Nội dung

Bài giảng hướng dẫn sử dụng dược liệu chữa bệnh gan mật, dạ dày và rối loạn tiêu hóa

Nguồn: TÀI LIỆU ĐÀO TẠO LIÊN TỤC NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO CÁN BỘ DƯỢC LÀM VIỆC TẠI TRẠM Y TẾ XÃ HOẠT ĐỘNG THEO NGUYÊN LÝ Y HỌC GIA ĐÌNH– Bộ Y tế -2019

Dược liệu chữa bệnh gan mật

Cà gai leo

Tên khác: Cà quính, cà quánh, cà vạnh, cà cườm, cà gai dây, cà lù.

Tên khoa học: Solanum procumbens Lour., họ Cà (Solanaceae).

Đặc điểm thực vật

Cây leo nhỏ, sống nhiều năm, dài khoảng 1m hay hơn. Thân hóa gỗ ở gốc, phân cành nhiều, cành non toả rộng, phủ lông hình sao và rất nhiều gai cong màu vàng. Lá mọc so le, hình bầu dục hay thuôn, phiến lá có thùy nông không đều, mặt trên sẫm, mặt dưới nhạt phủ đầy lông tơ màu trắng, hai mặt đều có gai ở gân chính, cuống lá cũng có gai. Hoa màu tím, mọc thành xim 2-5 hoa ở kẽ lá, đài có lông, xẻ thành 4 thùy tam giác nhọn, không gai, tràng có 4 thùy hình trái xoan nhọn, nhị 4. Quả mọng, hình cầu nhẵn, màu vàng sau đỏ, hạt hình thận màu vàng.

Mùa hoa: tháng 4-6, mùa quả: tháng 7-9. 

Hình 25. Cây cà gai leo 

Trồng trọt

Cây có thể nhân giống bằng hạt, giâm cành hoặc bằng công nghệ sinh học. Thời vụ gieo hạt tốt nhất là tháng 2-3. Hạt nảy mầm sau 7-10 ngày. Hạt có thể gieo trong vườn ươm, khi cây con cao 10cm – 12cm thì đánh đi trồng, hoặc gieo thẳng theo hốc, mỗi hốc 3-4 hạt. Khi cây cao 7cm – 10cm thì tỉa bớt, mỗi hốc giữ lại một cây khỏe nhất. Nếu giâm cành thì vào tháng 2-3, chọn cành bánh tẻ, cắt thành đoạn dài 12cm -15cm, giâm vào bầu và tưới ẩm thường xuyên. Khi cây mọc, chuyển ra ruộng trồng. 

Bộ phận dùng

Rễ, cành lá, thu hái quanh năm, thái nhỏ, phơi hay sấy khô, có khi dùng tươi.

Công dụng – cách dùng

Dùng trị rắn cắn, phong thấp, đau nhức các đầu gân xương, ho, dị ứng, viêm gan, xơ gan.

Liều dùng: 16-20g/ ngày, dạng thuốc sắc, uống.

Dành dành

Tên gọi khác: Sơn chi tử.

Tên khoa học: Gardenia jasminoidesEllis., họ Cà phê (Rubiaceae).

Đặc điểm thực vật

Cây nhỏ, cao 1m – 2m, xanh tốt quanh năm, phân nhánh nhiều. Lá mọc đối hay mọc vòng 3 lá, dày, hình thuôn  trái xoan, gốc lá thót lại, đầu tù hoặc hơi nhọn, mặt trên màu lục sẫm đến nâu đen, nhẵn bóng, mặt dưới rất nhạt và có gân nổi rõ; cuống lá rất ngắn; lá kèm to, nhọn, bao quanh thân và cành. Hoa to, mọc đơn độc ở đầu cành, mầu trắng hoặc trắng ngà, rất thơm, đài có 6 thùy, tràng có 6 cánh, nhị 6, bầu 2 ô. Quả hình trứng, có đài tồn tại ở đỉnh và cạnh lồi có cánh, khi chín màu vàng, thịt quả có có màu vàng cam, hạt dẹt, nhiều.

Mùa hoa: tháng 3-5, mùa quả tháng 8-10. 

Hình 26. Cây dành dành 

Trồng trọt

Cây được nhân giống bằng cách gieo hạt và giâm cành. Hạt thường gieo trong vườn ươm vào tháng 11-12. Cây con hoặc cành giâm được trồng vào tháng 3-4 năm sau. Phương pháp gieo hạt ít được phổ biến vì cây chậm ra hoa. Người ta thường dùng phương pháp giâm cành. Vào mùa xuân, chọn cành bánh tẻ khỏe mạnh, cắt thành đoạn từ 20-25cm, đặt nghiêng 25-30o ở độ sâu 10-15cm, trong gốc đã lót phân từ trước rồi phủ đất mùn hoặc ao.

Bộ phận dùng

Quả: thu hái quả chín già vào tháng 8-10, ngắt bỏ cuống, phơi hay sấy nhẹ đến khô. Lá: thu hái quanh năm, dùng tươi.

Công dụng – cách dùng

Dùng chữa sốt, bồn chồn khó ngủ, vàng da, huyết nhiệt, tiểu tiện khó khăn, mắt đỏ đau, miệng khát. Quả dành dành sao đen, có tác dụng chỉ huyết, lương huyết, dùng chữa chảy máu cam, nôn ra máu, đái ra máu. Liều dùng: 6-12g/ngày dưới dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. 

Dùng ngoài, dành dành giã nát đắp lên chỗ sưng đau, chữa bong gân, vết thương. Chú ý: bệnh nhân tỳ hư, tiểu đường không dùng dành dành.

Diệp hạ châu

Tên khác: Chó đẻ răng cưa, cam kiềm, kiềm vườn, trân châu thảo.

Tên khoa học: Phyllanthus urinaria L., họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).

Đặc điểm thực vật

Cây thảo, sống hàng năm hay sống dai, cao 20cm – 30cm, có thể 60cm – 70cm. Thân nhẵn, thường có màu hồng đỏ. Lá mọc so le, xếp sít nhau thành 2 dãy giống lá kép lông chim, mặt trên xanh lục nhạt, mặt dưới màu xám nhạt, cuống lá rất ngắn. Hoa mọc ở kẽ lá, hoa đơn tính cùng gốc, hoa đực ở đầu cành có 6 lá đài, 3 nhị, hoa cái ở cuối cành có 6 lá đài, bầu hình trứng. Quả nang, hình cầu, hơi dẹt, mọc rủ xuống ở dưới lá, hạt hình 3 cạnh. Mùa hoa: tháng 4-6; mùa quả: tháng 7-9. 

Hình 27. Cây diệp hạ châu 

Trồng trọt

Cây được nhân giống bằng cách gieo hạt. Thời vụ gieo hạt tốt nhất vào mùa xuân.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Toàn cây bỏ rễ, rửa sạch, dùng tươi hay phơi sấy khô.

Công dụng – cách dùng

Chữa viêm họng, mụn nhọt, viêm da, lở ngứa, hậu sản ứ huyết đau bụng, trẻ em tưa lưỡi (giã cây tươi, lọc lấy nước cốt bôi), chàm má (giã nát đắp). Ngoài ra còn dùng chữa bệnh gan, sốt, rắn cắn. 

Liều dùng: 20-40g/ ngày dạng cây tươi hoặc sao khô sắc uống. Kiêng kỵ: phụ nữ có thai không nên dùng.

Cây nghệ

Tên khác: Khương hoàng, nghệ vàng.

Tên khoa học: Curcuma longa L., họ Gừng (Zingiberaceae).

Đặc điểm thực vật

Cây thảo, cao từ 0,6m – 1m. Thân rễ to, phân nhánh thành nhiều củ hình bầu dục, màu vàng sẫm đến vàng đỏ, rất thơm. Lá mọc thẳng từ thân rễ, gốc thuôn hẹp, đầu hơi nhọn, hai mặt nhẵn, màu lục nhạt; mép lá nguyên, uốn lượn, bẹ lá rộng và dài.

Cụm hoa hình trụ hoặc hình trứng đính trên một cán mọc từ giữa túm lá. Lá bắc rời, màu rất nhạt, những lá phía dưới mang hoa sinh sản, màu lục hoặc trắng nhạt, những lá bắc gần ngọn không mang hoa, hẹp hơn và pha màu hồng ở đầu lá. Đài có 3 răng không đều; tràng hoa hình ống, cánh giữa dài hơn các cánh bên, màu vàng, bầu có lông. Quả nang, 3 ô, mở bằng van. Hạt có áo hạt. 

Mùa hoa quả: tháng 3-5.

Hình 28. Cây nghệ 

Trồng trọt

Trồng bằng thân rễ. Sau khi thu hoạch, chọn những củ to, khỏe, có nhiều nhánh mang mầm, để nơi râm mát. Trước khi trồng, tách lấy những nhánh mầm, nặng trên dưới 10g làm giống. Nghệ thường được trồng vào cuối tháng 2 đến hết tháng 3. 

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Thân rễ thường thu hoạch vào tháng 8-9, cắt bỏ rễ để riêng. Muốn để lâu, người ta hấp nghệ trong 6-12 giờ, để ráo nước rồi đem phơi nắng hay sấy khô. Trong y học cổ truyền, nghệ được chế biến như sau:

Dạng thái phiến: nghệ thái phiến chéo, phơi hay sấy khô. Nếu là củ khô thì ngâm, rửa, ủ mềm rồi thái phiến, phơi khô.

Dạng sao với giấm: nghệ (10kg), giấm (1,5-2kg). Sau khi tẩm đều, ủ 30 phút để nghệ hút hết giấm, sao nhỏ lửa đến khô. Có thể luộc nghệ với giấm, thái phiến, phơi khô.

Dạng phiến sao vàng: nghệ đã thái phiến sao đến khi có màu vàng thẫm.

Dạng chế với phèn chua: nghệ thái phiến tẩm nước phèn chua với tỉ lệ 10kg nghệ và 0,1kg phèn chua, nước vừa đủ, ủ 1 giờ, sao đến khi vàng.

Dạng chế với giấm, phèn chua: nghệ (10kg), giấm (1kg), phèn chua (0,1kg), nước vừa đủ. Trộn đều nghệ với giấm, thêm ít nước nóng. Thêm dung dịch phèn chua vào, trộn đều, để 24 giờ, đun đến khi cạn, phơi khô se, ủ mềm 2 ngày rồi thái phiến 3-5mm, phơi khô. Có thể làm như vậy trong 10 ngày liền, thái phiến, phơi hoặc sấy khô.

Công dụng – cách dùng

Chữa viêm gan, vàng da, viêm loét dạ dày, bế kinh, kinh nguyệt không đều, phụ nữ sau sinh nở máu xấu không ra gây đau bụng, ngã tổn thương ứ máu, ung nhọt, phong thấp, chân tay đau nhức. Ngày dùng 2-6g dưới dạng bột hoặc thuốc sắc, chia 2-3 lần uống trong ngày.

Dùng ngoài nghệ tươi giã nhỏ, vắt lấy nước để bôi vào chỗ ung nhọt, viêm tấy lở loét ngoài da, bôi lên các mụn mới khỏi để đỡ sẹo.

Dùng làm gia vị và là nguồn nguyên liệu chiết xuất curcumin có tác dụng tăng cường miễn dịch, có khả năng chữa ung thư, làm chất màu và làm thuốc thử.

Kiêng kỵ: cơ thể suy nhược, không có ứ trệ không dùng. Phụ nữ có thai không nên dùng.

NHÂN TRẦN

Tên khác: Chè cát, chè nội, hoắc hương núi.

Tên khoa học: Adenosma caeruleumR. Br., họ Hoa mõmsói (Scrophulariaceae).

Đặc điểm thực vật

Cây thảo, sống hàng năm, cao khoảng 40cm – 70cm, thân tròn, màu tím hay nâu đen. Toàn thân và lá có lông trắng. Lá mọc đối, hình trái xoan, mép lá có khía răng cưa tù, hai mặt đều có lông, vò lá có mùi thơm. Hoa mọc

thành chùm dạng bông, ở kẽ lá hoặc đầu cành, màu lam tím, đài hình chuông có 5 răng, tràng chia 2 môi, nhị 4. Quả nang, hình trứng, chứa nhiều hạt nhỏ. Mùa hoa quả: tháng 4-7

Trồng trọt 

Cây được nhân giống bằng hạt. Hạt có thể gieo thẳng hoặc gieo ươm, nhưng cách gieo thẳng phổ biến hơn. Thời vụ gieo tốt nhất là trung tuần tháng 3. Trước khi gieo, ngâm hạt trong nước ấm từ 3-4 giờ, vớt ra, để ráo, trộn với đất bột hoặc cát ẩm để gieo cho đều. 

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Phần trên mặt đất, thu hái vào mùa hè lúc cây đang ra hoa, phơi hay sấy khô. Khi dùng rửa sạch, loại bỏ tạp chất bẩn, cắt thành đoạn 3-5cm, phơi và sao qua cho khô.

Công dụng – cách dùng

Nhân trần dùng chữa vàng da, viêm gan virut, sốt nóng, tiểu tiện không thông và cho phụ nữ sau khi đẻ (giúp ăn ngon, chóng lại sức).

Liều dùng: 8-20g/ngày, dạng thuốc sắc, thuốc hãm, siro hoặc thuốc viên. 

RAU MÁ

Tên khác: Tích tuyết thảo, liên tiền thảo.

Tên khoa học: Centella asitica (L.) Urban., họ Hoa tán (Apiaceae).

Đặc điểm thực vật

Cây thảo nhỏ. Thân mảnh, mọc bò, hơi có lông khi còn non, có rễ ở các mấu. Lá mọc so le, nhưng thường tụ họp 2-5 lá ở một mấu, phiến lá nhẵn, hình thận hoặc gần tròn, mép khía tai bèo. Cụm hoa gồm những tán đơn mọc riêng lẻ hoặc có 2-5 tán ở kẽ lá, mỗi tán mang 1-5 hoa (thường là 3 hoa) màu trắng hoặc phớt đỏ, hoa ở giữa không có cuống. Cánh hoa hình tam giác hoặc trái xoan. Quả

màu nâu đen, đỉnh lõm, có 7-9 cạnh lồi, nhẵn hoặc có lông nhỏ, có vân mạng. 

Mùa hoa quả: tháng 4-6

Hình 30. Cây rau má

Trồng trọt

Cây được nhân giống bằng cây con hoặc bằng hạt vào mùa xuân. Nếu trồng nhiều, có thể thu gom hạt chín, phơi khô, bảo quản đến tháng 1-2 đem gieo. 

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến Toàn cây tươi hay phơi, sấy khô.

Công dụng – cách dùng

Rau má được dùng làm thuốc chữa thổ huyết, chảy máu cam, sốt, mụn nhọt, bệnh gan vàng da, táo bón, tả lỵ, tiểu tiện rắt buốt, khí hư bạch đới, mất sữa. Rau má sắc với thân cây mào gà uống chữa vàng da.

Ngày dùng 30-40g cây tươi, giã nát, vắt lấy nước hoặc phơi khô sắc uống.

Ngoài ra, thường dùng rau má giã nát rồi đắp ngoài chữa các vết thương do ngã, gãy xương, bong gân và làm tan ung nhọt. Giã rau má với cỏ nhọ nồi rồi đắp làm thuốc cầm máu. Rau má còn được dùng làm nước giải khát.

Cao rau má điều trị bỏng độ II và độ III, có tác dụng dự phòng sự co rúm và sưng do nhiễm khuẩn và ức chế tạo sẹo lồi. Còn được dùng điều trị loét dạ dày tá tràng.

Dược liệu chữa rối loạn tiêu hóa

Cỏ sữa lá nhỏ

Tên khác: Cây vú sữa đất.

Tên khoa học: Euforbia thymifolia L., họ Thầu dầu (Euforbiaceae).

Đặc điểm thực vật

Cây thảo, sống hàng năm hoặc sống dai, mọc bò, có nhựa mủ trắng. Thân và cành tỏa rộng trên mặt đất, hình sợi, màu đỏ tím, có lông rất nhỏ.Lá nhỏ mọc đối, hình bầu dục hay thuôn. Cụm hoa dạng xim co ít hoa ở nách lá. Quả nang, đường kính 1,5 mm, có lông. Hạt nhẵn, có 4 cạnh.

Mùa hoa quả: tháng 5-10.

Hình 31. Cây cỏ sữa lá nhỏ

Trồng trọt

Cây thường mọc thành đám nhỏ, lẫn trong các loại cỏ thấp ở ven đường đi, vườn nhà, các ruộng cao, nương rẫy, đôi khi ở các kẽ nứt của sân gạch hay tường bao.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Toàn cây cỏ sữa lá nhỏ, thu hái vào mùa hè, dùng tươi hay phơi khô.

Công dụng – cách dùng

Dùng chữa lỵ trực khuẩn, loét giác mạc, trẻ em ỉa phân xanh, mụn nhọt, phụ nữ băng huyết hoặc mới đẻ ít sữa hoặc tắc tia sữa. 

Ngày dùng 40 – 100 g, dạng thuốc sắc. Trẻ em 10 – 20 g. 

Khổ sâm cho lá

Tên khác: Cù đèn, co chạy đón (Thái).

Tên khoa học: Croton tonkinensis Gagnep., họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).

Đặc điểm thực vật

Cây nhỏ, cao 1m – 2m, lá mọc so le hoặc gần như mọc đối, có khi tụ họp nhiều lá như mọc vòng, hình mũi mác, gốc hơi tù, đầu thuôn nhọn, hai mặt lá đều có lông hình khiên óng ánh như lá nhót, dày hơn ở mặt dưới. Khi phơi khô mặt dưới lá có màu trắng bạc, cho lá mặt trên có màu nâu đen. Cụm hoa mọc ở kẽ lá hay đầu cành. Hoa đực có 5 lá đài, 12 nhị, hoa cái có 5 lá đài, 3 vòi nhụy. Quả nang, khi khô nứt thành 3 mảnh. Hạt hình trứng, có mỏ, màu nâu hung. Mùa hoa quả: tháng 5 – 8.

Trồng trọt

Trồng bằng cành hoặc hạt vào tháng 2-3.  

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Lá: thu hái khi cây đang có hoa, phơi khô.

Công dụng – cách dùng

Khổ sâm được dùng trị đau bụng khó tiêu, lỵ, viêm loét dạ dày tá tràng. Ngoài ra khổ sâm còn được dùng trong các phương thuốc chữa mẩn ngứa, phong hủi, vẩy nến, viêm âm đạo trùng roi và sa sinh dục (sắc uống và rửa ngoài). Liều dùng hằng ngày: 12-24g, có khi tới 40g, dạng thuốc sắc.

Mơ tam thể

Tên khác: Rau mơ, mơ lông, dắm chó, xú hương, khau tất ma.

Tên khoa học: Paederia tomentosa L., họ Cà phê (Rubiaceae).

Đặc điểm thực vật

Cây leo, có nhiều lông, lá mọc đối, hình trứng hay hình bầu dục, gốc lá tròn hay hình tim, đầu nhọn, mặt trên màu lục, mặt dưới màu tím đỏ, lá kèm rộng, thường xẻ đôi. 

Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu ngọn thành xim, màu tím nhạt, đài hình chuông, tràng hình phễu, nhị 4-5, bầu 2 ô. Quả gần hình trứng, dẹt, nhẵn, màu nâu bóng. 

Toàn cây có lông mềm, nhất là thân cành và lá non. Lá vò nát có mùi khó ngửi.

Mùa hoa quả: tháng 8-10.  

 

Hình 33. Cây mơ tam thể 

Trồng trọt 

Cây được nhân giống bằng đoạn thân. Thời vụ trồng tốt nhất là tháng 2-3. 

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Toàn cây, thu hái vào mùa hè. Rễ, thu hái vào mùa thu hay mùa đông. Lá thường dùng tươi.

Công dụng, cách dùng

Lá mơ tam thể chữa lỵ trực khuẩn, chứng sôi bụng ăn không tiêu, viêm dạ dày, viêm ruột. Ngày dùng 20-40g dạng thuốc sắc. 

Cây gừng

Tên khác: Khương, co khinh (Thái), sung (Dao).

Tên khoa học: Zingiber officinale Rose., họ Gừng (Zingiberaceae).

 

Hình 34. Cây gừng

Đặc điểm thực vật

Cây thảo, cao 40cm – 80cm, sống nhiều năm, thân rễ nạc, mọc bò ngang, phân nhánh. Lá mọc so le thành 2 dãy, hình mác to, mặt lá nhẵn bóng, không cuống, có bẹ ôm lấy thân cây, lưỡi nhỏ dạng màng. 

Cụm hoa mọc thành bông từ gốc trên một cán dài khoảng 20cm, đài có ba răng ngắn, tràng có 3 thùy bằng nhau, một nhị. Quả nang (rất ít gặp). Toàn cây nhất là thân rễ có mùi thơm, vị cay nóng.

Mùa hoa quả: tháng 5-8.

Trồng trọt

Trồng gừng bằng thân rễ mang các mầm non đang nhú. Thời vụ trồng tốt nhất là tháng 2-3 ở đồng bằng, tháng 3-4 ở trung du và miền núi. 

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Thân rễ, thu hái vào mùa thu đông, dùng tươi là sinh khương, phơi hoặc sấy khô là can khương. Còn dùng tiêu khương (gừng khô thái lát dày, sao sém vàng, đang nóng vẩy vào ít nước, đậy kín, để nguội); bào khương (gừng khô đã bào chế); thán khương (gừng khô thái lát dày, sao cháy đen tồn tính).

Có thể cất tinh dầu từ gừng hoặc điều chế nhựa dầu gừng từ bột gừng khô với các dung môi hữu cơ.

Công dụng, cách dùng

Chữa cảm  mạo, phong hàn, nhức đầu, ngạt mũi, ho có đờm, nôn mửa, đau bụng lạnh, bụng đầy trướng. Dùng làm thuốc kích thích tiêu hóa, tăng bài tiết, sát trùng, giải độc ngứa do bán hạ, tôm, cua, cá, thú độc. Ngày dùng 4-8g, dạng thuốc sắc. Còn dùng làm thuốc xoa bóp và đắp ngoài chữa sưng phù.

Gừng nướng chữa đau bụng, đi ngoài.

Gừng khô, gừng sao chữa đau bụng lạnh, đầy trướng không tiêu, thổ tả, chân tay giá lạnh, mạch nhỏ, ho suyễn và thấp khớp. Ngày dùng 4-20g dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường dùng với các vị thuốc khác.

Gừng thán chữa đau bụng lạnh, tay chân lạnh, nhức mỏi, tê bại, băng huyết. Ngày dùng 48g dạng thuốc sắc.

Chú ý: người âm hư, nội nhiệt sinh ho, biểu hư làm ra mồ hôi nhiều hoặc mất máu không nên dùng gừng.

Sả

Tên khác: Cỏ sả, lá sả, hương mao.

Tên khoa học: Cymbopogon nardus (L.) Rendl., họ Lúa (Poaceae).

Đặc điểm thực vật

Cây thảo, sống lâu năm, cao khoảng 2m, thân ngắn, có đốt. Lá hình dải, gốc hẹp, đầu nhọn, mép sắc, không lông hoặc có ít lông ở phần gốc, bẹ lá thuôn dài. Cụm hoa mọc thành chùy, bông giả hình chùm không đều, xếp từng đôi một, hoa màu tím hoặc nâu hồng, hoa lưỡng tính.

Mùa hoa: tháng 12 – 1.

Hình 35. Cây sả 

Trồng trọt

Ở các tỉnh phía Bắc, sả được trồng 2 vụ, vụ chính vào tháng 2-3, vụ thu đông vào tháng 8-9. Ở miền Nam thường trồng vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa (tháng 6-7).

Sả được nhân giống bằng hom. Chọn những hom khỏe mập, dài 30cm – 40cm, cắt hết lá, để lại phần gốc thân dài 10-15cm để làm giống. 

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Toàn cây, dùng tươi hoặc phơi khô. Riêng đối với rễ, rửa sạch, cắt thành đoạn 3-5cm (rễ con) hoặc thái lát 2-3mm (rễ to, thường gọi là củ), phơi âm can đến khô.

Công dụng – cách dùng

Sả được dùng để chữa cảm sốt, đau bụng, đi ngoài, đầy hơi, chướng bụng, nôn mửa, trẻ em kinh phong, ho, viêm phổi, thủy thũng, ngộ độc rượu. Ngày dùng 8-12g lá và rễ dưới dạng thuốc xông hay thuốc hãm uống. Dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác. Rễ sả giã nát, sát vào vết chàm ở trẻ em. Lá sả nấu nước gội đầu làm sạch gầu, trơn tóc, tránh bệnh về da đầu. 

Tinh dầu sả dùng trừ muỗi, khử mùi hôi tanh, xoa ngoài chống cúm, phòng bệnh truyền nhiễm.

Sim

Tên khác: Đào kim phượng, hồng sim.

Tên khoa học: Rhodomyrtus tomentosa (Ait.) Hassk., họ Sim (Myrtaceae).

Đặc điểm thực vật

Cây bụi, cao khoảng 1m – 2m, vỏ màu nâu, nứt nẻ. Lá mọc đối, hình trái xoan, mặt trên có lông mềm sau nhẵn, mặt dưới có lông dày hơn màu trắng, mép lá nguyên, hơi gập xuống, 3 gân chính, cuống có lông mịn. Hoa mọc riêng lẻ hoặc 3 hoa mọc ở kẽ lá, màu hồng tím, tràng có 5 cánh, nhị nhiều, bầu dưới, 3 ô. Quả mọng, nạc, mềm và thơm, màu tím sẫm, hạt xếp thành 2 dãy trong mỗi ô.

Mùa hoa: tháng 4-6, mùa quả: tháng 7-8

Trồng trọt

Sim được trồng bằng hạt vào mùa xuân, hoặc lấy cây con mọc tự nhiên về trồng. 

Hình 36. Cây sim

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến Búp, lá, quả, rễ.

Búp, lá thu hái vào mùa hè, dùng tươi hay phơi khô. 

Quả chín hái vào mùa thu, phơi khô. 

Rễ thu hái quanh năm, thái nhỏ, phơi khô.

Công dụng – cách dùng

Búp và lá sim non chữa đau bụng, tiêu chảy, kiết lỵ. Lá còn là thuốc cầm máu, chữa vết thương chảy máu. Liều dùng từ 8-16g, thái nhỏ, sắc với 200ml nước còn 50ml, chia làm 2 lần uống trong ngày, có thể tán thành bột mịn uống. Búp sim nấu nước sôi, cô đặc để rửa vết thương. Lá sim được sử dụng làm thuốc chữa bỏng có kết quả tốt. Lá sim 1,0kg băm nhỏ, nấu với 20 lít nước làm nhiều lần rồi cô thành 250g cao. Ngày bôi nhiều lần, thường dùng 10-12 ngày là khỏi.

Quả sim chín ăn được, dùng để chế rượu, chữa thiếu máu lúc có thai, suy nhược khi mới ốm dậy, phụ nữ băng huyết.

Rễ sim chữa tử cung xuất huyết cơ năng, đau xương, lưng gối yếu mỏi, viêm thấp khớp.

Rau sam

Tên khác: Mã xỉ hiện.

Tên khoa học: Portulaca oleracea L., họ Rau sam (Portulacaceae).

Đặc điểm thực vật

Cây thảo, sống hàng năm, mọc bò. Thân hình trụ, mập, mọng nước, nhẵn, màu đỏ tím nhạt, phình lên ở những mấu. Lá mọc so le hoặc gần đối, phiến dày, phẳng, hình nêm, mép lá có viền đỏ, không có lá kèm. Hoa màu vàng, mọc đơn độc hoặc tụ tập ít hoa ở ngọn thân, hoa 5 cánh, nhị 8-10. Quả nang, hình cầu hoặc hình trứng, chứa nhiều hạt, màu đen bóng.  Mùa hoa quả: tháng 6- 8.

Hình 37. Cây rau sam

Trồng trọt

Rau sam được nhân giống bằng hạt với nhiệt độ nảy mầm thích hợp là 20 oC – 30oC. Vào mùa xuân, có thể gieo hạt hoặc thu gom cây con mọc từ hạt đem trồng với khoảng cách tùy ý. 

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Phần trên mặt đất thu hái vào mùa hạ, mùa thu, dùng tươi.

Công dụng, cách dùng

Dùng chữa lỵ trực khuẩn, lở ngứa, giun kim. 

Liều dùng: 15-20g/ngày cây khô dưới dạng thuốc sắc hoặc có thể uống 250g cây tươi. Trẻ em từ 6 tháng trở lên uống liều 50g cây tươi, có thể đến 100-200g/ngày. 

Còn dùng làm thuốc lợi tiểu. 

Dùng ngoài, rau sam giã nát chữa mụn nhọt, viêm kết mạc cấp do tụ cầu, liên cầu và vi khuẩn khác.

Tỏi

Tên tiếng Việt: Tỏi, Đại toán, Hom kía, Co sluốn (Thái), Sluôn (Tày)

Tên khoa học: Allium sativum L.  

Họ: Alliaceae (Hành)

 

Hình 38 : Tỏi

Đặc điểm thực vật

Cây thảo sống hàng năm, cao 30 – 40 cm. Thân hành ngắn, hình tháp gồm nhiều hành con gọi là ánh tỏi, to nhỏ không đều, xếp ép vào nhau quanh mỗi trục lõi, vỏ ngoài của thân hành mỏng, màu trắng hoặc hơi hồng. Lá phẳng và hẹp, hình dài, mỏng, bẹ to và dài có rãnh dọc, đầu nhọn hoắt, gân song song, hai mặt nhẵn.

Cụm hoa mọc ở ngọn thành đầu tròn, bao bọc bởi những lá mo có mũi nhọn rất dài; hoa màu trắng hay hồng có cuống hình sợi dài; bao gồm 6 phiến hình mũi mác, xếp thành hai hàng, thuôn; nhị 6, chỉ nhị có cựa dài, đính vào các mảnh bao hoa; bầu gân hình cầu. Quả nang. Mùa hoa quả: tháng 8 – 11.

Trồng trọt

Tỏi ưa khí hậu mát với nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng, phát triển là 18 – 20⁰C, và cho tạo củ là 20 – 22⁰C. Vùng trồng tỏi tập trung ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh… Thời vụ trồng thích hợp từ 25/9 đến 5/10. Không trồng tỏi sau 15/10 dương lịch.

Tỏi trồng bằng nhánh tách từ củ. Củ giống phải có thời gian sinh trưởng trên 140 ngày, không sâu bệnh, nặng trên 15g, đường kính 3,5 – 4 cm, có 8 – 10 nhánh đều và cao 2 cm. Khi thu hoạch, nhổ cả cây, cắt bỏ rễ và một phần lá, để lại khoảng 10 – 12 cm, bó thành bó nhỏ, phơi khô vỏ, treo nơi thoáng mát hoặc trên gác bếp.

Đất trồng tỏi phải là đất thịt nhẹ, tơi xốp, nhiều mùn, độ pH 6 – 6.5, cao ráo, thoát nước. Đất cần cày, để ải, đập nhỏ, lên luống cao 20 – 25 cm, rộng 1 -1.2 cm. Sau đó, rạch hàng ngang hoặc dọc luống, cách nhau 20 cm.  Bón phân lót theo rạch, không bón thúc sau khi tỏi trồng được 80 ngày và không bón quá nhiều đạm vì dễ làm cho tỏi thối, teo tóp trong quá trình bảo quản.

Tỏi cần nhiều nước, 60% độ ẩm đất cho thời kỳ đầu và thời kỳ củ lớn, 70 – 80% cho sự phát triển thân lá. Thiếu nước, cây còi cọc, củ nhỏ. Quá nhiều nước, cây lại dễ bị các bệnh thối ướt, thối nhũn. Cần chú ý tưới nước để đảm bảo độ ẩm phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây.

Bệnh đáng kể nhất với cây tỏi là sương mai (Peronospord destructor Unger) và thân đen (Urocystis cepula Prost). Có thể phòng trừ bằng Bordeax 1% hoặc Zubeb 80% pha 2 – 4 phần nghìn.

Thân hành cây tỏi thương phẩm thu hoạch sau khi trồng 125-130 ngày. Nhổ cả cây, rũ sạch đất, bó thành bó nhỏ treo trên dây hoặc sào nơi thoáng mát. Mỗi hecta trung bình đạt 5 – 8 tấn củ khô.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Thân hành (giò) thường có tên là đạt toan. Thu hoạch vào cuối đông, có thể dùng tươi hay phơi khô dùng dần.

Công dụng, cách dùng

Tỏi có vị cay, mùi hôi, tính ấm, có tác dụng hành khí, ôn trung, tiêu tích trệ, sát trùng, giải độc. Chủ trị: Cảm cúm, ho gà, viêm phế quản, ăn uống tích trệ, thượng vị đau tức do đầy hơi, tiêu chảy mụn nhọt, áp xe viêm tấy, hói trán, trị giun kim.

Tỏi được dùng làm gia vị và làm thuốc. Để chữa ho có đờm, dùng rượu tỏi 1/5 , ngày uống 2 lần, mỗi lần 15 giọt pha với nước đường.

Chữa cảm cúm: mỗi lần dùng 1-2 g tỏi tươi nấu cháo ăn và đắp chăn cho ra mồ hơi.

Chữa lỵ amip hay lỵ trực khuẩn: Lấy tỏi giã nát ngâm với nước sôi để nguội với tỷ lệ 5% hoặc 10%. Ngâm 1-2 giờ lọc qua gạc (không cần tiệt trùng, ngày pha 1 lần), thụt rửa. Trong 1-2 ngày đầu, thụt dung dịch 5% (100 ml), sau đó dùng dung dịch 10%. Mỗi ngày thụt một lần, có thể đồng thời uống 6g tỏi chia làm 3 lần uống trong ngày. Thời gian điều trị 5 – 7 ngày.

Chữa ung nhọt, áp xe, viêm tấy: Giã giập tỏi đắp 15 – 20 phút (nếu để lâu bị bỏng da). Nước tỏi 10% được dùng chữa vết thương có mủ, chữa giun kim (thụt phối hợp với lòng đỏ trứng gà), chữa viêm phế quản mạn tính, ho gà. Chữa tăng huyết áp: ngày uống 20 – 50 giọt cồn tỏi ⅕ với cồn 60⁰, (chia 2 – 3 lần uống). Nếu dùng quá liều huyết áp sẽ tăng.

Tài liệu tham khảo

Bộ y tế (2005), Dược liệu, Nhà xuất bản y học.

Bộ y tế (2009), Dược điển Việt Nam IV, Nhà xuất bản Hà Nội.

Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc ở Việt Nam, Nhà xuất bản Y học và Nhà xuất bản Thời đại, Hà Nội.

Nguyễn Viết Thân (2013), Cây thuốc Việt Nam và những bài thuốc thường dùng tập 1, Nhà xuất bản thế giới, Hà Nội. 

Nguyễn Viết Thân (2013), Cây thuốc Việt Nam và những bài thuốc thường dùng tập 2, Nhà xuất bản thế giới, Hà Nội. 

Nguyễn Viết Thân (2013), Cây thuốc Việt Nam và những bài thuốc thường dùng tập 3, Nhà xuất bản thế giới, Hà Nội. 

Viện Dược liệu (2003), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 1, nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.

Viện Dược liệu (2003), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 2, nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.