Nội dung

Bài giảng hướng dẫn sử dụng dược liệu chữa cảm sốt, mẫn ngứa

Nguồn: TÀI LIỆU ĐÀO TẠO LIÊN TỤC NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO CÁN BỘ DƯỢC LÀM VIỆC TẠI TRẠM Y TẾ XÃ HOẠT ĐỘNG THEO NGUYÊN LÝ Y HỌC GIA ĐÌNH– Bộ Y tế -2019

Dược liệu chữa mẩn ngứa

Ké đầu ngựa

Tên khác: Thương nhĩ tử, xương nhĩ, thương nhĩ, phắc ma, mac nháng (Tày).

Tên khoa học: Xanthium strumariumL., họ Cúc (Asteraceae).

Đặc điểm thực vật

Cây thảo, sống hàng năm, cao 0,5m – 1m, ít phân cành. Thân hình trụ, cứng, có khía, màu lục đôi khi điểm những chấm màu nâu tím. Lá mọc sole, phiến lá chia thuỳ không đều, mép lá khía răng cưa, gân lá hình chân vịt, thân và lá có lông ngắn. 

Cụm hoa đầu, mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành, màu lục nhạt, gồm hai loại hoa đầu, cùng gốc. Những hoa đầu ở phía trên nhỏ, mang hoa lưỡng tính, những hoa đầu khác mang hoa cái; lá bắc xếp thành hai hàng, có lông. Hoa lưỡng tính hình ống, không có mào lông, hoa cái không có tràng hoa và mào lông. Quả bế đôi, hình trứng, có hai sừng nhọn ở đầu ngựa và phủ đầy gai. 

Hình 10. Cây ké đầu

Trồng trọt 

Cây được trồng bằng hạt, thường vào tháng 2 – 3 hàng năm.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Quả giả (gọi thương nhĩ tử) và toàn bộ phần trên mặt đất.

Quả thu hái khi quả già chưa ngả vàng, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng sao cháy móc, trà xát và sẩy bỏ gai móc, giã giập.

Công dụng – cách dùng 

Ké đầu ngựa được dùng chữa phong hàn đau đầu, tay chân đau co rút, phong tê thấp, đau khớp, mũi chảy nước hôi, mày đay lở ngứa, tràng nhạc, mụn nhọt, làm ra mồ hôi. Ngoài ra, ké đầu ngựa được dùng chữa đau răng, đau họng, bướu cổ, nấm tóc, hắc lào, lỵ.

Ngày dùng 6-12g quả hoặc 10-16g lá cành; dạng thuốc sắc, thuốc viên hoặc cao thuốc. Để phòng bướu cổ do thiếu iod thì đập dập quả, hãm nước uống hàng ngày.

Đinh lăng

Tên khác: Gỏi cá, đinh lăng lá nhỏ, nam dương lâm.

Tên khoa học: Polyscias fruticosa Harms = Tieghemopanax fruticosus Vig. = Panax fruticosum L., họ Ngũ gia (Araliaceae).

Đặc điểm thực vật

Cây nhỏ, cao 0,8m – 1,5m, tán lá sum sê, xanh tốt quanh năm.

Thân nhẵn, không gai, ít phân nhánh, mang nhiều vết sẹo to, màu xám. Lá to, dài 20cm – 30cm, mọc so le, kép 2-3 lần lông chim; lá chét mép có khía răng cưa nhọn, đôi khi chia thùy, gốc và đầu lá thuôn nhọn; cuống lá dài, phát triển thành bẹ ở phần cuối. 

Cụm hoa mọc ở ngọn cành thành hình chùy ngắn mang  nhiều tán. Lá bắc rộng, rụng sớm. Hoa nhỏ, màu lục nhạt hoặc trắng xám; đài 5 răng hàn liền, mép uốn lượn; tràng 5 cánh hình trái xoan; nhị 5, chỉ nhị ngắn; bộ nhụy có bầu dưới, 2 ô. Quả dẹt, hình trứng rộng, màu trắng bạc. 

Toàn cây, đặc biệt lá đinh lăng có mùi thơm.

Chú ý: Cây dễ nhầm lẫn với nhiều loài khác cũng mang tên đinh lăng nhưng không được dùng làm thuốc.

Đinh lăng lá tròn (Polyscias balfouriana Baill.): thường chỉ có 3 lá chét trên một cuống lá dài. Lá chét hình tròn, đầu tù.

Đinh lăng lá to hay đinh lăng lá rang (Polyscias  ilicifolia (Merr.) Baill.): lá kép, thường có 11-13 lá chét; lá chét hình mác, khía răng cưa to và sâu.

Đinh lăng trổ hoặc đinh lăng viền bạc (Polyscias  guilfoylei Baill.): lá kép có 7 lá chét; lá chét thường có viền trắng. 

Hình 11. Cây đinh lăng

Trồng trọt

Đinh lăng thường được trồng bằng cành. Chọn cành bánh tẻ có đường kính từ 1-1,5cm, cắt thành đoạn dài 5-7cm, giâm trong cát ẩm. Sau 7-10 ngày, hom giống nảy mầm. Sau 1,5-2 tháng có thể ra ngôi và đem trồng.

Cây trồng sau 3 năm có thể thu hoạch, nhưng tốt nhất thu hoạch khi cây được 7-10 năm tuổi. Cây càng già thì cho năng suất và chất lượng rễ càng cao.

Bộ phận dùng

Rễ thu hái vào mùa thu ở cây trồng từ 3 năm trở lên. 

Sau khi thu hái về, rễ được rửa sạch đất cát; rễ nhỏ để nguyên, rễ to chỉ dùng vỏ rễ. Thái thành những lát mỏng, đem phơi hoặc sấy khô. Khi dùng để nguyên hoặc tẩm rượu gừng 5%, sao qua; sau đó tẩm mật ong 5% và  sao thơm.

Ngoài ra, còn dùng thân, cành và lá của cây đinh lăng để làm thuốc.

Công dụng – cách dùng

Rễ đinh lăng được dùng làm thuốc bổ, chữa cơ thể suy nhược, tiêu hóa kém, phụ nữ sau sinh ít sữa. Ngoài ra, còn được dùng chữa ho, ho ra máu, đau tử cung, kiết lỵ và làm thuốc lợi tiểu, chống độc.

Thân và cành chữa thấp khớp, đau lưng.

Lá chữa cảm sốt, chữa mụn nhọt sưng tấy, sưng vú, dị ứng mẩn ngứa. 

Liều dùng: ngày dùng từ 1-6g rễ hoặc 30-50g thân, cành dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu.  Lá tươi (50-100g) nấu cháo để ăn (lợi sữa) hoặc giã nát (đắp chữa vết thương, mụn nhọt…). Lá còn dùng để ăn gỏi cá.  

Kim ngân

Tên khác: Nhẫn đông, ngân hoa, song hoa, nhị hoa, boóc kim ngần (Tày).

Tên khoa học: Lonicera  japonica Thunb., họ Kim ngân (Caprifoliaceae).

Đặc điểm thực vật

Kim ngân là loại cây leo bằng thân quấn, sống lâu năm, cành non có lớp lông bao phủ, màu hơi đỏ có vân. Lá đơn, mọc đối, đôi khi ở phía gốc lá mọc vòng ba lá một, phiến lá hơi dày, hình trái xoan, gốc lá tròn, đầu lá nhọn. Lá cây xanh tốt quanh năm, mùa rét cũng rất ít khi rụng, do đó còn có tên là nhẫn đông.

Cụm hoa mọc ở kẽ các lá tận cùng thành xim hai hoa; lá bắc giống các lá con hình mũi mác, lá bắc con tròn có lông thưa ở mép; đài có 5 răng mảnh, đôi khi không bằng nhau, có lông; tràng hoa màu trắng sau chuyển màu vàng có lông mịn và lông tuyến ở ngoài, mùi thơm. Bộ nhị gồm 5 nhị thò ra ngoài, đính ở họng tràng, chỉ nhị nhẵn. Quả hình cầu, màu đen. 

 

Trồng trọt

Kim ngân được trồng bằng cành vào tháng 2-3 hoặc tháng 9-10 hàng năm.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Kim ngân hoa là hoa của cây kim ngân được thu hái khi hoa sắp nở và mới nở còn màu trắng, phơi hoặc sấy nhẹ đến khô.

Kim ngân đằng là cành mang lá của cây kim ngân được thu hái quanh năm, phơi hoặc sấy đến khô.

Công dụng – cách dùng

Kim ngân hoa được dùng chữa sốt nóng, sốt rét, mụn nhọt, lở ngứa, mày đay, ban sởi, dị ứng, viêm amidan, ho do phế nhiệt, tả, lỵ, giang mai.

Kim ngân đằng dùng chữa thấp khớp, phong tê thấp đau nhức.

Liều dùng: kim ngân hoa 4-6g/ ngày, dưới dạng thuốc sắc, thuốc cao hoặc thuốc viên. 

Kim ngân đằng 10 – 16g/ ngày, dùng riêng hoặc phối hợp với các thuốc khác.

Mỏ quạ

Tên khác: Hoàng lồ, vàng lồ, xuyên phá thạch.  

Tên khoa học: Maclura cochinchinensis (Lour.) Corner., họ Dâu tằm (Moraceae).

Đặc điểm thực vật

Cây nhỏ, thân mềm, phân cành nhiều. Vỏ thân màu xám có nhiều lỗ bì màu trắng. Thân và cành có nhiều gai cong quặp xuống trông như mỏ con quạ. Lá mọc so le, hình trứng thuôn, gốc lá nhọn, nhẵn bóng ở mặt trên; cuống lá mảnh, có lông. 

Cụm hoa mọc ở kẽ lá gồm nhiều hoa nhỏ,  hoa đơn tính khác gốc. Cụm hoa đực có cuống dài, mọc thành chùm ngắn, hoa có 4 lá đài hơi có lông, nhị 4 đối diện với lá đài, chỉ nhị loe ở gốc, bao phấn hình 4 cạnh; cụm hoa cái không có cuống, tụ họp thành đầu, hoa có 3-4 lá đài bằng nhau, dày hơn lá đài ở hoa đực. Quả kép gồm nhiều quả nhỏ, hình ô van, hơi cụt ở đầu, chẽ ba. Toàn cây có nhựa mủ trắng. 

Hình 13. Cây mỏ quạ

Trồng trọt 

Cây được tái sinh tự nhiên bằng hạt hoặc chồi mọc ra sau khi cây bị chặt. Cây hay được trồng làm bờ rào ở quanh nương rẫy. 

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Rễ và lá cây mỏ quạ, được thu hái quanh năm. Lá dùng tươi, còn rễ sau khi thu hái về phơi hay sấy khô.

Công dụng – cách dùng

Lá mỏ quạ tươi được dùng chữa vết thương phần mềm. Lá tươi lấy về, 100-200g (tùy theo vết thương to hay nhỏ), giã nhỏ, bỏ hết gân lá, đắp. Nếu là vết thương xuyên qua 2 bên, cần đắp cả hai bên rồi băng lại. Mỗi ngày rửa vết thương và thay băng một lần. Lá mỏ quạ còn được dùng để điều trị bỏng, viêm loét cổ tử cung và mụn nhọt.

Rễ mỏ quạ được dùng làm thuốc trừ phong, hoạt huyết, phá ứ; ngày dùng 10-30g; dạng thuốc sắc. Rễ còn chữa phù thũng với liều 6-12g/ngày, dạng thuốc sắc. Thường phối hợp với cà gai leo, rễ gai, tầm xoọng, lá cây đa lông, rễ lá lốt, lá mã đề. 

Sài đất

Tên khác: Cúc nháp, húng trám, hoa múc, ngổ núi. 

Tên khoa học: Wedelia chinensis (Osbeck) Merr., họ Cúc (Asteraceae).

Đặc điểm thực vật

Cây thảo, sống dai, mọc bò, bén rễ ở thân ngầm, sau đứng thẳng, cao 20cm – 40cm. Thân màu xanh, có lông ngắn cứng nhỏ, màu trắng. Lá gần như không cuống, mọc đối hình bầu dục, thon, đầu hơi nhọn. Hai mặt lá có lông nhỏ cứng, mép có 3-5 răng cưa to và nông. 

Cụm hoa mọc ở kẽ lá và đầu cành thành đầu trên một cán dài. Hoa màu vàng; tràng hình lưỡi nhỏ ở phía ngoài, có đầu bẹt khía 3 răng, ống tràng rất ngắn; tràng hình ống ở giữa, có 5 thùy hình bầu dục tù; nhị 5, bao phấn có đỉnh hẹp ở phần gốc, không có tai; bầu hình nêm. Quả bế, không có lông. 

Hình 14. Cây sài đất

Cây dễ nhầm lẫn: 

Cỏ mui (Tridax procumbens L) cùng họ, tên khác là sài lan, sài lông, cúc mui, thu thảo: cây thảo, sống lâu năm, mọc bò. Lá mọc đối, có nhiều răng nhọn không đều. Hoa màu trắng. Quả bế có nhiều lông. Toàn thân có nhiều lông màu trắng, dày và cứng.

Trồng trọt

Cây được trồng bằng những đoạn thân có rễ vào mùa xuân. Sau khi trồng 1,5-2 tháng là có thể thu hoạch được.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến 

Phần trên mặt đất, thu hái quanh năm, chủ yếu vào mùa hè, thu hái lúc cây đang ra hoa, rửa sạch dùng tươi hay phơi sấy khô.

Công dụng – cách dùng 

Sài đất dùng chữa mụn nhọt sưng tấy, đinh độc, sưng vú, sốt phát ban, viêm họng, viêm phế quản mãn tính. 

Liều dùng: dùng 50-100g sài đất tươi giã nát, hoà thêm nước gạn uống, bã đắp vào chỗ sưng tấy. Nếu dùng sài đất khô 20-40g, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2-3 lần trong ngày, dùng liên tục từ 5-7 ngày; có thể dùng riêng hoặc phối hợp với bồ công anh, kim ngân, ké đầu ngựa. Trẻ em tuỳ độ tuổi, thường uống bằng 1/3-1/2 liều người lớn.

Ngoài ra, sài đất còn được dùng ăn sống như rau, đun nước tắm trị rôm sảy hoặc để uống phòng bệnh sởi, chữa sốt rét.  

Đơn lá đỏ

Tên khác: Đơn tía, đơn mặt trời.

Tên khoa học: Excoecaria cochinchinensis Lour., họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).

Đặc điểm thực vật

Cây nhỏ, cao chừng 1m. Thân nhỏ màu tía, lá mọc đối, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới màu đỏ tía, mép có răng cưa. Hoa mọc thành bông ở kẽ lá hay đầu cành, cùng gốc hoặc khác gốc. Quả nang 3 mảnh. Hạt hình cầu, màu nâu nhạt.

Hình 15. Cây đơn lá đỏ  

Trồng trọt

Cây xanh tốt quanh năm, thường trồng bằng cành để làm thuốc và làm cảnh.

Bộ phận dùng

Lá dùng tươi hoặc phơi sấy khô.

Công dụng – cách dùng

Chữa mẩn ngứa, dị ứng, zona, mụn nhọt, đi lỵ, đái ra máu, đại tiện ra máu, ỉa lỏng mạn tính.

Liều dùng: 10 – 20g/ngày, sắc uống độc vị hoặc phối hợp các vị thuốc khác.

Sắn dây

Tên khác: Cát căn.

Tên khoa học: Pueraria thomsonii Benth., họ Đậu (Fabaceae).

Đặc điểm thực vật

Dây leo, dài tới 10m. Rễ phát triển to lên thành củ, nhiều bột. Thân cây hơi có lông. Lá kép gồm 3 lá chét, lá chét hình trứng chim, lá chét lại chia thành 3 thùy rõ ràng, phiến lá chét dài 7cm – 15 cm, rộng 5cm – 12 cm, hai mặt lá có lông nằm ráp. 

Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm dài 15-30cm; hoa thơm, màu xanh lơ hoặc xanh tím. Lá bắc có lông; đài hình chuông, có lông màu vàng, chia 4 răng, có 1 răng rộng hơn; tràng có cánh ngắn, cánh cờ hình mắt chim rộng 1,8cm có tai ngắn; bộ nhị một bó; bộ nhụy có bầu dài gấp hai lần vòi nhụy, có phủ lớp lông mịn. Quả loại đậu màu vàng nhạt, nhiều lông.

Trồng trọt 

Sắn dây được trồng bằng đoạn thân. Vào mùa đông, trước khi đào củ, chọn đoạn thân bánh tẻ ở giữa để làm giống, cắt thành đoạn có 35 mắt, cuộn tròn; có thể trồng ngay hoặc đem ủ cho lên mầm rồi trồng. Sau 1 năm có thể thu hoạch.          

Hình 16. Cây sắn dây 

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Rễ củ, thu hái vào cuối tháng 10 đến tháng 3-4 năm sau. Rễ củ sau khi đào về, rửa sạch đất cát, bóc bỏ lớp vỏ bên ngoài, cắt thành khúc dài 30-35cm. Nếu đường kính rễ củ quá to thì bổ dọc làm đôi hoặc có thể thái thành từng miếng dày 0,5-1cm. Đem sông diêm sinh rồi phơi hay sấy khô được cát căn. 

Công dụng – cách dùng

Chữa cảm mạo có sốt, khát nước, say nắng, sởi lúc mới mọc, ỉa chảy nhiễm khuẩn, lỵ, các cơn co cứng cơ, đau vai gáy, hạ sốt, sinh tân chỉ khát. Bột sắn dây dùng pha nước uống có tác dụng giải nhiệt.

Liều dùng: 2-12g/ ngày. Nếu giải nhiệt thì dùng sống, chữa ỉa chảy thì sao vàng. 

Chú ý: Hoa sắn dây còn được dùng để giải độc rượu.

Bồ công anh

Tên khác: Rau bồ cóc, diếp dại, mũi mác, rau bao

Tên khoa học: Lactuca indica L., họ Cúc (Asteraceae).

Đặc điểm thực vật

Cây thảo, mọc đứng, sống một năm hay hai năm. Thân nhẵn, thẳng, cao 0,5m – 2m, ít phân cành, đôi khi có những đốm tía. Lá mọc so le, gần như không cuống, rất đa dạng. Những lá ở phía gốc thuôn dài, xẻ thuỳ không đều, hẹp và sâu, thuỳ lớn và thuỳ nhỏ xen kẽ nhau, mép các thuỳ lại khía răng cưa. Các lá ở giữa thân và phía trên ngọn ngắn và hẹp hơn, có ít răng hoặc hoàn toàn nguyên. 

Cụm hoa là một đầu, tụ họp thành một chuỳ dài 20cm – 40cm, mọc ở ngọn thân và kẽ lá, phân nhiều nhánh, mỗi nhánh mang 2 – 5 đầu, hoa màu vàng. Quả bế, màu đen, có mào lông trắng nhạt. Toàn thân và lá có nhựa mủ màu trắng.

Trồng trọt

Hình 17. Cây bồ công anh

Bồ công anh được nhân giống bằng hạt. Trong tự nhiên, hạt phát tán theo gió, theo nước rồi nằm dưới đất, đến mùa xuân năm sau nảy mầm thành cây. Để gieo trồng, vào tháng 8-9, người ta thu lấy những quả bồ công anh chín về phơi khô để làm giống.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Cả cây bồ công anh, thu hái vào mùa hạ, khi cây chuẩn bị ra hoa, thu hái toàn cây, phần rễ củ được rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ con, dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô.

Công dụng – cách dùng

Bồ công anh được dùng chữa lở loét, mụn nhọt, đinh râu đang mưng mủ, chữa nhọt vú, viêm tắc tia sữa, viêm dạ dày cấp, viêm đường tiết niệu, chữa tràng nhạc. Còn là vị thuốc kích thích tiêu hoá dùng trong trường hợp ăn không ngon miệng, tiêu hoá kém.

Liều dùng: 8 – 20g/ngày, dưới dạng thuốc sắc. Dùng tươi khoảng 60g/ngày.

Dược liệu chữa cảm sốt

Cỏ nhỏ nồi

Tên khác: Cỏ mực, hạn liên thảo, lệ trường, phong trường, mạy mỏ lắc nà (Tày), nhả cha chát (Thái).

Tên khoa học: Eclipta prostrata (L.) L., họ Cúc (Asteraceae).

Đặc điểm thực vật

Cây thảo, mọc thẳng đứng, đôi khi bò lan rồi vươn thẳng, cao 30cm – 40cm. Thân tròn có lông cứng, màu lục hoặc đỏ tía. Lá mọc đối, hình mác, gốc thuôn, đầu nhọn, mép lá khía răng rất nhỏ, có lông nháp ở hai mặt, cuống lá rất ngắn.

Cụm hoa hình đầu mọc ở kẽ lá hoặc ngọn thân hay đầu cành.

Cuống cụm hoa dài, có lông thô, lá bắc thuôn nhọn, có lông. Hoa màu trắng, hoa cái ở ngoài hình lưỡi nhỏ, xếp thành một hàng, hoa lưỡng tính ở trong hình ống, mào lông tiêu giảm thành vẩy nhỏ và ngắn.

Quả bế có 3 cạnh, hơi dẹt, đầu bẹt, có 2 sừng nhỏ. Mùa hoa quả: tháng 2-5. 

Hình 18. Cây cỏ nhọ nồi 

Trồng trọt

Ngoài thu hái từ nguồn hoang dại, gần đây cây bắt đầu được trồng. Cây được nhân giống bằng hạt. Thường gieo hạt trong vườn ươm, sau đó đánh cây con đi trồng. 

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Toàn bộ phận trên mặt đất: thu hái trước khi cây ra hoa, phơi khô.

Công dụng – cách dùng

Thường dùng làm thuốc bổ máu, cầm máu, chữa ho ra máu, chảy máu cam, nôn ra máu, đại tiện ra máu, tiểu tiện ra máu, rong kinh, băng huyết, trĩ ra máu, bị thương chảy máu. Chữa ban sởi, ho, hen, viêm họng, bỏng, lao phổi, di mộng tinh, bệnh nấm ở da. Làm thuốc kích thích mọc tóc và làm đen tóc.

Cối xay

Tên khác: Kim hoa thảo, ma bản thảo, giàng xay, quýnh ma, co tó ép (Thái), phao tôn (Tày).

Tên khoa học: Abutilon indicum (L.) Sweet, họ Bông (Malvaceae).

Đặc điểm thực vật

Cây nhỏ mọc thành bụi, sống lâu năm, cao 1,0m – 1,5m. Toàn thân và các bộ phận của cây đều mang lông nhỏ mềm hình sao. Lá mọc so le, cuống lá dài, phiến lá hình tim, đầu nhọn, mép khía răng, mặt dưới lá màu trắng xám, có 5 – 7 gân chính, lá kèm hình chỉ.

Hoa màu vàng, mọc đơn độc ở kẽ lá, cuống hoa dài bằng cuống lá. Đài 5 răng, không có tiểu đài. Cánh hoa hình tam giác

ngược hay hình nêm. Nhị nhiều. Nhụy gồm 20 lá noãn. Quả do nhiều nang hợp lại, xếp sít nhau trông giống cái cối xay. Nang có lông ở phần lưng và có mỏ nhọn. Mùa hoa: tháng 2 – 3. Mùa quả: tháng 4 – 6. 

Hình 19. Cây cối xay 

Trồng trọt

Cây được nhân giống bằng hạt. Hạt được gieo vào mùa xuân trong vườn ươm, sau đó đánh cây con đi trồng.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Phần trên mặt đất của cây cối xay gồm thân, cành, lá, quả: thu hái vào mùa hạ, phơi hoặc sấy khô.   

Công dụng – cách dùng

Chữa cảm mạo có sốt, nhức đầu, bí tiểu tiện, phù thũng sau khi đẻ, kiết lỵ, viêm màng tiếp hợp. 

Liều dùng: 5 – 10g dạng khô hoặc 10- 40g dạng tươi/ ngày, sắc uống.

Lá tươi giã nát đắp ngoài chữa mụn nhọt.

Cúc hoa vàng

Tên khác: Hoàng cúc, kim cúc, dã cúc, cam cúc, khổ ý, bioóc kim (Tày).

Tên khoa học: Chrysanthemum indicum L., họ Cúc

(Asteraceae).

Đặc điểm thực vật

Cây thảo, sống hàng năm hay sống dai, cao 20cm – 50cm. Thân mọc thẳng, nhẵn, có khía dọc. Lá mọc so le, chia nhiều thùy sâu, mép có nhiều răng nhọn không đều, mặt trên lá mầu lục đen sẫm, mặt dưới nhạt, cuống lá ngắn.  

Cụm hoa hình đầu trên một cuống dài mọc ở nách lá hay ngọn thân hoặc đầu cành, tổng bao lá bắc là những vảy thuôn dài. Hoa màu vàng, các hoa vòng ngoài hình lưỡi nhỏ, các hoa ở giữa hình ống, không có mào lông.Tràng hoa hình ống ngắn hơn tràng hình lưỡi nhỏ. Quả bế.

Mùa hoa quả: tháng 10 – 1.

Hình 20. Cây cúc hoa vàng

Trồng trọt

Cây chủ yếu được nhân giống bằng phương pháp vô tính. Trước đây thường tách khóm nhưng hiện nay thường giâm cành vào tháng 4 – 5, chọn cành khỏe, cắt đoạn dài 12 – 15cm, bỏ bớt lá ở phần dưới rồi giâm vào bầu hoặc vườn ươm. Sau khi cành giâm ra rễ đánh đi trồng.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Cụm hoa: thu hái vào đầu tháng 10 đến tháng 1 – 2 năm sau. Hoa sau khi thu hái đem đồ và phơi nắng hoặc sấy nhẹ đến khô. 

Công dụng – cách dùng

Chữa các chứng cảm mạo do lạnh, sốt, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, đau mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt, quáng gà, giảm thị lực, huyết áp cao, đinh độc, mụn nhọt sưng đau, dị ứng. Uống lâu ngày lợi khí huyết, trẻ lâu.

Liều dùng: 8 – 16g/ ngày, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài rửa đắp mụn nhọt.

Cúc tần

Tên khác: Từ bi, cây lức, phật phà, vật và (Tày).

Tên khoa học: Pluchea indica (L.) Less., họ Cúc (Asteraceae).

Đặc điểm thực vật

Cây bụi, cao 1m – 2m. Cành mảnh. Lá đơn, mọc so le, gần như không cuống, lá hình bầu dục, gốc thuôn dài, đầu hơi nhọn, mặt trên và dưới màu lục xám, mép khía răng cưa.     

Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành hình đầu xếp thành dạng ngù, mỗi đầu có cuống ngắn. Các lá bắc xếp thành 4-5 hàng. Hoa màu tím nhạt, hoa cái xếp trên nhiều hàng, hoa lưỡng tính nhiều ở phía giữa, mào lông màu trắng bẩn. 

Quả bế hình trụ thoi, có 10 cạnh. Toàn cây có lông tơ mịn và mùi thơm. Trên cây thường có dây tơ hồng mọc và sống ký sinh. Mùa hoa quả: tháng 2-4.

Hình 21. Cây cúc tần 

Trồng trọt

Cúc tần nhân giống bằng thân, cành. Vào mùa xuân, chọn  những thân, cành bánh tẻ, chặt thành từng đoạn dài 30-40cm để làm giống. 

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Cành, lá non và rễ: thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc khô.

Công dụng – cách dùng

Cành, lá non và rễ được dùng chữa cảm mạo, sốt không ra mồ hôi, phong thấp, tê bại, gân xương mình mẩy đau nhức, gãy xương, bong gân sưng đau.

Liều dùng: 8 – 16g (khô)/ngày, dùng tươi 20- 50g/ngày, sắc uống.

Lá và cành non tươi, giã, thêm ít rượu, xào nóng, đắp chữa đau nhức xương khớp, đau lưng, đau mình mẩy.

Hương nhu tía

Tên khác: É đỏ, é tía.

Tên khoa học: Ocimum sanctum L., họ Hoa môi (Lamiaceae).

Đặc điểm thực vật  

Cây nhỏ, sống hàng năm hay sống dai, cao khoảng gần 1m. Thân vuông, thân và cành thường có màu tía, có lông mịn. Lá mọc đối chéo chữ thập, có cuống dài, phiến hình mác hay thuôn, mép lá khía răng cưa, hai mặt lá đều màu tím tía và có lông mềm.

Cụm hoa mọc ở đầu cành thành chùm xim phân nhánh, lá bắc nhỏ. Hoa màu trắng hay tím tía xếp từng vòng từ 5-6 cái trên cụm hoa.

Quả đóng tư, gần hình cầu, hơi dẹt, màu nâu nhạt hoặc đỏ có đốm đen nhỏ, nằm trong đài tồn tại.

Mùa hoa quả: tháng 5-7. 

Lá và hoa vò ra có mùi thơm giống đinh hương.

Hình 22. Cây hương nhu tía

Trồng trọt

Cây được nhân giống từ hạt vào khoảng cuối mùa xuân. Cây ra quả nhiều, quả chín tự mở, hạt rơi xuống đất và nảy mầm sau 5-6 tháng.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Thân mang cành, lá, hoa: thu hái vào mùa hạ, cắt đoạn, phơi âm can đến khô.

Công dụng – cách dùng

Hương nhu tía được dùng làm thuốc theo kinh nghiệm dân gian để hạ sốt, chữa cảm đặc biệt là cảm nắng, say nắng, nhức đầu, đau bụng đi ngoài, nôn mửa, phù thũng.

Liều dùng: 3 – 8g/ ngày, dạng thuốc hãm hoặc thuốc sắc.

Eugenol chiết từ hương nhu tía, được dùng trong nha khoa và là nguyên liệu để bán tổng hợp vanilin.

Kinh giới

Tên khác: Khương giới, giả tô, bán biên tô, tịnh giới, nhả nát hom (Thái), phjăc hom khao (Tày).

Tên khoa học: Elsholtzia ciliata (Thumb.) Hyland., họ Hoa môi (Lamiaceae).

Đặc điểm thực vật

Cây nhỏ, cao 40cm – 60cm. Thân vuông, mọc thẳng đứng, có lông mịn. Lá mọc đối chữ thập, hình trứng thuôn, gốc lá hình thuôn, đầu nhọn, mép răng cưa, gân lá nổi rõ ở mặt dưới, cuống lá dài.

Cụm hoa xim mọc thành bông giả lệch về một bên ở đầu cành hay ngọn thân. Hoa nhỏ, không cuống, màu tím nhạt. Lá bắc rộng, màu lục, không cuống. Đài hình ống có lông dày, tràng hơi cong ở gốc, mặt ngoài có lông, mặt trong nhẵn, chia hai môi. Nhị 4 mọc thò ra ngoài tràng, bầu có vòi nhụy dài hơn nhị.

Quả bế 4, thuôn, bóng. Mùa hoa quả: tháng 8-10.  

Hình 23. Cây kinh giới

Trồng trọt

Cây được nhân giống bằng hạt. Khi quả già, cắt cả cây phơi khô, đập lấy hạt, sàng sẩy, bảo quản hạt nơi khô thoáng.  Hạt có thể gieo thẳng hoặc gieo trong vườn ươm vào mùa xuân.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Phần trên mặt đất gồm thân, cành mang lá, hoa: thu hái vào mùa hè, dùng tươi hoặc phơi hay sấy nhẹ đến khô. 

Công dụng – cách dùng

Chữa cảm mạo do lạnh, cúm, sốt, nhức đầu, hoa mắt, phong thấp, đau xương, đau người, đau dây thần kinh do lạnh, viêm họng, nôn mửa, mụn nhọt, dị ứng, làm mọc các nốt ban chẩn: sởi, thuỷ đậu. 

Kinh giới sao đen chữa băng huyết, rong huyết, thổ huyết, chảy máu cam, đại tiểu tiện ra máu.

Liều dùng: 6 – 16g khô, tươi 20- 30g/ngày, sắc uống hoặc dạng tươi giã nát vắt nước uống.

Tía tô

Tên khác: Tử tô, hom tô (Thái), phằn cưa (Tày), cần phân (Dao).

Tên khoa học: Perillafrutescens (L.) Britton., họ Hoa môi (Lamiaceae).

Đặc điểm thực vật

Cây nhỏ, cao 0,5m – 1m. Thân vuông, mọc đứng, phân nhiều cành, có lông. Lá mọc đối chéo chữ thập, hình bầu dục, gốc lá tròn, đầu lá nhọn, mép lá có răng cưa và uốn lượn, mặt trên lá có màu xanh lục, mặt dưới màu tía, có khi cả hai mặt đều tía, có lông. Cuống lá dài. Khi vò lá có mùi thơm đặc biệt.

Cụm hoa mọc thành xim dạng bông giả ở đầu cành và kẽ lá, lá bắc hình mác, dài hơn hoa. Hoa nhỏ, màu trắng hoặc tím nhạt.  

Quả bế, hình cầu, màu nâu sáng. Mùa hoa quả: tháng 5-8.

Hình 24. Cây tía tô

Trồng trọt

Cây được nhân giống bằng hạt. Những cây để làm giống thu hạt, chỉ nên hái lá 1-2 lần. Khi quả chín, cắt cả cây hoặc cành phơi khô, đập lấy hạt. Hạt có thể gieo thẳng hoặc gieo trong vườn ươm vào mùa xuân.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Lá (Tô diệp); thân, cành (Tô ngạnh); quả (Tô tử). Các bộ phận được thu hái về phơi âm can hoặc sấy nhẹ đến khô để giữ nguyên mùi vị.

Công dụng – cách dùng

Lá tía tô chữa cảm mạo do lạnh, không có mồ hôi, ho nhiều đờm, ngạt mũi, nhức đầu, tiêu hóa kém, đau bụng, nôn mửa do lạnh, động thai, ngộ độc tôm, cua, cá. 

Cành tía tô có công dụng như lá nhưng kém hơn. 

Hạt tía tô chữa ho có đờm, hen xuyễn, tê thấp, co thắt đại tràng. 

Liều dùng: lá và hạt 3-10g/ngày, thân và cành 6-20g/ngày, dạng thuốc sắc và xông. Có thể uống nước hãm 15-20g lá tươi, hoặc thái nhỏ 10 lá tươi trộn với cháo nóng ăn. Chú ý: ho khan, ho ra máu không dùng.

Tài liệu tham khảo

Bộ y tế (2005), Dược liệu, Nhà xuất bản y học.

Bộ y tế (2009), Dược điển Việt Nam IV, Nhà xuất bản Hà Nội.

Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc ở Việt Nam, Nhà xuất bản Y học và Nhà xuất bản Thời đại, Hà Nội.

Nguyễn Viết Thân (2013), Cây thuốc Việt Nam và những bài thuốc thường dùng tập 1, Nhà xuất bản thế giới, Hà Nội. 

Nguyễn Viết Thân (2013), Cây thuốc Việt Nam và những bài thuốc thường dùng tập 2, Nhà xuất bản thế giới, Hà Nội. 

Nguyễn Viết Thân (2013), Cây thuốc Việt Nam và những bài thuốc thường dùng tập 3, Nhà xuất bản thế giới, Hà Nội. 

Viện Dược liệu (2003), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 1, nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.

Viện Dược liệu (2003), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 2, nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.