Nội dung

Đặt filter lọc máu tĩnh mạch chủ

Đại cương

Huyết khối tĩnh mạch (TM) sâu chi dưới có thể lan rộng tới tĩnh mạch chậu và cao hơn. Một biến chứng rất nguy hiểm của huyết khối tĩnh mạch đó là tắc động mạch phổi làm tăng nguy cơ tử vong. Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới đòi hỏi phải điều trị thuốc chống đông kháng vitamin K đường uống kéo dài, tuy nhiên có tới 33% số người bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới vẫn gây tắc động mạch phổi thứ phát mặc dù đã được dùng chống đông đủ liều, hơn nữa khi dùng thuốc chống đông làm tăng nguy cơ chảy máu đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao. Biện pháp đặt Filter tĩnh mạch chủ giúp dự phòng tắc động mạch phổi.

Chỉ định

Người bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới hoặc nhồi máu phổi nhưng có chống chỉ định dùng thuốc chống đông: xuất huyết não, phẫu thuật lớn, phẫu thuật thần kinh, xuất huyết tiêu hóa, 

Người bệnh thất bại với biện pháp dùng thuốc chống đông: Bênh nhân dùng đủ liều chất chống đông nhưng xuất hiện triệu chứng huyết khối mới huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới hoặc nhồi máu phổi.

Huyết khối tĩnh mạch chậu đùi , tĩnh mạch chủ dưới di động.

Chống chỉ định

Hẹp tắc TM chủ dưới do huyết khối, do bị xâm lấn, chèn ép

Thiểu sản, bất sản TM chủ dưới

TM chủ dưới có đường kính > 40mm

TM cảnh trong, TM dưới đòn, TM đùi bị tắc hoặc

Tổ chức phần mềm quanh các TM này đang bị viêm nhiễm

Xuất huyết giảm tiểu cầu

Hemophilia

Thiểu yếu tố đông máu

Nhiễm khuẩn huyết

Chuẩn bị

Người thực hiện

02 bác sĩ và 02 kỹ thuật viên được đào tạo thành thạo về tim mạch can thiệp

Phương tiện

Tiến hành tại phòng tim mạch can thiệp (máy chụp mạch kỹ thuật số, monitor theo dõi điện tim, monitor theo dõi áp lực).

Bàn để dụng cụ: bao gồm bộ bát vô khuẩn, áo phẫu thuật, găng tay.

Gạc vô khuẩn; bơm 5ml, 10ml, 20ml; dụng cụ ba chạc.

Bộ dụng cụ mở đường vào tĩnh mạch: 01 bộ sheath, 01 kim chọc mạch, thuốc gây tê tại chỗ (Lidocain hoặc Novocain)

Thuốc sử dụng trong thủ thuật (heparin, iodine, lidocaine).

Catheter pigtail chụp tĩnh mạch chủ. 

Bộ Filter tĩnh mạch chủ.

Kim chỉ khâu vị trí tĩnh mạch đường vào.

Người bệnh

Được giải thích rõ về phương pháp đặt filter tĩnh mạch chủ , các tai biến, nguy cơ và rủi ro trong thủ thuật.

Ký cam đoan trước thủ thuật.

Hồ sơ bệnh án

Được hoàn thiện theo quy định của Bộ Y tế

Các bước tiến hành 

Sát khuẩn vị trí đường vào tĩnh mạch: thường dùng từ đường tĩnh mạch dưới đòn bên phải hoặc đường tĩnh mạch đùi đối bên với tĩnh mạch có huyết khối tĩnh mạch sâu. 

Mở đường vào tĩnh mạch (kỹ thuật Seldinger).

Chụp tĩnh mạch chủ xác định vị trí tĩnh mạch thận hai bên: đưa pigtail catheter vào tĩnh mạch chủ vị trí xuất phát tĩnh mạch thận hai bên, chụp mạch xác định vị trí xuất phát tĩnh mạch thận hai bên và đánh giá đường kính tĩnh mạch chậu.

Đặt filter: đưa ống thông đến vị trí cần đặt Filter sau đó đẩy filter đã được thu gọn trong ống đến sát đầu ống thông, tại vị trí đã xác định dưới tĩnh mạch thận; một tay giữ chặt que đẩy, một tay kéo ống thông về làm filter trồi ra và tự nở ra và cố định vào thành tĩnh mạch chủ.

Tháo dụng cụ , khâu vị trí đường vào tĩnh mạch

Theo dõi, tai biến và xử trí

Biến chứng

Liên quan chọc tĩnh mạch dưới đòn gây tràn khí màng phổi; chảy máu trong; chọc vào động mạch…

Filter bị di lệch: có thể dùng snare kéo chỉnh lại dưới khống chế của ống thông.

Filter bị gãy (thường xuất hiện muộn) gây thủng, tách thành tĩnh mạch.

Co thắt tĩnh mạch chủ (rất ít gặp)

Biến chứng tắc mạch… 

Theo dõi

Theo dõi các chức năng sống còn.

Theo dõi phát hiện sớm các biến chứng sau đặt filter tĩnh mạch chủ như dị ứng thuốc cản quang.

Theo dõi vị trí đường vào tĩnh mạch: chảy máu, tụ máu, nhiễm trùng, thông động tĩnh mạch…

Tài liệu tham khảo

Joels CS, Sing RF, Heniford BT. Complications of inferior vena cava filters. Am Surg. Aug 2003;69(8):654-9.

Kaufman JA, Kinney TB, Streiff MB, et al. Guidelines for the use of retrievable and convertible vena cava filters: report from the Society of Interventional Radiology multidisciplinary consensus conference. J Vasc Interv Radiol. Mar 2006;17(3):449-59.

Sarosiek S, Crowther M, Sloan JM. Indications, complications, and management of inferior vena cava filters: the experience in 952 patients at an academic hospital with a level I trauma center. JAMA Intern Med. Apr 8 2013;173(7):513-7.