Nội dung

Rối loạn dạng phân liệt và rối loạn loại phân liệt

Khái niệm.

Năm 1939, G. Langfeldt lần  đầu tiên dùng  thuật  ngữ  “Rối  loạn dạng  phân liệt và rối loạn loại phân liệt” để chỉ một trạng thái rối loạn tâm thần có  triệu chứng giống TTPL nhưng tiên lượng tốt, nhưng các  trường  phái  tâm  thần  học  lớn trên thế giới vẫn chưa thống nhất được với nhau.

Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG) có khái niệm “Rối loạn loại  phân  liệt” (RLLPL – Schizotypal disorder), còn các rối loạn dạng  phân  liệt (RLDPL)  được xếp chung vào nhóm TTPL khác (Other  Schizophrenia)  F20.8.  Đây  là  một  rối loạn với các đặc điểm như tác  phong  kì  dị, tư duy  và  cảm xúc  bất  thường giống như trong bệnh TTPL,  nhưng không đặc  trưng  hoặc  không  là  điển  hình  cho  TTPL.

Hội Tâm thần học Mỹ lại có khái niệm “Rối loạn dạng phân liệt” (RLDPL – Schizophreniform disorder). Tuy có khác  nhau  đôi  chút, song nhìn chung có  một  số điểm tương đồng vì tất cả sẽ tiến triển tới TTPL ở các giai đoạn sau. Theo DSM-IV- TR (2000), đây là một rối  loạn đặc  trưng cho  pha  cấp tính của TTPL, thời gian bắt buộc phải ít hơn 6 tháng và tiên lượng tốt.

Rối loạn dạng phân liệt và rối loạn loại phân  liệt  thường  gặp  ở  thanh  thiếu niên, số người mắc bệnh bằng 1/2 số  bệnh  nhân  TTPL  và  tỉ  lệ  mắc  bệnh  trong suốt cuộc đời là 0,2%.

Bệnh nguyên và bệnh sinh.

Hiện nay, bệnh nguyên và bệnh sinh của RLDPLvà RLLPL chưa được rõ. G. Langfeldt (1939) nhận thấy, nhóm  bệnh  này  tạo  ra  một  quần  thể  không  đồng nhất, một số giống TTPL, số khác lại giống rối loạn cảm xúc (RLCX).

Hình thể và chức  năng não  trong rối loạn dạng phân liệt  có thiếu sót về  hoạt  hoá ở vùng dưới trán trước giống như TTPL. Một nghiên  cứu  khác thực  hiện  nghiệm pháp hoạt hoá nhận thấy thiếu sót giới hạn ở bán cầu trái và ức  chế  hoạt  động của thể vân, điều đó cho thấy có  sự tương đồng về  mặt  sinh lí  giữa 2  loại bệnh TTPL và RLDPL. Mặc dù, một số  tài  liệu  nghiên  cứu  về  CT và  MRI  cho thấy trong RLDPL có giãn rộng các não thất, nhưng không giống trong TTPL.

Giãn não thất trong RLDPL không liên quan đến kết  quả  lượng  giá  kích  thước cũng như lượng giá sinh học.

Các nghiên cứu lượng giá về sinh học thấy có  sự khác  biệt về  hoạt động điện  của da giữa TTPL và  RLDPL.  Bệnh  nhân  TTPL  sinh  vào  những  tháng  mùa đông và mùa xuân có giảm đáp ứng trong dẫn  truyền  da,  nhưng  không  có  trong  RLDPL, điều đó cho thấy có sự khác biệt giữa hai  bệnh lí này. Khi  khám xét các triệu chứng lâm sàng của RLDPL cũng giống như của  TTPL,  nhưng  các  triệu chứng cảm xúc có mặt thì tiên lượng tốt hơn là cảm xúc cùn mòn hoặc vô cảm.

Tiêu chuẩn chẩn đoán.

Tiêu chuẩn chẩn đoán theo dsm-iv-tr (2000):

Đáp ứng các tiêu chuẩn A, D và E của TTPL.

Một giai đoạn của rối loạn (bao gồm giai đoạn tiền triệu, toàn phát và di chứng) kéo dài ít nhất là 1 tháng, nhưng không quá 6 tháng. Chẩn đoán đặt  ra mà không chờ bệnh nhân hồi phục thì chẩn đoán đó là “tạm thời”.

Cần ghi rõ nếu:

Không có các nét tiên lượng tốt.

Có các nét tiên lượng tốt bằng ít nhất là 2 triệu chứng sau:

Các triệu chứng loạn thần nổi bật trong vòng 4 tuần biểu hiện bằng rối loạn hành vi hoặc rối loạn hoạt động hàng ngày.

Giai đoạn loạn thần có biểu hiện lú lẫn hoặc bối rối.

Hoạt động nghề nghiệp và xã hội trước khi bị bệnh vẫn tốt.

Không có cảm xúc cùn mòn hoặc vô cảm.

Tiêu chuẩn chẩn đoán theo icd-10f (1992):

Rối loạn loại phân liệt  là một  rối loạn với  các  đặc  điểm như  tác  phong kì dị, tư duy và cảm xúc bất thường giống như TTPL, nhưng ở bất  cứ giai đoạn nào  của bệnh cũng không có những nét đặc trưng  của TTPL,  nhưng  bất  cứ rối  loạn  nào dưới đây cũng có thể giúp cho chẩn đoán bệnh:

Cảm xúc hời hợt hay không thích hợp và người bệnh lạnh lùng, xa lánh.

Tác phong và hình dáng lạ lùng, kì dị hoặc đặc biệt.

Ít tiếp xúc với người khác và có khuynh hướng xa lánh xã hội.

Tin tưởng kì dị hoặc tư duy  thần  bí  ảnh  hưởng  đến tác  phong và  tập quán văn hoá.

Hoài nghi hoặc ý tưởng paranoid.

Các nghiền ngẫm ám ảnh không có tự  phê  phán  bản  thân  và  thường sợ dị hình hoặc sợ bị xâm phạm tình dục.

Có những tri giác  bất  thường như:  ảo  tưởng về  cơ thể  – giác quan hoặc các  ảo tưởng khác hoặc giải thể nhân cách hoặc tri giác sai thực tại.

Tư duy mơ hồ, ẩn dụ hoặc ngôn ngữ quá chải chuốt hay  định hình,  kì  dị  nhưng không quá rời rạc.

Có giai đoạn gần giống loạn thần,  xuất hiện  nhất  thời  với  các  ảo  tưởng hoặc ảo giác mãnh liệt và các  ý  tưởng  giống  hoang  tưởng  xuất  hiện  không  do kích thích bên ngoài.

Các rối loạn tiến triển mạn tính, với cường độ không ổn định, thỉnh thoảng lại chuyển giai đoạn sang TTPL  rõ  rệt và  không có  khởi  đầu rõ  ràng,  tiến triển như rối loạn nhân cách.

Nguyên tắc chỉ đạo chẩn đoán:

Phải có ít nhất 3 hoặc 4 trong 9  điểm  ở  trên biểu hiện thường xuyên hoặc từng thời kì và thời gian theo dõi ít nhất là 2 năm.

Bệnh nhân chưa bao giờ được chẩn đoán là TTPL.

Trong tiền sử gia đình có người thân trực hệ bị TTPL, nhưng  không phải  là điều kiện tiên quyết cho chẩn đoán.

Không nên sử dụng rộng rãi chẩn đoán vì không rõ ranh giới với  TTPL  thể  giản đơn hoặc rối loạn nhân cách dạng phân liệt hoặc paranoid.

Chẩn đoán phân biệt.

Chẩn đoán phân biệt RLDPL giống  như  chẩn  đoán  phân  biệt  TTPL.  Cần  loại trừ rối loạn loạn thần do một bệnh cơ thể hoặc do một chất.

Cần phân biệt với loạn thần cấp và nhất  thời,  loạn tâm  thần  cảm  ứng,  rối  loạn nhân cách dạng phân liệt và hội chứng Asperger.

Theo  TCYTTG,   các khái  niệm tương tự với  RLLPL  bao  gồm:

TTPL ranh giới, TTPL  tiềm tàng,  phản  ứng  phân  liệt  tiềm  tàng,  TTPL  giả tâm căn, TTPL giả nhân cách bệnh, rối loạn nhân cách thể khép kín.

Tiến triển và tiên lượng.

Tiến triển lâu dài của RLDPL cho thấy có  từ  60-80% bệnh  nhân  tiến triển thành TTPL và số bệnh nhân  còn lại  (20  –  40%)  hiện nay  chưa rõ. Số  bệnh nhân tái phát lần thứ hai hoặc thứ ba có khuynh  hướng tiến triển mạn  tính thành TTPL.  Tuy nhiên, số  bệnh nhân  chỉ  có  một  giai  đoạn bệnh duy  nhất  trong suốt cuộc đời là tiên lượng tốt nhất.

Tiên lượng thay đổi tuỳ theo tiên lượng tốt hoặc xấu của bệnh nhân. Rối loạn  tâm thần của một giai đoạn loạn thần trong thời gian ngắn là tiên lượng tốt. Bệnh nhân RLDPL có giai đoạn trầm cảm sau loạn thần thì nguy cơ tự sát  cao  và  liệu pháp tâm lí đẩy nhanh kết quả phục hồi giúp cải thiện tiên lượng bệnh tốt.

Điều trị.

Với pha cấp tính cần phải điều trị nội trú trong bệnh viện bằng thuốc chống  loạn thần trong suốt thời gian của bệnh và không cần điều trị củng cố.

Cần theo dõi bệnh nhân trong một thời gian dài để phân biệt RLDPL hay là TTPL (nếu thời gian ít hơn 6 tháng).

Các trường hợp  cần  thiết thì cho  nhập viện để điều trị và  theo  dõi hành vi của bệnh nhân. Các triệu chứng loạn thần được điều trị từ 3 –  6  tháng bằng các  thuốc chống loạn thần thì RLDPL đáp ứng với  thuốc  tốt  và  nhanh hơn nhiều so  với TTPL. Một số nghiên cứu nhận thấy khoảng  75%  số  bệnh  nhân  RLDPL  và 20% bệnh nhân TTPL đáp ứng tốt với thuốc chống loạn thần trong vòng 8 ngày.

Các loại thuốc  lithium và  carbamazepine  hoặc  valproate  có thể  sử dụng để dự phòng giai đoạn tái diễn.

Sốc điện có thể được chỉ định cho  một số bệnh nhân, đặc biệt các bệnh nhân có triệu chứng căng trương lực hoặc trầm cảm.