Nội dung

Bài giảng chức năng nhiệm vụ của cán bộ dược làm việc tại trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình

Nguồn: TÀI LIỆU ĐÀO TẠO LIÊN TỤC NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO CÁN BỘ DƯỢC LÀM VIỆC TẠI TRẠM Y TẾ XÃ HOẠT ĐỘNG THEO NGUYÊN LÝ Y HỌC GIA ĐÌNH– Bộ Y tế -2019

Để thực hiện được mục tiêu cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cộng đồng theo mô hình Trạm y tế hoạt động theo nguyên lý YHGĐ đòi hỏi nguồn nhân lực y tế được đào tạo có đủ kiến thức và kỹ năng để làm việc ở tuyến ban đầu với cách tiếp cận làm việc theo nhóm và CSSK dựa vào cộng đồng. Nhân lực dược công tác tại Trạm y tế xã là một thành viên của nhóm CSSKBĐ theo nguyên lý YHGĐ cần xác định rõ tiêu chuẩn về kỹ năng và năng lực cần thiết đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chung của nhóm.

Tiêu chuẩn nghiệp vụ và phân tích nhiệm vụ của cán bộ dược công tác tại trạm y tế xã

Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:

Hiểu biết quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân;

Có khả năng thực hành đúng quy trình chuyên môn;

Có khả năng xác định nhu cầu, lập kế hoạch cung ứng thuốc;

Có khả năng hướng dẫn người bệnh và cộng đồng sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả.

Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

Tốt nghiệp trung cấp dược trở lên;

Giai đoạn đến năm 2020: Tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành dược;

Từ 01/01/2021: Viên chức tuyển dụng mới, phải tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành dược trở lên.

Viên chức đã được tuyển dụng và bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp dược (hạng IV) trước

01/01/2021 có trình độ trung cấp phải chuẩn hóa để đạt trình độ cao đẳng chậm nhất trước ngày 01/01/2025;

Có trình độ ngoại ngữ tương đương bậc 1 (A1) trở lên theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với vị trí việc làm có yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;

Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.  

Nhiệm vụ

Dự trù thuốc, hóa chất, nguyên liệu, vật tư y tế tiêu hao trong phạm vi nhiệm vụ được giao:

Lập danh mục thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao theo đúng qui định.

Thực hiện các hoạt động giao, nhận, cấp phát thuốc, vật tư, hóa chất tiêu hao đúng qui trình.

Tham gia kiểm soát chất lượng thuốc, hóa chất, dược liệu trong quá trình xuất, nhập và tồn trữ.

Thực hiện các quy định, hướng dẫn, quy trình chuyên môn, kiểm soát nhiễm khuẩn và an toàn lao động trong công tác dược;

Tham gia quản lý hồ sơ sức khỏe của cộng đồng theo mô hình Phòng khám BSGĐ.

Tổng hợp, báo cáo thông tin liên quan đến tác dụng không mong muốn của thuốc

Sử dụng và bảo quản trang thiết bị phục vụ cho kỹ thuật chuyên môn về dược trong phạm vi được giao;

Quản lý sổ sách, thống kê, báo cáo theo quy định.

Tham gia chăm sóc vườn thuốc nam mẫu, hướng dẫn cộng đồng thu hái, chế biến thuốc nam để phòng và chữa bệnh.

Phụ trách chuyên môn của quầy thuốc/ tủ thuốc trạm y tế.

Tham gia nghiên cứu khoa học.

Vận dụng các nguyên lý y học gia đình trong triển khai nhiệm vụ của nhân lực dược công tác tại tyt hoạt động theo nguyên lý yhgđ

Nhân lực dược công tác tại TYT hoạt động theo nguyên lý YHGĐ bên cạnh việc thực hiện những nhiệm vụ chuyên môn theo qui định của ngạch viên chức còn có trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ chuyên môn theo nguyên lý: toàn diện, liên tục. Bên cạnh đó còn có trách nhiệm phối hợp với các thành viên khác trong việc:

Tham gia quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, hộ gia đình.

Tham gia giám sát sử dụng thuốc cho người bệnh thuộc trường hợp chăm sóc giảm nhẹ hoặc chăm sóc cuối đời.

Tư vấn sử dụng thuốc cho hộ gia đình, cộng đồng.

Qui định về tiêu chuẩn người phụ trách chuyên môn tủ thuốc trạm y tế xã 

Tiêu chuẩn 

Người chịu trách nhiệm chuyên môn của Tủ thuốc phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

Trình độ chuyên môn:

Sơ cấp dược trở lên đã được cấp chứng chỉ hành nghề phù hợp.

Được cập nhật kiến thức theo đúng quy định của luật dược.

Trường hợp Trạm y tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có thể cử: bác sỹ, người tốt nghiệp cao đẳng hoặc trung cấp ngành y.

Thời gian và nội dung thực hành chuyên môn

Thời gian: 12 tháng trở lên

Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của tủ thuốc trạm y tế xã phải thực hành một trong các nội dung thực hành chuyên môn sau: 

Bán buôn, bán lẻ thuốc; 

Xuất nhập khẩu thuốc; 

Dược lâm sàng, cung ứng thuốc trong cơ sở khám chữa bệnh;  

Sản xuất thuốc; 

Kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc; 

Nghiên cứu dược; 

Bảo quản thuốc; 

Phân phối thuốc; 

Quản lý dược tại cơ quan quản lý về dược;

Quyền và nghĩa vụ của người hành nghề dược

Quyền của người hành nghề dược

Được đào tạo, cập nhật kiến thức, trao đổi thông tin chuyên môn, pháp luật về dược.

Được cấp Chứng chỉ hành nghề dược khi đáp ứng đủ Điều kiện quy định tại Luật dược.

Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở kinh doanh dược được ủy quyền cho người có

Chứng chỉ hành nghề dược phù hợp khi vắng mặt để chịu trách nhiệm chuyên môn theo quy định. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của nhà thuốc được thay thế thuốc đã kê trong đơn thuốc bằng một thuốc khác có cùng hoạt chất, cách dùng, liều lượng khi có sự đồng ý của người mua và phải chịu trách nhiệm về việc thay đổi thuốc.

Từ chối thực hiện hoạt động chuyên môn trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp.

Nghĩa vụ của người hành nghề dược

Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề dược.

Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc phải có mặt trong toàn bộ thời gian hoạt động của cơ sở dược, trừ trường hợp ủy quyền khi vắng mặt theo quy định tại Khoản 3 Điều 30 của Luật dược 2016.

Chỉ chịu trách nhiệm chuyên môn đối với một cơ sở kinh doanh dược và tại một địa Điểm kinh doanh dược.

Hành nghề dược theo đúng phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong Chứng chỉ hành nghề dược và quy định chuyên môn kỹ thuật.

Chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp có dịch bệnh nguy hiểm, thiên tai, thảm họa.

Hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề dược hoặc kể từ ngày có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược gần nhất.

Thông báo với cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức hành nghề dược của người hành nghề dược khác và phải chịu trách nhiệm về những thông tin đã thông báo.

Địa bàn, quyền và trách nhiệm của cơ sở bán lẻ là tủ thuốc trạm y tế xã

Địa bàn mở tủ thuốc:

Trạm y tế xã;

Trạm y tế của thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Cơ sở bán lẻ là tủ thuốc trạm y tế xã có các quyền sau đây:

Thực hiện một, một số hoặc tất cả hoạt động kinh doanh dược nếu đáp ứng đủ điều kiện tương ứng với loại hình tủ thuốc trạm y tế xã theo quy định của luật dược 2016;

Hưởng chính sách ưu đãi khi thực hiện hoạt động kinh doanh dược theo quy định của pháp luật;

Được thông tin, quảng cáo thuốc theo quy định của pháp luật;

Tổ chức cơ sở bán lẻ thuốc lưu động tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có Điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ.

Mua và bán lẻ thuốc thuộc Danh Mục thuốc thiết yếu phù hợp với phân tuyến chuyên môn kỹ thuật; trường hợp mua, bán thuốc thuộc Danh Mục thuốc phải kiểm soát đặc biệt và Danh Mục thuốc hạn chế bán lẻ thực hiện theo quy định tại Điều 34 của Luật dược 2016;

Tham gia cấp phát thuốc của bảo hiểm, chương trình, dự án y tế khi đáp ứng yêu cầu và Điều kiện của bảo hiểm, chương trình, dự án đó.

Cơ sở bán lẻ là tủ thuốc trạm y tế xã có các trách nhiệm sau đây:

Phải có Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dược và chỉ được kinh doanh đúng loại hình cơ sở kinh doanh, phạm vi và địa Điểm kinh doanh ghi trong Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dược;

Bảo đảm duy trì các Điều kiện kinh doanh dược trong quá trình hoạt động kinh doanh theo quy định của Luật dược;

Thu hồi thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo quy định tại Điều 62 của Luật dược;

Bồi thường thiệt hại cho tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do lỗi của cơ sở theo quy định của pháp luật;

Chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp bảo đảm cung ứng thuốc, nguyên liệu làm thuốc khi xảy ra dịch bệnh nguy hiểm, thiên tai, thảm họa;

Báo cáo Bộ Y tế hoặc Sở Y tế và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật trong trường hợp tạm dừng hoạt động từ 06 tháng trở lên hoặc chấm dứt hoạt động;

Thông báo, cập nhật danh sách người có Chứng chỉ hành nghề dược đang hành nghề tại cơ sở đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

Niêm yết công khai Chứng chỉ hành nghề dược và Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dược tại cơ sở kinh doanh;

Báo cáo hằng năm và báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý về dược có thẩm quyền;

Tuân thủ quy định của Bộ Y tế trong việc mua, bán thuốc thuộc Danh Mục thuốc hạn chế bán lẻ; – Niêm yết giá bán buôn, bán lẻ bằng đồng Việt Nam tại nơi giao dịch hoặc nơi bán thuốc của cơ sở kinh doanh dược để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan quản lý có thẩm quyền và tuân thủ các quy định khác về quản lý giá thuốc;

Lưu giữ chứng từ, tài liệu có liên quan đến từng lô thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong thời gian ít nhất là 01 năm kể từ ngày thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hạn dùng; – Bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo đúng Điều kiện ghi trên nhãn;

Ghi rõ tên thuốc, hàm lượng, hạn dùng cho người sử dụng trong trường hợp bán lẻ thuốc không đựng trong bao bì ngoài của thuốc; trường hợp không có đơn thuốc đi kèm, phải ghi thêm liều dùng, số lần dùng và cách dùng;

Chỉ được bán thuốc kê đơn tại cơ sở bán lẻ thuốc khi có đơn thuốc.

Không được bán nguyên liệu làm thuốc, trừ dược liệu.

Nội dung công tác quản lý dược tại trạm y tế xã

Cung ứng đủ thuốc trong Danh mục thuốc thiết yếu phù hợp với qui mô điều trị – Tuân thủ các qui định của GSP trong bảo quản thuốc, vaccine.

Quản lý các nguồn thuốc, vắc xin được giao theo quy định;

Hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả; 

Phát triển vườn thuốc nam mẫu phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. 

Tham gia, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động hành nghề y, dược tư nhân, các dịch vụ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân trên địa bàn xã.

Đảm bảo việc thực hiện các qui chế chuyên môn về dược trong quản lý, sử dụng thuốc.

Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định của pháp luật

Tình huống chuẩn bị ở nhà:

Tình huống: Anh Nguyễn Văn H được tuyển dụng vào vị trí Cán bộ phụ trách công tác dược của Trạm Y tế xã M. Trưởng trạm giao cho anh H nhiệm vụ dự trù, giao, nhận, cấp phát, quản lý thuốc, vật tư, hóa chất tiêu hao, phụ trách chuyên môn của tủ thuốc TYT.

Theo anh/chị, những công việc trên có đúng với chức năng nhiệm vụ của cán bộ dược TYT không?

Anh H còn phải đảm nhận thêm những nhiệm vụ nào?

Tài liệu tham khảo

Bộ Y tế (2015), Thông tư số 33/2015/TT-BYT ngày 27/10/2015 của Bộ Y tế “Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn”

Bộ Y tế (2015), Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 07/10/2015 của Bộ Y tế,

Bộ Nội vụ “Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh ngành dược”

Bộ Y tế (2016), Quyết định số 1568/QĐ-BYT ngày 27/5/2016 của Bộ Y tế “Phê duyệt kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình tại Việt Nam, giai đoạn 2016 – 2020”

Bộ Y tế (2019), Thông tư số 21/2019/TT-BYT ngày 21/08/2019 của Bộ Y tế “Hướng dẫn thí điểm về hoạt động y học gia đình”.

Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2016), Luật Dược, số 105/2016/QH13 ngày 06/04/2016.