Nguồn: TÀI LIỆU ĐÀO TẠO LIÊN TỤC NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO CÁN BỘ DƯỢC LÀM VIỆC TẠI TRẠM Y TẾ XÃ HOẠT ĐỘNG THEO NGUYÊN LÝ Y HỌC GIA ĐÌNH– Bộ Y tế -2019
Công tác cảnh giác dược tại tuyến xã
Khái niệm
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cảnh giác dược (Pharmacovigilance) được định nghĩa là: “Môn khoa học và những hoạt động liên quan đến việc phát hiện, đánh giá, hiểu và phòng tránh tác dụng có hại (ADR) hoặc bất kỳ một vấn đề nào khác liên quan đến thuốc”, là thành phần chủ đạo của hệ thống theo dõi hiệu quả của thuốc, thực hành lâm sàng và các chương trình y tế công cộng”
Phản ứng có hại của thuốc (ADR) được Chương trình giám sát thuốc của tổ chức y tế thế giới định nghĩa như sau (WHO, 1972): “Phản ứng có hại của thuốc là phản ứng độc hại, không được định trước, xuất hiện ở liều thường dùng cho người để phòng bệnh, chẩn đoán hay chữa bệnh hoặc nhằm thay đổi một chức năng sinh lý. Định nghĩa này không bao gồm các trường hợp thất bại trị liệu, quá liều, lạm dụng thuốc, không tuân thủ và sai sót trong trị liệu”
Vai trò cảnh giác dược
Cải thiện việc chăm sóc bệnh nhân và tính an toàn trong mối liên quan giữa sử dụng thuốc và sự can thiệp của điều trị và hỗ trợ điều trị.
Cải thiện sức khỏe cộng đồng và tính an toàn trong sử dụng thuốc.
Góp phần đánh giá lợi ích, thiệt hại, hiệu lực và nguy cơ của thuốc, khuyến khích sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả hơn (bao gồm lợi nhuận).
Thúc đẩy sự hiểu biết, giáo dục và đào tạo trên lâm sàng trong cảnh giác dược và hiệu quả tuyên truyền tới cộng đồng.
Nhiệm vụ của cảnh giác dược
Cảnh giác dược tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm giám sát (phát hiện, xử trí, báo cáo và dự phòng) các phản ứng có hại của thuốc (ADR) và các vấn đề liên quan đến thuốc trong tất cả các giai đoạn của quá trình quản lý sử dụng thuốc. Những nhiệm vụ này bao gồm:
Giám sát các phản ứng có hại liên quan đến thuốc hoặc chất lượng thuốc.
Giám sát các sai sót liên quan đến thuốc.
Bảo đảm chất lượng thuốc thông qua việc thực hiện tốt các quy định về mua sắm, bảo quản và cấp phát, đồng thời giám sát và giải quyết các vấn đề về chất lượng thuốc.
Cách xử trí và báo cáo khi gặp adr
Xử trí
Trao đổi với bác sĩ điều trị nếu phát hiện ADR khi thực hiện hoạt động dược tại trạm y tế để có biện pháp xử trí phù hợp.
Cung cấp thông tin về thuốc trong quá trình phát hiện và xử trí ADR theo yêu cầu của nhân viên y tế.
Hỗ trợ bác sĩ và điều dưỡng viên hoàn thiện đầy đủ và chính xác các thông tin cần thiết trong mẫu báo cáo ADR.
Cán bộ dược có thể trực tiếp thu thập thông tin và viết báo cáo ADR gửi về trạm y tế.
Báo cáo ADR
Các trường hợp cần báo cáo:
Báo cáo tất cả các biến cố có hại xảy ra trong quá trình điều trị có nghi ngờ liên quan đến thuốc gây ra bởi:
Thuốc, bao gồm cả vắc xin và sinh phẩm y tế, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu.
Dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền.
Ưu tiên báo cáo:
Các phản ứng có hại nghiêm trọng.
Tất cả phản ứng có hại của các thuốc mới đưa vào sử dụng trong điều trị tại bệnh viện.
Phản ứng có hại mới chưa từng được biết đến của thuốc (chưa được mô tả trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, Dược thư Quốc gia Việt Nam, MIMS, Vidal hay các tài liệu tham khảo thông tin thuốc khác).
Phản ứng có hại xảy ra liên tục với một thuốc hoặc một lô thuốc trong một thời gian ngắn tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Hướng dẫn điền mẫu báo cáo phản ứng có hại của thuốc
Nguyên tắc chung:
Hoàn thành mẫu báo cáo với đầy đủ thông tin nhất có được từ bệnh án.
Sử dụng một bản báo cáo riêng cho mỗi người bệnh.
Trường hợp dùng thuốc để điều trị ADR nhưng lại gây ra một ADR khác cho người bệnh nên tách thành một báo cáo riêng.
Chữ viết rõ ràng, viết chính xác tên thuốc, hạn chế viết tắt.
Điền thông tin chính xác, thống nhất, tránh mâu thuẫn giữa các thông tin trong báo cáo.
Mẫu báo cáo ADR: sử dụng mẫu báo cáo phản ứng có hại của thuốc theo quy định.
Các thông tin tối thiểu cần điền trong mẫu báo cáo ADR:
Thông tin về người bệnh: họ và tên, tuổi, giới tính.
Thông tin về phản ứng có hại: mô tả chi tiết biểu hiện ADR, ngày xuất hiện phản ứng, diễn biến ADR sau khi xử trí (bao gồm diễn biến sau khi ngừng thuốc hoặc giảm liều thuốc hoặc tái sử dụng thuốc nghi ngờ).
Thông tin về thuốc nghi ngờ: tên thuốc nghi ngờ, liều dùng, đường dùng, lý do dùng thuốc, ngày và thời điểm bắt đầu dùng thuốc.
Thông tin về người và đơn vị báo cáo: tên đơn vị báo cáo, họ và tên người báo cáo, chức vụ, số điện thoại liên lạc hoặc địa chỉ email (nếu có). Với các thông tin còn lại trong mẫu báo cáo, khuyến khích nhân viên y tế thu thập, bổ sung tối đa thông tin.
Hướng dẫn chi tiết các thông tin cần điền trong báo cáo ADR: nhân viên y tế điền mẫu báo cáo theo quy định của Bộ Y tế và theo hướng dẫn của Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc tại trang thông tin điện tử http://canhgiacduoc.org.vn.
Đảm bảo tuân thủ thuốc tại tuyến xã
Định nghĩa
Tuân thủ điều trị là sự hợp tác tự nguyện của bênh nhân sử dụng thuốc theo đơn đã được kê bao gồm thời gian sử dụng thuốc, liều dùng và số lần dùng. Tuân thủ điều trị tốt đặc biệt quan trọng với bệnh mạn tính.
Nguyên nhân không tuân thủ điều trị
Quên dùng thuốc
Lo ngại về phản ứng phụ của thuốc
Chi phí điều trị cao
Liệu pháp điều trị phức tạp
Thiếu hiểu biết về thuốc và bệnh: người bệnh đái tháo đường type 2 được kê đơn thuốc hạ lipid máu để dự phòng bệnh tim mạch nhưng không sử dụng do nghĩ rằng mình chưa bị rối loại lipid máu.
Chất lượng cuộc sống thấp
Bận rộn
Sự gắn kết giữa người bệnh và bác sĩ chưa hiệu quả: các lần thăm khám bác sĩ chưa khai thác đầy đủ các tác dụng không mong muốn để khắc phục, hoặc chưa có đủ thời gian để tư vấn cho người bệnh một số kiến thức quan trọng về bệnh và thuốc.
Triệu chứng bệnh không rõ: người bệnh tự ý dừng thuốc điều trị tăng huyết áp khi huyết áp trở về bình thường.
Thiếu sự hỗ trợ của cộng đồng
Thiếu kĩ năng ứng phó: người bệnh không biết hướng xử trí kịp thời khi có một số tác dụng không mong muốn xảy ra.
Lạm dụng thuốc
Khả năng đọc, viết kém: người bệnh không đủ khả năng tự đọc các hướng dẫn sử dụng dẫn đến sử dụng sai hoặc người bệnh mắt kém không thể tự sử dụng các dạng thuốc cần tự chia liều như siro, thuốc tiêm Insulin…
Các yếu tốt ảnh hưởng đến việc tuân thủ điều trị
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có năm bộ yếu tố ảnh hưởng đến việc tuân thủ điều trị:
Các yếu tố liên quan đến kinh tế và xã hội (ví dụ như tình trạng kinh tế xã hội kém, trình độ học vấn và thất nghiệp thấp);
Hệ thống chăm sóc sức khỏe / các yếu tố liên quan đến nhóm chăm sóc sức khỏe (ví dụ: hệ thống phân phối thuốc kém và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe làm việc quá sức);
Các yếu tố liên quan đến trị liệu (ví dụ như thời gian điều trị, thất bại điều trị trước đó và tác dụng có lợi);
Các yếu tố liên quan đến tình trạng (ví dụ mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, mức độ khuyết tật và sự sẵn có của các phương pháp điều trị hiệu quả);
Các yếu tố liên quan đến bệnh nhân (ví dụ như sự không tin vào chẩn đoán, hay quên và động lực thấp).
Tuân thủ thuốc tối ưu
Tuân thủ thuốc tối ưu có thể được tóm tắt như sau :
Việc uống đúng thuốc;
Vào đúng thời điểm;
Đúng liều lượng;
Trong thời gian quy định;
Không thêm bất kỳ thuốc tự kiểm soát.
Thực hiện tối ưu và kiên trì điều trị sẽ giúp bệnh nhân đạt được kết quả lâm sàng tốt hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Nhiệm vụ của cán bộ dược
Xác định lý do bệnh nhân không tuân thủ điều trị
Lựa chọn biện pháp để tăng cường sự tuân thủ điều trị: đưa ra lời khuyên, hướng dẫn bệnh nhân và tăng cường trí nhớ.
Hiện tại trong quá trình cấp phát thuốc là nhiệm vụ được biết đến nhiều nhất, thông qua sự hướng dẫn, quản lý sử dụng thuốc, quản lý bệnh và các biện pháp khác, cán bộ dược đóng vai trò nòng cốt trong chăm sóc bệnh nhân. Cán bộ dượccó nhiều cơ hội giúp làm tăng sự tuân thủ và kết quả điều trị trong thực hành.
Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự tuân thủ điều trị và phụ thuộc vào từng bệnh nhân. Do đó, cán bộ dược cần tiếp cận từng bệnh nhân, xác định mức độ tuân thủ và những khó khăn cản trở sự tuân thủ điều trị.
Hướng dẫn bệnh nhân:
Hướng dẫn bệnh nhân về bệnh, thay đổi lối sống, thuốc điều trị bệnh, tự theo dõi bệnh.
Phương pháp này tuy có hiệu quả một phần nhưng thường không đủ thuyết phục bệnh nhân tuân thủ điều trị theo yêu cầu của bác sĩ.
Thông tin truyền tải cho bệnh nhân cần rõ ràng, dễ hiểu, bệnh nhân cần biết được lợi ích của sự tuân thủ điều trị cung như hậu quả khi không thực hiện tốt tuân thủ điều trị. Đồng thời, khi bệnh nhân cảm thấy có quyền quyết định điều trị và được quan tâm sẽ có thái độ tích cực hơn trong điều trị.
Hạn chế tác dụng phụ của thuốc:
Đây là phương pháp rất tốt giúp tăng cường sự tuân thủ điều trị. Cán bộ dược nên thường xuyên tìm hiểu tác dụng phụ của thuốc và trao đổi với bác sĩ để có lựa chọn tốt nhất.
Thẻ thông tin:
Thẻ gồm tên thuốc, hình ảnh (nếu có thể), điều kiện sử dụng thuốc, liều và thời điểm dùng trong ngày.
Thẻ chứa những thông tin cần thiết nhất về thuốc rất hữu ích, có thể giúp đỡ rất nhiều cho bệnh nhân phải dùng nhiều thuốc hoặc hạn chế về nhận thức.
Biện pháp nhắc nhở qua điện thoại, tin nhắn:
Biện pháp nhắc nhở cũng có ích với nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những người bận rộn. Những chi tiết nhỏ như phân loại thuốc khi cần và sử dụng nắp dễ mở cũng có ích cho bệnh nhân.
Cách duy nhất đánh gíá những khó khăn cản trở việc tuân thủ điều trị là trao đổi với bệnh nhân. Cán bộ dược cần quan tâm đến yếu tố người bệnh trong kinh nghiệm điều trị. Càng tin tưởng vào cán bộ dược, người bệnh càng cởi mở về những lo lắng hoặc khó khăn khi sử dụng thuốc. Chỉ khi đó cán bộ dược mới thực hiện được trọn vẹn vai trò cải thiện tuân thủ điều trị của bệnh nhân.
Tài liệu tham khảo
Bộ Y tế (2015), Hướng dẫn quốc gia về cảnh giác dược.
Thông tư 31/2012/TT-BYT, Hướng dẫn hoạt động dược lâm sàng.
Luật dược 105/2016/QH3.
http://canhgiacduoc.org.vn.
Câu hỏi thảo luận
Vấn đề: Trong trường hợp, người bệnh không tuân thủ thuốc do dạng bào chế khó sử dụng, có thể xử trí như thế nào?