Nội dung

Bài giảng hồng ban đa dạng

Đại cương

Phản ứng quá mẫn với tác nhân nhiễm trùng hay thuốc. Một số nguyên nhân khác có thể gặp như yếu tố vật lý, tia X, mang thai, bệnh lý ác tính hay không rõ nguyên nhân.

Chẩn đoán

Lâm sàng

Triệu chứng cơ năng: 

Có thể mệt mỏi, sốt, hay ngứa, nóng rát vùng da phát ban.

Thương tổn da

Xuất hiện dát sẩn hình tròn, màu đỏ thẫm. Trong vòng 24 – 48 giờ, dát sẩn này sẽ diễn tiến ly tâm, ở giữa trở nên hơi tím, xuất huyết hay nổi mụn nước, đường kính từ 1 – 3 cm. Thương tổn có hai phần riêng biệt: phía trong là hiện tượng tổn thương thượng bì với hình ảnh hoại tử hay mụn nước; phía ngoài là hồng ban. Có thể phù nhẹ ở vùng trung tâm. Đây là thương tổn hình bia, một biểu hiện đặc trưng trong bệnh lý HBĐD và tự lành trong 1 – 2 tuần mà không để lại sẹo. Tuy nhiên, sẽ có hiện tượng tăng hay giảm sắc tố kèm theo. 

Vị trí: Thương tổn thường đối xứng hai bên ở bàn tay và bàn chân, cẳng tay và cẳng chân. Trường hợp nặng, bệnh nhân có xuất hiện sang thương ở thân. Ngoài biểu hiện ở da, niêm mạc chiếm tới 70% các trường hợp. Vị trí thường gặp nhất là ở môi và niêm mạc miệng. Một số vị trí khác cũng có thể gặp: niêm mạc mũi, âm hộ, dương vật, hậu môn, mắt

Phân loại

Dạng nhẹ: Ít hoăc không ảnh hưởng đến niêm mạc, chỉ hiện diện mụn nước mà không có bóng nước hay triệu chứng toàn thân. Phát ban thường tập trung ở tứ chi, mặt với thương tổn hình bia điển hình. HBĐD dạng nhẹ tái phát thường do cơn bộc phát herpes simplex trước đó vài ngày.

Dạng nặng: Thường biểu hiện như một đợt phản ứng thuốc, luôn kèm tổn thương niêm mạc, nặng, lan rộng, có khuynh hướng tạo bóng nước. Biểu hiện toàn thân: sốt, mệt lã. Viêm môi, viêm dạ dày, viêm âm hộ, viêm quy đầu, viêm kết mạc có thể dẫn đến loét giác mạc, tổn thương hầu họng, thanh quản

Điều trị

Nguyên tắc điều trị 

Mục tiêu điều trị: giảm sốt, giảm thời gian phát ban và nằm viện.

Dạng nhẹ thường tự giới hạn trong vòng 4 tuần, không cần điều trị đặc hiệu.

Ngăn ngừa nguyên nhân nếu có:

Herpes simplex (tuýp 1 hoặc 2): Acyclovir, valacyclovir hoặc famciclovir 

Mycoplasma pneumonia: Macrolide, quinolone.

Chú ý các loại thuốc sử dụng trong vòng hai tháng gần đây như kháng viêm không steroids, chống động kinh, kháng sinh… Các thuốc có thể là nguyên nhân gây bệnh: Sulfonamides, phenytoin, barbiturates, phenylbutazone, penicillin, allopurinol. 

Điều trị chung:

Nâng đỡ tổng trạng 

Kháng histamine, giảm đau

Điều trị chuyên khoa: mắt…

Điều trị tại chỗ: 

Thuốc thoa corticosteroids.

Dung dịch màu, kháng sinh thoa, chlorhexidine 0,05% ngừa bội nhiễm

Dung dịch nước súc miệng: nước muối sinh lý, diphenhydramines, xylocaine

Điều trị cụ thể

Dạng nhẹ:

Không cần điều trị. 

Dạng nặng: 

Prednisone: Liều 0.5–1 mg/kg/ngày hay 40 – 80 mg/ngày cho đến khi đạt được đáp ứng lâm sàng, sau đó giảm liều nhanh trong vòng 1 tuần. Bệnh nhân thường đáp ứng tốt sau 1 – 3 tuần được chỉ định prednisolone.

Khó trị: Xem xét sử dụng

Azathioprine 100-150 mg/ngày

Mycophenolate mofetil

 Acyclovir: 

Cần dùng thuốc trong giai đoạn sớm nếu nghi ngờ HBĐD do HSV

Điều trị phòng ngừa: 

Acycylovir 400mg x 2 lần/ngày (10 mg/kg/ngày) trong 6 – 12 tháng.

Trường hợp không đáp ứng hay không dung nạp với acyclovir:

Valacyclovir 500–1000 mg/ngày.

Famciclovir 250 mg x 2 lần/ngày

Theo dõi điều trị

Hội chẩn các chuyên khoa khi cần: Khoa phỏng, mắt, tiết niệu, tiêu hoá, hô hấp

Tái phát hơn 5 lần/năm: Cần điều trị phòng ngừa HSV.

Tiêu chuẩn nhập viện – xuất viện

Dạng nặng có tổn thương niêm mạc nghiêm trọng

Diễn tiến và tiên lượng

Lành tính và hay tái phát. 

Có thể ngăn ngừa bệnh tái phát bằng biện pháp điều trị dự phòng với acyclovir kéo dài.

Tài liệu tham khảo

Jean-Claude Roujeau (2012): Erythema Multiforme. Fitzpatrick’s Dermatology in General Medicine. 8th edition: 431-9.

Lars E French and Christa Prins (2012): Erythema Multiforme, Stevens–Johnson Syndrome and Toxic Epidermal Necrolysis. Dermatology. 3rd edition: 319-35.

Thomas P. Habif (2010): Erythema Multiforme. Clinical Dermatology. 5th edition.