Nội dung

Rối loạn tâm thần trong các bệnh nhiễm khuẩn

Khái niệm chung.

Rối loạn tâm thần do nhiễm khuẩn  là các  rối  loạn tâm thần do  nhiễm khuẩn toàn thân hoặc nhiễm khuẩn nội sọ gây ra.

Rối loạn tâm thần do nhiễm khuẩn toàn thân được gọi là loạn tâm thần triệu chứng (loạn tâm thần là một triệu chứng  của  bệnh  nhiễm  khuẩn).  Còn  rối  loạn tâm thần do nhiễm khuẩn nội sọ là bộ phận trực  tiếp trong  hệ  thống  các  triệu chứng của bệnh hay còn gọi loạn thần thực tổn. Sự phân chia như thế  chỉ  có tính  chất qui ước, vì trong những  điều kiện không thuận lợi  thì  viêm  não, viêm  màng  não lại là một biến chứng của bệnh  nhiễm  khuẩn toàn  thân  (bệnh  sởi,  cúm, thương hàn,…).

Đặc điểm lâm sàng.

Các biểu hiện rối loạn ý thức:

Thường xuất hiện rối loạn ý thức ở các trạng thái  nhiễm  khuẩn cấp tính và tối cấp tính. Các biểu hiện rối loạn ý thức xuất hiện song song với hội chứng nhiễm khuẩn và tồn tại dài hay  ngắn  sau  khi  hội  chứng  nhiễm  khuẩn  đã hết  tuỳ  thuộc vào các bệnh  nhiễm  khuẩn  khác  nhau,  vào  mức  độ nhiễm khuẩn nặng hay nhẹ  và sự phản ứng cá thể của bệnh nhân.

Biểu hiện của rối loạn ý thức thường gặp là các trạng thái mù mờ ý thức: mê sảng, lú lẫn, hoàng hôn, mê mộng.

Cùng với rối loạn ý thức  còn có thể xuất  hiện một  số  rối loạn khác nhau như  ảo giác, thường là ảo thị ghê  rợn,  làm  bệnh nhân  bàng  hoàng  lo  sợ,  hoảng  hốt, dẫn đến phòng thủ hoặc tấn công  người  khác.  Có  thể  gặp ảo  thị màu sắc  rực  rỡ mà bệnh nhân là khán giả của ảo thị, làm cho bệnh nhân rất chăm chú, đôi khi  rất thích thú nếu là ảo thị kèm theo cảm xúc dương tính.

Dựa vào sự chuyển dạng của rối loạn  ý  thức  mà  người  ta có  thể  đánh  giá được bệnh đang thuyên giảm hay đang  nặng  thêm.  Ví  dụ:  sự  thuyên  giảm  của bệnh là sự chuyển dạng từ mê sảng sang lú lẫn và sau đó  là hội  chứng suy nhược thần kinh và suy nhược cơ thể kéo dài một thời gian nữa.

Các biểu hiện tiến triển kéo dài không có rối loạn ý thức:

Thường gặp các bệnh nhân mắc bệnh  nhiễm  khuẩn  không  rầm  rộ, tiến triển  kéo dài, có tính chất mạn tính. Lâm sàng chủ yếu là:

Bắt đầu bằng hội chứng suy nhược thần  kinh,  các  rối loạn rất  mơ  hồ, rối  loạn giấc ngủ tăng dần, rất  dễ  nhầm  với  rối  loạn do  stress, ảnh  hưởng đến năng suất lao động.

Có thể thấy xuất hiện ảo giác, hay gặp là  ảo  thị giác, ảo  thính giác  nhưng không bao giờ có ảo giác giả.

Có thể thấy xuất hiện hoang tưởng, thường gặp là các  hoang tưởng với  cảm  xúc âm tính như  hoang  tưởng  bị  theo  dõi,  hoang  tưởng  bị  truy hại, hoang tưởng bị buộc tội.

Có  thể  gặp  trạng  thái  căng trương lực, thường là bất  động căng trương lực  và căng trương lực sững sờ nhưng không kéo dài. Đôi khi  gặp  kích động căng  trương lực trong phạm vi hẹp quanh giường  bệnh  của  mình  do  các  rối loạn tâm thần khác chi phối. Có thể gặp  các  triệu  chứng  giảm  cảm  xúc,  trầm  cảm  nhẹ. Đôi khi gặp tình trạng khá nặng nề,  bệnh  nhân vô cảm nhưng không có biến đổi  nhân cách.

Các biểu hiện của hội chứng korsakov và hội chứng tâm thần thực thể khác:

Những trường hợp nhiễm khuẩn nặng,  giai  đoạn  đầu  rối  loạn  ý thức  càng nặng nề thì các biểu hiện của các hội chứng tâm thần thực thể ở giai đoạn sau càng trầm trọng.

Thường gặp các hội chứng tâm thần  thực  thể  trong  nhiễm  khuẩn  nội  sọ  hoặc trong nhiễm khuẩn toàn thân trầm trọng có biến chứng nhiễm khuẩn nội sọ.

Rối loạn chủ yếu và hay gặp là rối loạn trí nhớ, khả năng ghi nhớ  kém, hay  đãng trí, thiếu tập trung chú ý và dễ suy kiệt chú ý.

Trí năng của bệnh nhân giảm sút, khó lĩnh hội các  kiến thức  mới, quá  trình liên tưởng chậm và khó khăn,  không tự chủ được  cảm xúc,  cảm xúc  dễ  bùng  nổ, nổi nóng và giận dữ.

Hội chứng suy nhược thần kinh kéo  dài  và nhiều  trường  hợp  không  hồi phục. Bệnh nhân mất khả năng  đánh  giá  mức  độ  bệnh  tật  hoặc  mất  khả  năng nhận biết về bệnh tật của mình.

Các rối loạn tâm thần thực thể  thường kèm theo những hội chứng thần kinh  khu trú: liệt, mất nói, nói ngọng,…

Có thể biểu hiện bằng hội chứng Korsakov,  bệnh  nhân  quên  thuận  chiều, quên các  sự kiện sau khi  bị  bệnh  và  thường  gặp  sự bịa chuyện bù vào  chỗ quên  với nội dung li kì, hoang đường.

Rối loạn tâm thần trong một số bệnh nhiễm khuẩn.

Viêm não nhật bản:

Khái niệm:

Viêm  não  Nhật  Bản  là bệnh  truyền nhiễm  cấp tính,  lây theo đường máu, do vi rút gây ra, có  đặc  điểm lâm sàng là sốt cao, hội  chứng nhiễm độc toàn thân với sự phát triển của viêm não – tủy nặng và tỉ lệ tử vong cao.

Lâm sàng:

Giai đoạn khởi phát (1- 2  ngày đầu):  bệnh khởi  phát  rất  đột ngột  bằng sốt cao 390C – 400C hoặc hơn. Bệnh  nhân  đau  đầu,  đau ở  vùng  trán,  buồn  nôn và nôn. Trong  1  –  2  ngày  đầu của bệnh  đã xuất  hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ,  rối loạn vận động nhãn cầu. Về  tâm  thần  thần kinh,  có  thể  xuất  hiện lú lẫn hoặc mất ý thức. Những ngày  đầu phản  xạ  gân  xương  tăng,  xung  huyết  rõ. Ở  một  số trẻ nhỏ tuổi, ngoài sốt cao ra còn có thể  thấy đau bụng,  đi lỏng, nôn giống như nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn.

Giai  đoạn toàn phát (từ ngày  thứ  4  đến ngày thứ 7): bước sang ngày thứ 3  –  4 của bệnh, các triệu chứng ở  giai  đoạn khởi  phát  không  giảm  mà tăng  lên.  Từ  mê sảng, kích thích, u ám bệnh nhân đi vào hôn mê sâu dần.

Các triệu chứng rối loạn  thần  kinh  thực  vật  cũng tăng lên:  vã  mồ  hôi, da lúc đỏ lúc tái, rối loạn nhịp thở, tăng tiết đờm rãi, mạch thường xuyên yếu. Nổi  bật  trong giai đoạn toàn phát là sự xuất hiện các tổn thương não  nói  chung  và  tổn thương thần kinh khu trú. Bệnh nhân cuồng sảng, có  ảo  giác,  kích  động,  tăng trương lực cơ kiểu ngoại tháp làm cho bệnh nhân  nằm  co quắp. Trong trường hợp  tổn thương hệ thống tháp nặng có  thể  thấy co  cứng hoặc  giật  rung các  cơ mặt  và cơ chi hoặc bại, liệt cứng. Ở một số bệnh nhân xuất hiện trạng thái định hình giữ nguyên tư thế.

Giai  đoạn thoái  lui  (từ ngày  thứ 7  trở đi): thông thường bước sang tuần thứ  2 thì bệnh đỡ dần, nhiệt độ giảm từ từ, vào khoảng ngày thứ 10 trở đi thì hết sốt. Mạch cũng giảm dần, thở không rối  loạn. Hội  chứng  não  –  màng  não  cũng  dần mất đi. Bệnh nhân từ hôn mê  tỉnh lại  dần,  trương lực  cơ giảm dần và  không còn cơn co cứng. Hết nôn và hết đau đầu, dấu  hiệu  màng  não  cũng  trở  về  bình   thường.

Trong khi hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc và  hội  chứng  màng  não  – não giảm thì các triệu chứng tổn thương thần kinh khu  trú lại  rõ  ràng hơn.  Bệnh nhân  có bại liệt và liệt chi  hoặc  liệt các dây  thần kinh sọ  não  hoặc  rối loạn phối  hợp vận động …

Từ cuối tuần thứ 2 trở đi là thời kì của những biến chứng và di chứng muộn. Những biến chứng muộn có thể gặp là: viêm phổi, viêm bể thận, viêm bàng quang,  loét nhiễm khuẩn, rối loạn giao cảm, rối  loạn chuyển hoá.  Những  di  chứng muộn có thể xuất hiện  sau  vài  năm  hoặc  thậm  chí  vài  chục  năm  mà thường gặp  là ĐK và Parkinson.

Viêm màng não lao:

Khái niệm:

Viêm màng não lao là một bệnh thứ phát sau một  ổ  lao  khác  ở  cơ  thể  do nhiễm trực khuẩn  Koch, gây tổn thương ở màng nuôi  của não  tủy.  Tuổi  nào  cũng  bị mắc bệnh nhưng ở trẻ em, thanh thiếu  niên, trung niên thì tỉ lệ  mắc  cao  hơn. Bệnh khởi phát từ từ, diễn biến lâu dài, điều trị đòi hỏi phải kiên nhẫn.

Lâm sàng:

Thời kì khởi phát: các triệu chứng xuất  hiện từ từ, mệt  mỏi, làm việc  kém  năng suất, sốt nhẹ, nhức đầu, trí nhớ  kém, đôi khi  thay đổi tính tình hay  cáu gắt,  thẫn thờ, buồn nôn và nôn. Trẻ em bỏ ăn,  ít  chơi  đùa,  hay  buồn  ngủ.  Giai  đoạn này, nếu chọc sống thắt lưng thì thấy dịch não tủy biến đổi.

Thời kì toàn phát: gồm những triệu chứng và hội chứng sau:

Hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc: sốt nhẹ 37,50C – 38,50C, mệt mỏi nhiều, mất ngủ, đầy bụng, chán ăn, trí nhớ giảm  sút,  loạn  thần  kinh  kiểu ức  chế  hoặc hưng phấn, thường ở dạng trầm cảm, lú lẫn, toàn thân suy sụp nhanh.

Hội chứng màng não: xuất hiện từ từ, ngày một  rõ  rệt, nhức  đầu xuất  hiện sớm và rất trung thành, buồn nôn và nôn, táo bón.  Khám  thấy  cứng  gáy  (+), Kerrnig (+), Brudzinski (+).

Triệu chứng thần kinh: xuất hiện triệu chứng tổn thương thần kinh lẻ  tẻ  các  dây thần kinh sọ não như  dây  III,  II,  VI,  VII,  VIII;  nếu  nặng  có  thể  thấy liệt dây IX, X, XI và liệt 1/2 người, liệt tứ chi, câm, điếc, hôn mê.

Các rối loạn khác: tăng cảm giác sâu, dấu hiệu vạch màng não (+).

Sốt rét ác tính thể não:

Khái niệm:

Sốt rét ác tính là một thể bệnh sốt  rét  nguy  kịch, tử vong  cao, từ 6  – 8% (có nơi từ 10 – 20%), tổn thương  ở  nhiều phủ tạng như  não, gan,  thận,  phổi,… biểu hiện lâm sàng bằng rối loạn ý thức nổi bật, nhưng cũng có khi  nổi bật  triệu chứng  tổn thương các cơ quan khác, phối hợp với triệu chứng  thần kinh. Bệnh gây ra rối loạn vi tuần hoàn trong các phủ tạng bởi sự tắc nghẽn  những  hồng cầu có chứa kí sinh trùng sốt rét. Thiếu máu  do  kí  sinh trùng sốt rét làm vỡ  hồng cầu, do  hồng  cầu bị kết dính, vón kết. Sức bền hồng cầu ở bệnh nhân sốt rét  rất  yếu. Đời sống hồng cầu ngắn, nó có  thể  bị vỡ  ồ ạt cấp diễn gây đái huyết sắc tố như dạng sốt rét  đái huyết sắc tố. Trên  một  bệnh  nhân  sốt  rét  có thể kèm theo đái huyết sắc tố do dị ứng thuốc sốt rét.

Lâm sàng:

Thời kì khởi phát:

Khởi phát từ từ: biểu hiện sau khi sốt liên tục kèm theo  những  dấu  hiệu đe  doạ ác tính như nhức đầu tăng, nôn nhiều, vã  mồ  hôi.  Bệnh nhân  xuất  hiện các  triệu chứng như thờ ơ, lãnh đạm, ngơ  ngác,  thẫn  thờ  hơn  mọi  ngày,  tiếp  xúc  chậm hoặc có những hành động, lời nói vô nghĩa, rối loạn định hướng, đứng ngồi không yên, luôn luôn trăn trở, xao xuyến, vật vã, nói  lảm nhảm  hoặc  đi lại nhiều.  Đôi khi có hoang tưởng, ảo giác, hốt hoảng,  sợ  hãi  vô  lí,  nếu không  được  phát hiện, xử trí kịp thời, có thể bệnh nhân đi vào hôn mê.

Khởi phát đột ngột: bệnh nhân  đang  lao  động hoặc  sinh hoạt  bình  thường  đột nhiên ngã lăn ra vật vã, ú ớ, mê man có  thể  kèm theo  những cơn co giật kiểu  ĐK từ vài giây đến 1, 2 phút. Một số bệnh  nhân  không  sốt, sau vài  giờ  đến 1, 2 ngày nhiệt độ mới tăng, rất dễ nhầm với tai biến mạch não, ĐK cơn lớn.

Thời kì toàn phát: biểu hiện bằng những hội chứng như:

Hội chứng nhiễm khuẩn: sốt cao liên tục hoặc nhiệt độ  dao  động  nhưng không dứt cơn, mạch nhanh song song với nhiệt độ, da xanh tái.

Hội chứng thần kinh: hôn mê phát triển từ từ, thường qua  giai  đoạn cuồng sảng, bán hôn mê và hôn mê.

Co giật kiểu ĐK: gặp ở  1/3  – 1/4 trường hợp. Cơn cục bộ  hoặc toàn thể kéo dài vài giây đến vài phút

Hội chứng hô hấp: biểu hiện từ nhẹ  đến nặng  chủ yếu là rối loạn hô  hấp, có thể suy hô hấp.

Hội chứng tuần hoàn: huyết áp giảm.

Hội chứng tiêu hoá: rối loạn chức phận gan, có hoại tử nhu mô, chuyển hoá protid bị rối loạn, phản ứng lên bông (+), GOT, GPT, bilirubin máu tăng nhiều.

Hội chứng tiết niệu: rối loạn cơ vòng gây đái dầm hoặc bí đái, có cầu bàng quang. Ngoài ra bệnh nhân có  thể  suy thận cấp do  tổn thương tại  thận,  tình trạng sốt cao mất nước hoặc huyết áp hạ kéo dài và có hội chứng tan máu dữ dội có đái huyết sắc tố.

Điều trị rối loạn tâm thần trong các bệnh nhiễm khuẩn.

Nguyên tắc chung:

Điều trị đặc hiệu bệnh nhiễm  khuẩn  bằng  các  thuốc  kháng  sinh hợp  lí  là chủ yếu và thường được theo dõi, điều trị tại chuyên khoa truyền  nhiễm.  Chỉ chuyển đến khoa tâm thần những trường hợp kích động dữ dội, có rối loạn ý thức nặng, có nhiều hoang tưởng và ảo giác hoặc trầm cảm nặng.

Sử dụng thuốc hướng tâm thần phải rất thận trọng và dè  dặt  nhất  là khi  chỉ định dùng các loại thuốc neuroleptic.

Song song với việc chỉ định thuốc  chống  nhiễm  khuẩn,  thuốc  hướng  tâm thần thì không được quên sử dụng các  liệu pháp  vitamin  hợp  lí, bù  nước  – điện  giải và nâng đỡ thể trạng, tăng cường sức đề kháng chung của cơ thể bệnh nhân.

Điều trị cụ thể các triệu chứng rối loạn tâm thần:

Hội chứng hưng cảm: sử dụng các thuốc an thần  nhẹ thuộc nhóm tranquillisants: seduxen, napoton, có thể cho thuốc an thần kinh mạnh loại neuroleptic liều nhỏ, nhưng rất hạn chế và rất thận trọng.

Hội chứng trầm cảm: cho các thuốc hưng  thần  nhẹ  như  cafein, centedrin, nhân sâm, hoặc có thể cho anafranil, amitryptilin,…

Hội chứng paranoid hoặc ảo giác  paranoid:  có  thể  dùng  các  thuốc neuroleptic như haloperidol, fluphenazin, tisercin liều nhỏ và theo dõi cẩn thận.

Hội chứng suy nhược thần kinh kéo dài sau nhiễm  khuẩn:  có  thể  dùng  insulin liều kích thích trong thời gian 7 – 10 ngày.