Khái niệm tâm lí học về ý thức.
Theo quan điểm triết học:
Ý thức là chức năng tâm lí cao cấp của con người. Ý thức con người được nảy sinh và phát triển từ các nhân tố sau:
Các tiền đề sinh vật, trong quá trình tiến hoá của vật chất, gần nhất là sự tiến hoá sinh vật đã hình thành bộ não – vật chất có tổ chức cao nhất. Đó là tiền đề sinh vật, là cơ sở vật chất cho sự xuất hiện ý thức.
Các nhân tố xã hội – lịch sử, điều kiện quyết định nảy sinh ý thức con người là lao động. Lao động là nhân tố đầu tiên và nhân tố cơ bản nhất hình thành nên con người và làm nảy sinh ra ý thức: lao động làm biến đổi cấu trúc hình thái và sinh lí cơ thể người, tạo ra đặc điểm của bộ não, làm nảy sinh ra ngôn ngữ và hình thành ý thức.
Ý thức có những đặc điểm cơ bản như sau:
Ý thức con người bao gồm tất cả những kiến thức về thế giới xung quanh. Đó là do hoạt động tổng hợp của các quá trình tâm thần (từ các quá trình cảm giác, tri giác đến tư duy…) mà con người có thể phản ánh ở mức cao nhất, toàn diện và chính xác nhất hiện thực khách quan.
Ý thức giúp con người phân biệt được chủ thể với khách thể. Chỉ có con người mới có khả năng tự hiểu mình, tự đánh giá được hành vi của mình.
Ý thức bảo đảm cho hoạt động của con người có mục đích. Trong quá trình hoạt động đó, con người phải lựa chon các động cơ, thực hiện các hành động ý chí, dự đoán kết quả hoạt động và có những điều chỉnh kịp thời.
Ý thức không chỉ biểu hiện ở sự hiểu biết hiện thực khách quan mà còn thể hiện thái độ đối với nó. Đó chính là tình cảm con người, trong đó phản ánh các mối quan hệ phức tạp, trước hết là các mối quan hệ xã hội.
Do đó, theo quan điểm triết học, có thể định nghĩa ý thức như sau: ý thức là sự phản ánh đúng đắn, thích hợp về thực tiễn xung quanh và khả năng tác động lên thực tiễn đó một cách có mục đích.
Theo quan niệm lâm sàng tâm thần học:
Theo quan điểm triết học thì tất cả những rối loạn tâm thần làm sai lệch sự phản ánh đúng đắn về thực tiễn là có rối loạn ý thức và như vậy bất kỳ bệnh tâm thần nào cũng có rối loạn ý thức.
Trong lâm sàng tâm thần học, ý thức được hiểu theo nghĩa hẹp hơn. Ở đây chủ yếu là mức độ sáng sủa, tỉnh táo của tâm thần, mức độ nhận thức của người bệnh về bản thân mình và mối liên hệ giữa bản thân mình với môi trường xung quanh. Tiêu chuẩn đánh giá về ý thức biểu hiện ở năng lực định hướng của người bệnh, bao gồm:
Định hướng môi trường:
Không gian, người bệnh biết mình đang ở đâu, các địa điểm, địa phương lân cận…
Thời gian, người bệnh biết ngày, tháng, năm hiện tại.
Định hướng về những người xung quanh, biết về nhân viên và những người bệnh cùng buồng.
Định hướng về bản thân: người bệnh nắm được lí lịch về bản thân, định hướng về trạng thái bệnh của mình. Ngoài ra cần khảo sát các chức năng tâm thần khác có liên quan đến ý thức, tri giác, tư duy, phản ứng cảm xúc, trí nhớ,…
Các hội chứng rối loạn ý thức.
Các hội chứng ý thức bị loại trừ:
Đây là những hội chứng rối loạn ý thức không kèm theo rối loạn tâm thần bệnh lí. Nó là sự giảm sút ý thức về lượng.
Tiêu chuẩn đánh giá mức độ rối loạn ý thức dựa vào:
Năng lực định hướng.
Những rối loạn phản xạ.
Rối loạn thực vật – nội tạng (tim mạch, hô hấp…).
Mức độ rối loạn ý thức, từ nhẹ đến nặng, biểu hiện bằng các hội chứng:
Hội chứng u ám.
Hội chứng ngủ gà.
Hội chứng bán hôn mê.
Hội chứng hôn mê.
Cũng có cách phân loại khác:
Trạng thái bán hôn mê.
Hôn mê thực sự gồm có 3 mức độ:
Hôn mê nông (bán hôn mê, hôn mê độ 1).
Hôn mê vừa (hôn mê rõ, hôn mê độ 2).
Hôn mê sâu (hôn mê nặng, hôn mê độ 3).
Các hội chứng ý thức bị mù mờ:
Đó là những hội chứng rối loạn ý thức có rối loạn tâm thần kèm theo.
Hội chứng mê sảng:
Hội chứng mê sảng là trạng thái rối loạn ý thức phát triển cấp tính. Đặc điểm của rối loạn định hướng và rối loạn các chức năng tâm thần khác thể hiện như sau:
Về định hướng: rối loạn định hướng về môi trường xung quanh, về thời gian và không gian; định hướng về bản thân còn duy trì.
Tri giác: người bệnh có rất nhiều rối loạn tri giác (ảo ảnh kỳ lạ và ảo giác, đặc biệt là ảo thị). Người bệnh thường thấy những côn trùng, những động vật nhỏ rất di động. Cũng có thể là những cảnh tượng, những hình ảnh rực rỡ, sinh động, mang tính chất rùng rợn, ghê sợ nhằm chống lại người bệnh. Đồng thời người bệnh nghe những lời đe doạ, những ảo thanh ra lệnh.
Tư duy: người bệnh có thể có hoang tưởng cảm thụ. Hoang tưởng mang tính chất rời rạc, gắn liền với ảo giác, dễ biến đổi.
Cảm xúc: những rối loạn tri giác gây cho người bệnh cảm xúc căng thẳng, kinh sợ, hốt hoảng.
Hành vi tác phong: người bệnh phản ứng rất tích cực với hình ảnh của ảo giác và hoang tưởng: bắt những con vật, chống lại những con quái vật ghê sợ đang tấn công mình. Với mục đích tự vệ, họ chạy ra sân, chui vào gầm giường, ném vào kẻ địch tưởng tượng… Những hành vi mang tính chất kích động, nguy hiểm.
Trí nhớ: sau mê sảng người bệnh nhớ rời rạc, từng mảng cảnh mê và cảnh thực.
Nói chung hội chứng mê sảng thường tăng lên về tối và đêm. Thỉnh thoảng có xen vào khoảng thời gian ngắn ý thức tỉnh táo, sáng sủa trở lại: người bệnh nhận thức được môi trường xung quanh, trả lời đúng câu hỏi, đánh giá đúng trạng thái bệnh lí của mình.
Hội chứng mê sảng có thể kéo dài 2 – 3 ngày, có khi 7 – 8 ngày, đây là hội chứng đặc trưng cho những bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc.
Hội chứng mê mộng:
Đây là trạng thái rối loạn ý thức mà người bệnh giống như vừa sống trong cảnh chiêm bao, vừa sống trong cảnh thực. Sự phản ánh của người bệnh thể hiện sự pha trộn kì dị giữa hình ảnh của thế giới thực tại với hình ảnh kì quái hoang đường nổi lên trong ý thức. Có thể nói hội chứng mê mộng dường như là hoang tưởng kỳ quái được trông thấy, người bệnh nhìn thấy hoang tưởng. Sự rối loạn các chức năng tâm thần biểu hiện trong hội chứng mê mộng như sau:
Định hướng: định hướng về môi trường xung quanh và bản thân đều rối loạn nặng hơn mê sảng.
Tri giác: về thế giới thực tại khách quan hầu như ngừng lại trừ những điều có liên quan đến hình ảnh mê mộng. Người bệnh có nhiều ảo giác mang tính chất ảo giác giả. Những hình ảnh như biểu tượng, hiện ra như trong giấc mơ.
Tư duy: hoang tưởng cảm thụ (nhận nhầm). Nói chung nội dung của ảo giác, hoang tưởng mang tính chất kỳ quái, hoang đường. Người bệnh như sống trong cảnh thần tiên, đang sống trong thế giới âm phủ, du lịch trên các hành tinh hoặc sống giữa đám dân chúng thành La Mã cổ đại … Nội dung hoang tưởng, ảo giác cũng có thể mang tính chất trầm cảm mở rộng: người bệnh sống và đang chứng kiến các tai hoạ, thảm hoạ trên thế giới: động đất, núi lửa tàn phá thành phố, chiến tranh thế giới hủy diệt, điêu tàn,…
Cảm xúc: nét mặt người bệnh thường đơn điệu, đờ đẫn, thờ ơ, hờ hững, không lo âu, căng thẳng như trong mê sảng.
Hành vi tác phong: hành vi không tương xứng với nội dung của ảo giác và hoang tưởng. Đặc trưng của hội chứng này là sự phân li giữa thái độ, hành vi của người bệnh với những sự kiện kỳ dị phát sinh trong ý thức:
Bên trong, người bệnh sống say mê, hoạt động cùng ảo giác, hoang tưởng.
Bên ngoài, người bệnh ít hoạt động hoặc bất động. Cũng có thể có kích động, nhưng kích động đơn điệu, vô nghĩa.
Trí nhớ: sau mê mộng, người bệnh rất nhớ chi tiết cảnh mộng. Những cảnh thực xen kẽ, người bệnh nhớ rất ít hoặc không nhớ.
Có thể nhận xét, so sánh giữa hội chứng mê mộng và hội chứng mê sảng qua vai trò của người bệnh với ảo giác và hoang tưởng: Trong mê sảng, người bệnh vừa là khán giả vừa là diễn viên, như một người trong cuộc tham gia hoạt động cùng ảo giác. Những người xung quanh (nhân viên, người bệnh khác…) cũng được tri giác một cách phù hợp với nội dung mê mộng. Họ cũng là những nhân vật tham gia hoạt động trong cảnh mộng.
Thời gian mộng có thể kéo dài từ vài ngày tới vài tuần. Hội chứng mê mộng hay gặp nhất trong bệnh TTPL (thể căng trương lực – mê mộng).
Hội chứng lú lẫn:
Đây là hội chứng rối loạn ý thức nặng. Điểm đặc trưng của hội chứng này là trạng thái bàng hoàng, ngơ ngác, tư duy rời rạc, không thể tiếp xúc được.
Định hướng: định hướng về môi trường xung quanh và bản thân bị rối loạn trầm trọng.
Tri giác: người bệnh chỉ tri giác những đối tượng lẻ tẻ bên ngoài, không thể tổng hợp lại được. Đưa cho người bệnh những đồ vật thường dùng, người bệnh cũng không thể xác định được những vật đó dùng làm gì. Đôi khi có ảo thanh thô sơ.
Tư duy: tư duy rời rạc, thể hiện ở lời nói của người bệnh là tập hợp từng tiếng, từng vần rời rạc với nhau; thường thấy hiện tượng nói lặp đi lặp lại.
Cảm xúc: cảm xúc hết sức không ổn định: khi cười, khi khóc, khi thờ ơ, khi trầm cảm; thường biểu hiện sự bàng hoàng, ngơ ngác.
Hành vi tác phong: người bệnh hoàn toàn bất lực trước mọi vấn đề. Sự vật vã hay kích động cũng khá đơn điệu, chỉ hạn chế trong phạm vi giường nằm. Những động tác của người bệnh cũng rời rạc, vô nghĩa; ném lung tung, rùng mình, uốn éo, vặn vẹo, tay dang rộng,…
Trí nhớ: sau lú lẫn, người bệnh quên hết cả. Khi hội chứng lú lẫn nặng, có thể chuyển sang trạng thái giống căng trương lực. Khi trạng thái lú lẫn bớt đi, người bệnh trở lại yên tĩnh hơn, bớt nói nhiều, nhưng ý thức không trở lại sáng sủa như trong hội chứng mê sảng. Người bệnh thể hiện rõ trạng thái suy kiệt và ức chế hoạt động tâm thần.
Trạng thái lú lẫn kéo dài hơn trạng thái mê sảng: 3 – 4 tuần lễ. Ra khỏi trạng thái lú lẫn, người bệnh còn bị suy nhược rõ rệt trong một thời gian dài .
Hội chứng lú lẫn thường gặp nhất trong các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc và các bệnh thực thể não.
Hội chứng hoàng hôn:
Hoàng hôn là trạng thái ý thức bị thu hẹp, nửa tối, nửa sáng. Hội chứng xuất hiện đột ngột, duy trì một thời gian ngắn rồi kết thúc đột ngột.
Định hướng: người bệnh đột ngột rơi vào trạng thái mất định hướng nặng.
Tri giác: cũng có trường hợp không có ảo giác. Nhưng thường là những ảo giác ghê rợn, nhìn thấy máu chảy, xác chết, thấy người ta giết người, hoặc có người dữ tợn đang tấn công mình; có thể kèm theo ảo thanh ra lệnh.
Tư duy: có thể có hoang tưởng cảm thụ cấp.
Cảm xúc: thường biểu hiện sự loạn cảm, cảm xúc căng thẳng, buồn rầu, bất bình.
Hành vi: những động tác, hành vi thường có tính kế tục ăn khớp nhau nên nhìn bề ngoài hoàn toàn chỉnh tề. Nhưng thường do ảo giác, hoang tưởng và loạn cảm chi phối khiến hành vi của người bệnh hết sức nguy hiểm, hạ sát, đánh què một cách dã man người thân thích hay hàng loạt người mà họ cho là kẻ thù. Trong cơn, người bệnh phá phách một cách vô nghĩa tất cả những gì ngăn cản trước mắt. Người bệnh tấn công vào con người (sinh vật sống) cũng như đồ vật (vật vô tri vô giác) một cách tàn ác như nhau (do mất định hướng).
Trí nhớ: thường cơn rối loạn ý thức hoàng hôn kết thúc đột ngột kèm theo sau là giấc ngủ say. Người bệnh hoàn toàn không nhớ gì về sự việc xảy ra trong cơn. Đối với hành động tội lỗi có khi rất nghiêm trọng của mình, người bệnh có thái độ như là đối với hành động của người khác chứ không phải của mình
Ngoài ra, có loại rối loạn ý thức hoàng hôn tiến triển không có ảo giác, hoang tưởng và rối loạn cảm xúc. Hội chứng thể hiện ở một số trạng thái sau:
Cơn tự động lang thang, người bệnh du hành một cách vô ý thức qua đường phố, đi tàu xe, trả lời các câu hỏi đơn giản, làm mọi việc như một cái máy. Người ngoài chỉ có cảm tưởng đây là người đãng trí, đang tập trung vào cái gì đó.
Trạng thái miên hành hay nguyệt hành, thường xuất hiện về đêm, trong giấc ngủ người bệnh trở dậy, đi lại, thực hiện một số động tác tự động, sau đó lại lên giường ngủ. Nếu cản trở người bệnh trong trạng thái này, có thể gây lên hành động tấn công mãnh liệt. Lúc tỉnh dậy, người bệnh không nhớ gì về hành động của mình xảy ra trong cơn.
Hội chứng hoàng hôn hay xảy ra trong bệnh động kinh, CTSN hoặc các bệnh thực thể nặng ở não.