Đại cương
Bệnh khô mắt do thiếu vitamin A là biểu hiện sớm và đặc hiệu ở mắt của một bệnh toàn thân do thiếu Vitamin A gây ra bao gồm những tổn thương trên kết mạc, giác mạc và võng mạc.
Những biến đổi ở mắt do thiếu vitamin A, bao gồm nhiều mức độ: khô kết mạc biểu hiện tình trạng thiếu vitamin A nhẹ, khô giác mạc thường để chỉ thiếu vitamin A ở mức độ nặng hơn. Khô nhuyễn giác mạc là hình thái trầm trọng nhất ở mắt, làm tiêu giác mạc và thường dẫn đến mù loà vĩnh viễn. Những trẻ em bị khô mắt còn có những bệnh toàn thân kèm theo như ỉa chảy, các bệnh đường hô hấp (viêm phổi), và bệnh sởi.
Nguyên nhân
Do thiếu vitamin A, là loại vitamin cần thiết cho sự phát triển, sức khoẻ, và chức năng bình thường của các mô bề mặt, như biểu mô của da và niêm mạc, và các mô của mắt, đặc biệt là kết mạc, giác mạc và võng mạc.
Những đối tượng có nguy cơ cao của thiếu vitamin A:
Những trẻ em không được nuôi bằng sữa mẹ hoặc cai sữa sớm, con của những bà mẹ thiếu vitamin A dự trữ trong thời kỳ mang thai hoặc những đứa trẻ có cân nặng sau sinh thấp.
Những trẻ
Chẩn đoán
Lâm sàng
Những biểu hiện sớm và đặc hiệu của bệnh khô mắt gần như theo một trình tự:
+ Quáng gà (XN): đứa trẻ nhìn kém vào lúc có ánh sáng yếu (chập tối). Đây là dấu hiệu quan trọng cần được phát hiện sớm, trẻ sẽ trở lại bình thường khi dùng vitamin A liều điều trị trong 1 – 2 ngày.
+ Khô kết mạc (X1A): kết mạc bình thường sáng, trắng bóng, luôn được phủ một lớp rất mỏng nước mắt. Khi kết mạc khô, có những mảng mất bóng, sù sì, không có nước mắt. Cũng có trường hợp kết mạc khô tạo thành những nếp nhăn.
Dấu hiệu khô kết mạc là dấu hiệu khó phát hiện. Nếu phát hiện được điều trị bằng vitamin A liều cao sau 2 tuần sẽ hết.
+ Vệt Bitot (X1B): là đám tế bào biểu mô tăng sừng hoá của kết mạc tạo thành mảng nổi lên thường có màu trắng sáng hoặc vàng nhạt. Vệt Bitot thường có hình ovan hoặc hình tam giác, ở vị trí kết mạc góc mũi hoặc thái dương và đáy bám theo rìa giác mạc, đỉnh quay về phía mũi hoặc thái dương. Vệt Bitot đôi khi không mất đi sau điều trị bằng vitamin A liều cao nhưng nó không ảnh hưởng tới thị lực.
+ Khô giác mạc (X2): bề mặt của giác mạc có những chấm mờ đục hoặc chấm trắng. Khi có dấu hiệu này giác mạc thường kèm theo những phản ứng chói sợ ánh sáng. Khô mắt tiến triển nhanh tuy nhiên có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng vitamin A liều cao trong 1 – 2 tuần.
+ Loét nhuyễn giác mạc (X3A, X3B): khi khô giác mạc không được điều trị sớm và đầy đủ sẽ tiến triển dẫn đến tổn thương biểu mô giác mạc, tạo lên những ổ loét. Lúc này đứa trẻ rất chói, sợ ánh sáng, mắt luôn nhắm nghiền. Triệu chứng này có thể điều trị khỏi bằng vitamin A liều cao nhưng thường để lại sẹo giác mạc.
Nhuyễn giác mạc là giai đoạn nặng tiếp theo của khô giác mạc hoặc loét giác mạc không được điều trị kịp thời. Giác mạc bị phủ một lớp trắng đục, toàn bộ giác mạc bị mềm nhũn, hoại tử dẫn đến thủng và phòi mống mắt.
+ Sẹo giác mạc (XS): sẹo giác mạc có màu trắng đục. Có thể dính mống mắt hoặc giãn lồi, gây tăng biến dạng giác mạc và tăng nhãn áp.
+ Tổn hại võng mạc do khô mắt.
Cận lâm sàng
Định lượng Vitamin A trong huyết thanh.
Tế bào học: Áp kết mạc tìm tế bào hình đài.
Đo ngưỡng thích nghi sáng tối.
Điện võng mạc giảm sút.
Chẩn đoán xác định
Dựa vào các triệu chứng lâm sàng như quáng gà, khô kết mạc, vết Bitot, khô giác mạc, nhuyễn giác mạc ở trẻ suy dinh dưỡng với các bệnh toàn thân kèm theo như tiêu chảy, viêm phổi, sởi. Các dấu hiệu cận lâm sàng như giảm lượng vitamin A trong huyết thanh…
Chẩn đoán phân biệt
Các viêm kết giác mạc do các nguyên nhân khác.
Các hội chứng khô mắt khác : hội chứng Stevens- Johnson, Sojgren…
Các bệnh lí đáy mắt khác gây quáng gà.
Điều trị
Nguyên tắc chung
Bổ xung vitamin A.
Điều trị bệnh toàn thân kèm theo: tiêu chảy, sởi, viêm đường hô hấp.
Chống nhiễm trùng.
Điều trị tổn thương tại mắt như loét chống dính.
Điều trị các di chứng tại mắt như sẹo giác mạc.
Điều trị ngoại khoa khi cần thiết.
Điều trị cụ thể
Vitamin A :
+ Ngay sau khi chẩn đoán: uống vitamin A 200.000 đv x 1 viên (sử dụng 1/2 liều với trẻ dưới 1 tuổi).
+ Ngày hôm sau: 200.000 đv vitamin A uống.
+ Hai tuần sau: 200.000 đv vitamin A uống.
+ Nếu nôn kéo dài hoặc ỉa chảy nhiều, có thể thay thế liều đầu tiên bằng tiêm bắp 100.000 đv vitamin A tan trong nước.
Chống dính: Tra Atropin 0,5% 2 lần/ ngày.
Tăng cường dinh dưỡng tại chỗ và toàn thân.
Tra nước mắt nhân tạo 1 giờ 1 lần.
Nếu có nhiễm trùng tại mắt điều trị đặc hiệu chống các tác nhân vi khuẩn hoặc vi rút.
Kết hợp với chuyên khoa nhi để điều trị các bệnh toàn thân và tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Tiến triển và biến chứng
Tiến triển
Bệnh có thể khỏi nếu được điều trị kịp thời ở giai đoạn XN đến X2.
Bệnh tiến triển tuần tự theo giai đoạn nhưng có một số trường hợp tiến triển rất nhanh như trên bệnh nhân bị sởi.
Biến chứng
Sẹo giác mạc.
Thủng giác mạc.
Viêm mủ nội nhãn.
Teo nhãn cầu.
Phòng bệnh
Chế độ ăn đầy đủ cho trẻ (bú mẹ, vitamin A, protein).
Bổ xung vitamin A định kì theo lứa tuổi.
Tiêm chủng mở rộng.
Điều trị sớm và tích cực các bệnh tòan thân.
Phòng chống suy dinh dưỡng.
Tài liệu tham khảo
Fawzi W.W., Herrera. W.C., 1993: Vitamin A supplementation and dietary in relation to the risk of xerophthalmia. The American Journal of clinical Nutrition.
Lee WB, Hamilton SM, Harris JP, et al. 2005: Ocular complications of hypovitaminosis after bariatric surgery. Ophthalmology;112:1031–4.
Peter R Lainson, Christopher J.Rapuano: Diseases of the cornea. Harley,s Pediatric Ophthalmology 4 th. Editions, Chapter 10 215- 257.
Sommer A. 1990: Xerophthalmia, keratomalacia and nutritional blindness. Int Ophthalmol;14:195–9.