ThS.BS. Đỗ Mộng Hoàng
Dứt sữa
Trong năm đầu cơ thể trẻ phát triển nhanh, đòi hỏi nhu cầu dinh dưỡng cao. Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất của trẻ em dưới 1 tuổi nhưng không thể nuôi con bằng sữa mẹ đơn thuần từ lúc sinh đến khi cai sữa, vì sữa mẹ không đủ thỏa mãn nhu cầu cơ thể trẻ ngày càng lớn lên. Do đó, cần cho trẻ ăn thêm thức ăn bổ sung để phòng ngừa các bệnh suy dinh dưỡng, còi xương và thiếu máu.
Sữa mẹ tuy rất quý về chất lượng, thích hợp với sự tiêu hóa của trẻ, nhưng từ 6 tháng trở đi sữa mẹ không đủ các chất cần thiết để đáp ứng nhu cầu của trẻ, trẻ lớn nhanh, tăng vận động như bò, trườn, đi, chạy,.., tăng giao tiếp với môi trường xung quanh nên nhu cầu dinh dưỡng tăng cao và sữa mẹ lại giảm dần về số lượng. Ngoài ra, từ 6 tháng tuổi trẻ bắt đầu mọc răng nên việc tập nhai và sử dụng các men của tuyến nước bọt tiết ra.
Do đó, mẹ giảm dần số lần cho con bú và tăng dần lượng thực phẩm bổ sung thay thế ngoài sữa mẹ nên cho trẻ ăn thêm các thức ăn của người lớn. Đương nhiên với bà mẹ ít sữa, có thể bắt đầu cai sữa cho con sớm hơn, cố gắng là thật tốt việc chuyển tiếp, để tiện cho sự thích ứng về sinh lý và tâm lý của đứa trẻ.
Chú ý mùa cai sữa: thích hợp nhất là xuân và thu, nhiệt độ khí hậu không cao không thấp, tránh cai sữa vào mùa hè.
Các loại thức ăn bổ sung
Hiện nay, tổ chức quốc tế nghiên cứu về dinh dưỡng đã thống nhất các loại thức ăn bổ sung cho trẻ được biểu thị theo ô vuông thức ăn, trung tâm của ô vuông là sữa mẹ.
Thức ăn cơ bản
Gồm ngũ cốc và khoai củ, thức ăn này cung cấp nhiệt lượng chính trong khẩu phần ăn và chất đường từ tinh bột. Ở nước ta thường dùng gạo, mì, ngô, khoai sắn được chế biến dưới dạng bột sử dụng cho trẻ em.
Bảng 1: Ô vuông thức ăn
Thức ăn cung cấp đạm
Protein động vật có giá trị dinh dưỡng cao, trẻ hấp thu tốt như trứng, sữa, thịt, cá. Trong các loại sữa, sữa mẹ tốt nhất rồi đến sữa bò, sữa dê, sữa đậu nành.
Các loại thịt heo, bò, gà đều có thể cho trẻ ăn được, nhưng không nhất thiết trẻ phải ăn toàn thịt nạc, mà nên sử dụng cả nạc lẫn mỡ, ngoài ra nên tận dụng nguồn protein từ cua, cá, lươn, nhộng, ếch cho trẻ ăn nhất là ở vùng nông thôn.
Protein động vật thường đắt tiền, nên cho trẻ ăn thêm đậu đỗ như đậu nành, đậu xanh, đậu đen, đậu trắng. Trong các loại đậu thì đậu nành có hàm lượng protein và lipid cao nhất.
Đậu nành có thể chế biến dưới dạng sữa, bột đậu nành, đậu phụ, tào phớ.
Thức ăn cung cấp nhiệt lượng
Gồm các loại dầu, mỡ, bơ, đường. Ngoài mỡ động vật, trẻ nên ăn thêm dầu như dầu lạc, dầu vừng, dầu dừa, dầu đậu nành. Dầu có tỉ lệ acid béo không no cao hơn mỡ động vật nên dễ hấp thu đồng thời có nhiều vitamin hòa tan trong dầu như vitamin A, D …
Thức ăn cung cấp vitamin và muối khoáng
Rau quả là nguồn vitamin và muối khoáng vô cùng phong phú. Trong chế độ ăn hàng ngày nên chú ý cho trẻ ăn thêm rau và hoa quả, đặc biệt các loại hoa quả và rau củ có màu vàng đỏ như đu đủ, xoài, bí đỏ, cà rốt, gấc,… và các loại rau có màu xanh thẫm như rau ngót, rau dền, rau muống chứa nhiều caroten, giúp cho trẻ phòng bệnh khô mắt do thiếu vitamin A.
Nguyên tắc cho ăn dặm
Thời điểm bắt đầu cho ăn bổ sung, chất lượng thức ăn đều có ảnh hưởng đến thể lực và sức khỏe của trẻ. Ăn bột quá sớm, trẻ không hấp thu được, dễ bị rối loạn tiêu hóa, đồng thời không tận dụng được nguồn sữa mẹ. Ngược lại bổ sung thức ăn cho trẻ quá muộn, trẻ thường hay bị xanh xao, thiếu máu. Vì vậy, thức ăn bổ sung cho trẻ tùy theo tháng tuổi. Tập ăn từ 4-6 tháng tuổi để trẻ dễ tiếp thu không ý thức kén chọn. Chỉ cho trẻ ăn thêm nếu:
Vẫn còn đói sau mỗi cử bú mẹ
Không tăng cân bình thường
Đầu tiên ăn từ từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc dần, từ mềm đến cứng. Khi trẻ có đủ răng nên chuyển sang thức ăn cứng để trẻ tập nhai.
Kiên trì tập cho trẻ ăn, dần dần làm quen với mọi thức ăn. Không nên bắt ép trẻ ăn đủ số lượng ngay từ ban đầu và không nên quá lo lắng khi trẻ chưa chịu ăn.
Ăn đúng và đủ theo lứa tuổi. Thường xuyên thay đổi món ăn, màu sắc, chế biến hợp khẩu vị…Đảm bảo đủ 4 nhóm thức ăn.
Giảm dần số lần bú trong ngày của trẻ đến khi dứt sữa hẵn 18-24 tháng.
Cách sử dụng các chất
Trái cây: Ăn từ tháng thứ 3, dưới dạng nước. Từ tháng thứ 6 có thể ăn cả cái.
Bột: chỉ nên cho trẻ ăn từ tháng thứ 4, khi có đủ men Amylase để tiêu hóa chất bột.
Chén bột đầu tiên phải loãng 5%, 2 muỗng cà phê bột trong 200ml nước, ăn 1 lần trong ngày.
Nêm bằng nước mắm
Có thể pha bột bằng nước rau, nước thịt…
Từ 7-8 tháng: 2 chén bột/ngày, bột đặc 10%, 4 muỗng cà phê bột trong 200ml nước (trong mỗi chén đủ 4 nhóm thức ăn: bột, đạm, rau, dầu)
Từ 9-12 tháng: 3 chén bột/ngày
Từ 1-2 tuổi: nên thay bột bằng cháo đặc 4 chén/ngày.
Trên 2 tuổi nên thay cháo bằng cơm, ngày 4 chén chia 4 cử
Chất đạm: cần cả đạm thực vật và đạm động vật.
Tập cho trẻ ăn thịt, trứng, cá sữa từ tháng thứ 6, tôm cua từ tháng thứ 9 dưới dạng nghiền hoặc xay nhuyễn, cho ăn cả xác thịt, tránh tình trạng nấu lấy “nước ngọt của thịt”.
Số lượng tăng dần theo tuổi.
1-2 muỗng thịt nghiền (10-20g thịt trong mỗi chén bột hay cháo) → 50 – 100g thịt mỗi ngày.
Rau : rất cần để cung cấp chất sắt, các loại muối khoáng, vitamin và chất xơ…
Từ tháng thứ 4: tập uống nước rau.
Tháng thứ 6: ăn rau luộc nghiền nhỏ.
Trên 1 tuổi: ăn rau xào, luộc, nấu canh, thái nhỏ.
Dầu mỡ: là nguồn năng lượng chủ yếu. Trong mỗi chén cơm của trẻ nên cho một muỗng cà phê dầu phộng, dầu mè hay mỡ nước.
Chế độ ăn của trẻ từ 0-3 tuổi
0-2 tháng: bú mẹ hoàn toàn ( 7-8 lần/ngày)
3 tháng: bú mẹ + 1-2 muỗng cà phê nước trái cây
4-5 tháng: bú mẹ+ bột loãng 5% 200 ml + 1-2 muỗng cà phê nước trái cây.
6 tháng: bú mẹ+ bột loãng 5% 200 ml (bột + nước thịt + nước rau) +1-2 muỗng cà phê nước trái cây
7-8 tháng: bú mẹ + bột đặc 10% 200 ml x 2 cử (bột + thịt +rau + dầu) + 4-6 muỗng cà phê trái cây nghiền (1/4 trái chuối chín).
9-12 tháng: bú mẹ + bột đặc 10% 200 ml x 3 cử (bột + thịt +rau + dầu) + 6-8 muỗng cà phê trái cây nghiền (1/2 trái chuối chín).
1-2 tuổi: bú mẹ + 1 chén cháo đặc x 4 cử + trái cây nghiền (1 trái chuối chín).
2-3 tuổi: 1 chén cơm x4 cử + trái cây + sữa bò (1-2 cử).
Nuôi trẻ không có sữa mẹ
Khi mẹ thiếu sữa hoặc không có sữa bắt buộc phải nuôi trẻ bằng các loại sữa khác ngoài sữa mẹ (sữa bò, dê, trâu, đậu nành, …) gọi là chế độ ăn nhân tạo.
Một số lý do khiến cho trẻ không thể bú mẹ:
Do trẻ :
Sinh cực non cần nuôi dưỡng đặc biệt
Bị sứt môi chẻ vòm hầu
Do mẹ:
Bị bệnh lao tiến triển, viêm gan siêu vi nặng đang hoạt động, AIDS, tâm thần nặng
Mẹ phải đi làm sớm không thể vắt sữa mẹ cho con bú
Mẹ rời bỏ con: chết, ly hôn …
Mẹ bị mất sữa do dùng thuốc
Áp xe 2 vú
Các loại sữa dùng cho trẻ ăn nhân tạo
Sữa bò: giá trị dinh dưỡng cao, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu hơn các loại sữa khác.
1 lít sữa bò có:
770 calo+ 44 gam mỡ
39 gam đạm + 48 gam đường
Nhiều calci, phospho và vitamin Các dạng sữa bò:
Sữa bò tươi: khó bảo quản, dễ nhiễm khuẩn.
Sữa bò tươi tiệt trùng: là sữa bò tươi được khử trùng theo phương pháp Pasteur(đun nóng 710C trong 15 giây sau đó làm lạnh thật nhanh), khó tiêu, dễ nhiễm khuẩn→ phải đun sôi trở lại trước khi cho trẻ bú.
Sữa đặc có đường: là sữa bò tươi tiệt trùng ở nhiệt độ cao, lấy bớt bơ, thêm 40% đường. Lượng đường cao, dễ béo phì, ở nhiệt độ thường dễ nhiễm khuẩn sau 72 giờ, không phù hợp cho trẻ
Sữa lên men chua: Cho acid lactic vào sữa tươi trước khi cho bay hơi, cho vi khuẩn lên men đường lactose, dùng cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa.
Sữa bột: là sữa bò tươi phun khô trong một luồng không khí nóng, nén áp lực để lấy bớt nước. Thành phần cân đối hơn sữa tươi, casein bị phá hủy 1 phần nên trẻ dễ tiêu hóa hơn khi bú sữa tươi, dễ bảo quản, pha chế thuận tiện, được sản xuất theo lứa tuổi.
Nhược điểm là thiếu 1 số chất như vitamin C, D, và giá thành cao. Sữa bột giả lập giống sữa mẹ (sữa công thức): là sữa bột chế biến từ sữa bò được bổ sung thêm các chất sao cho thành phần đường, đạm, béo, khoáng và vitamin, yếu tố vi lượng gần giống với thành phần trong sữa mẹ. Có 2 loại chính: sữa dành cho trẻ
Sữa công thức cho trẻ :
Thành phần đường toàn bộ là lactose
Bổ sung thêm acid béo thiết yếu (linoleic và α linolenic)
Giảm proetin gần bằng protein sữa mẹ (1.6g/100kcal) với tỉ lệ whey/casein giống sữa mẹ (60/40)
Ít muối
Đạt tỉ lệ calci/phospho gần bằng sữa mẹ giúp cho sự hấp thu calci tốt
Bổ sung sắt
Bổ sung vitamin
Sữa công thức cho trẻ ≥ 6 tháng (sữa công thức 2):
Giàu protein hơn sữa công thức 1
Giàu calci, natri, sắt
Sữa đặc biệt:
Sữa thủy phân (cho trẻ dị ứng protein sữa bò)
Sữa cho trẻ sinh non, nhẹ cân
Sữa cao năng lượng (trẻ suy dinh dưỡng)
Sữa không lactose (trẻ tiêu chảy không dung nạp lactose)
So sánh thành phần trong sữa bò và sữa mẹ:
Bảng 2: So sánh sữa mẹ và sữa bò
Thành phần |
Sữa mẹ |
Sữa bò |
Đạm |
Ít hơn, dễ tiêu hóa vì ít casein. Nhiều lysin → tăng cân nhanh. Whey/casein =60/40, whey chủ yếu là α lactalbumin thích hợp cho sự phát triển bifidobacteria. |
Nhiều hơn, khó tiêu hóa vì nhiều casein. Whey/casein=18/82, thành phần whey chủ yếu là β lactalbumin. Thải nhiều urea hơn → gan thận to hơn trẻ bú mẹ. |
Đường |
β lactose → sự phát triển vi trùng bifidus + chuyển hóa tế bào |
α lactose → sự phát triển E.coli |
Béo |
Nhiều acid béo không no, dễ hấp thu, tăng tiêu hóa chất đạm, myelin hóa dây thần kinh. |
Nhiều acid béo chuỗi dài đa nối đôi (long chain polyunsaturated fattyacid LCPUFA) quan trọng cho phát triển não, thị giác, hệ miễn dịch: DHA (docohexaenoic acid), ARA (arachidonic acid). |
Muối khoáng |
Ít hơn, nhưng hấp thu tốt hơn. |
Nhiều nhưng tỉ lệ không phù hợp, hấp thu kém hơn. |
Cách cho trẻ dưới 1 tuổi ăn nhân tạo
Sơ sinh: sữa công thức 1 pha với nước ấm, 7-8 cữ/ ngày.
Từ 1–2 tuần tuổi: ăn 70-80 ml/ cử.
Từ 3–4 tuần tuổi: ăn 100ml/ cử.
2 tháng tuổi: ăn sữa bò pha nước cháo loãng, 7 cử/ ngày, 120ml/cử.
3-4 tháng tuổi: sữa bò pha với nước cháo, 6 cử/ ngày, 150ml/cử và 1-2 thìa nước quả ép.
5 – 6 tháng tuổi: sữa bò pha với nước cháo, 4-5 cử/ ngày, 200ml/cử và 2-4 thìa nước quả ép và bột từ loãng đến đặc dần 1-2 cử.
7-8 tháng tuổi: sữa bò pha với nước cháo, 3-4 cử/ ngày, 200ml/cử và 4 – 6 thìa nước quả ép và bột đặc 5 cử, mỗi cử ¾ chén.
9 – 12 tháng tuổi: sữa bò pha với nước cháo 2 cử/ ngày, 200ml/cử và 6 – 8 thìa nước quả ép và bột đặc 5 cử, mỗi cử ¾ chén.
Kỹ thuật cho trẻ ăn
Chọn loại sữa thích hợp với lứa tuổi
Pha sữa đúng công thức của hãng sản xuất
Đảm bảo tay người pha sữa và dụng cụ pha chế phải sạch
Cho trẻ uống bằng ly, muỗng
Không nên cho trẻ bú bình vì:
Trẻ quen bú bình khi cho bú mẹ sẽ khó ngậm bắt vú
Dễ nuốt nhiều không khí dễ nôn trớ
Bình pha sũa dễ có nguy cơ nhiễm khuẩn
Uống xong nên cho trẻ tráng miệng lại bằng nước sôi để nguội
Bế trẻ 10 phút mới được nằm bế nhẹ nhàng vào vai, vỗ nhẹ lưng để trẻ ợ hơi, tránh nôn trớ
Nếu còn sữa mẹ nên tận dụng sữa mẹ trước khi cho bú sữa bò.
Tài liệu tham khảo
Elizabeth P. Parks, Ala Shalkhkhalil, Veronlque Groleau, Danielle Wendel, Virginia A. Stallings (2015). “Chapter 4: Nutritional Requirements Feeding Healthy Infants, Children, and Adolescents”, Nelson textbook of Pediatrics. Elsevier, Philadelphia, 20, volume 1, pp. 290-291.
Trần Thị Thanh Tân (2006). “ Dứt sữa và cho ăn dặm”. Nhà xuất bản Y học, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.123-131.
Đào Ngọc Diễn, Trần Thị Bích Nga, “Ăn bổ sung”. Nhà xuất bản Y học, 4, Hà Nội, tập 1, tr.195-198.