Nội dung

Bài giảng nhi khoa: nuôi con bằng sữa mẹ

ThS.BS. Đỗ Mộng Hoàng

Nuôi con bằng sữa mẹ là một khâu quan trọng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Ở nhiều nước trên thế giới, ngay cả những nước đang phát triển, phong trào nuối con bằng sữa mẹ có xu hướng giảm đi rõ rệt do sự phát triển của công nghiệp hóa đô thị, bên cạnh đó thức ăn nhân tạo được quảng cáo rộng rãi trên thị trường. Trong những năm gần đây, tỉ lệ các bà mẹ cho con bú tăng rõ rệt. Đến nay nhiều nghiên cứu thừa nhận sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ dưới 1 tuổi, không có loại thức ăn nào thay thế được. Sữa mẹ là thức ăn lý tưởng nhất đối với trẻ em, nhất là trong 6 tháng đầu. 

Dinh dưỡng giữ một vai trò quan trọng trong đời sống, tạo năng lượng, cung cấp chất tạo hình giúp cơ thể tăng trưởng. Đối với trẻ nhỏ dinh dưỡng càng quan trọng hơn vì trẻ đang phát triển cơ thể nhất là trong những năm đầu đời. 

Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ

Lợi ích đối với trẻ

Là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, vô khuẩn sạch sẽ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu trẻ trong 6 tháng đầu.

Thúc đẩy sự phát triển cơ thể trẻ. Kích thích sự phát triển của não. Có giá trị tuyệt đối với sự thông minh của trẻ. Trong năm đầu, các dây thần kinh cần được myelin hóa để giúp não trưởng thành 85%. Muốn myelin hóa tốt cần 2 chất quan trọng có nhiều trong sữa mẹ: galactose, các acid béo linoleic và arachidonic).

Phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp, dị ứng (chàm, suyễn…) vì có nhiều IgA, lactoferin, lysozym, interferon, đại thực bào, yếu tố kích thích sự phát triển vi khuẩn Lactobacillus bifidus. 

Dễ tiêu hóa, sử dụng hiệu quả.

Cung cấp đầy đủ nước cho trẻ trong 6 tháng đầu.

Đảm bảo dinh dưỡng nhất là trong trường hợp khẩn cấp (bão lụt, chiến tranh).

Sạch sẽ, luôn sẵn sàng và ở nhiệt độ phù hợp.

Lợi ích đối với bà mẹ

Cho trẻ bú sớm ngay sau khi sinh giúp xổ rau và tránh mất máu cho mẹ.

Trẻ bú mẹ kích thích co hồi tử cung tốt.

Cho trẻ bú ngay và thường xuyên kích thích tăng cường sản xuất sữa.

Cho trẻ bú ngay và thường xuyên giúp phòng cương tức sữa cho mẹ.

Bú mẹ có lợi ích kinh tế cao (tiết kiệm chi phí).

Giúp tăng cường tình cảm mẹ con.

Tốt cho sức khỏe của mẹ (giảm thiếu máu, phòng ung thư vú, cổ tử cung).

Chậm có kinh trở lại, chậm có thai lại.

 

Lợi ích với xã hội

Giảm nguy cơ bệnh tật.

Giảm các chi phí y tế. 

Các giai đoạn tạo sữa mẹ

Sữa non

Sữa mẹ bài tiết trong vài ngày đầu sau sinh gọi là sữa non, có màu vàng nhạt và đặc, pH=7,7. Sữa non có từ tháng thứ 4 thời kỳ mang thai và tồn tại đến 6 ngày sau sinh.  

Sữa non là thức ăn đầu tiên của trẻ sơ sinh vì các thành phần phù hợp với nhu cầu ban đầu, chứa nhiều năng lượng protein và vitamin A gấp 10 lần sữa vĩnh viễn, giúp trẻ chống được đói rét, ít lactose và chất béo hơn sữa vĩnh viễn.

Có nhiều chất kháng khuẩn tăng cường miễn dịch cho trẻ nên giúp trẻ tránh được các bệnh nhiễm trùng (tiêu chảy, viêm phổi, viêm màng não). 

Ngoài ra, sữa non ít calci và phospho hơn sữa vĩnh viễn phù hợp với hoạt động chưa tốt của thận trong những ngày đầu tiên sau sinh. 

Sữa non có tác dụng xổ nhẹ giúp cho việc tống phân su nhanh, hạn chế vàng da. 

Sau giai đoạn sữa non, sữa mẹ chuyển tiếp thành sữa vĩnh viễn.

Sữa chuyển tiếp

Có từ ngày thứ 7 đến ngày 14

Sữa vĩnh viễn

Có từ tuần lễ thứ 3, từ tuần thứ 3 trở đi sữa mẹ cố định về số lượng và chất lượng. Nhờ động tác bú của con, não mẹ được kích thích tiết ra 2 chất: prolactin kích thích tế bào tuyến vú tạo sữa và ocytocine kích thích tế bào cơ quanh tuyến vú co lại đưa sữa ra ngoài.

Lượng sữa tiết ra trong 24 giờ có thể đạt đến mức trung bình là 1200ml tối đa 2000-3000ml.

Mẹ đủ sữa cho con bú 10-15 phút là trẻ sẽ no và ngủ liền 3 giờ sau mới dậy. Mỗi ngày trong tháng đầu tăng ít nhất 25g, trung bình 50g và nhiều nhất là 100g Mẹ thiếu sữa chỉ 1-2 giờ là trẻ khóc đòi bú.

Đảm bảo trẻ phải đủ no sữa mẹ trong 6 tháng đầu để phát triển về thể chất và tinh thần, muốn vậy trẻ phải bú đủ ít nhất 8 lần/ngày, 12 lần/ngày nếu mẹ thiếu sữa.

Không nên cho trẻ ăn dặm sữa khác trong thời gian này.

Bảng 1: Thành phần các chất dinh dưỡng trong 1000 ml sữa

Thành phần

Sữa mẹ

Sữa bò

Năng lượng (Kcal)

70

67

Protein (g)

Tỉ lệ casein/protein nước sữa

1.07

1:1.5

3.4

1:0.2

Lipid (g)

4.2

3.9

Lactose (g)

7.4

4.8

Vitamin

 

 

Retinol            (mcg)

60

31

Β Caroten        (mcg)

0

19

Vitamin D       (mcg)

0.81

0.18

Vitamin C        (mcg)

3.80

1.5

Thiamin           (mg)

0.02

0.04

Riboflavin        (mg)

0.03

0.2

Niacin              (mg)

0.62

0.89

Vitamin B12    (mcg)

0.01

0.31

Acid folic        (mcg)

5.2

5.2

Muối khoáng

 

 

Calci              (mg)

35

124

Sắt                (mg)

0.08

0.05

Đồng           (mcg)

39

21

Kẽm            (mcg)

295

361

(trích: Materal and young child nutrition UNESCO 1983)

Protein

Sữa mẹ tuy ít hơn sữa bò nhưng có đủ acid amin cần thiết và tỉ lệ cân đối.

Protein sữa mẹ nhiều hơn sữa bò nên dễ tiêu hóa, ngược lại protein sữa bò nhiều casein hơn nên khi vào dạ dày sẽ kết tủa thành thể tích lớn khó tiêu hóa. 

Lipid

Sữa mẹ có acid béo cần thiết như acid linoleic, acid linolenic cần thiết cho sự phát triển não, mắt, sức bền thành mạch máu cho trẻ.

Lipid sữa mẹ dễ tiêu hóa hơn vì có men lipase.

Lactose

Trong sữa mẹ có nhiều hơn sữa bò, cung cấp thêm nguồn năng lượng. Một số lactose vào ruột chuyển thành acid lactic giúp hấp thu canxi và muối khoáng.

Vitamin

Sữa mẹ có nhiều vitamin A hơn sữa bò. Trẻ bú sữa mẹ phòng được bệnh khô mắt do thiếu vitamin A.

Muối khoáng

Calci trong sữa mẹ ít hơn trong sữa bò nhưng dễ hấp thu và thỏa mãn nhu cầu của trẻ.

Sắt trong sữa mẹ hấp thu cao hơn sữa bò, trẻ bú sữa mẹ ít bị còi xương và thiếu máu.

Bảng 2: So sánh sữa mẹ với một số loại sữa khác  

 

Lợi ích của việc cho con bú sớm

Mẹ lên sữa sớm nhờ có chất Prolactin của tuyến yên ở não mẹ tiết ra, sau động tác bú của con 2 vú mẹ sẽ căng sữa sau 5-6 giờ.  

Tử cung của mẹ sẽ co hồi sớm nhờ chất Ocytocine  nên mẹ ít mất máu sau sinh.

Các ống dẫn sữa thông sớm không bị tắc nghẽn, không gây áp xe vú.

Phản xạ tạo sữa của mẹ

Phản xạ tiết sữa (phản xạ Prolactin): Khi trẻ mút vú sẽ kích thích bài tiết Prolactin. Prolactin đi vào máu, đến vú và làm cho vú sản xuất sữa. Phần lớn Prolactin ở trong máu khoảng 30 phút sau bữa bú, chính vì thế nó giúp cho vú tạo sữa cho bữa bú tiếp theo. Điều này cho thấy rằng nếu trẻ bú nhiều thì vú mẹ sẽ tạo nhiều sữa. Prolactin được sản xuất nhiều vào ban đêm là rất có ích để duy trì sự tạo sữa.

Phản xạ phun sữa (Phản xạ Oxytoxin): Khi trẻ mút vú sẽ kích thích bài tiết oxytoxin. Oxytoxin đi vào máu, đến vú và làm cho các tế bào cơ xung quanh nang sữa co lại đẩy sữa ra ngoài. Nếu phản xạ Oxytoxin không làm việc tốt thì trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc nhận sữa. Mặc dù vú vẫn sản xuất sữa nhưng lại không tống sữa ra. Phản xạ Oxytoxin dễ dàng bị ảnh hưởng bởi ý nghĩ của bà mẹ. Khi bà mẹ có những cảm giác tốt như hài lòng với con mình, gần gũi, yêu thương con, luôn tin tưởng vào việc nuôi con bằng sữa mẹ thì sẽ hỗ trợ tốt cho phản xạ Oxytoxin.

  

Hình 1: Phản xạ Prolactin

 

Hình 2: Phản xạ Oxytocin

 

Ức chế tiết sữa:  Trong sữa mẹ có một yếu tố phụ được gọi là chất ức chế tạo sữa. Khi một lượng sữa lớn đọng trong vú, chất ức chế sẽ tiết ra làm cho vú ngừng tạo sữa. Vì vậy muốn vú tạo nhiều sữa thì phải tạo cho vú luôn rỗng bằng cách cho trẻ bú thường xuyên hoặc vắt sữa ra.

Các yếu tố làm giảm lượng sữa mẹ

Cho con bú chậm 2-3 ngày sau sinh sẽ làm hạn chế sự hoạt động của tuyến vú vì không có chất Prolactine.

Mẹ bệnh: suy tim, thiếu máu, suy dinh dưỡng…

Mẹ quá trẻ

Mẹ không tăng cân đủ khi mang thai (10-12kg)

Mẹ dùng các loại thuốc ức chế sự tiết sữa, thuốc chống dị ứng, kháng sinh.

Mẹ lao động nặng, tiêu hao nhiều năng lượng, không còn đủ cho sự tiết sữa.

Mẹ buồn phiền lo âu…hạn chế não tiết chất Prolactine

Khoảng cách cho bú quá dài>3h, làm cho 2 vú tức sữa và ngừng hoạt động. Con >12 tháng, lượng sữa giảm dần. Năm đầu, sữa mẹ tiết 1200ml/ngày, năm 2 còn 500ml/ngày, năm 3 chỉ còn 200ml/ngày.

Ngoài ra chất lượng sữa cũng giảm nếu mẹ quá kiêng cử trong ăn uống do thiếu các chất:

Thiếu sắt: nếu mẹ thiếu máu hoặc ăn kiêng các chất giàu sắt như: lòng đỏ trứng, thịt, rau, trái cây…

Thiếu vitamine B1: Do mẹ ăn cơm quá trắng với cá hay thịt kho mặn, không ăn rau và trái cây.

Thiếu vitamine A, D, E, K nếu mẹ ăn kiêng dầu mỡ

Thiếu calci, phosphore: nếu mẹ ăn kiêng tôm, cua, sò

Mẹ ăn một số gia vị cũng làm cho sữa có mùi ( hành tiêu, tỏi, ớt…), có thể làm trẻ không bú.

Mẹ tiếp xúc với chất độc: thuốc trừ sâu, rượu, hơi chì…các chất này từ máu mẹ vào sữa có thể gây ngộ độc cho con.

Bảo vệ nguồn sữa mẹ

Chăm sóc hai bầu vú

Vệ sinh bầu vú sạch trước và sau khi cho con bú bằng nước ấm, không rữa bằng cồn, xà phòng…

Không mặc áo ngực quá chặt

Khi núm vú nứt nên thoa vaseline

Khi vú bị áp xe không nên cho trẻ bú : phải vắt sữa hoặc bơm hút hàng ngày

Đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho người mẹ khi mang thai

Thời gian mang thai ăn uống đủ dinh dưỡng 2 550 calo/ ngày, tăng 10-12 kg.Lao động nghỉ ngơi hợp lý

Thời kỳ cho con bú trung bình cung cấp khoảng 2 750 calo ngày, ăn thêm 2-3 bữa phụ. Ăn thêm rau xanh hoa quả để cung cấp đủ vitamin A và chất sắt. 

Uống đủ nước, sữa, nước hoa quả khoảng 1,5 – 2 lít nước / ngày. – Tinh thần thoải mái, ngủ nghỉ hợp lý.

Sau khi sinh không ăn kiêng quá mức

Nếu có vấn đề về sức khỏe nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định dùng thuốc

Gia đình và cơ quan nên tạo điều kiện cho người mẹ mang thai và cho con bú lao động phù hợp, có thời gian về cho con bú, không làm việc quá mức ảnh hưởng sự bài tiết sữa. 

Bà mẹ sống thoải mái, ít lo lắng, ngủ đủ giấc. 

Cho con bú dều đặn, nếu đi làm xa thì vắt hết  sữa tránh ứ đọng gây tắt sữa.

Cách cho con bú

Bú sớm, ½ giờ sau sinh thừa hưởng sữa non. Đồng thời kích thích bài tiết sữa sớm.

Không nên cho trẻ ăn những thức ăn hay đồ uống khác, đặc biệt là sữa ngoài (sữa bột) và không cho trẻ bú bình trong khi sữa chưa về. Nếu trẻ ăn các thức ăn hay đồ uống khác thay thế sữa mẹ sẽ làm mẹ giảm tiết sữa và làm cho bà mẹ không đủ sữa nuôi con, có thể trẻ cũng chọn sữa công thức mà không chịu bú mẹ .

Không hạn chế số lần bú, bú theo nhu cầu, ban ngày giống ban đêm. Nếu trẻ không bú được thì vắt sữa cho uống bằng muỗng.

Bú mẹ hoàn toàn trong 4-6 tháng đầu, không cho ăn thêm thức ăn hoặc nước uống nào khác.

Trẻ cần được bú theo nhu cầu, thường xuyên như trẻ muốn, cả ngày lẫn đêm. Số lần bú khoảng 8-12 lần trong 24 giờ phụ thuộc vào kích cỡ dạ dày của trẻ.  Kích cỡ dạ dày của trẻ: thể tích dạ dày của trẻ mới sinh như sau: 1-2 ngày: 5-7ml (quả nho); 3-4 ngày: 22-27ml (quả chanh) và 10 ngày: 60-80ml (quả trứng gà).

Bú đến 18-24 tháng tuổi

Cho trẻ bú hết vú bên này rồi mới tới bên kia. Trẻ càng bú nhiều, mẹ càng tiết nhiều sữa. Bú hết một bên vú rồi mới chuyển sang bên kia để đảm bảo trẻ được bú cả sữa đầu và sữa cuối giàu dinh dưỡng.

Khi trẻ bú xong nên vắt hết sữa còn lại trong bầu vú

Trung bình thời gian bú từ 10-20 phút

Lau sạch vú trước khi cho trẻ bú

Sau khi trẻ bú xong nên cho trẻ ở tư thế đầu cao trong vòng 5-10 phút để trẻ ợ hơi, tránh nôn trớ

Dấu hiệu trẻ đòi bú mẹ

Xoay xở, không nằm yên.

Há miệng và quay đầu sang hai bên.

Đưa lưỡi ra vào.

Mút ngón tay hoặc mút nắm tay.

Tư thế đúng khi cho con bú

Bế trẻ áp sát vào lòng mẹ

Bụng trẻ đối diện bụng mẹ

Đầu và thân trẻ nằm trên đường thẳng.

Mặt trẻ quay vào vú mẹ, miệng đối diện núm vú.

Người mẹ ngồi bế sát trẻ cho bú, trẻ sơ sinh phải đỡ đầu và mông, chỉ nên cho con nằm bú khi mẹ mệt.

Mẹ nâng vú bằng tay để đưa vú vào miệng trẻ, tránh vú bịt vào mũi trẻ.

Những dấu hiệu giúp nhận biết trẻ ngậm bắt vú tốt

Miệng trẻ mở rộng

Môi dưới trẻ hướng ra ngoài

Quầng đen vú ở phía trên còn nhìn thấy nhiều hơn phía dưới.

Miệng trẻ ngậm sâu vào quầng vú

Cằm trẻ chạm vào vú mẹ

 

Hình 3: Cách ngậm bắt vú

Hậu quả ngậm bắt vú sai:

Đau hay tổn thương núm vú (có thể nứt cổ gà).

Cương tức vú, tắc tia sữa.

Vú sẽ tạo ít sữa đi.

Trẻ đòi bú liên tục, khóc nhiều và mỗi lần bú kéo dài hoặc từ chối bú mẹ.

Trẻ tăng cân kém.

Cách nhận biết trẻ bú có hiệu quả và đủ sữa

Trẻ mút chậm và sâu

Khi trẻ bú không nghe tiếng mút vú phát ra

Trẻ mút chậm rãi một vài cái rồi nghỉ và nuốt sữa

Mỗi lần cho trẻ bú kéo dài chừng nào trẻ còn muốn bú cho đến khi trẻ tự nhả vú ra. Nếu một lần bú kéo dài hơn nửa tiếng hoặc các lần bú quá gần (các lần chỉ cách nhau 1-1,5 tiếng) là dấu hiệu trẻ không được ngậm bắt vú đúng và bú không có hiệu quả

Để kiểm tra trẻ bú đủ sữa không thì phải kiểm tra :

Cân nặng 

Nếu trẻ đi tiểu ít nhất 6 lần trong vòng 24 giờ, đó là dấu hiệu của bú mẹ đủ (trong 2 ngày đầu khi bú sữa non thì chỉ làm ướt 1-2 tã/ngày).

Vắt sữa (phần đọc thêm)

Vắt sữa có ích trong những trường hợp sau

Giảm bớt căng tức sữa hoặc tắc ống dẫn sữa

Mẹ có núm vú tụt vào trong phải vắt sữa cho trẻ ăn trong khi trẻ đang tập bú

Vắt sữa cho trẻ từ chối bú mẹ ăn trong khi tập bú trở lại.

Vắt sữa cho trẻ ốm hoặc trẻ sơ sinh có cân nặng thấp khi trẻ không thể bú được.

Duy trì sự tạo sữa khi mẹ phải đi làm xa hoặc mẹ bị ốm không trẻ bú được.

Đề phòng núm vú bị khô nứt hoặc đau.

Kỹ thuật vắt sữa bằng tay (nên để bà mẹ tự làm lấy)

Rửa tay sạch

Ngồi hoặc đứng ở tư thế thoải mái và giữ một cốc đựng sữa ở gần vú

Đặt ngón tay cái ở phía trên quầng vú và núm vú, ngón tay trỏ đặt ở phía dưới quầng vú và núm vú đối diện với ngón tay cái, các ngón tay khác đỡ vú, ấn ngón cái và ngón trỏ một cách nhẹ nhàng về phía trong và vào thành ngực. Không nên ấn mạnh quá vì có thể làm tắc ống dẫn sữa. Ấn vào rồi bỏ ra, làm lại nhiều lần. Việc này không gây đau, nếu đau nghĩa là kỹ thuật làm sai. Xoay ngón tay vào quầng vú vùng bên cạnh để đảm bảo rằng sữa được vắt ra từ tất cả các khoang sữa.

Tránh xoa bóp hoặc trượt các ngón tay dọc theo da, tránh ép vào núm vú vì ấn hoặc kéo núm vú không làm cho sữa chảy ra.

Vắt mỗi bên vú tối thiểu 3-5 phút cho tới khi dòng sữa chảy chậm lại thì chuyển sang bên kia và sau đó lại vắt lại ở cả hai bên                               

Những điều lưu ý khi cai sữa

Không nên cai sữa trước 12 tháng

Không nên cai sữa vào mùa hè

Không nên cai sữa đột ngột

Không nên cai sữa khi trẻ ốm, đặt biệt là tiêu chảy.

Cách xử trí các tình huống khó khăn khi cho bú mẹ

Núm vú phòng và tụt vào trong:

Cách 1:

Kéo dãn 2 bên quầng vú, núm vú lồi ra, sau đó nhẹ nhàng kéo đầu vú và quầng vú lên.

Đề phòng trước khi mang thai vê đầu vú 2 lần/ ngày, khoảng 5 phút.

Cách 2: 

Cắt bỏ đầu bơm tiêm

Đặt pittông vào phía đầu bị cắt

Bà mẹ nhẹ nhàng kéo pittông

Vú cương tức

Bảng 3: Sự khác nhau giữa vú căng sữa và vú cương tức

Căng sữa

Cương tức

Nóng

Nặng

Sữa chảy ra

Không sốt

Đau

Phù nề

Có thể sốt trong vòng 24 giờ

Sữa không chảy ra

 

Cứng

Căng tức, đặc biệt là núm vú bóng có thể  nhìn thấy đỏ.

 

Bảng 4: Phòng ngừa vú cương tức       

Nguyên nhân

Phòng ngừa

Nhiều sữa       

 

Không cho con bú ngay sau khi đẻ               

Bắt đầu bú mẹ sau khi sanh

Ngậm bắt vú kém                                          

Đảm bảo trẻ ngậm bắt vú đúng

Trẻ bú không thường xuyên

 

Hạn chế thời gian mỗi bữa bú                     

Khuyến khích cho trẻ bú theo nhu cầu

Điều trị cương tức vú:

Hãy để trẻ bú thường xuyên.

Vắt sữa bằng tay hoặc dùng bơm hút sữa

Dùng gạc ấm hoặc vòi nước ấm

Xoa bóp cổ và lưng

Xoa bóp vú nhẹ nhàng

Kích thích da núm vú

Giúp bà mẹ thư giãn

Dùng gạc lạnh đắp lên vú

Tắc ống dẫn sữa và viêm vú

Ống dẫn sữa bị tắc ứ sữa viêm vú không nhiễm khuẩn viêm vú nhiễm khuẩn.

Nổi cục

Căng

Đỏ khu trú

Không sốt        

Cảm thấy bình thường                    

 

Tiến triển dần

———————>

Sưng tấy

Đau dữ dội

Đỏ lan tỏa

Sốt

Cảm thấy mệt mỏi

Nguyên nhân:        

Cho bú không thường  xuyên hoặc quá ít        

Do

Mẹ bận quá

Con ngủ đêm không bú

Thay đổi thói quen

Mẹ bị sang chấn tinh thần

Sự lưu thông của 1 phần hay toàn bộ bầu vú kém   

Do

Mút núm vú nên bú không  hiệu quả             

Áp  lực của quần áo          

Áp lực của các ngón tay trong khi bú        

Sự lưu thông kém ở bầu vú           

Tổn thương các mô vú      

    

Do     

Chấn thương

Vi khuẩn xâm nhập                

Do  

Tổn thương núm vú

                           

Điều trị tắc ống dẫn sữa và viêm vú

Cải thiện sự lưu thông vú

Tìm nguyên nhân và điều chỉnh lại cho đúng

Ngậm bắt vú kém

Áp lực của quần áo và ngón tay

Lưu thông kém ở bầu vú lớn Khuyên bà mẹ:

Cho bú thường xuyên hơn

Xoa nhẹ vú 

Đắp gạc ấm

Cho bú bên lành

Bú ở những tư thế khác nhau

Nếu có một trong các triệu chứng sau:

Các triệu chứng nặng hơn hoặc

Có các vết nứt hoặc

Không tiến triển trong 24 giờ

Điều trị:

Kháng sinh

Nghỉ ngơi hoàn toàn

Giảm đau

Tóm tắt 

Sữa mẹ là chất dinh dưỡng hoàn hảo, dễ hấp thu và sử dụng có hiệu quả cao. Trẻ bú mẹ sẽ lớn nhanh. Sữa mẹ có nhiều kháng thể giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Trẻ bú mẹ ít mắc các bệnh tiêu chảy, viêm phổi và một số bệnh khác so với trẻ không được bú mẹ.

Nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) hoàn toàn trong 6 tháng đầu là chỉ cho trẻ bú mẹ mà không cho ăn, uống bất cứ thức ăn, đồ uống nào khác kể cả nước chín, trừ các trường hợp phải uống bổ sung các vitamin, khoáng chất hoặc thuốc theo chỉ định của thầy thuốc.

Tài liệu tham khảo

Elizabeth P. Parks, Ala Shalkhkhalil, Veronlque Groleau, Danielle Wendel, Virginia A. Stallings (2015). “Chapter 4: Nutritional Requirements Feeding Healthy Infants, Children, and Adolescents”, Nelson textbook of Pediatrics. Elsevier, Philadelphia, 20, volume 1, pp. 286-287.

Trần Thị Thanh Tân (2006). “ Nuôi con bằng sữa mẹ”. Nhà xuất bản Y học, Thành phố Hồ Chí Minh, tập 1, tr.96-112.

Đào Ngọc Diễn, Trần Thị Bích Nga, “Nuôi con bằng sữa mẹ”. Nhà xuất bản Y học, 4, Hà Nội, tập 1, tr.186-194.