Nội dung

Bài giảng trẻ từ chối bú mẹ

Âu Nhựt Luân 1 © Bộ môn Phụ Sản, Khoa Y, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. 

1 Giảng viên, Bộ môn Phụ Sản Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. e-mail: aunhutluan@gmail.com  

Từ chối bú mẹ là nguyên nhân thường gặp của ngừng cho bú mẹ. Khi gặp trẻ từ chối bú mẹ cần giải quyết 2 vấn đề:

Xác định vì sao trẻ từ chối bú mẹ

Tìm cách giúp đỡ mẹ cho bú và làm trẻ bú mẹ trở lại.

Trẻ từ chối bú mẹ khi bị ốm, đau hay gặp khó khăn khi bú.

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ từ chối bú mẹ:

Trẻ bị ốm (bệnh)

Trẻ bị đau

Trẻ gặp khó khăn khi bú mẹ

Trẻ bị ốm

Thông thường trẻ ốm ít khi từ chối hoàn toàn bú mẹ. Trẻ ốm vẫn ngậm vú nhưng bú yếu hơn trước.

Đôi khi trẻ không ốm nặng, nhưng bị nghẹt mũi, không thể thực hiện động tác bú.

Trẻ có thể không bị ốm nhưng uể oải do thuốc mẹ dùng trong cuộc sanh hoặc thuốc mẹ dùng điều trị bệnh tâm thần.

Trẻ bị đau

Do vết thương ở đầu bị thâm tím do sức ép của ventouse và forceps. Trẻ khóc và chống lại khi mẹ cố gắng cho bú.

Miệng trẻ bị đau do tưa lưỡi (nhiễm nấm Candida). Trẻ bú vài lần rồi ngừng lại và khóc.

Trẻ gặp khó khăn trong khi bú mẹ

Trẻ có thể từ chối bú mẹ khi không nhận được nhiều sữa do ngậm bắt vú kém hoặc vú bị cương tức.

Khi trẻ được đặt vào vú sai, hay tư thế bú sai, mẹ sẽ vô tình ép mạnh đầu trẻ vào vú mẹ gây phản xạ

“chống lại” ở trẻ.

Hạn chế các bữa bú: chỉ cho bú vào những giờ nhất định chớ không phải theo nhu cầu trẻ. Trẻ từ chối bú do chưa có nhu cầu (chưa đói).

Sữa xuống quá nhanh do sự tạo sữa quá mức, trẻ từ chối do không kịp nuốt.

Các thay đổi làm trẻ thấy khó chịu

Ngoài ba nguyên nhân chính kể trên, nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến việc trẻ bú mẹ như:

Mẹ bị ốm hoặc nhiễm trùng vú.

Thay đổi mùi của sữa mẹ (mẹ dùng metronidazole, gia vị có mùi mạnh…)

Thay đổi mùi của mẹ (dùng loại xà phòng mới, nước hoa mới, thức ăn lạ)… Khi đó có thể trẻ không khóc mà chỉ đơn giản là từ chối bú mẹ.

Mục tiêu của xử trí là

Điều trị hoặc xử lý nguyên nhân nếu có thể

Giúp đỡ mẹ cho bú và làm trẻ bú mẹ trở lại

Trước tiên hãy đi tìm nguyên nhân và tìm cách giải quyết nó. Xử lý nguyên nhân khi đã xác định được.

Nếu trẻ bị ốm: 

Hãy tìm và điều trị thích hợp tình trạng của trẻ. 

Giúp mẹ hút sữa ra và thực hiện cho trẻ ăn qua ống cho đến khi trẻ có thể bú trở lại.

Trẻ nghẹt mũi: nhỏ mũi trẻ bằng dung dịch NaCl 0.9% và dùng dụng cụ hút mũi. Cho trẻ bú ngắn hạn và thường xuyên hơn trong vài ngày.

Nếu trẻ bị đau: 

Hướng dẫn mẹ cách bế trẻ mà không ấn vào vùng đau.

Nếu trẻ bị nấm lưỡi: điều trị bằng kem Nystatin bôi núm vú 4 lần mỗi ngày và nhũ tương Nystatin 100.000 IU/mL nhỏ vào miệng trẻ 1 mL x 4 lần/ngày.

Trẻ gặp khó khăn trong khi bú mẹ:

Hướng dẫn mẹ giúp trẻ ngậm vú tốt hơn. 

Mỗi bữa bú chỉ nên cho trẻ bú một bên vú (nếu như thế là đủ nhu cầu của trẻ) để tránh tạo sữa quá nhiều thay vì cố gắng cho trẻ bú cả 2 vú trong mỗi lần.

Cho trẻ bú theo nhu cầu chớ không theo giờ.

Xử lý các thay đổi làm trẻ thấy khó chịu: 

Nếu mẹ có mùi lạ làm trẻ khó chịu cần tìm nguyên nhân và cách khắc phục.

Tránh việc dùng các thức ăn hay thuốc có thể tạo mùi mạnh cho sữa mẹ.

Việc giúp đỡ mẹ cho bú và trẻ bú mẹ trở lại là rất khó và đòi hỏi sự kiên nhẫn. 

Vì thế, trong giai đoạn đầu của thời kỳ hậu sản, những việc sau đây là có ích:

Bà mẹ nên tự mình chăm sóc con, gần gũi con càng nhiều càng tốt.

Cho trẻ bú mẹ bất cứ khi nào trẻ muốn bú.

Tránh sử dụng bình bú, núm vú giả, đầu vú cao su..

Tài liệu đọc thêm

http://www.who.int/child-adolescenthealth/New_Publications/NUTRITION/Breastfeeding/Participants_Manual_Part4.pdf. World Health Organization, UNICEF, Breastfeeding counselling: a training course.