệnh.
Lâm sàng:
Các triệu chứng lâm sàng của rối loạn stress phát triển có liên quan với yếu tố chấn thương tâm lí quá mạnh, tác động trực tiếp tới người bệnh như:
Đe doạ đến tính mạng hoặc gây thương tích cho người bệnh.
Chứng kiến các sự kiện chết chóc và vết thương đe doạ tính mạng người khác.
Bạo lực gây chết người và tổn hại nghiêm trọng.
Đe doạ tính mạng hoặc vết thương của một thành viên trong gia đình hoặc của một người thân.
Đối với trẻ em, các sự kiện gây sợ hãi mãnh liệt, mất sự giúp đỡ, bị lạm dụng tình dục…
Các triệu chứng của rối loạn stress đa dạng tùy từng người bệnh có các biểu hiện khác nhau, gồm các triệu chứng:
“Mảnh hồi tưởng” là nhớ lại miễn cưỡng hoàn cảnh sang chấn lặp đi lặp lại, các giấc mơ thức hoặc giấc mơ ngủ, sống lại cơn ác mộng trên nền tảng “tê cóng” và sự cùn mòn cảm xúc, xa lánh mọi người, mất thích thú, né tránh hoàn cảnh gợi lại chấn thương, không đáp ứng với môi trường xung quanh. Đây là triệu chứng điển hình của rối loạn stress sau sang chấn.
Tư duy chậm hoặc ứ đọng, tập trung vào tình huống gây sang chấn, đôi khi xuất hiện ý tưởng tự tội, bị hại hoặc ý tưởng tự sát.
Có thể có những cơn hoảng sợ hoặc tấn công do đột ngột nhớ lại hoặc diễn lại hoàn cảnh sang chấn.
Cảm xúc đa cảm, mất hứng thú, có thể có các triệu chứng trầm cảm và lo âu kết hợp.
Mất cân bằng thần kinh thực vật như tăng cảm giác hay giật mình, mất ngủ.
Dễ sa vào nghiện rượu hoặc chất ma túy.
Các triệu chứng sẽ bình phục dần, một số trường hợp tiến triển mạn tính qua nhiều năm và làm biến đổi nhân cách.
Chẩn đoán:
Dựa vào các đặc điểm chính sau:
Có yếu tố stress trong khoảng thời gian 6 tháng.
Có triệu chứng điển hình “mảnh hồi tưởng” về stress.
Cảm xúc thờ ơ rõ rệt, tê liệt cảm xúc và né tránh các kích thích có thể khuấy động hồi tưởng sang chấn.
Các rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn hành vi, rối loạn khí sắc.. đều góp phần vào chẩn đoán nhưng không phải quan trọng nhất.
Điều trị:
Liệu pháp tâm lí là rất quan trọng:
Cô lập sang chấn.
Ngăn chặn cơn.
Tâm lí liệu pháp.
Chấp nhận các sự kiện.
Tái tạo niềm tin cho người bệnh.
Có thể dùng thuốc chống lo âu và điều trị rối loạn giấc ngủ (chỉ điều trị ngắn ngày) như: diazepam, alprazolam, nitrazepam, clonazepam… Ngoài ra có thể dùng thêm các thuốc tăng cường thể trạng, nâng cao sức đề kháng. Trong một số trường hợp có thể kết hợp các thuốc chống trầm cảm.
Các rối loạn sự thích ứng.
Định nghĩa:
Các rối loạn thích ứng là các trạng thái đau khổ chủ quan và rối loạn cảm xúc, thường gây trở ngại cho hoạt động xã hội và hiệu suất lao động, nổi lên trong thời kì thích ứng với sự thay đổi đáng kể trong đời sống hoặc hậu quả của một sự kiện đời sống gây stress (bao gồm các bệnh cơ thể nặng hiện có hay có thể có). Tác nhân gây stress có thể ảnh hưởng lên sự toàn vẹn các mối quan hệ xã hội của cá nhân (tang tóc hay chia li) hoặc hệ thống rộng hơn, như các phúc lợi xã hội (ví dụ: người nhập cư). Tác nhân gây stress không những đụng chạm đến cá nhân mà còn đụng chạm đến nhóm và cộng đồng. Tố bẩm cá thể đóng vai trò nhất định trong nguy cơ mắc bệnh.
Lâm sàng:
Đặc điểm lâm sàng nổi bật của rối loạn sự thích ứng là các rối loạn về khí sắc, thường xuất hiện trong vòng một tháng sau khi xảy ra sự kiện gây stress và kéo dài không quá 6 tháng.
Bệnh nhân buồn rầu, lo lắng, cảm giác không có khả năng đối phó, dự định trước hoặc tiếp tục hoàn cảnh thực tại.
Giảm sút có mức độ hiệu quả công việc và thói quen hàng ngày.
Cảm xúc dễ bùng nổ có thể xuất hiện.
Trẻ em xuất hiện hành vi chống xã hội, nhưng không đặc hiệu.
Các triệu chứng trầm cảm, hoặc trầm cảm – lo âu trong rối loạn sự thích ứng gồm:
Phản ứmg trầm cảm ngắn: thời gian dưới 1 tháng.
Phản ứng trầm cảm kéo dài: thời gian không quá 2 năm.
Phản ứng hỗn hợp lo âu, trầm cảm.
Phản ứng với các rối loạn cảm xúc khác chiếm ưu thế.
Phản ứng với các rối loạn hành vi chiếm ưu thế.
Phản ứng với các triệu chứng ưu thế biệt định khác.
Chẩn đoán:
Căn cứ vào:
Có yếu tố gây sang chấn trong vòng 3 tháng trước đó.
Các rối loạn cảm xúc và hành vi có liên quan với stress.
Yếu tố nhân cách và tiền sử của bệnh nhân.
Điều trị:
Có thể dùng :
Thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ, bình thần: nhóm benzodiazepin.
Thuốc chống lo âu, trầm cảm.
Thuốc tăng cường thể trạng, nâng cao sức đề kháng, ví dụ các vitamin.
Cách li với môi trường gây stress.
Sử dụng liệu pháp tâm lí cá nhân hoặc kết hợp với liệu pháp gia đình.