Nội dung

Bài giảng theo dõi lượng dịch vào, ra

Nguồn : TÀI LIỆU ĐÀO TẠO THỰC HÀNH LÂM SÀNG CHO ĐIỀU DƯỠNG VIÊN MỚI – NHÀ XUẤT BẢN Y HỌC HÀ NỘI – Bộ Y tế 2020

Vai trò của nước, phân bố nước trong cơ thể

Nước có vai trò rất quan trọng trong việc tham gia cấu tạo tế bào và cơ quan tổ chức, duy trì các hoạt động bình thường của cơ thể, là dung môi cho các hệ thống sinh học. Cơ thể con người nếu mất 10% nước đã lâm vào tình trạng bệnh lý, mất 20 – 25% nước có thể chết. 

Lượng nước trong cơ thể ở nữ thường ít hơn nam và giảm dần theo tuổi, trẻ em nước nhiều hơn người lớn. Tổng lượng nước chiếm khoảng 60% trọng lượng cơ thể (ở nam), 50% trọng lượng cơ thể (ở nữ), 75 – 80% trọng lượng (ở trẻ

Bình thường lượng nước đưa vào trong cơ thể bằng lượng nước thoát ra ngoài.

Tỷ lệ cân đối dịch phụ thuộc vào tuổi, người béo, gầy, chiều cao….

Nguồn dịch vào, ra bình thường (với người lớn)

Nguồn dịch vào cơ thể/ngày

2000 – 2500 ml

Nước uống

1000 – 1200 ml

Nước trong thức ăn

800 – 1000 ml

Do chuyển hoá trong cơ thể

200 – 300 ml

Nguồn dịch ra khỏi cơ thể/ngày

2000 – 2500 ml

Nước tiểu thải qua thận

1200 – 1400 ml

Thải qua phổi (hơi nước)

400 – 500 ml

Thải qua da (mồ hôi)

300 – 500 ml

Thải qua phân

100 ml

Rối loạn cân bằng dịch của cơ thể

Thận và phổi có vai trò lớn đối với điều chỉnh cân bằng dịch. Lượng dịch vào, ra cân bằng trong 24 giờ. Khi dịch ra lớn hơn hoặc nhỏ hơn dịch vào, nghi ngờ có vấn đề mất cân bằng dịch. Mất cân bằng dịch có thể làm thay đổi các chức năng sống của cơ thể (hô hấp, chuyển hoá, hệ thần kinh trung ương…).

Mất/thiếu nước, khi lượng nước vào không đủ, hoặc/và do thải ra nhiều do rất nhiều nguyên nhân, thường gặp nôn, tiêu chảy, lỗ rò, dẫn lưu dịch, lợi tiểu, viêm phúc mạc, bỏng, say nắng, tăng thông khí, bệnh thận mãn, đái tháo đường, đái tháo nhạt… Lượng vào không đủ chủ yếu do ăn uống không đủ.

Thừa nước (phù) khi lượng nước thải ra ít, hoặc/và nước vào nhiều do các nguyên nhân như thiểu hoặc vô niệu, suy tim, hội chứng thận hư, tăng urê máu mạn, viêm thận ống thận cấp, xơ gan, mất nhiều protein, truyền quá nhiều dung dịch glucose, tăng ADH…

Mục đích và áp dụng theo dõi lượng dịch vào, ra

Mục đích

Nhận định tình trạng chung của người bệnh

Nhận định dấu hiệu sớm của rối loạn nước và điện giải

Điều chỉnh rối loạn nước và điện giải

Áp dụng

Theo dõi lượng dịch vào, ra áp dụng cho tất cả những người bệnh có tình trạng rối loạn cân bằng nước (mất nhiều – thiếu nước và thừa nước – phù); người bệnh suy tim nặng, suy thận, tình trạng sốc, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch, người bệnh đang dùng một số thuốc (lợi tiểu)…

Đo lượng dịch vào và ra là công việc hằng ngày của người điều dưỡng, để đánh giá tình trạng người bệnh và có kế hoạch chăm sóc phù hợp. Việc ghi chép lượng dịch vào, ra đòi hỏi sự chính xác, liên tục để có can thiệp đúng.

Kỹ năng theo dõi lượng dịch vào, ra

Trong trường hợp người bệnh có tình trạng rối loạn nước, việc đo lượng nước vào/ra phải được thực hiện hàng ngày, giúp bác sĩ có chỉ định điều trị phù hợp. Đánh giá lượng nước vào, ra trên người bệnh được thực hiện vào cuối mỗi ca trực, tổng hợp trong 24 giờ và so sánh trong nhiều ngày. 

Nhận định người bệnh

Trước khi đo dịch vào, ra, cần nhận định những vấn đề liên quan:

Nhận định các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng quá tải hoặc mất nước (nhịp tim chậm/nhanh, hạ huyết áp/cao huyết áp, giảm độ căng da/với phù, đái ít/đái nhiều…).

Nhận định nguyên nhân mất nước: sốt kéo dài, tiêu chảy hoặc nôn mửa, mất qua dẫn lưu, vết thương, hút dạ dày, bỏng nặng, chấn thương nghiêm trọng (đặc biệt là chấn thương giập nát), bệnh nội tiết gây mất cân bằng nước điện giải (Cushing, Addison, bệnh tiểu đường nhiễm ceton acid…).

Xác định người bệnh bị suy giảm nuốt, bất tỉnh, hoặc bị suy vận động.

Nhận định người bệnh đang dùng thuốc ảnh hưởng đến cân bằng dịch, bao gồm cả thuốc lợi tiểu và steroid.

Tham khảo kết quả xét nghiệm:

Tỷ trọng nước tiểu (bình thường là 1,010 – 1,030)

Tỷ lệ thể tích hồng cầu trong máu toàn phần – hematocrit (mức bình thường là 38 – 47% đối với nữ, 40 – 45% đối với nam giới).

Đánh giá kiến thức của người bệnh và gia đình về mục đích và quá trình đo lượng dịch vào, ra.

Nhận định các yếu tố nguy cơ:

Người bệnh hoặc người nhà không hợp tác trong quá trình đo lượng dịch vào, ra.

Người bệnh đi tiểu không kiểm soát được

Người bệnh nôn không kiểm soát được

Dụng cụ

Bảng ghi lượng nước xuất nhập hàng ngày

Bút

Vật chứa dịch tiết có phân chia thể tích

Bô tiểu

Găng sạch

Dụng cụ đo lường: bô, ca, cốc… có vạch chia mức mililit.

Các bước thực hiện

TT

Thực hiện

Lý  do

1

Giải thích để người bệnh và gia đình hiểu việc đo dịch vào, ra là cần thiết.

Người bệnh và người nhà chuẩn bị về mặt tâm lý và hợp tác tốt trong quá trình thực hiện đo dịch xuất, nhập.

2

Đo và ghi lại tất cả lượng dịch vào/thời gian đo:

Đo/tính đủ số lượng thức ăn lỏng (canh, xúp) trong mỗi bữa ăn.

Đo/tính đủ số lượng nước uống trong ngày

Đo/tính đủ số lượng thuốc, dịch truyền

Ghi đủ, chính xác lượng dịch vào

3

Đo và ghi lại tất cả lượng dịch ra/thời gian đo:

Số lượng nước tiểu/ngày hoặc theo ca làm việc

Số lượng chất nôn, phân

Số lượng dịch dẫn lưu: các loại dẫn lưu trên NB – Sự ra mồ hôi quá mức (sốt tăng 10C mất khoảng 100-300ml/ngày).

Đo/tính dịch qua hơi thở khi khó thở, thở máy

Đảm bảo đủ, chính xác lượng dịch ra

4

Cân người bệnh hàng ngày 

Ghi lại cân nặng trong thời gian theo dõi

Thừa nước hoặc thiếu nước đều làm thay đổi trọng lượng.

5

Hướng dẫn NB/GĐ cách đo dịch vào, ra.

Hướng dẫn chi tiết cách đo (thức ăn, uống, nôn, nước tiểu, phân,…) và sử dụng các phương tiện đo có vạch chia ml.

Một số trường hợp NB và GĐ có thể thực hiện đo theo hướng dẫn.

6

Nhận định các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng thiếu, thừa nước (nhịp tim? huyết áp? độ căng da? phù?…).

 

7

Nhận định một số xét nghiệm liên quan:

Tỷ trọng nước tiểu

Tỷ lệ thể tích huyết cầu

Một số xét nghiệm cho biết tình trạng mất nước.

8

Nhận định người bệnh đang dùng thuốc ảnh hưởng đến cân bằng dịch: thuốc lợi tiểu, steroid…

Liên quan tới nước ra nhiều hay ít hơn bình thường.

9

Báo cáo với BS nếu kết quả đo dịch vào/ra của NB bất thường.

Xử trí kịp thời

Bảng kiểm kỹ thuật theo dõi lượng dịch vào, ra 

TT

Nội dung

Mức độ

Đạt

Không đạt

Ghi chú

1

Nhận định người bệnh trước khi đo dịch vào, ra

 

 

 

2

Dụng cụ: dụng cụ có chia vạch ml, túi chứa …

 

 

 

3

Giải thích với người bệnh và gia đình

 

 

 

4

Đo và ghi lại tất cả lượng dịch vào/thời gian đo

 

 

 

5

Đo và ghi lại tất cả lượng dịch ra/thời gian đo

 

 

 

6

Cân người bệnh hàng ngày 

Ghi lại cân nặng trong thời gian theo dõi

 

 

 

7

Hướng dẫn người bệnh/gia đình cách đo dịch vào, ra

 

 

 

8

Nhận định các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng thiếu, thừa nước.

 

 

 

9

Nhận định một số xét nghiệm liên quan

 

 

 

10

Nhận định người bệnh đang dùng thuốc ảnh hưởng

 

 

 

11

Báo cáo với bác sĩ nếu kết quả bất thường

 

 

 

Bảng kiểm đánh giá năng lực thực hành theo dõi lượng dịch vào ra

TT

Năng lực

Mức độ đạt

Làm độc lập, không cần sự hỗ trợ    

(2)

Làm được, cần có sự hỗ trợ

(1)

Không làm hoặc làm sai

(0)

1

Nhận định được người bệnh cần phải theo dõi lượng dịch vào, ra. 

 

 

 

2

Thực hiện đúng quy trình kỹ thuật theo dõi dịch vào, ra. 

 

 

 

3

Hướng dẫn được người bệnh/gia đình người bệnh thực hiện theo dõi dịch vào ra theo đúng yêu cầu kỹ thuật.

 

 

 

Tài liệu tham khảo

Bộ Y tế (2010). Hướng dẫn thực hành 55 kỹ thuật điều dưỡng cơ bản, tập I. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, trang 332-337.

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (2014). Điều dưỡng cơ bản 2. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

www.benhvien103.vn