Tầm quan trọng của an toàn môi trường
Sống trong một môi trường an toàn là điều mong ước của tất cả mọi người. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại những tai nạn rủi ro vẫn thường xuyên xảy ra và chúng được gọi chung là chấn thương (injuries). Có chấn thương chủ ý như giết người, hành hung, tự tử, hành hạ trẻ em, hãm hiếp và những hành động bạo lực khác; có những chấn thương không chủ ý, xuất hiện bất ngờ, do nhiều loại nguyên nhân khác nhau và gây tổn thương cơ thể hoặc tử vong cho một hoặc nhiều người. Phần an toàn môi trường trong bài này chỉ đề cập đến những loại chấn thương không chủ ý và xảy ra ở ngoài nơi làm việc.
Những năm gần đây, các chấn thương không chủ ý (unintentional injuries) là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở Mỹ đối với những người dưới 44 tuổi và là nguyên nhân đứng thứ tư trong tất cả các trường hợp tử vong ở Mỹ. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) năm 1988, chỉ số những năm sống tiềm tàng bị mất (YPLL) do chấn thương không chủ ý đứng vị trí hàng đầu ở lứa tuổi dưới 65 với 2.319.400 năm sống bị mất, bằng 18,9% tổng số YPLL. Tỷ lệ này đối với bệnh ung thư là 14,7%, bệnh tim mạch là 11,9%, tự tử và giết người là 11,1% và dị dạng bẩm sinh là 5,5%.
ở Việt Nam, theo điều tra liên trường về chấn thương ở Việt Nam do Lê Vũ Anh và cộng sự thực hiện năm 2003 (VMIS) thì chấn thương đã thực sự trở thành nguyên nhân có tỷ lệ gây tử vong lớn nhất ở nhóm tuổi dưới 19. Khi xét các nhóm nguyên nhân chính dẫn đến tử vong thì chấn thương gây ra 33,1% số trường hợp tử vong, bệnh mạn tính gây ra 57,3%, trong khi đó bệnh truyền nhiễm chỉ gây ra 9,6%. Chỉ tính riêng số tai nạn giao thông trong năm 2002 cả nước đã có 27.891 vụ, làm cho 13.174 người chết và 30.987 người bị thương tật. Theo VMIS thì tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu gây ra chấn thương không tử vong với tỷ suất là 1.408, 5 trường hợp trên 100.000 người. Nguyên nhân lớn thứ 2 dẫn đến chấn thương không gây tử vong là ngã với tỷ suất là 1.322/100.000, tiếp theo là vật sắc nhọn với tỷ suất: 953,3/100.000 và động vật cắn với tỷ suất: 838,7/100.000. VMIS cho thấy chấn thương đang dần trở thành một trong những nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở Việt Nam.
Trong 3 năm (1997-2000), theo thống kê chưa đầy đủ trên cả nước đã có gần 1400 vụ ngộ độc thực phẩm, hơn 25.500 người phải vào cấp cứu ở bệnh viện và 217
người bị chết. Riêng ngộ độc do ăn cá nóc chỉ trong 18 tháng (2001 và 6 tháng đầu năm 2002) đã có 230 người bị ngộ độc và 42 người bị tử vong. ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long, vào mùa lũ lụt hàng năm có hàng trăm trẻ bị chết đuối, tai nạn điện giật gây chết người ở đây cũng rất phổ biến. Tỉnh Bến Tre có 80 người chết vì điện giật trong 5 năm (1997-2001), tỉnh An Giang trong 2 năm chết 58 người (1997-1998), tỉnh Đồng Tháp riêng 7 tháng đầu năm 2001 đã có 13 vụ tai nạn điện giật làm 14 người chết.
Một dạng chấn thương cũng tương đối quan trọng là nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật. Việt Nam là một nước nông nghiệp, với gần 80% dân số sống bằng nghề nông, hầu hết đều có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Theo Niên giám thống kê y tế (2002), trên cả nước có 7.170 vụ nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có 7.647 ca nhiễm độc và 227 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm độc do ăn uống nhầm và lao động là 1.495, trong đó có 33 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, trong thực tế, số ca nhiễm độc còn cao hơn nhiều.
Chấn thương không chủ ý đã trở thành một trong mười nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nước ta hiện nay. Việc thống kê, phân tích các trường hợp chấn thương không chủ ý cho phép tìm ra những nguyên nhân phổ biến dẫn đến chấn thương để từ đây đề ra những biện pháp dự phòng tích cực. An toàn môi trường là một trong những biện pháp hữu hiệu để hạn chế các tai nạn chấn thương không chủ ý xảy ra trong cuộc sống hàng ngày.
Khái niệm chấn thương
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, chấn thương là những tổn thương cho sức khoẻ gây ra bởi sự truyền năng lượng vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể con người. Năng lượng có thể là dạng cơ học, năng lượng nhiệt, năng lượng hoá học, năng lượng bức xạ, năng lượng điện hay sự thiếu hụt của các yếu tố thiết yếu như oxy (sự ngạt thở, chết đuối) hoặc nhiệt (sự giảm thân nhiệt). Năng lượng cơ học là nguyên nhân gây chấn thương phổ biến nhất.
Theo J. J. Gibbons (1961), tất cả mọi hiện tượng chấn thương đều nằm trong những tác động có hại của 5 dạng năng lượng là động năng hoặc cơ năng, hoá năng, điện năng, bức xạ và nhiệt năng.
Jr. William Haddon (1963), chia chấn thương ra thành 3 giai đoạn: giai đoạn trước chấn thương hay tiền sự cố, giai đoạn chấn thương và giai đoạn hậu chấn thương. ở mỗi giai đoạn đều có giải pháp chiến lược phòng ngừa tương ứng (xem bảng 7.1).
Bảng 7.1. Giải pháp chiến lược để kiểm soát chấn thương ở 3 giai đoạn khác nhau của tai nạn, chấn thương
Giai đoạn chấn thương |
Mục đích của giải pháp |
Ví dụ |
|
Đuối nước |
Tự đầu độc |
||
Giai đoạn trước chấn thương |
Ngăn ngừa những điều có thể gây ra chấn thương |
Xây hàng rào xung quanh ao hồ |
Phát hiện và xử lý buồn phiền |
Giai đoạn xảy ra chấn thương |
Ngăn ngừa chấn thương khi sự kiện xảy ra |
Thiết bị cứu hộ cá nhân |
Giới hạn tổng số thuốc kê đơn |
Giai đoạn sau chấn thương |
Ngăn ngừa mức nghiêm trọng hoặc tàn phế khi chấn thương đã xảy ra |
Trợ lực tim phổi |
Loại trừ chất độc ra khỏi cơ thể bằng cách cho nôn hoặc thẩm lọc |
Một số vấn đề an toàn môi trường nhà ở và khu dân cư
An toàn môi trường đối với các sản phẩm tiêu thụ trên thị trường
Các sản phẩm bán trên thị trường rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã và chất lượng. Nếu chúng không được kiểm soát tốt, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan thì sẽ gây nguy hại khôn lường cho người tiêu thụ.
ở Mỹ, mỗi năm có hơn 20 triệu người bị chấn thương và hơn 30.000 người chết do các sản phẩm tiêu thụ không đạt tiêu chuẩn gây ra (xem thêm hộp 7.1). Năm 1972, Quốc hội Mỹ thông qua bộ luật An toàn sản phẩm tiêu thụ và thành lập Uỷ ban An toàn sản phẩm tiêu thụ (CPSC: Consumer Product Safety Commission). Chỉ sau 9 năm có CPSC, số tai nạn chấn thương ở hộ gia đình đã giảm được hơn 2,5 lần. CPSC đã đưa ra tiêu chuẩn cho hơn 10.000 sản phẩm tiêu thụ ở trong nước.
Hộp 7.1. Chấn thương do thuốc ở Mỹ
Năm 1937, một nhà bào chế thuốc tạo ra một dạng thuốc sulfa mới để bán mà người mua không cần theo đơn. Sản phẩm có tên là elixir sulfamilamid gồm bột sulfua hoà trong một dung môi thông thường là diethylen glycol. Luật lệ lúc bấy giờ không yêu cầu phải kiểm tra độ an toàn.
Tuy mới chỉ có 2000 pints (pints = 0, 47 lít) thuốc elixir sulfamilamid được sản xuất và chỉ có 93 pints thuốc được tiêu thụ nhưng đã có 107 người bị chết do tác dụng phụ của dung môi.
Ở Việt Nam, tại thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra trường hợp gần 30 cháu nhỏ bị chết do dùng một loại bột phấn rôm có lẫn chất độc. Việc mua bán, sử dụng các loại thuốc diệt chuột nhập lậu từ Trung Quốc cũng gây ra những hậu quả tai hại. ở Bệnh viện Bạch Mai, riêng năm 1995 đã có 51 trường hợp cấp cứu ngộ độc thuốc chuột, 5 trường hợp là do trẻ em và người già ăn nhầm. Bệnh viện Nhi Trung ương chỉ trong 3 tháng (1/1/1997 – 3/4/1997) đã phải cấp cứu 36 trường hợp ngộ độc thuốc chuột, có 10 trường hợp rất nặng và 2 trường hợp tử vong. Cũng do dùng thuốc chuột Trung Quốc bừa bãi mà năm 1997 tại xã Hải Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã có 500 con chó và 200 con mèo bi ngộ độc chết, thiệt hại lên tới 80 triệu đồng. Hội Bảo vệ người tiêu dùng đã được thành lập ở Việt Nam và ngày càng phát huy vai trò tích cực trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng trong nước.
An toàn môi trường khi ở nhà
Chấn thương khi ở nhà được hiểu là một chấn thương xảy ra trong phạm vi khu vực nhà ở đối với các thành viên của gia đình hoặc những người khách được mời của gia đình (Monroe T. Morgan, 1997).
Phần lớn cuộc đời của một con người là sống ở trong nhà và xung quanh nhà. Trẻ em sinh hoạt ở nhà gần 90% tổng số thời gian của chúng. Khi lớn lên, trẻ đi học, thời gian trẻ sống ở nhà ít dần. ở tuổi lao động, ngoài thời gian đi làm, con người chủ yếu sống và nghỉ ngơi ở nhà. Khi về hưu, người cao tuổi có hơn 90% thời gian là sống ở nhà. Lứa tuổi nhỏ nhất và lứa tuổi già nhất trong gia đình là những người có nguy cơ bị tai nạn chấn thương ở nhà nhiều nhất.
Chấn thương do ngã
Ngã là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong các trường hợp chấn thương ở nhà. Đối với trẻ em và người già, ngã là nguyên nhân đứng đầu trong danh sách chấn thương không chủ ý tại nhà.
Trẻ em ngã
Rất nhiều trường hợp trẻ em ngã liên quan đến đồ vật trong nhà. Mỗi năm ở Mỹ có khoảng 9.000 trẻ chấn thương do nằm nôi, 8.000 trẻ bị chấn thương do ghế cao và 22.000 trẻ bị chấn thương do giường tầng, phần lớn số này là do ngã. Cho tới 15 tháng tuổi, trẻ ngã khi tập đi khá phổ biến, 92% các trường hợp ngã tập đi là chấn thương ở đầu hoặc mặt. Các đồ vật sắc nhọn, bàn đựng cốc uống nước, mảnh thuỷ tinh vỡ ở sân chơi v.v… khi trẻ ngã xuống có thể gây thương tích ở phần mềm. ở tuổi lớn, thường trên 5 tuổi, trẻ còn hay bị ngã do leo trèo cửa sổ, cây cối. ở những nhà gần sông nước, ao hồ, trẻ đi chơi không có người lớn trông nom rất dễ bị chết đuối do ngã xuống nước. ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long chỉ trong 2 mùa lũ năm 2001, 2002 đã có 600 người chết đuối, 80% là trẻ em, trong đó nhiều trẻ đã bị ngã xuống nước khi chơi ở nhà một mình, bố mẹ và người lớn đi làm vắng. Theo VMIS thì ngã là nguyên nhân đứng thứ hai sau tai nạn giao thông gây ra chấn thương không tử vong ở Việt Nam và ước tính mỗi năm toàn quốc có hơn một triệu người bị ngã mà có ảnh hưởng đến công việc, học tập hay cần chăm sóc y tế.
Biện pháp đề phòng: gửi trẻ ở các nhà trẻ, trẻ nhỏ phải được người lớn trông coi, mùa lũ lụt có nhà giữ trẻ ở vùng lụt, buộc dây an toàn giữ trẻ khi trẻ ở trong thuyền, bè, nhà ngập lũ, không để trẻ nghịch đồ chơi sắc nhọn hoặc dễ gây chấn thương, nhà cửa ngăn nắp, nền nhà không trơn…
Người già ngã
Không giống như trẻ em, người già ngã có thể dẫn đến tử vong. Tỷ lệ chết do ngã ở người già từ 75 tuổi trở lên lớn gấp 12 lần tỷ lệ chết do ngã ở tất cả các lứa tuổi khác. Nguy cơ phải nằm bệnh viện do ngã ở người già gấp gần 7 lần các lứa tuổi khác. Có nhiều yếu tố làm cho người già dễ bị ngã: cơ xương yếu, mắt kém, đất gồ ghề, cầu thang khó đi, thiếu ánh sáng v.v… ở Mỹ, mỗi năm có hơn 7.500.000 trường hợp trượt ngã đường cầu thang, chủ yếu là người già. Theo VMIS thì tỷ suất chấn thương không gây tử vong do ngã ở người già (từ 65 tuổi trở lên) ở Việt Nam là 2.861,6/100.000 dân, cao nhất trong tất cả các nhóm tuổi.
Biện pháp dự phòng: người già nên có người theo dõi, chăm sóc, đi lại yếu nên chống gậy, các lối đi trong và ngoài nhà phải rộng, cầu thang làm bậc không cao quá 25cm, độ chiếu sáng trong nhà và các lối đi đảm bảo, nhà tắm nhà tiêu khô ráo, không trơn trượt. Tập thể dục dưỡng sinh nâng cao sức khoẻ cũng là một giải pháp tốt phòng chấn thương ở tuổi già.
Chấn thương do cháy, bỏng
Hàng năm ở Mỹ có hơn 5.000 người chết do hoả hoạn và bỏng, trung bình mỗi ngày có 13 ca tử vong. Chết do hoả hoạn và bỏng là một trong những tỷ lệ tử vong cao nhất ở các nước công nghiệp hoá. Số người da đen, người nghèo, người cao tuổi và trẻ em có tỷ lệ chết trung bình do hoả hoạn gấp 2-3 lần tỷ lệ chết trung bình do hoả hoạn của cả nước.
Năm 1991, cháy khu dân cư là nguyên nhân đứng thứ 2 của tử vong do chấn thương (chỉ đứng sau tai nạn giao thông) ở lứa tuổi 1-9 tuổi và là nguyên nhân đứng hàng thứ 6 về tử vong do chấn thương ở lứa tuổi từ 65 trở lên. Ba nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do hoả hoạn ở nhà đối với trẻ dưới 5 tuổi là: trẻ chơi diêm gần nguồn bắt lửa (37%), nghịch lửa (19%) và nghịch điện (11%). Ba nguyên nhân chết hàng đầu do hoả hoạn ở nhà đối với người trên 70 tuổi là bất cẩn khi hút thuốc lá (33%), đụng chạm vào lửa (19%) và đụng chạm vào điện (12%). Mục tiêu giảm tử vong do hoả hoạn ở Mỹ vào năm 2000 là 1,2 trường hợp tử vong trên 100.000 dân (năm 1991, tỷ lệ này là 1,5 trường hợp tử vong trên 100.000 dân). Riêng với nhóm dân chúng có nguy cơ cao, tỷ lệ tử vong giảm xuống còng 3,3 trường hợp tử vong trên 100.000 dân (năm 1991, tỷ lệ này ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi là 3,7/100.000 trẻ và ở nhóm người già từ 65 tuổi trở lên là 3,5/100.000 cụ già).
Ở Việt Nam không có những số liệu công bố về tử vong do hoả hoạn, đặc biệt là tử vong người già và trẻ em. Nhưng các vụ hoả hoạn ở các khu dân cư, chợ vẫn xảy ra hàng năm, nhất là vào những mùa hanh khô, điển hình là vụ cháy chợ Đồng Xuân ở Hà Nội, vụ cháy khu Trung tâm Thương mại Quốc tế ở thành phố Hồ Chí Minh, các vụ cháy lẻ tẻ ở các khu dân cư tập trung của thành phố Hồ Chí Minh, v.v… Để kiểm soát được vấn đề này, cần thực hiện các biện pháp sau:
Quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng điện ở gia đình.
Cẩn thận khi sử dụng bếp ga, bếp dầu hoặc hút thuốc lá ở gia đình.
Từng hộ gia đình có phương tiện chữa cháy sẵn sàng.
Thường xuyên tập dượt các tình huống chữa cháy và cứu nạn ở khu dân cư khi hoả hoạn xảy ra.
Luôn sẵn sàng phòng cháy chữa cháy ở các khu thương mại, chợ và cần có đường nước cứu hoả riêng. Khi thiết kế khu thương mại, chợ, khu vực dân cư phải chú ý thiết kế cơ sở hạ tầng cho xe cứu hoả.
Giúp người dân, người kinh doanh có nhận thức và ý thức tốt hơn trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Chấn thương do ngộ độc
Năm 1961, ở Mỹ các vụ ngộ độc đã cướp đi sinh mạng của 450 trẻ dưới 5 tuổi. Người ta ước tính cứ có một trẻ bị chết do ngộ độc thì có 80.000-90.000 trẻ cùng tuổi phải đi cấp cứu do ngộ độc và có 20.000 trẻ phải nằm điều trị tại bệnh viện. Tỷ lệ trẻ bị ngộ độc cao nhất ở lứa tuổi 1-2 tuổi. Nguyên nhân ngộ độc của trẻ chủ yếu do các thuốc tân dược, hoá chất gia dụng như kem cạo râu, dầu tắm, sơn móng tay v.v… Biện pháp dự phòng ngộ độc cho trẻ ở gia đình là thuốc tân dược, các hoá chất gia dụng phải để ở ngoài tầm với của trẻ em, các chất này phải để trong lọ hoặc hộp kín. Không được để lẫn lộn chai lọ thuốc, hoá chất gia dụng với các chai hộp đựng đồ ăn thức uống.
ở Việt Nam, các trường hợp ngộ độc hoá chất ở gia đình chủ yếu là ngộ độc lương thực, thực phẩm bị ô nhiễm hoá chất bảo vệ thực vật, uống các hoá chất bảo vệ thực vật (chấn thương có chủ định) và ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật do ăn uống nhầm. Việc sử dụng bếp than tổ ong gây ô nhiễm không khí bởi các khí độc CO, SO2, CO2 cũng rất nguy hiểm. Biện pháp dự phòng ở đây là phải quản lý chặt chẽ và an toàn tất cả các loại thuốc bảo vệ thực vật, đặt bếp than ở chỗ thoáng gió, tốt nhất là loại trừ hẳn chúng ra khỏi khu vực nhà ở, thay thế bằng các loại bếp khác ít độc hại hơn, giáo dục cho mọi thành viên trong gia đình ý thức đề phòng ngộ độc.
An toàn môi trường khi tham gia giao thông
Trong thời đại phát triển kinh tế, công nghiệp hoá, đô thị hoá trên khắp cả nước, nhu cầu đi lại và vận chuyển ngày càng tăng, sự giao lưu giữa các vùng miền, các quốc gia diễn ra nhộn nhịp thì giao thông vận tải ngày càng đóng vai trò then chốt. Các phương tiện vận chuyển ngày càng nhiều, đa dạng về chủng loại, sức tải phương tiện lớn và tốc độ nhanh. ở nước ta những năm vừa qua tình hình cũng diễn ra tương tự. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành giao thông vận tải, các tai nạn giao thông cũng xảy ra thường xuyên và có xu hướng ngày càng gia tăng.
Ở Mỹ, hàng năm có 5.500 thanh thiếu niên và 2.200 trẻ từ 0-12 tuổi bị chết do tai nạn ô tô xe máy. Tai nạn giao thông còn là nguyên nhân tử vong chấn thương của hơn 6.000 người già (từ 65 tuổi trở lên). Từ 1966, Chính phủ Mỹ đã đưa ra một Chương trình quốc gia về An toàn giao thông và thành lập cơ quan Quản lý an toàn giao thông đường bộ quốc gia (NHTSA). Nhờ vậy, từ năm 1968 đến năm 1991, số ca tử vong do tại nạn ô tô – xe máy giảm 21%.
Ở Việt Nam, chấn thương giao thông xảy ra ngày càng nhiều và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Chấn thương giao thông không chỉ xảy ra đối với người đi ô tô xe máy mà còn có khá nhiều trường hợp xảy ra đối với người đi xe đạp và đi bộ (xem thêm hộp 7.2). Có nhiều nguyên nhân, nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người – những người tham gia giao thông không có ý thức và hành động tự giác chấp hành luật lệ giao thông. Chiến lược quốc gia về phòng chống tai nạn giao thông đã được Chính phủ công bố. Hàng năm, cả nước đều có một tháng toàn dân thực hiện an toàn giao thông. Nhờ có những giải pháp đồng bộ và kiên quyết, các vụ tai nạn giao thông và số người bị thương hoặc tử vong do tai nạn giao thông đã bước đầu được kìm chế.
Hộp 7.2. Tình hình chấn thương giao thông ở Việt Nam
Riêng trong tháng 7 năm 2002 cả nước đã xảy ra 2.118 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 901 người và bị thương 2.406 người. Địa bàn thành phố Hà Nội có 144 vụ tai nạn giao thông, chết 46 người và bị thương 132 người. Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh xảy ra 189 vụ tai nạn giao thông, làm chết 101 người và bị thương 204 người. Số vụ và số người bị tai nạn giao thông tuy có giảm so với cùng thời kỳ năm trước nhưng tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn còn phức tạp. Trên các tuyến giao thông đường sắt trong tháng 7/2002 xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông, làm chết 15 người và bị thương 16 người.
(Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, 28.8.2002)
An toàn môi trường trong các hoạt động vui chơi, giải trí
Chấn thương khi đi chơi dã ngoại
Thanh thiếu niên học sinh thường thích các hoạt động du lịch, đi chơi dã ngoại. Đây là một hoạt động rất bổ ích, một nhu cầu rất chính đáng của giới trẻ. Tuy nhiên, tai nạn thương tích vẫn có thể xảy ra cho một số em do có những bất cẩn trong lúc đi dã ngoại như bị rắn, côn trùng hoặc động vật cắn; ngã gây chấn thương, sa lún xuống hố sâu hoặc luồng nước ngầm, tai nạn xe cộ, ngộ độc do ăn uống nhầm v.v. Đã có những trường hợp tử vong rất thương tâm và đáng tiếc. Ví dụ ở Việt Nam đã có nhiều vụ đắm thuyền làm hàng chục người chết một lúc. Điển hình là vụ đắm thuyền làm cho trên 100 người chết và bị chấn thương ở Kiên Giang. Hàng năm du lịch tại Sầm Sơn đều có người chết đuối ở vùng đền Độc Cước.
Biện pháp đề phòng: đi chơi dã ngoại có tổ chức, chuẩn bị chu đáo, không liều lĩnh mạo hiểm đi vào những nơi có nguy hiểm, tăng cường ý thức kỷ luật, tự giác phòng tai nạn thương tích cho bản thân và cho tập thể.
Tai nạn khi bơi lội (chết đuối)
Bơi lội là một hoạt động thể dục thể thao được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, tiếp xúc với sông nước, ao hồ mà không biết bơi thì lại rất nguy hiểm và có thể bị chết đuối. Người bơi lội giỏi cũng có thể bị chết đuối nếu bơi quá sức, có bệnh tim mạch, bị chuột rút hoặc bơi vào vùng nước xoáy.
Chết đuối được hiểu là những trường hợp tử vong do bị ngạt khi bị chìm lâu dưới nước. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có gần 500.000 người bị chết đuối, phần lớn các trường hợp chết đuối này xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Trong khi ở các nước phát triển, phần lớn trường hợp trẻ em bị chết đuối xảy ra trong các bể bơi thì ở các nước đang phát triển, chết đuối thường xảy ra ở sông ngòi – biển hoặc ở các ao hồ và cánh đồng lúa nước.
Bảng 7.2. Tóm tắt các giải pháp cơ bản dự phòng tai nạn chấn thương trong nhà ở, trường học và khu dân cư
STT |
Loại tai nạn không chú ý |
Giải pháp dự phòng |
1 |
Chấn thương ô tô xe máy, xe đạp v.v. |
Mọi người hiểu biết, tôn trọng và chấp hành nghiêm luật giao thông đường bộ Đảm bảo an toàn kỹ thuật cho phương tiện giao thông: đèn, phanh, còi v.v. Đi xe với tốc độ cho phép, đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy Điều khiển ô tô, xe máy phải có bằng lái, sức khoẻ tốt, không uống rượu bia, không chích hút ma tuý |
2 |
Đuối nước |
Mọi người hiểu biết và tôn trọng, chấp hành nghiêm luật giao thông đường thuỷ Không để trẻ em một mình gần nơi sông nước, ao hồ, giếng nước Luyện tập bơi lội, dùng phao cứu sinh, có nơi trông giữ trẻ trong mùa bão lụt. Kiểm tra tàu thuyền trước khi xuất cảng, nghe dự báo thời tiết. Có phương tiện thông tin liên lạc trên tàu thuyền |
3 |
Cháy |
Sử dụng điện an toàn tránh cháy do chập điện An toàn sử dụng bếp ga, bếp điện Có sẵn phương tiện chữa cháy: bình bọt, thang thoát hiểm, dây thoát hiểm, nước, cát chữa cháy ở cạnh nhà Không để xăng, dầu hoả, chất dễ cháy gần bếp, chỗ nắng, trong phòng ở |
4 |
Ngộ độc thuốc |
Thuốc chữa bệnh và các loại hoá chất phải để nơi cao, không cho trẻ với tới được Dùng thuốc, hoá chất có nhãn mác rõ ràng, dùng đúng theo chỉ dẫn của nơi sản xuất Không để thuốc, hoá chất cạnh nơi để thực phẩm, đồ ăn Quản lý chặt (khoá) các hoá chất độc nguy hiểm: thuốc độc bảng A – B, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt chuột, các dung dịch acid, kiềm đặc Thực hiện đúng các quy định sử dụng an toàn thuốc hoá chất độc |
5 |
Điện giật |
Tắt điện, ngắt cầu dao điện khi ra khỏi nhà ổ cắm điện an toàn hoặc đặt ở cao, trẻ con không với tới được Đường dây điện an toàn, không quá tải, không hở, không đứt, không để chập điện… Sửa chữa điện an toàn, có phương án phòng tai nạn điện giật khi sửa điện |
6 |
Chấn thương trong sinh hoạt ở nhà và ở trường |
Cải tạo đường đi trong nhà, ngoài ngõ, xóm thôn sao cho người già, trẻ nhỏ không bị vấp ngã Không để trẻ nghịch, chơi nguy hiểm: Lửa Đồ chơi sắc nhọn Vật dễ cháy, nổ Trèo cao |
STT |
Loại tai nạn không chú ý |
Giải pháp dự phòng |
|
|
Không nuôi chó thả rông, tiêm phòng dại cho chó mèo Tổ chức tốt việc chăm sóc trẻ em, người già, xử lý kịp thời khi tai nạn chấn thương sinh hoạt xảy ra |
7 |
Lũ quét ở miền núi |
Không làm việc hoặc lai vãng ở lòng sông, suối khi rừng có mưa to vì lũ có thể bất chợt đổ về Nhà ở làm tại vị trí cao, trên mực nước của lũ quét Có biện pháp báo động thật nhanh cho dân chúng khi có lũ quét |
8 |
Lốc xoáy, sét đánh, giông bão to gây sập nhà, chìm thuyền, đổ cây… |
Thường ngày theo dõi dự báo thời tiết, đặc biệt trong mùa mưa bão Quy tụ tàu thuyền về nơi an toàn, tránh sóng lớn. Trên tàu thuyền có sẵn phao cứu sinh Nhà cao và công trình kiến trúc cao phải lắp đặt cột thu lôi Không trú mưa dưới gốc cây to dễ bị sét đánh Cưa bớt cành cây, cưa bỏ những cây bị sâu mọt đục rỗng |
9 |
Động đất, sụt lở đất |
Nhà ở không nên làm gần chân núi cao, đồi cao đề phòng bị đất đá vùi lấp bất ngờ Kiến trúc nhà phải chịu được động đất cấp 6-7 hoặc nhà loại đơn giản nhẹ nhàng không gây nguy hiểm nếu bị sập |
10 |
Chó, mèo hoặc động vật hoang dại cắn |
Động vật nuôi trong nhà phải có sự kiểm soát của thú y Tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo trong nhà Không thả chó, mèo chạy rông. Khi cho chó, mèo ra phố phải đem rọ mõm. Đề phòng rắn cắn khi đi vào rừng Xử lý ngay vết thương và đi cấp cứu kịp thời sau khi bị chó, mèo hoặc động vật hoang dại cắn |
11 |
Ngộ độc do ăn uống phải độc tố |
Dùng thực phẩm tươi, sạch có nguồn gốc rõ ràng, không ăn nấm hoặc rau quả lạ khi vào rừng, không ăn thịt cá ôi thiu, đồ hộp quá hạn sử dụng Bảo quản, chế biến thực phẩm hợp vệ sinh Có dấu hiệu bị ngộ độc thì phải đi cấp cứu ngay và giữ lại mẫu thực phẩm nghi ngờ để gửi xét nghiệm tìm nguyên nhân |
12 |
Chấn thương do vật liệu nổ, bình cao áp |
Rà soát các khu vực còn bom mìn rơi vãi từ trong thời kỳ chiến tranh Không đào bới, nghịch ngợm các loại bom, mìn, đạn chưa nổ; phát hiện thấy phải báo ngay cho bộ đội hoặc công an nơi gần nhất để xử lý Không buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vật cháy nổ bừa bãi Chỉ sử dụng bình chịu áp lực, bình bếp gas đã qua kiểm định độ an toàn, không dùng bình quá cũ Không để kho đạn, kho xăng dầu ở gần khu dân cư |
Ở Mỹ, chết đuối là nguyên nhân đứng hàng thứ 4 trong các tai nạn thương tích gây tử vong của trẻ nhỏ, hầu hết là trẻ dưới 4 tuổi và trẻ em nam độ tuổi từ 15-19 tuổi. Tại 3 bang của Mỹ (Arizona, California và Florida) chết đuối là nguyên nhân tử vong chấn thương hàng đầu ở trẻ 4 tuổi và tới 90% trường hợp tai nạn xảy ra ở những hồ bơi trong khu dân cư. Yếu tố dẫn đến tai nạn trong 40% trường hợp là do giám sát kém, 35% trường hợp do ao không có rào lưới bảo vệ, 14% là do bể bơi không có cửa, cửa không đóng hoặc mở cửa lâu, 11% là các yếu tố khác. Phân tích cho thấy rằng có thể ngăn ngừa được 51% các trường hợp chết đuối được báo cáo.
Theo VMIS: tại Việt Nam, chết đuối là nguyên nhân thường gặp nhất gây nên tử vong ở trẻ nói chung và là nguyên nhân hàng đầu gây nên tử vong ở trẻ ở tất cả các nhóm tuổi, đặc biệt là ở nhóm tuổi từ 1 – 9. Số trẻ trong độ tuổi 5 – 9 chiếm xấp xỉ 1/3 trong số các trường hợp chết đuối/gần chết đuối. Tỷ suất tử vong do chết đuối ở Việt Nam là 22,6/100.000. Tỷ suất tử vong do đuối nước ở nam là 35,2/100.000, cao hơn rất nhiều so với nữ là 10,7/100.000. Hai vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đ ông bắc có tỷ suất chết đuối/gần chết đuối cao nhất. Tỷ suất đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao gấp 10 lần so với tỷ suất này ở các nước phát triển, với hơn một nửa các trường hợp đuối nước dẫn đến tử vong. Các trường hợp suýt chết đuối là nguyên nhân đứng thứ chín trong số các nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh tật ở trẻ (37,8/100.000).
Biện pháp đề phòng: giáo dục dân chúng tuân thủ những nguyên tắc, nội quy của bể bơi, của những vùng biển du lịch. Kiểm tra tàu thuyền đủ tiêu chuẩn mới được phép kinh doanh vận tải hành khách, phải trang bị phao cứu sinh trên tàu thuyền bể bơi có hàng rào bao quanh, có người chuyên trách giám sát an toàn bơi lội, luyện tập bơi có tổ chức và các biện pháp khác (bảng 7.2).
An toàn môi trường tại trường học
Địa điểm trường nên đặt ở trung tâm khu dân cư, thời gian học sinh đi từ nhà tới trung tâm không nên quá 30 phút, không quá gần trục giao thông chính để tránh tai nạn giao thông xảy ra. Trường học cần có hàng rào bảo vệ để tránh việc học sinh chạy ra ngoài đường phố hoặc đường quốc lộ. Sân chơi của các trường học cũng cần được bố trí rộng rãi, có cây xanh và nếu có các trang thiết bị ở sân chơi thì cần được thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng.
Trong quá trình trẻ học và vui chơi, cần có sự giám sát chặt chẽ của người lớn (thầy cô giáo, bảo vệ, lao công, v.v…) để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra (xem thêm hộp 7.3 và 7.4).
Hộp 7.3. Khuyến cáo của WHO về nâng cao sức khỏe trường học
Liên kết các cán bộ y tế và giáo dục, thầy giáo và học sinh, phụ huynh và cộng đồng để xây dựng trường học.
Nâng cao giáo dục sức khoẻ và cải thiện dịch vụ y tế trường học.
Cải thiện sức khoẻ cán bộ, giáo viên nhà trường và học sinh. Huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác chăm sóc, giáo dục sức khoẻ trong nhà trường.
Hộp 7.4. Các bước triển khai mô hình nhà trường nâng cao sức khỏe (BYT, 1998) Phối hợp chỉ đạo liên bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Y tế. Thành lập ban chỉ đạo nhà trường nâng cao sức khoẻ cấp tỉnh, thành phố. Triển khai thực hiện xây dựng nhà trường nâng cao sức khoẻ tại cơ sở Lập ban sức khoẻ tại trường học. Lập phòng sức khoẻ (y tế) tại trường. Xây dựng và triển khai nội dung nâng cao sức khoẻ trường học. Giáo dục truyền thông về sức khoẻ và vệ sinh môi trường. Tổ chức các dịch vụ y tế CSSK học sinh và giáo viên tại trường. Vệ sinh trường lớp và vệ sinh an toàn dinh dưỡng tại trường học. Kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả và xây dựng kế hoạch mới. |
Kết luận
An toàn môi trường là mong muốn hằng ngày của mỗi gia đình và của toàn xã hội. Mọi công dân, gia đình, tổ chức quần chúng, các cấp chính quyền đều có trách nhiệm xây dựng môi trường sống an toàn cho cộng đồng. Lợi ích của an toàn môi trường là giảm bớt các trường hợp tử vong và chấn thương không chủ ý, tạo ra một môi trường sống lành mạnh, an toàn, góp phần nâng cao chất lượng sống cho mỗi thành viên, mỗi gia đình trong xã hội.