Nội dung

Bài giảng nhiễm trùng bàn tay

TS. BS. LÊ QUANG TRÍ

Đại cương

Định nghĩa

Nhiễm trùng bàn tay là nhiễm khuẩn những tổ chức cấu tạo nên ngón tay và bàn tay. Thường gây các biến chứng nặng, diễn biến phức tạp và tàn phế.

Nguyên nhân

Các tác động của nhiễm trùng bàn tay có thể tàn phá như một chấn thương lớn. Những chấn thương tầm thường như vết xước, vết chích, vết thương thủng nhỏ, … gây nhiễm trùng bàn tay.

Staphylococcus aureus (80%), Streptococcus pyogenes và trực khuẩn gram âm là bộ ba nổi tiếng gây ra các tổn thương nhiễm trùng nặng ở bàn tay. Các di chứng do nhiễm trùng bàn tay là phù, áp xe, hoại tử, xơ hóa, co kéo, … dẫn đến biến dạng và giảm chức năng của bàn tay. Sự xuất hiện của một ổ áp xe gửi đến một thông điệp đến phẫu thuật viên là “dẫn lưu tôi hoặc là tôi dẫn lưu bằng cách tự vỡ”. 

Vì vậy một áp xe cần phải dẫn lưu, bác sĩ phẫu thuật chỉ quyết định thời gian và đường mổ thích hợp. Sử dụng kháng sinh mạnh sớm sẽ góp phần giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng bàn tay. 

Đặc điểm giải phẫu bàn tay

Da mu bàn tay có lông và tuyến bã, nhưng lòng bàn tay lại không có, nên ở gan tay không có mụn nhọt như ở mu tay.

Búp ngón tay có nhiều vách xơ, nằm từ màng xương đốt ba, tỏa ra hình nan quạt đến da. (hình 1).

Hình 1. Cấu tạo búp ngón tay [3]

Gan tay có nhiều vách xơ rất dày, da rất dày nên viêm mủ khó thoát ra ngoài mà rất hay phá vào trong.

Bàn tay có rất nhiều dây thần kinh chi phối, nên khi bị viêm nhiễm, các vách ngăn căng mủ kích thích vào thần kinh làm bệnh nhân rất đau, nhất là ban đêm.

Bàn tay không có cơ lớn và màng liên kết che phủ, ngay dưới da là gân và xương, nếu mất da nhiều thì sẽ lộ và hoại tử gân, xương.

Ở gan tay có hai lớp cân là lớp cân nông và lớp cân sâu, chúng nhập với nhau ở phía ô mô cái và ô mô út. Giữa hai lớp cân là các gân gấp ngón.

Bao hoạt dịch gân gấp các ngón II, III, IV có túi cùng chỉ nằm ở vùng khớp bàn ngón.

Bao hoạt dịch gân gấp ngón I và V kéo dài lên đến tận cổ tay (bao hoạt dịch quay, bao hoạt dịch trụ). Nhiều trường hợp bao hoạt dịch ngón I thông với bao hoạt dịch ngón V. Vì thế, khi nhiễm khuẩn rất hay bị lan rộng theo các bao hoạt dịch, từ một ngón tay có thể lan ra cả bàn tay, từ viêm bao hoạt dịch các ngón có thể lên bao quay, bao trụ và cổ tay. (hình 2)

 

Hình 2. Cấu tạo bao hoạt dịch gân gấp bàn tay [1]

Nguyên tắc điều trị

Như những phần khác, trước khi chúng ta đi sâu vào bàn luận về nhiễm trùng bàn tay; cần nắm những nguyên tắc điều trị sau:

Tay tổn thương phải được giữ cao để tạo điều kiện cho trọng lực dẫn lưu dịch ra ngoài, từ đó ngăn ngừa phù, sưng nề. 

Sau khi được điều trị, bàn tay cần phải được đặt ở vị trí chức năng (hình 3) để có kết quả tối ưu.

Sử dụng kháng sinh tiêm tĩnh mạch sớm và thích hợp ngăn ngừa sự hình thành mủ (trong vòng 24- 48 giờ).

Nếu mủ đã hình thành, hãy cho nó thoát qua đường mổ hợp lý vào thời điểm thích hợp.

Gây tê tại chổ có thể giúp sự lan tràn của vi khuẩn và thêm dịch vào nơi hiện tại đang sưng tấy. Do đó, gây mê toàn thân hoặc gây tê vùng là lựa chọn thường gặp.

Garo được chỉ định, nhưng ép máu không được khuyến khích vì nó giúp lây nhiễm vi khuẩn sang nơi khác (cách khác là nâng cao tay trong ba phút).

Không quên những phương pháp tập vật lý trị trị và các phương pháp chăm sóc khác sau mổ nhằm phục hồi chức năng bàn tay tốt nhất.

Phân loại

Chín mé: nhiễm khuẩn tổ chức tạo nên ngón tay.

Viêm tấy bàn tay: nhiễm khuẩn tổ chức tạo nên bàn tay.

Chẩn đoán và điều trị

Chín mé (hình 3)

Hình 3. Hình ảnh chín mé ngón tay [3]

Chín mé nông: nhiểm trùng phát sinh trong thành phần lớp da ngón tay.

Thể tấy đỏ:

Triệu chứng: ngón tay hơi sưng, đau, da đỏ ửng. Nhưng không có làm mủ.

Điều trị: ngâm nước muối ấm, phong bế gốc ngón.

Chín mé trong da (thể phỏng)

Triệu chứng: mủ tích ở lớp thượng bì tạo nốt phỏng mủ.

Lúc đầu đau, sưng đỏ sau đó mủ tích đọng ở thượng bì,

Điều trị: Rạch tháo mủ và băng ép, kháng sinh toàn thân.

Chín mé thể nhọt: thường gặp ở mu ngón tay

Điều trị: gây tê gốc ngón, rạch tháo mủ, kháng sinh, giảm đau.

Chín mé quanh móng

Lúc đầu ở một phần góc móng sau đó lan rộng ra xung quanh. Nếu mủ lan cả vào gốc móng gây rò mủ kéo dài đến khi phải lấy bỏ phần móng đi mới hết.

Chín mé dưới móng

Có thể tiên phát, do một mảnh đâm vào đầu ngón tay. Bệnh nhân đau nhức nhiều, nhất là khi bóp vào đầu ngón tay. Để muộn thấy rõ mủ trắng ở dưới móng.

Điều trị: Cắt bỏ phần móng theo hình tam giác nơi bị mủ đội lên. Nếu mủ lan toàn bộ dưới móng thì phải lấy bỏ móng.

Chín mé dưới da

Nhiễm trùng tổ chức dưới da ngón tay

Chín mé dưới da đầu mút ngón

Rất hay gặp, gan đốt 3 sưng tấy, căng tức, đau theo nhịp đập của mạch (do có cấu tạo các sợi Sharpey nên chin mé ở chổ này dễ gây viêm xương đốt 3) 2.12.2. Chín mé ở đốt ngón: thường gặp ở đốt 2 (hình 4)

Hình 4. Chín mé mặt gan đốt 2 ngón tay [3]

Điều trị: rạch hai bên, nối đầu tận cùng của nếp gấp tháo mủ, luồn dẫn lưu cao su mỏng nếu ở đốt 2.

Nếu ở đốt 1 thì rạch rộng một bên. Cần chú ý có thể lan xuống kẽ liên ngón và rạch hình chữ Y ngược.

Chín mé sâu

Chín mé thể xương

Tức là viêm xương đốt ngón tay, hay gặp ở đốt 3. Có thể là tổn thương nguyên phát hoặc từ chin mé dưới da biến chứng.

Triệu chứng: Đốt ngón tay sưng to, nề lên, da tím đỏ và bệnh nhân rất đau. Khi bấm vào móng tay sẽ đau chói. Có thể có lỗ rò mủ xung quanh mọc tổ chức hạt. X- quang sau 2- 3 tuần thấy lúc đầu xương đốt mờ đi không đều sau đó hình thành mảnh xương chết.

Điều trị: gây tê, rạch rộng, cắt lọc tổ chức hoại tử, lấy mảnh xương chết. Ngâm tay dung dịch thuốc tím mỗi ngày kết hợp kháng sinh toàn thân và vật lý trị liệu. Cố gắng giữ nguyên phần mềm để bảo tồn độ dài ngón.

Chín mé thể khớp

Nguyên phát hoặc thứ phát, khớp sưng tấy đỏ, hạn chế vận động.

X- quang: hình ảnh thưa xương, hẹp khe khớp.

Điều trị: bơm rửa khớp bằng kháng sinh và dung dịch huyết thanh mặn đẳng trương nếu sớm và kháng sinh toàn thân, bất động. Cắt đoạn khớp, cố định tư thế chức năng.

Chín mé thể gân

Triệu chứng: bệnh nhân đau dọc theo các gân gấp ngón tay, nhất là ở vùng túi cùng. Ngón tay bị co lại như cái móc, không duỗi ra được.

Toàn thân: nhiễm trùng- nhiễm độc nặng, sốt cao, mệt mỏi.

Điều trị: dung đường rạch mở vào đáy bao. Ngang khớp bàn ngón bộc lộ túi cùng bao gân. Rạch dẫn lưu mủ và bơm rửa bao gân bằng huyết thanh ấm pha kháng sinh.

Viêm tấy bàn tay

Viêm tấy bàn tay nông

Bao gồm viêm tấy, ửng đỏ, nốt phỏng ở những chổ chai tay là những viêm tấy nhẹ, cục bộ ở trên lớp cân nông.

Điều trị: điều trị như chin mé (bảo tồn hoặc rạch tháo mủ).

Viêm tấy bàn tay sâu dưới cân mạc

Nhắc lại giải phẫu

Khoang tế bào dưới cân mạc ở gan tay được phân ra bốn ô: ô mô cái, ô mô út, khoang giữa gan tay và khoang kẽ ngón tay

Viêm tấy mu tay

Ở bất kì chổ nào ở mu tay khi có mủ, thì mủ ở dưới cân mu tay, giữa cân và gân duỗi.

Điều trị: rạch rộng, tháo mủ, băng ép.

Viêm tấy kẽ ngón tay

Kẽ ngón tay sưng tấy, bùng nhùng mủ nhưng gan tay lại bình thường. Mu tay có thể bị sưng nề do ứ máu tĩnh mạch và hai ngón tay ở cạnh kẽ ngón viêm tấy bị doãng rộng ra như càng “cua”.

Viêm tấy ô mô cái (viêm tấy Delbeau)

Do vết thương trực tiếp ở ô mô cái hoặc do nhiễm khuẩn khu trú ở bao gân ngón cái lan sang

Tài liệu tham khảo

Nhiễm trùng bàn tay. Bài giảng Bệnh học ngoại khoa. Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên. trang: 9-15. 2010.

Nhiễm trùng bàn tay- Giáo trình Bộ Y tế. 2015

John Ebnezar Textbook of Orthopedics, Devaraj Urs Medical College Kolar, Karnataka, 2010, p: 275-280.