Đại cương
Giãn tĩnh mạch (TM) tinh là bệnh lý thường gặp ở nam giới và được cho là có mối liên quan chặt chẽ với vô sinh nam. Trước đây bệnh ít gặp là do nhận thức của người dân còn thấp và đa số người bệnh thường ngại khi đi khám. Ngày nay giáo dục truyền thông tốt và hiểu biết trong cộng đồng tăng cao nên tỷ lệ đi khám và phát hiện bệnh cao hơn.
Đa số tĩnh mạch giãn nằm ở bên trái (98%).
Có rất nhiều thuyết và quan điểm khác nhau nhằm lý giải cho hiện tượng giãn TM và gặp đa số ở bên trái, nhưng nguyên nhân được nhiều người chấp nhận nhất là TM sinh dục bên trái đổ vào TM thận nơi có áp lực máu cao hơn nên dễ bị trào ngược. Ngoài ra còn 1 số nguyên nhân khác như suy van TM, bị chèn ép từ bên ngoài…
Phẫu thuật giãn TM tinh có nhiều phương pháp, nhưng phổ biến nhất là: Phẫu thuật vi phẫu thắt TM giãn và Phẫu thuật nội soi trong hoặc sau phúc mạc thắt TM giãn.
Giãn TM tinh chia làm 4 mức độ trên lâm sàng, TM tinh được coi là giãn khi trên siêu âm màu cho thấy: đường kính của TM ≥ 2mm và có dòng trào ngược khi làm nghiệm pháp Valsava.
Chỉ định
Không phải cứ có giãn TM tinh là có chỉ định phẫu thuật, chỉ nên phẫu thuật thắt TM tinh giãn khi:
Có triệu chứng đau nhức tinh hoàn trên lâm sàng mà điều trị nội khoa không cải thiện
Hoặc có teo tinh hoàn trên lâm sàng và siêu âm
Hoặc có giãn TM kèm theo giảm chất lượng tinh trùng trên tinh dịch đồ hoặc vô sinh.
Chống chỉ định
Chống chỉ định chung của phẫu thuật nội soi bơm hơi ổ bụng.
Mổ cũ sau phúc mạc hoặc trong ổ bụng.
Chuẩn bị
Người thực hiện kỹ thuật:
Phẫu thuật viên (PTV) chính
Bác sỹ (BS) gây mê và phụ mê
1 đến 2 BS phụ mổ
1 điều dưỡng làm dụng cụ viên
1 điều dưỡng chạy ngoài
Phương tiện:
Dàn máy phẫu thuật nội soi (NS), bơm hơi ở bụng
1 bộ dụng cụ phẫu thuật NS ổ bụng thông thường
1 phong clip titan hoặc hemalock 5mm
Gạc nội soi và gạc con phẫu thuật
Chỉ khâu ngoài da 1 sợi (Datilon 3/0)
Bộ dụng cụ mổ mở khâu lỗ trocar: 1 kìm kẹp kim, 2 kẹp phẫu tích có mấu, 1 kéo cắt chỉ
Người bệnh:
Được chuẩn bị kĩ càng trước mổ: thụt tháo, test KS, tắm rửa…
Chuẩn bị về tâm lý, giải thích cho người bệnh hiểu về cách thức mổ, nguy cơ biến chứng có thể xảy ra; – Gây mê NKQ
Hồ sơ bệnh án:
Đầy đủ thủ tục hành chính, đầy đủ các xét nghiệm cơ bản cần thiết cho cuộc mổ
Các bước tiến hành
Kiểm tra hồ sơ:
Trước và trong khi hội chẩn mổ, lúc nhận người bệnh vào khoa, trước lúc đưa người bệnh đi mổ, và lần cuối cùng ở Phòng mổ.
Kiểm tra người bệnh: khám người bệnh ban đầu, khám lúc vào viện.
Thực hiện kỹ thuật:
Gây mê NKQ, thở máy, đặt sonde dạ dày
Tư thế người bệnh: nghiêng về bên đối diện với tổn thương, thường là nghiêng Phải. Nếu mổ NS trong ổ bụng thì nghiêng 750, nếu mổ NS sau phúc mạc thì nghiêng 900
Tư thế PTV và phụ mổ: đứng trước mặt người bệnh (về phía bụng) nếu mổ NS trong ổ bụng, đứng sau lưng nếu mổ NS sau phúc mạc; Dụng cụ viên đứng cùng bên PTV chính.
Đặt trocart:
PTNS qua phúc mạc: Trocar 1 (10mm): camera đặt ở đường trắng bên phía trên rốn 1-2cm. Trocar 2 (10mm): để thao tác và kẹp clip nằm trên đường nách trước ngang rốn. Trocar 3 (5mm) dưới sườn trên đường giữa đòn
PTNS sau PM: Trocart 1 (10mm) nằm ở hố thắt lưng trên mào chậu 2cm.
Trocar 2(10mm) ở đầu hoặc dưới xương sườn 12; Trocar 3 (5mm) trên đường nách sau thẳng hàng với 2 trocar đầu.
Tạo khoang sau phúc mạc bằng bóng
Bơm hơi 12mmHg
Tìm TM sinh dục tại chỗ đổ vào TM thận trái, thắt TM tinh sát chỗ đổ vào TM thận để đảm bảo tránh tái phát.
Kiểm tra cầm máu, có thể đặt dẫn lưu hoặc không.
Rút máy, khâu đóng vết mổ, băng vết mổ.
Theo dõi
Rất ít gặp biến chứng sau mổ thắt TM tinh NS, đôi khi theo dõi biến chứng:
chảy máu, nhiễm trùng…
Xử trí tai biến
Chảy máu lỗ trocar: khâu lại
Nhiễm trùng lỗ trocar: thay băng, kháng sinh…