Khái niệm tâm lí học.
Hoạt động gồm có 2 loại:
Hoạt động có ý chí.
Hoạt động không có ý chí (bản năng).
Hoạt động có ý chí:
Hoạt động có ý chí là một quá trình hoạt động tâm thần có mục đích, phương hướng rõ ràng. loại hoạt động này chỉ xuất hiện ở người mà không ở động vật. Con người không những thích nghi với các điều kiện sinh sống mà còn thông qua hoạt động có ý chí để cải tạo thiên nhiên và xã hội, làm cho đời sống ngày một tốt đẹp hơn. Để thực hiện hoạt động có ý chí, cần phải có sự tham gia của các quá trình chú ý, phán đoán, suy luận, vận dụng các kiến thức, các kinh nghiệm đã có, vận dụng các đặc điểm của nhân cách (tính cương quyết, tính độc lập, tính tự chủ…).
Hoạt động bản năng:
Hoạt động bản năng là những hoạt động nhằm thoả mãn các nhu cầu sinh vật (ăn uống, tình dục…) và thích nghi với các điều kiện sinh sống của môi trường (yêu cầu sinh tồn). Hoạt động bản năng xuất hiện như những phản xạ không điều kiện bẩm sinh. Các quá trình thần kinh chi phối bản năng chủ yếu xuất hiện ở các trung khu dưới vỏ não và ở hệ thần kinh thực vật.
Mối quan hệ giữa hoạt động có ý chí và hoạt động bản năng ở người:
Hoạt động bản năng đôi khi rất mạnh, có thể chi phối cả tác phong, hành vi con người, nhất là ở trẻ em và các người mắc bệnh tâm thần có tổn thương thực thể ở não. Ở người bình thường hoạt động bản năng luôn luôn kìm chế của sự hoạt động có ý chí. Chỉ khi nào bị bệnh, hoạt động ý chí bị giảm sút, vỏ não bị suy yếu, vùng dưới vỏ não thoát li sự kìm chế thì hoạt động bản năng mới nổi lên một cách hỗn loạn được.
Rối loạn hoạt động có ý chí.
Rối loạn vận động:
Giảm vận động, giảm động tác: gặp trong trạng thái lú lẫn.
Mất vận động, mất động tác: gặp trong trạng thái bất động ở rối loạn phân li, TTPL.
Tăng vận động, tăng động tác: người bệnh có những động tác thừa, động tác tự động như run, nháy mắt, nháy môi, nhún vai,… gặp trong trạng thái hưng cảm, trong TTPL.
Động tác dị thường là những động tác không có ý nghĩa, không cần thiết, có tính chất định hình như siết mạnh tay, ngửa mặt nhìn trừng trừng,… gặp trong TTPL.
Rối loạn hoạt động có ý chí:
Giảm hoạt động: gặp trong trạng thái suy nhược trầm cảm.
Tăng hoạt động: gặp trong trạng thái hưng cảm.
Mất hoạt động: gặp trong TTPL, loạn tâm thần phản ứng.
Rối loạn hoạt động bản năng.
Hành vi xung động:
Khác với hành vi ám ảnh, các hành vi xung động xuất hiện đột ngột, không có sự đấu tranh bên trong để kiềm chế lại. Các hành vi này xảy ra vô cớ, vô nghĩa và mãnh liệt. Ví dụ: người bệnh đột nhiên nhảy xuống đất khi ô tô đang chạy, đánh đập túi bụi, phá hoại tất cả những vật gì rơi vào tầm tay mình, lăn lộn trên nền đất, xé quần áo, tự sát, giết người thân.
Những xung động bản năng:
Say mê xung động: xuất hiện có tính chất từng cơn, thường là các khát vọng xâm chiếm lí trí, chế ngự toàn bộ tác phong người bệnh. Người bệnh nhớ lại thời gian lên cơn một cách không hoàn toàn.
Xung động đi lang thang: là khuynh hướng khát vọng không thể nén được xuất hiện có tính chất chu kì đối với việc bỏ nhà, bỏ trường học, bỏ gia đình, đi lêu lổng nơi xa, khi cơn say mê xuất hiện thì không suy nghĩ gì về hậu quả có thể xảy ra và cuộc đi lang thang có thể kéo dài hàng ngày, hàng tuần.
Xung động trộm cắp: là sự ham thích ăn cắp, xuất hiện đột ngột, không có mục đích hay lí do xác đáng, ăn cắp rồi đem vứt đi, đem cho hoặc tặng người khác hoặc bỏ quên hoặc trả lại người đã mất.
Xung động đốt nhà: là khát vọng đốt nhà không nén nổi được tiến hành không có mục đích và gây ra tai nạn.
Xung động giết người: đột nhiên xuất hiện không có nguyên cớ, có thể lặp đi, lặp lại nhiều lần.
Thèm uống: người bệnh có những cơn khát nước, uống mãi cũng không đỡ khát.
Thèm ăn: người bệnh có những cơn đói ghê gớm ăn mãi cũng không thấy no.
Lệch lạc tình dục: với các biểu hiện thủ dâm, loạn dâm đồng giới, khổ dâm chủ động, khổ dâm bị động, loạn dâm với trẻ em, loạn dâm với súc vật.
Các rối loạn bản năng kể trên có thể gặp trong TTPL, liệt tiến triển, nhân cách bệnh… Có thể do thiếu giáo dục thích hợp và chịu ảnh hưởng xấu của môi trường.
Hội chứng căng trương lực.
Các trạng thái căng trương lực:
Hội chứng kích động căng trương lực:
Thường xuyên xuất hiện đột ngột, từng đợt xen kẽ với trạng thái bất động. Trạng thái kích động mang nhiều hình thái khác nhau, thường có trạng thái kế tiếp nhau như sau:
Kích động với tính chất bàng hoàng, kịch tính:
Cảm xúc: lúc đầu hưng phấn theo kiểu bối rối, say đắm. Trạng thái bối rối là sự phấn khởi một cách quá đáng thiếu tự nhiên, hay cười vô duyên cớ, nét mặt có những nét đối lập: miệng cười trong khi mắt đầy nước mắt.
Tư duy: người bệnh nói nhiều có tính chất phô trương, khó hiểu. Tư duy ngắt quãng, ứ đọng và tư duy tượng trưng.
Vận động: biểu hiện thiếu tự nhiên, kiểu cách; thường có động tác kì dị, vô nghĩa mang tính chất định hình, đơn điệu như rung đùi, lắc người nhịp nhàng, trợn mắt nhìn trừng trừng, vỗ tay.
Tính phủ định: người bệnh hành động ngược lại hoặc chống đối một cách vô nghĩa, không duyên cớ, bao gồm 2 loại phủ định:
Phủ định chủ động: người bệnh làm ngược lại lời thầy thuốc. Ví dụ: bảo há miệng lại mím chặt môi, chống đối không cho mở miệng và khi cho ăn lại quay đi, khi mang thức ăn đi người bệnh lại vơ lấy một cách tham lam.
Phủ định thụ động: người bệnh không làm theo lời thầy thuốc.
Kích động với tính chất si dại, lố bịch:
Cảm xúc: từ cảm xúc hưng phấn say đắm, bối rối chuyển thành vô nghĩa đùa tếu. Ví dụ: người bệnh nhăn nhó vô nghĩa, cười không duyên cớ, pha trò nhạt nhẽo.
Tư duy: hưng phấn, nói nhiều.
Vận động: hưng phấn, đùa tếu, nhào lộn, vồ vào người xung quanh, ném vứt đồ đạc, xé quần áo và có hành động phủ định.
Kích động mang tính chất xung động:
Vận động: bỗng nhiên nhảy khỏi giừơng nằm, chạy như quay chong chóng tại chỗ, nhảy nhót, hét to, văng tục, xé quần áo. Ở mức độ nặng hơn thấy kích động hỗn loạn, liên tục, người bệnh cào cấu, tự gây thương tích cho mình, chống đối lại người giữ mình.
Cảm xúc: khi tìm cách giữ người bệnh lại để cho ăn, uống thuốc,… người bệnh chống đối một cách vô lí, giận dữ một cách vô nghĩa gọi là phản ứng cảm xúc giả.
Tư duy: ngôn ngữ rối loạn nặng, các biểu hiện như nói lặp lại (pallilalia) đáp lặp lại (verbigeration), có thể có triệu chứng nhại lời (echolalia), nhại động tác của người xung quanh (echokinesia).
Kích động im lặng: giai đoạn này đổi khác mang tính chất nhịp điệu, nhịp nhàng giống như múa vờn, múa giật, người bệnh không nói, thầm lặng (gọi là kích động im lặng hoặc kích động câm).
Hội chứng bất động căng trương lực:
Có thể gặp bất động không hoàn toàn và bất động hoàn toàn.
Bất động không hoàn toàn (bán bất động):
Người bệnh ngày càng ít nói đến không nói, ngồi lâu một tư thế.
Có hiện tượng định hình, lặp lại một cách định hình một động tác nào đó.
Có hiện tượng bánh xe răng cưa, rồi xuất hiện triệu chứng giữ nguyên dáng, hay uốn sáp, người bệnh giữ nguyên một tư thế đặt sẵn, đổ ra trong nhưng tư thế không thuận lợi, kỳ lạ của đầu, tay và chân (như các hình được nặn bằng sáp).
Triệu chứng uốn sáp đầu tiên xuất hiện ở cơ cổ sau đến tay và chân.
Đồng thời người bệnh có triệu chứng Pavlov là trạng thái giai đoạn nghịch thường.
Nói bằng giọng bình thường người bệnh không đáp ứng, nói thầm lại đáp ứng, có khi không trả lời bằng lời nói nhưng lại viết vào giấy.
Người bệnh ban ngày thì bất động, im lặng nhưng đến đếm yên tĩnh hoàn toàn thì lại bắt đầu vận động, ăn uống, có khi lại nói.
Bất động hoàn toàn (bất động phủ định):
Người bệnh nằm trong tư thế bào thai (tư thế các cơ gấp).
Trương lực cơ tăng, tất cả các cơ căng cứng, hai hàm cắn chặt.
Không trả lời câu hỏi, không phản ứng đối với xung quanh cũng không phản ứng với cả tư thế của bản thân. Không có gì xung quanh có thể tác động lại trạng thái đờ đẫn, bất động hoặc làm thay đổi nét mặt như tượng của bệnh nhân. Sờ vào người, châm kim hoặc kích thích nhiệt không gây phản ứng ở người bệnh.
Người bệnh ít chớp mắt, nhưng còn chớp mắt phản xạ, có triệu chứng Bumke: kích thích đau và kích thích xúc cảm đồng tử không giãn.
Trong trạng thái bất động hoàn toàn, người bệnh biểu hiện rõ tính phủ định, mỗi sự can thiệp làm thay đổi tư thế người bệnh đều gây hành động chống đối và trương lực cơ tăng mạnh lên.
Tóm lại: hội chứng bất động căng trương lực mang tính chất thầm lặng, phủ định và tăng trương lực cơ, xuất hiện sau kích động căng trương lực hoặc bệnh mới phát sinh, có thể kéo dài hàng tuần và hàng tháng.
Các thể lâm sàng của căng trương lực:
Hội chứng căng trương lực nói chung (cả kích động và bất động) được chia 2 loại, căng trương lực tỉnh táo và căng trương lực mê mộng.
Căng trương lực tỉnh táo:
Trong thời gian căng trương lực, ý thức người bệnh vẫn tỉnh táo, sáng sủa, người bệnh tri giác được đầy đủ và chi tiết các sự kiện xung quanh, nhớ chi tiết và chính xác các sự kiện đó. Trong thời kỳ kích động căng trương lực thì thể kích động xung động chiếm ưu thế. Trong thời kỳ bất động thì trong trạng thái bất động hoàn toàn (bất động phủ định) chiếm ưu thế.
Căng trương lực mê mộng:
Trong căng trương lực mê mộng có trạng thái mù mờ ý thức (mê mộng), người bệnh có nhiều rối loạn tri giác, tri giác về xung quanh bị biến đổi. Sau trạng thái căng trương lực mê mộng, người bệnh không nhớ sự kiện thực tại hoặc nhớ một phần, song lại nhớ khá chi tiết cảnh mộng (nội dung ảo giác của người bệnh). Đặc trưng của căng trương lực mê mộng ở thời kỳ kích động là kích động bàng hoàng, bối rối, còn thời kỳ bất động là trạng thái bất động (bất động không hoàn toàn) với hiện tượng giữ nguyên dáng chiếm ưu thế.
Một số hội chứng rối loạn hoạt động khác.
Các hội chứng hưng phấn tâm lí – vận động:
Hội chứng kích động thanh xuân:
Hội chứng kích động thanh xuân gặp trong bệnh TTPL, ở những người trẻ tuổi. Kích động mang tính chất dữ dội, mãnh liệt với những động tác si dại, lố bịch, vô nghĩa, thiếu tự nhiên như cười hô hố, đùa cợt thô lỗ, nhăn nhó mặt mày, làm ngáo ộp, nhảy nhót, gào thét, đập phá, nằm hoặc ngồi theo những tư thế kỳ dị; tác phong thiếu lịch sự, bừa bãi, mất vệ sinh, ăn bốc, tiểu tiện ra nhà,…
Hội chứng kích động hưng cảm:
Hội chứng kích động hưng cảm gặp trong hội chứng rối loạn hưng cảm khi có thể kiệt sức hoặc kèm theo bệnh cơ thể, nhiễm khuẩn. Trên cơ sở rối loạn hưng phấn vận động sẵn có hoạt động của người bệnh tăng quá mức, đột ngột…
Hội chứng kích động – động kinh:
Hội chứng kích động – động kinh xuất hiện đột ngột trong trạng thái rối loạn ý thức (hoàng hôn) và loạn cảm, cơn kéo dài vài giờ, vài ngày. Hành vi của người bệnh mang tính chất vừa tự vệ vừa tấn công (thường do ảo giác ghê rợn và hoang tưởng bị truy hại chi phối) nên có xu hướng phá hoại nguy hiểm cho xã hội. Sau cơn người bệnh quên hết sự việc xảy ra.
Hội chứng kích động kiểu phân li (hysteria):
Hội chứng kích động kiểu phân li xuất hiện sau sang chấn tâm thần hoặc sau cảm xúc mạnh. Người bệnh ở tư thế say mê hoặc uốn người, tay chân đập loạn xạ, xé quần áo, la hét, khóc lóc,… hành vi mang tính chất phô trương, biểu diễn; nét mặt nhăn nhó, đau khổ, thể hiện nội dung sang chấn.
Hội chứng kích động nhân cách bệnh:
Hội chứng kích động nhân cách bệnh xuất hiện do nguyên nhân không đáng kể bên ngoài và kích động có phương hướng nhất định. Người bệnh tự nhiên căng thẳng, dữ tợn, đập phá, văng tục đám đá người đến can thiệp. Trong cơn không có rối loạn ý thức.
Các hội chứng ức chế tâm lí – vận động:
Hội chứng bất động trầm cảm:
Hội chứng bất động trầm cảm hình thành từ từ. Người bệnh suốt ngày ngồi im một tư thế, mặt đau khổ, nước mắt lưng tròng, không ăn, không tiếp xúc; không có vận động dị thường và không có rối loạn ý thức.
Hội chứng bất động ảo giác:
Hội chứng bất động ảo giác xuất hiện do tác động của ảo giác, tri giác nhầm, ảo ảnh kỳ lạ. Đây là trạng thái ức chế vận động tạm thời; tư thế người bệnh tương ứng với hình thức và tính chất của ảo giác cũng như nội dung phản ứng cảm xúc; không có rối loạn ý thức.
Hội chứng bất động – động kinh:
Hội chứng bất động – động kinh xuất hiện đột ngột trong trạng thái rối loạn ý thức. Người bệnh trong tư thế say mê, ngơ ngẩn, mắt lờ đờ, nét mặt nghèo nàn hoặc biểu hiện nội dung rối loạn tri giác, không phản ứng với kích thích ngoại cảnh, trạng thái kéo dài vài giờ đến vài ngày.
Hội chứng bất động sau cảm xúc mạnh:
Hội chứng bất động xuất hiện sau cảm xúc quá mạnh và bất ngờ. Người bệnh không nói được, xuất hiện rối loạn thực vật: ra mồ hôi, mạch nhanh, mặt tái, ỉa lỏng… không kèm theo rối loạn ý thức; kéo dài vài giờ đến vài ngày và đột nhiên mất đi.
Hội chứng bất động phân li:
Hội chứng bất động phân li xuất hiện do sang chấn tâm thần, nhiều khi sang chấn không mạnh lắm. Người bệnh từ từ ngã xuống và hoàn toàn bất động với tính chất trẻ em sa sút giả, tư thế kỳ dị. Nét mặt mất linh hoạt, cảm xúc lo sợ buồn rầu, thường im lặng không nói. Người bệnh không rối loạn ý thức, không có hoạt động dị thường; trạng thái này mất đi khi hoàn cảnh gây sang chấn mất đi.