Nội dung

Bài giảng nhiễm chlamydia trachomatis

Nguyễn Hồng Hoa, Ngô Thị Kim Phụng 

Nhiễm chlamydia trachomatis

Chlamydia trachomatis là tác nhân gây bệnh lây qua tình dục rất phổ biến và để lại nhiều di chứng.

Chlamydia trachomatis là vi khuẩn gram âm sống bắt buộc trong tế bào. Chlamydia trachomatis không có khả năng chuyển hóa và phản ứng sinh hóa để tạo thành adenosine triphosphate (ATP).

Chlamydia trachomatis thường tác động lên các tế bào biểu mô trụ tuyến. 

Nhiễm Chlamydia trachomatis là bệnh nhiễm trùng thường gặp nhất ở Mỹ. Ở các nước đang phát triển, tần suất của nhiễm Chlamydia trachomatis cũng đã gia tăng đáng kể và cũng trở thành một trong những tác nhân gây bệnh lây qua tình dục thường gặp nhất.  

Dù rằng ½ số bệnh nhân sẽ thành công trong việc tự thanh thải Chlamydia trachomatis, nhưng đối với ½ còn lại, sẽ không thành công trong việc tự thanh thải Chlamydia trachomatis, do thất bại của đáp ứng miễn dịch bẩm sinh và thích ứng. Ở các cá thể này, Chlamydia trachomatis sẽ chuyển sang dạng tồn tại kéo dài với nhiều di chứng, thông qua tiến trình viêm và tiến trình tự miễn gây bởi Chlamydia trachomatis Heat Shock Protein 60 kDa. 

Các di chứng gồm viêm vùng chậu mạn dẫn tới hậu quả trầm trọng bao gồm thai ngoài tử cung, đau vùng chậu mạn và hiếm muộn có liên quan đến yếu tố vòi Fallope. 

Ở sơ sinh, do lây truyền dọc lúc sanh, nhiễm Chlamydia trachomatis cũng gây ra viêm niệu đạo và viêm kết mạc mắt không do lậu cầu.

Do nhiễm Chlamydia trachomatis không được điều trị sẽ gây ra những hậu quả trầm trọng, nên CDC khuyến cáo thực hiện xét nghiệm tầm soát thường qui nhiễm Chlamydia trachomatis mỗi năm ở các phụ nữ đã có giao hợp tuổi dưới 25.

Với các phụ nữ trên 25 tuổi, nên xét nghiệm tầm soát nhiễm Chlamydia trachomatis mỗi năm nếu như họ có các yếu tố nguy cơ như có nhiều bạn tình hay có bạn tình mới.

Chẩn đoán nhiễm chlamydia trachomatis

Nhiễm Chlamydia trachomatis gây 2 nhóm triệu chứng:

Viêm cổ tử cung cấp (cervicitis).

Di chứng viêm sinh dục trên do Chlamydia trachomatis.

Nhiễm Chlamydia trachomatis có thể không triệu chứng, hoặc biểu hiện lâm sàng mơ hồ và không đặc hiệu. 

Các triệu chứng có thể có gồm huyết trắng bất thường và ra huyết âm đạo bất thường. 

Viêm cổ tử cung với biểu hiện viêm cổ tử cung nhầy mủ cùng với lộ tuyến cổ tử cung dễ chảy máu cũng gợi ý nhiễm Chlamydia trachomatis.

Hình 1: Viêm cổ tử cung do Chlamydia trachomatis

Viêm cổ tử cung với biểu hiện cổ tử cung nhầy mủ, lộ tuyến cổ tử cung dễ chảy máu cũng gợi ý nhiễm Chlamydia trachomatis.

Nguồn: sharinginhealth.ca

Viêm vòi Fallope với di chứng tổn thương chức năng của vòi Fallope là một kết cục phổ biến của nhiễm Chlamydia trachomatis  [1]. Vòi Fallope mất chức năng, gây thai ngoài tử cung hay tắc nghẽn, ứ dịch.

Viêm vòi Fallope do Chlamydia trachomatis có thể là một biểu hiện cấp tính, trong đó có đáp ứng thiên lệch của các Th1 (T helper cell 1) với quá tiết IFN-γ (interferon γ) gây mất cân bằng với Th2, gây hệ quả phá hủy trực tiếp cấu trúc mô.

Tuy nhiên, viêm vòi Fallope thường gặp hơn trong các dạng tồn tại kéo dài của Chlamydia trachomatis, trong đó chính Chlamydia trachomatis HSP 60 IgG do cơ thể vật chủ sản xuất ra gây ra một hiện tượng phá hủy mô có nguồn gốc miễn nhiễm. Trong trường hợp này, tổn thương tiến triển âm thầm và cuối cùng dẫn đến vô sinh có liên quan đến yếu tố vòi Fallope.

Hình 2: Ứ dịch vòi Fallope và dính vùng chậu, di chứng của Chlamydia trachomatis là nguyên nhân chính của hiếm muộn sau nhiễm Chlamydia trachomatis.

Nguồn: familyfertility.com

Hình 3: Dính trên gan (Hội chứng Fitz-Huge-Curtis) đặc trưng của Chlamydia trachomatis

Nguồn: wikimedia.org

Do tình trạng nhiễm Chlamydia trachomatis thường hay đi cùng nhiễm Neisseria gonorrhea, nên đặt ra 2 vấn đề lớn:

Khi có nhiễm lậu cầu thì nên xét nghiệm tìm sự hiện diện song hành của Chlamydia trachomatis.

Do việc điều trị lậu với các beta-lactamin sẽ thúc đẩy Chlamydia trachomatis chuyển sang dạng tồn tại kéo dài nên nếu nhiễm Neisseria gonorrhea đã được xác nhận thì việc điều trị Neisseria gonorrhea phải thực hiện khi đã khảo sát Chlamydia trachomatis hoặc phải tránh việc dùng beta-lactamin.

Miễn dịch huỳnh quang, miễn dịch men Chlamydia trachomatis IgG không được xem là xét nghiệm tốt cho tầm soát Chlamydia trachomatis vì sự tồn tại của IgG rất ngắn ngủi. Khả năng bảo vệ miễn dịch với IgG là bất định. Chlamydia trachomatis  IgG liên quan chủ yếu đến dạng tồn tại kéo dài của Chlamydia trachomatis.

Trong các xét nghiệm tìm Chlamydia trachomatis, CDC khuyến cáo sử dụng nucleic acid amplication tests (NAATs).

NAATs là xét nghiệm có độ nhạy nhất tìm Chlamydia trachomatis trong dịch tiết kênh cổ tử cung.

Nếu các không trường hợp không lấy được mẫu từ kênh cổ tử cung, có thể xét nghiệm nước tiểu.

Điều trị nhiễm chlamydia trachomatis

Chlamydia trachomatis là một vi khuẩn ký sinh nội tế bào, chỉ bị tiêu diệt khi đang ở dạng hoạt động (thể lưới). 

Thể nhiễm căn bản (elementary body) là dạng thức tồn tại ngoài tế bào của Chlamydia trachomatis. Do thể nhiễm căn bản là vi khuẩn ở trạng thái bất hoạt nên nó không chịu tác động của kháng sinh.

Thể lưới (reticulate body) là dạng hoạt động của vi khuẩn ký sinh trong tế bào. Do thể lưới là dạng Chlamydia trachomatis hoạt động và phân chia, nên chỉ có thể lưới trong tế bào mới chịu tác động của kháng sinh.

Do thời gian phân chia của Chlamydia trachomatis rất dài, 48-72 giờ, nên liệu pháp kháng sinh buộc phải kéo dài.

Sau khi chịu tác động của kháng sinh, các vi khuẩn sẽ  chết, nhưng vẫn còn có thể bị nhận diện bởi NAATs. Vì lý do này, CDC khuyến cáo không nên thực hiện kiểm tra điều trị với NAATs sau kháng sinh liệu pháp.

Điều trị nhiễm Chlamydia trachomatis bao gồm điều trị người bị nhiễm và điều trị bạn tình.

Dù rằng một phần không nhỏ người nhiễm Chlamydia trachomatis có thể tự thanh thải vi khuẩn, nhưng việc điều trị Chlamydia trachomatis là bắt buộc khi test tầm soát Chlamydia trachomatis là dương tính. Quan điểm tiếp cận này là nhằm tránh xảy ra di chứng do điều trị muộn. Điều trị đối tượng nhiễm Chlamydia trachomatis nhằm vào ngăn ngừa các biến chứng cho đường sinh dục và ngăn lây truyền.

Điều trị bắt buộc cho bạn tình có thể ngăn tái nhiễm cho  bản thân người nhiễm và nhiễm cho bạn tình khác.

Điều trị cho người phụ nữ mang thai sẽ ngăn nhiễm Chlamydia trachomatis cho trẻ sơ sinh. 

Điều trị nhiễm cấp Chlamydia trachomatis niệu-sinh dục

Phác đồ khuyến cáo 

Azithromycin 1 g uống một liều duy nhất hoặc

Doxycycline, uống hai lần trong ngày, mỗi lần 100 mg, trong 7 ngày

hoặc

Doxycycline, uống một lần trong ngày, liều 200 mg, trong 7 ngày

Phác đồ sử dụng cùng lúc Doxycycline 200 mg một lần trong ngày hiệu quả cao hơn 100 mg hai lần trong ngày. Hiệu quả điều trị của Azithromycin so với Doxycycline trong điều trị nhiễm Chlamydia trachomatis đường niệu dục được chứng minh có hiệu quả bằng nhau, với kết quả dựa trên xét nghiệm là 97% và 98%. 

Doxycycline tác động bằng cách xâm nhập vào Chlamydia trachomatis và kết hợp với ribosome 30S, làm tê liệt hoạt động mRNA. Cơ chế này tác động trên các Chlamydia  trachomatis đang hoạt động.

Chlamydia trachomatis rất ít kháng Doxycycline. Thất bại của điều trị liên quan đến những yếu tố khác, chứ liên quan đến kháng Doxycycline.

Hình 4: Cơ chế tác động của Doxycyclin 

Cơ chế tác động của Doxycyclin trên Chlamydia trachomatis là trên sinh tổng hợp protein. Chỉ có dạng thể lưới là chịu tác động của Doxycyclin

Nguồn: studyblue.com

Các yếu tố có thể liên quan đến thất bại điều trị gồm tải lượng vi khuẩn, vị trí nhiễm là sinh dục hay trực tràng, và quan trọng nhất là dạng thức của Chlamydia trachomatis là thể tồn tại kéo dài hay thể hoạt động. 

Có sự khác biệt về hiệu quả điều trị tùy thuộc vào vị trí nhiễm và tùy theo serovar. Nhiễm Chlamydia trachomatis trực tràng đáp ứng khá kém với Azithromycin. Đặc biệt là nếu nhiễm Chlamydia trachomatis vùng hầu họng thì chưa xác định được phác đồ điều trị hiệu quả. Một tình trạng đáp ứng kém với Azithromycin cũng được quan sát thấy khi Chlamydia trachomatis ở dạng nhiễm tồn tại kéo dài.

Để giảm nhiễm trùng cho bạn tình, người đang điều trị nhiễm Chlamydia trachomatis nên không giao hợp trong vòng 7 ngày sau điều trị liều duy nhất hoặc cho đến khi hoàn thành xong liều điều trị 7 ngày và hết các triệu chứng nếu có.

Để giảm nguy cơ tái nhiễm, bệnh nhân nên được hướng dẫn không giao hợp cho tới khi các bạn tình đã điều trị. 

Hoặc trong trường hợp cần thiết thì có thể dùng phác đồ thay thế:

Điều trị nhiễm cấp Chlamydia trachomatis niệu-sinh dục

Phác đồ thay thế 

Erythromycin 500 mg uống 4 lần mỗi ngày trong 7 ngày hoặc

Erythromycin ethylsuccinate 800 mg uống 4 lần mỗi ngày trong 7 ngày

hoặc

Levofloxacin 500 mg uống 1 lần mỗi ngày trong 7 ngày

hoặc

Ofloxacin 300 mg uống 2 lần mỗi ngày trong 7 ngày

Ở các bệnh nhân được cho điều trị Chlamydia trachomatis nên kiểm tra HIV, lậu cầu và giang mai cho họ.

Tài liệu đọc thêm

Sexually Transmitted Diseases, CDC Treatment Guidelines 2010, 2015

Obstetrics and gynecology 7th edition. Tác giả Beckmann. Hợp tác xuất bản với ACOG. Nhà xuất bản Wolters Kluwer Health 2014.

Tài liệu tham khảo chính

CDC. CDC 2010 Sexually Transmitted Diseases Treatment Guidelines.

http://www.cdc.gov/std/treatment/2010/

CDC. CDC 2015 Sexually Transmitted Diseases Treatment Guidelines. http://www.cdc.gov/std/tg2015/

 

[1] Ở Châu Âu, các mô hình toán học cho phép tính ra rằng chỉ có khoảng 5-15% dân số có nhiễm Chlamydia trachomatis lần đầu sẽ có di chứng. Tại Việt Nam, do không thể thực hiện được mô hình toán học cho phép tính, nhưng tại các nước đang phát triển, có đến gần ½ hay hơn nữa nhiễm Chlamydia trachomatis sẽ để lại di chứng.